Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân (12-7-1946 – 12-7-2016):

Chuyện một điệp báo được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân

Chủ Nhật, 10/07/2016, 08:39
Kết nạp Đảng lúc 25 tuổi, Lâm Bình nhanh chóng trở thành một người điệp báo giỏi của Ty Công an Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, với sự kiên cường, dũng cảm, ông đã có hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất lũy thép Vĩnh Linh, Quảng Trị để xây dựng mạng lưới tình báo tại giới tuyến khu phi quân sự. Sau này ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Kỷ vật chiếc áo bông của Bác Hồ      

Một ngày đầu tháng 7, trong không khí lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng ANND (12-7-1946 – 12-7-2016) đã gần kề, chúng tôi tìm về căn nhà của vợ chồng ông Lâm Bình, người cựu điệp báo An ninh năm xưa đang sinh sống ở một góc phố nhỏ tại TP Huế. Đã ngoài 90 tuổi, râu tóc đã bạc trắng nhưng ông Bình vẫn hào sảng kể lại ký ức những năm tháng tham gia làm điệp báo để thu thập thông tin tình báo, giúp đỡ lực lượng cách mạng tác chiến chống giặc.

Lâm Bình quê gốc ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), gia đình có 5 chị em thì có đến 4 người tham gia hoạt động cách mạng. Là thanh niên trí thức và giỏi các thế võ côn, quyền nên tháng 8-1945, ông được bầu làm Chỉ huy đội tự vệ xã. Sau nhiều năm tháng hoạt động tại địa phương, tháng 12-1949, Lâm Bình gia nhập vào Ban Điệp báo Ty Công an Thừa Thiên và được phân công hoạt động ở nội thành Huế.

Trong những năm 1948 đến 1950, Ty Công an Thừa Thiên không chỉ chủ trương Ban Điệp báo nắm thông tin cơ sở, lên kế hoạch lấy phương tiện kỹ thuật của địch trang bị cho kháng chiến mà còn trừ khử những tên Việt gian đầu sỏ.

“Điển hình là ngày 14-1-1949, Ban Điệp báo cử hai Công an xung phong Nguyễn Xuân Thưởng và Lê Kỳ hoá trang đột nhập diệt tên Trần Đình Hạnh, Chánh Thanh tra Sở Liêm phóng Liên bang Trung Kỳ tại nhà riêng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Thưởng bị địch bao vây. Một mình với khẩu súng ngắn, anh đã chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh. Sau này anh Thưởng được truy tặng Anh hùng LLVTND”, lần giở lại những bức ảnh úa màu thời gian chụp chung với đồng đội, ông Bình rưng rưng nhớ lại.

Qua gần 2 năm thi đua giết giặc, năm 1950 Ban Điệp báo Ty Công an Thừa Thiên là đơn vị lập được nhiều chiến công xuất sắc nên được Liên khu ủy Liên khu IV trao tặng phần thưởng là chiếc áo bông của Bác Hồ. Cũng trong năm này, Lâm Bình vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trong thời gian làm điệp báo tại nội thành Huế, Lâm Bình và đồng đội xem kỷ vật chiếc áo bông của Bác như một phần thưởng cao quý để tiếp tục lập thêm nhiều chiến công vang dội để “diệt tề trừ gian” và được lịch sử Công an ghi nhận.

Anh hùng LLVTND Lâm Bình.

Cuộc chiến đấu “sống còn” bên vĩ tuyến 17

Với tài điệp báo giỏi và bản lĩnh hơn người, năm 1956, Lâm Bình được điều làm Đội trưởng Đội Tình báo Công an Vĩnh Linh. Thời gian này, cuộc chiến đấu giữa ta và địch được ngăn cách bởi dòng sông Bến Hải diễn ra rất ác liệt khi bên bờ Nam luôn có lực lượng cảnh sát đặc biệt của địch đứng chốt dày đặc nhằm ngăn chặn cán bộ cách mạng qua tiếp xúc với dân. Đặc biệt, địch còn dựng phòng tuyến hàng rào điện tử MCnamara dọc khu phi quân sự vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh nhằm phát hiện, ngăn chặn chi viện của quân ta từ phía Bắc vào.

Theo lời của cựu điệp báo Lâm Bình, thời điểm này, ban ngày ông hóa trang thành phóng viên ảnh trên cầu Hiền Lương để theo dõi, nắm tình hình những người từ bờ Nam sang. Ban đêm ông cùng đồng đội bơi qua sông Bến Hải để xây dựng mạng lưới cơ sở dọc giới tuyến khu phi quân sự phía Nam.

Để tránh bị kẻ địch phát hiện, ông nghĩ ra cách dùng bao nilon có màu nước mắm bọc hết quân trang, áo quần lại rồi cột chặt thành chiếc phao bơi. Riêng súng AK được gác trên phao để đối phó khi có tình huống bất ngờ. Sau khi nắm tình hình và giao nhiệm vụ cho cơ sở, ông lại bơi qua sông trở về...

Đến năm 1967, địch có chủ trương “bạch hóa” khu phi quân sự bằng cách lùa dân vào ấp chiến lược, bắn pháo, thả bom dữ dội vào khu vực Vĩnh Linh. Các cơ sở thường cho các chiến sĩ tình báo như Lâm Bình ở qua đêm để vượt sông đều bị trúng bom, nhà cửa tan hoang. “Bấy giờ, Vĩnh Linh phải hứng chịu hàng ngàn tấm bom B52. Đội chúng tôi đêm ngủ địa đạo, ngày ngồi trong hầm chữ A nhưng vẫn bị bom đánh rung lên bần bật. Trước sự tấn công điên cuồng của địch, cuộc sống bên bờ khu phi quân sự luôn ở thế một mất một còn. Trước tình hình đó, chủ trương chính quyền Vĩnh Linh là cho các em học sinh sơ tán ra Nghệ An, chỉ để lại bộ đội và cán bộ bám trụ chiến đấu” – ông Bình nhớ lại.

Với sự chỉ huy gan dạ, dũng cảm của đội trưởng Đội Tình báo Lâm Bình, trong một thời gian dài, 10 thành viên trong đội đã cài cắm, xây dựng mạng lưới thông tin, chuyển tài liệu từ xã miền núi Giang Phao về Võ Xá, Xuân Hòa, Cát Sơn và Đông Hà (Quảng Trị) nhưng vẫn không bị địch phát hiện. Tháng 10-1967, ông Bình được Cục Tình báo Bộ Công an điều vào công tác tại T65 đóng tại khu vực Trị Thiên.

Cuối năm 1968, ông lại được cử ra làm nhiệm vụ tại Cục Tình báo ở Hà Nội rồi về lại Vĩnh Linh. Sau khoảng thời gian 20 năm gắn bó với mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, ngày 14-4-1974, Bộ Công an quyết định cử Lâm Bình cùng nhiều đồng đội vào chi viện cho Thừa Thiên- Huế và sau đó ông được phân công làm Phó Ban Chỉ huy An ninh Bình Trị Thiên; Bí thư Đảng ủy Ban An ninh cho đến lúc nghỉ hưu...

Nhấp chén trà đắng, ông Bình xúc động nói, trong sự nghiệp làm điệp báo, ông không thể nào quên những lần ông và đồng đội bất chấp hy sinh để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với sự giúp đỡ tận tình của nhân dân. Ông chậm rãi kể: “Có lần lên chiến khu, thấy cảnh bác sĩ cưa chân bệnh nhân bằng cưa gỗ và mổ ruột bệnh nhân bằng dao cạo râu nên khi được phân công nhiệm vụ trộm bộ đồ mổ ở bệnh viện của bọn Pháp đóng tại Huế thì tôi đồng ý ngay”.

Sau vụ ấy, Lâm Bình còn thực hiện thêm một “phi vụ động trời” là lấy hệ thống máy phát thanh gồm 3 máy âmly, picốp, micrô (trọng lượng gần 1 tạ) vừa được gửi từ Pháp về Nha thông tin ngụy tại số 47 Trần Hưng Đạo, Huế để vận chuyển lên chiến khu phục vụ cho binh vận... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, năm 2015, cựu điệp báo Lâm Bình vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Đảng, Nhà nước trao tặng.

Giờ đây, khi đã về hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, gương mẫu đi đầu trong các công tác xã hội, từ thiện để giúp đỡ nhân dân.     

Anh Khoa
.
.