Chuyện hai anh em trai người tình báo chiến lược

Chủ Nhật, 18/04/2010, 20:02
Do tính chất công việc nên ông rất kín đáo, đã thế, ông lại khiêm tốn, rất ít nói về mình nên nhiều người chỉ biết ông Tư Hùng (Trần Sĩ Hùng) là một cán bộ Công an nghỉ hưu và là anh trai ông Mười Hương - Trần Quốc Hương, một nhà tình báo chiến lược, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Chuyện ông Tư Hùng tham gia cướp chính quyền năm 1945, chuyện ông là một trong số 17 cảm tử quân tham gia trận đánh Đại sứ quán Mỹ Tết Mậu Thân 1968, làm chấn động nước Mỹ và nhiều chiến công khác của ông rất ít người biết đến.

Tham gia kháng chiến chống Pháp

Ông Trần Sĩ Hùng (Trần Ngọc Bái) sinh ra và lớn lên ở quê hương có truyền thống cách mạng, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, vì thế ông sớm được giác ngộ cách mạng. 16 tuổi (1937) ông đã tham gia phong trào Bình dân và Việt Minh. Năm 1942, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh thị xã Phủ Lý.

Tháng 8/1945 đến năm 1946, ông là Trưởng ban Trinh sát Ty Liêm phóng Hà Nam, và sau là Trưởng ban Đặc vụ tỉnh ủy Hà Nam. Bằng sự thông minh, sắc sảo về nghiệp vụ, ông đã phát hiện ra âm mưu của bọn Đại Việt giả danh Mặt trận Việt Minh khởi nghĩa để tước vũ khí của lính Khố Xanh. Tương kế, tựu kế, ông khôn khéo dàn xếp và được bọn lính khố xanh đóng tại thị xã Phủ Lý hưởng ứng. Kết quả là ngày nổ ra cướp chính quyền ở thị xã Phủ Lý, toàn bộ lính Khố Xanh đồng loạt hưởng ứng theo lệnh của Việt Minh và giao nộp 200 khẩu súng cho lực lượng ta, vì thế cuộc chiến đấu đã không phải đổ một giọt máu.

Sau đó, ông chỉ huy đơn vị quét sạch hai khu trù mật của bọn Đại Việt ở Nga My (giáp Ninh Bình) và Sác Đanh. Từ đó, ông được mệnh danh là "Hổ xám" ở thị xã Phú Lý. Lúc bấy giờ, bọn địch đã treo giải thưởng một vạn đồng Đông Dương cho cái đầu của ông. Nhưng sau hai lần bị phục kích, ông đều mưu trí thoát khỏi nanh vuốt kẻ địch. Ngày 2/2/1946, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1947, ông được Đảng tin tưởng điều động lên chiến khu Việt Bắc phụ trách công tác dân vận an toàn khu của Chính phủ. Tại đây, ông được tiếp cận và gần gũi với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… nhưng hạnh phúc nhất vẫn là thời gian ông được phục vụ bên cạnh Bác Hồ. Những khoảnh khắc được sống bên cạnh Bác đã được ông Trần Sĩ Hùng khắc cốt, ghi tâm.

Ông nhớ mãi kỷ niệm lúc Hà Nam được đón Bác Hồ về thăm vào ngày đầu khởi nghĩa thành công. Vừa nghe tin Bác Hồ đến, ông và đội trinh sát lập tức lên xe đạp theo xe ôtô của Bác, làm nhiệm vụ bảo vệ và dẫn đường. Ông Hùng đã nhìn thấy Bác Hồ. Đến khi về chiến khu Việt Bắc, ông lại có thêm kỷ niệm về Bác. Đó là, một lần ông được tổ chức giao nhiệm vụ dẫn đường đưa Bác Hồ đi công tác, ban ngày ông chủ động đi kiểm tra địa hình địa vật đến 3 lần.

Tối đến khi dẫn Bác Hồ đi thì địa hình địa vật chìm trong màn đêm đặc quánh nên bị lạc lối. Lúc ấy, Bác Hồ ôn tồn căn dặn ông: "Bận sau tới chỗ lạ, mình lấy liên lạc địa phương đưa đi để không bị lạc đường". Lời căn dặn ấy ông thấm thía mãi và coi đó là bài học nhớ đời. Vì thế trong suốt thời gian phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong 9 năm kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc, ông không bao giờ lặp lại sai lầm như vậy nữa.  

Dũng cảm, kiên định trong lao tù

Với nhận xét ngắn gọn: bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, không sợ hy sinh gian khổ, tháng 5/1955, ông được Trung ương điều động từ Nha liên lạc Cục Tình báo miền Bắc để vào miền Nam công tác với chức danh mới: Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt, hoạt động trong vùng địch hậu thuộc Cục Tình báo, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi xoá hết "dấu tích" thành "dân thường", ông trà trộn vào đoàn người xuống tàu di cư từ Bắc vào Nam.

Thời điểm những năm 1958-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn, đã thực hiện luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam để xử tử những cán bộ cách mạng. Do một số tên chiêu hồi khai báo, nên tháng 12/1959, ông bị địch bắt tại Sài Gòn. Trong suốt 5 năm giam giữ, chúng đưa ông qua nhiều trại giam như Lê Văn Duyệt, Biệt phòng khét tiếng P42, Trại giam Tân Hiệp (Biên Hoà), Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn, nhà tù Phú Lợi… Chúng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ không được đã tra tấn dã man, bỏ đói, làm nhục… nhưng ông vẫn không hé răng khai nửa lời. Vì thế mà trong cùng thời gian bị giam ở biệt phòng số 2, em trai ông là Trần Quốc Hương, nhà tình báo chiến lược, chỉ huy một mạng lưới tình báo ở miền Nam, bị giam giữ chung một nhà giam, nhưng kẻ địch vẫn không hề biết.

Cũng tại biệt phòng số 2, ông và các đồng chí Hai Đông, Trưởng Ban An ninh tỉnh Cần Thơ thời kỳ chống Pháp, đồng chí Sáu Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ thành lập một chi bộ Đảng, đồng chí Hai Đông là Bí thư. Chi bộ đã nhiều lần đấu tranh chính trị với bọn ác ôn trong trại giam, đòi cải thiện chế độ lao tù. Tháng 9/1964, do không khai thác được gì, bọn địch buộc phải trả tự do cho cả 3 đồng chí cùng một số tù chính trị. Ra tù, ông Trần Sĩ Hùng lại tiếp tục móc nối với tổ chức và cơ sở cách mạng để tiếp tục hoạt động.

Ông Trần Sĩ Hùng trở lại thăm lán Nà Lừa, Tuyên Quang nơi ông có thời gian được phục vụ Bác Hồ.

Cùng đồng đội đánh Đại sứ quán Mỹ năm 1968

Trưa 30 Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Nguyễn Văn Trí (Hai Trí), Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy A.20 - Thường trực Sở chỉ huy tiền phương Biệt động thuộc Bộ chỉ huy phân khu 6 (đóng tại tiệm phở Bình đường Yên Đổ, nay là đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh), đến gặp ông Tư Hùng trao đổi kế hoạch đánh Đại sứ quán Mỹ. Lúc đó, thời gian rất gấp, xe chở người và chất nổ còn thiếu, người thông thạo địa hình để dẫn đường cũng chưa có. Biết ông Tư Hùng là người có thể đáp ứng được hai điều kiện trên, đồng chí Hai Trí đề nghị ông tham gia đội cảm tử quân. Với suy nghĩ Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu quan trọng, tấn công vào đây sẽ gây được tiếng vang lớn về mặt quân sự và chính trị của quân ta nên ông Tư Hùng nhận lời ngay.

Chiều tối mùng 1 Tết, ông Tư Hùng lái chiếc xe du lịch Douaphine màu trắng đến thẳng quán phở Bình để nắm kế hoạch tấn công. Đúng nửa đêm, sau khi lái xe chở đồng chí Ba Đen, Đội trưởng đội biệt động cùng 3 đồng chí khác đến nhà vợ chồng chị Phê trên đường Điện Biên Phủ để nhận bộc phá, rồi chạy thẳng về hướng Đại sứ quán Mỹ ở quận 1. Lúc này xe của ông dẫn đầu, đi sau là chiếc xe tải nhẹ do đồng chí Tư Thuận lái chở các đồng chí khác trong đội cảm tử. Hai chiếc xe chạy vòng quanh nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố chờ tới giờ G.

Đúng 3h sáng mùng 2, cả hai xe lao thẳng về hướng Thảo Cầm Viên rồi đỗ xịch ngay trước cổng Đại sứ quán Mỹ. Các chiến sĩ đặc công nhảy xuống ôm bộc phá áp vào tường gây nổ. Một tiếng nổ vang xé toang mảng tường bê tông, lập tức các chiến sĩ biệt động xông vào vừa đánh bộc phá vừa nã B40 vào trong toà đại sứ. Theo kế hoạch, ông Tư Hùng lái xe lao vào một đường nhỏ đối diện toà đại sứ rồi rời xe biến vào một căn nhà bỏ trống để nắm tình hình. Lúc này, tiếng nổ trong toà Đại sứ Mỹ vang lên giòn giã, chỉ 5 phút, đội biệt động đã chiếm toàn bộ 3 tầng trong toà nhà lớn, tiêu diệt gần 200 tên địch.

Sau đó, địch tập trung hoả lực phản công. Trên trời máy bay trực thăng của chúng bắn như vãi đạn và ném lựu đạn cay xuống toà nhà. Xung quanh toà nhà, xe tăng, xe bọc thép cùng lính Mỹ, lính Sài Gòn dày đặc. Vì thế, 16 chiến sĩ đặc công hy sinh. Lợi dụng lúc nhốn nháo, đồng chí Tư Hùng trốn thoát khỏi sự tầm nã của địch.

Năm 1969, do ảnh hưởng của những đòn tra tấn dã man của địch, ông Tư Hùng bị bệnh nặng, tổ chức đã đưa ông trở ra Bắc rồi đưa qua Trung Quốc, Hungary để chữa bệnh. Sau đó ông tiếp tục về nhận công tác ở Cục Bảo vệ chính trị 1-Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu.

Với ông, còn sức là còn cống hiến, vì thế khi đã về hưu, ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ngoài việc tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng an ninh trật tự ở địa phương, ông còn giao cho vợ - một cựu tù binh Côn Đảo, lo chăm sóc con cái để ông có thời gian ra Bắc, vào Nam vận động những doanh nghiệp trẻ tìm cơ hội góp phần xây dựng kinh tế cho địa phương.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Đồng chí Trần Sĩ Hùng là một cán bộ cách mạng lão thành, người Đảng viên trung kiên đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, người Công an gương mẫu, tận tụy phục vụ nhân dân".

Ông Trần Quốc Hương. Ảnh: Kim Quý.

Ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã tự hào về người anh trai của mình: "Gia đình tôi tự hào là có hai người con (ông Trần Sĩ Hùng và ông Trần Quốc Hương - PV) đã cống hiến một phần công sức cho Đảng, cho đất nước. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cả hai anh em tôi đều ở "GLA"- tên gọi tắt của Giao thông Liên lạc An toàn khu, ở Việt Bắc, chúng tôi được phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và gần Bác Hồ. Những năm ác liệt nhất, anh em tôi vào Sài Gòn nhưng mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người một nhiệm vụ. Có lần đang đi ở ngã 6 Sài Gòn, tôi nhìn thấy anh Tư Hùng, lúc này anh em rất muốn gặp nhau, nhưng chúng tôi lại rất giữ nguyên tắc hoạt động nên chỉ liếc mắt rồi mỗi người mỗi hướng. Đến khi cả tôi và anh Tư Hùng bị bắt tôi cũng biết, tôi biết cả tên chỉ điểm bắt anh Tư Hùng cũng tên Hùng và là một nhân viên tình báo của ta chiêu hồi. Khi anh Tư Hùng bị bắt, tôi biết mục đích của địch là dụ dỗ, tra tấn Tư Hùng để anh Tư Hùng khai ra tôi (người chỉ huy một mạng lưới tình báo chiến lược tại Sài Gòn - PV), nhưng anh Tư Hùng không khai báo. Chúng tra tấn tôi cũng hòng để khai thác về anh Tư Hùng, nhưng tôi cũng không khai báo nên chúng không biết gì về hai anh em tôi.

Anh Tư Hùng là người gan dạ, trung thực, tôi tự hào về anh tôi. Tuy nhiên, âm mưu của kẻ địch rất thâm độc, hòng ly gián giữa anh Tư Hùng với tổ chức, chúng tung hoả mù là Tư Hùng có đi lại với CIA, nên mất một thời gian để chứng minh, cộng với việc có thời gian anh Tư Hùng ở Quân đội, thời gian ở Công an nên thành tích của anh chưa được đánh giá hết. Giờ đây, Đảng và Nhà nước ta đã thấy hết công lao của anh Tư Hùng và truy tặng anh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là niềm tự hào của gia đình chúng tôi…".

Ông Trần Sĩ Hùng đã về cõi vĩnh hằng. Cuộc đời 88 năm của ông, ông đã hiến trọn cho sự nghiệp Cánh mạng, mà không hề đòi hỏi gì cho cá nhân mình. Ngày 1/3 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng ông Trần Sĩ Hùng, nguyên cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I - Bộ Công an danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân để ghi nhận công lao và những thành tích xuất sắc của ông.

Nguyễn Thanh Hải
.
.