Xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang):

Chung tay giúp nhiều người lầm lỗi tiến bộ

Thứ Tư, 05/11/2014, 15:38
Từng là một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, lúc cao điểm có hơn 40 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, tỷ lệ tái phạm cao nhưng 5 năm trở lại đây, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) đã có nhiều biện pháp, cách làm hay chung tay giúp nhiều người có quá khứ lầm lỗi tiến bộ…

Chúng tôi tìm đến Ấp 2, xã Vĩnh Xương trong một buổi chiều đầy nắng vàng để gặp chị Nguyễn Thu Thủy - người từng có quá khứ lầm lỗi nhưng giờ là một trong những tấm gương tiêu biểu đứng dậy từ vấp ngã, làm lại cuộc đời. Gần chục năm trước vì thiếu hiểu biết pháp luật chị đã phải trả giá cho 2 năm ở trong trại giam. Trở về địa phương, được cấp uỷ, chính quyền giúp đỡ, cùng với sự động viên của gia đình, chị đã quyết tâm xây dựng lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Được bảo lãnh vay vốn từ ngân hàng chính sách, chị đã mạnh dạn sản xuất kinh doanh; từ chăn nuôi heo, gà, đến làm dịch vụ. Trời không phụ công chị, những vất vả của vợ chồng chị cũng được đền đáp, kinh tế gia đình ổn định, đặc biệt 2 đứa con của chị hiện đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Nhiều năm liền gia đình chị Thủy được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, được tuyên dương trong ngày Hội “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, thầy cô giáo gương mẫu, con cháu chăm ngoan, học giỏi” do Hội khuyến học xã Vĩnh Xương tổ chức. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thuỷ chia sẻ: “Trong cuộc đời của mỗi người khó ai có thể tránh khỏi những lỗi lầm, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết nhận thấy sai lầm để sửa chữa, vượt qua. Đối với những người như tôi từng sa chân vào con đường tù tội thì khi mới trở về với cộng đồng sẽ gặp không ít khó khăn nên họ cần có cam đảm, ý chí để vươn lên làm lại cuộc đời”.

Ông Lê Trung Quyển, Phó Trưởng Công an xã Vĩnh Xương cho biết, thực tế cho thấy số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, hầu hết là những thanh thiếu niên không có nghề nghiệp ổn định, trình độ học vấn thấp, ý thức chấp hành pháp luật kém nên dễ tái phạm. “Điều quan trọng là không được kỳ thị những người chấp hành án trở về, phải động viên, tìm công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ lao động, sản xuất” – ông Quyển đúc kết đáp số cho “bài toán” khó này.

Công an xã Vĩnh Xương gặp gỡ động viên các thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Để giúp người có quá khứ lầm lỗi, Đảng uỷ, UBND xã đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác này, giao cho các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ từng trường hợp với những việc làm cụ thể, thiết thực. Anh Lâm Văn Chạy, ngụ tại địa phương cũng từng “dính” bản án 18 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Trở về địa phương, anh đã ngỡ cánh cửa tương lai đã khép lại nhưng được cấp ủy, chính quyền động viên, cán bộ Công an và cựu chiến binh xã động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh đi học nghề, được vay vốn làm ăn. Anh Chạy đã đứng lên từ vấp ngã. Trò chuyện với chúng tôi, anh Chạy xúc động: “Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì em không đủ tự tin để làm lại cuộc đời”.

Công an thị xã Tân Châu đã kết hợp với các ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án tù; biểu dương những tấm gương có quá khứ vi phạm pháp luật tích cực rèn luyện, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, hăng hái tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân và người có quá khứ phạm tội nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng - chống tội phạm, giữ bình yên xóm làng. Công an thị xã Tân Châu cũng triển khai nhiều mô hình, câu lạc bộ tự quản về an ninh trật tự ở xã Vĩnh Xương. Đặc biệt các mô hình này đã động viên những người hoàn lương tham gia, điển hình như: Câu lạc bộ "Xe Hon đa phòng chống tội phạm", Câu lạc bộ “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”, Tổ “Địa chỉ tin cậy”, Tổ Phụ nữ giữ gìn an ninh biên giới, Đội thanh  niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”… Ba lực lượng Công an – Xã đội – Biên phòng cũng liên tục phối hợp mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tập trung xử lý nghiêm các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập ăn nhậu gây rối đánh nhau, chạy xe lạng lách, rú ga vào ban đêm…, theo dõi, quản lý, thường xuyên gọi hỏi răn đe, giáo dục các đối tượng có dấu hiệu hoặc vi phạm các quy định của pháp luật…

Xã Vĩnh Xương là một điển hình trong việc thực hiện Nghị định 80/2011 của Chính phủ, quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù của thị xã Tân Châu nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Xương có 95% đối tượng chấp hành án tha trở về địa phương đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; tỷ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn xã giảm trung bình từ 10 – 15%/năm. 70% người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã khi trở về đã có việc làm, đi tìm việc làm và tham gia học nghề. Được sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể và gia đình, họ đã vượt qua tự ti số phận, tự tin làm lại cuộc đời…

Mai Phô - Ngọc Oanh
.
.