Chiến công thầm lặng của Lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát:

Chiếc ‘chìa khóa’ giải mã những vụ án hóc búa

Thứ Tư, 20/05/2015, 06:14
Trong công tác điều tra khám phá án, công tác hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát giữ một vai trò cực kì quan trọng. Kết luận của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát góp phần phục vụ công tác điều tra, truy xét đối tượng; là một bằng chứng pháp lý để các cơ quan thực thi pháp luật truy tố, xét xử, phán quyết có tội hoặc không có tội. Ngoài ra, từ thông tin của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, không ít người đã được giải thoát khỏi những oan khiên, đồng thời nhiều gia đình tìm lại được thân nhân (hoặc di ảnh thân nhân) của mình…

Hồi kết của một vụ án bế tắc 22 năm

Tháng 3/2010, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát nhận được yêu cầu truy tìm tung tích 1 người tự sát tại Hạt Kiểm lâm Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Người này bị bắt về hành vi khai thác gỗ trái phép, không có giấy tờ tùy thân, khai tên là Đặng Phú Kinh (49 tuổi, tạm trú tại Tân Thành, Krông Nô). Công an tỉnh Đắk Nông đã đối chiếu hơn 30 ngàn chỉ bản vân tay tại địa phương, xác minh các địa bàn liên quan, thông báo truy tìm tung tích nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều ngày nhưng không xác định được lai lịch nạn nhân.

Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát kiểm tra hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tội phạm.

Đáp ứng yêu cầu tra cứu của Công an tỉnh Đắk Nông, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã rà soát, đối chiếu hàng triệu mẫu vân tay. Sau nhiều ngày kì công, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đã xác định nạn nhân là Nguyễn Đình Mưu (tức Míu,53 tuổi; đăng ký thường trú tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng).

Mưu là thủ phạm của 2 vụ án cướp súng, giết người; vẫn đang bị truy nã. Trong vụ thứ nhất, ngày 7/8/1987, Mưu sát hại anh Vũ Văn Trường (trú tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng). Vụ thứ 2 là ngày 31/8/1987, Mưu cướp súng, giết 2 quân nhân giữ kho (Triệu Văn Phúc và Nông Văn Hùng) của Huyện đội Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), sau đó bỏ trốn.

Cơ quan điều tra Quân khu I Bộ Quốc phòng, Công an tỉnh Cao Bằng và Cục Cảnh sát hình sự đã ra lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc từ tháng 3/1988 nhưng vẫn không thể bắt được hung thủ. Hai vụ án trên, Quân khu I và Công an tỉnh Cao Bằng đã tốn rất nhiều thời gian, lực lượng, kinh phí và phải chịu nhiều dư luận xã hội… nhưng không tìm ra thủ phạm. Với những thông tin do Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát cung cấp đã giúp Công an tỉnh Đắk Nông có hướng giải quyết chính xác sự việc và cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Công an tỉnh Cao Bằng kết thúc hồ sơ vụ án đã câu dầm, bế tắc hơn 22 năm.

Cần mẫn bên những trang hồ sơ để truy tìm thông tin tội phạm.

Hơn 2 năm trước, vụ trộm xảy ra tháng 4/2013 đã khiến các điều tra viên Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) như ngồi trên đồng lửa. Vụ trộm xảy ra tại nhà ông Đinh Xuân Độ (phường Đồng Phú, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), khiến dư luận xôn xao. Như có phép thần thông, bọn trộm đã mở được cửa căn nhà kiên cố và cả chiếc két sắt nặng hàng tạ, lấy trộm 42 cây vàng và 31 triệu đồng tiền mặt, tổng trị giá khoảng 1,7 tỉ đồng.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT Công an TP Đồng Hới thu được một số mẫu dấu vân tay và gửi về Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Qua tra cứu Hệ thống nhận dạng vân tay tự động (VAFIS) và hồ sơ tàng thư nghiệp vụ do Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát quản lí, chân dung tên trộm được làm rõ. Hắn là Phạm Văn Tuân (28 tuổi, trú tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), năm 2000 từng bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị bắt giữ vì hành vi xuất cảnh trái phép.

Bị đưa về cơ quan Công an, biết không thể trí trá được, Tuân khai nhận: Hắn có tham gia vào vụ trộm nhưng kẻ chủ mưu là Đinh Quốc Giáp (30 tuổi, trú tại huyện Bố Trạch). Giáp có quan hệ yêu đương với chị Đinh Thị Thu Phương (con gái ông Độ). Vốn là kẻ hư hỏng, biết nhà bạn gái thuộc diện có của, hắn đã bí mật lấy trộm chìa khoá của chị Phương, đưa cho Phạm Minh Sơn (anh rể của Giáp) đánh thêm một bộ.

Ngày 6/4, biết cả nhà ông Độ đi vắng, Giáp rủ chị Phương đi chơi, để Sơn và Tuân dùng bộ chìa khoá đã đánh ngang nhiên vào nhà mở két sắt lấy vàng, tiền của gia đình người yêu. 

Chân tướng “cựu chiến binh” có… hàng chục tiền án, tiền sự

Mới đây nhất, trung tuần tháng 4/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp Phạm Văn Quý (tức Phạm Ngọc Quý, nguyên quán Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình; thường trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Kết quả bắt, khám xét đã thu giữ được nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi giả mạo hồ sơ, khai man lý lịch để được hưởng các chế độ, chính sách đối với người có công, người bị nhiễm chất độc da cam như: quần, áo, mũ kê pi, quân phục QĐND Việt Nam; các thẻ hội viên, giấy chứng nhận; các Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; các Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, hạng nhì, nhiều ảnh chụp với lãnh đạo có mặt Phạm Văn Quý mặc quân phục QĐND Việt Nam, trên ngực có đeo nhiều huân huy chương.

Trước đó, nhận được yêu cầu của các cơ quan chức năng, qua tra cứu khai thác hệ thống hồ sơ, tàng thư, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát kết luận, Phạm Văn Quý là đối tượng hình sự, từ năm 1959 đến năm 1983, đã có 11 tiền án, tiền sự… Lần đi tù sau cùng của Quý là từ 1973 - 1983 tại Trại giam Phú Sơn 4, án phạt 10 năm tù về tội giả mạo thương binh để lừa đảo.

Chân dung Phạm Văn Quý, kẻ mạo danh cựu chiến binh để lừa đảo.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Quý khai nhận: Y sinh năm 1942 tại thôn Cổ Khúc, xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình (nay là thôn Khúc Tây, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Quý bịa ra một lý lịch hoàn hảo, từ lúc nhập ngũ năm 1959 đến khi ra quân năm 1983. Đến khi nhiều tuổi Quý tìm cách xin vào các Hội cựu chiến binh để sinh hoạt như những người cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu thực sự.

Năm 2011, Quý bắt đầu làm giả hồ sơ, hoàn chỉnh các thủ tục để được hưởng các chế độ ưu đãi với người có công… Tính đến ngày bị bắt, số tiền Quý đã được nhận từ việc giả mạo lý lịch, làm giả tài liệu là hơn 170 triệu đồng.

An Khang – Gia Bách
.
.