Hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu:

Chân thực, phong phú và đa sắc màu

Chủ Nhật, 07/02/2016, 17:51
Đi từ hiện thực phong phú của đời sống, hình ảnh người chiến sĩ Công an trong Liên hoan sân khấu (LHSK) hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ III -2015 được phản ánh thật đa dạng, sinh động và đậm nét, làm nên sức hấp dẫn riêng, để Liên hoan lần này có số lượng khán giả đông nhất trong 3 lần Liên hoan diễn ra.

Thu hút nhiều đoàn kịch, nhà hát chuyên nghiệp trên cả nước với 27 vở diễn, con số ngang với LHSK chuyên nghiệp toàn quốc, đã đủ nói lên quy mô toàn quốc và tầm cỡ quốc gia của LHSK về đề tài người chiến sĩ Công an 2015, cũng như sự cuốn hút của đề tài này với các tác giả và nghệ sĩ sân khấu. 

Cảnh trong vở “Cũng là tình yêu”.

Đặc biệt, hầu hết các thể loại sân khấu Việt Nam, từ kịch nói, chèo, kịch hát dân ca, đến kịch hình thể và cả nghệ thuật tranh cát, đã có mặt tại LHSK, bởi thế, hình tượng người chiến sĩ Công an đã xây dựng ở nhiều lĩnh vực, tái hiện một cách chân thật, phong phú, đa chiều và đa sắc màu cuộc sống và chiến đấu, tạo nên sức cuốn hút và hiệu quả thẩm mĩ với công chúng.

GS. Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo LHSK hình tượng người chiến sĩ CAND 2015, chia sẻ: “Không chỉ mở rộng đề tài, điểm nhấn ở Liên hoan này còn là sự mở rộng trong xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND trên sân khấu. 

Cảnh trong vở “Không phải là vụ án”.

Dường như không có vở diễn nào chỉ đơn thuần diễn tả hình tượng người chiến sĩ Công an trong công việc, mà được thể hiện trong văn hóa ứng xử của người chiến sĩ CAND. Việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hai phương diện đã khiến cho người chiến sĩ Công an trở nên gần gũi hơn mà cũng cao đẹp hơn, bình dị hơn mà cũng anh hùng hơn.”

Trước đây, nói về hình tượng người chiến sĩ Công an, các vở diễn thường “đóng đinh” với các vụ án, các chiến công, nhưng ở LHSK lần này, các tác giả đã có cái nhìn ở nhiều chiều kích: không chỉ là lực lượng hình sự, tình báo, mà có cả Cảnh sát trại giam, Công an khu vực; không chỉ là chiến thắng mà có đủ cả được - mất, thắng - thua, có những người tích cực và có cả những kẻ tiêu cực, cơ hội trong lực lượng Công an, như trong đời sống vốn có. Chính vì thế, những vở diễn, những vai diễn gần gũi hơn và giàu tính thuyết phục hơn.

Cảnh trong vở “Thành hoàng làng”.
Cảnh trong vở “Trong mưa dông thấy nắng”.

Ở Liên hoan lần này có khá nhiều vở diễn phản ánh khá đậm nét cuộc sống và công việc của người chiến sĩ trại giam với đặc thù phải sống ở nơi xa xôi, cách trở, thậm chí giữa rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ bề, môi trường làm việc muôn phần khó khăn, hàng ngày lại phải sinh hoạt chung với đủ loại tù nhân, không ít kẻ vốn là những côn đồ, đầu gấu ngoài xã hội. 

Có lẽ, những nơi người chiến sĩ Công an phải chịu đựng nhiều gian khổ lại chính là mảnh đất màu mỡ cho các tác giả khai thác, để các vở diễn đều mang đến những câu chuyện hấp dẫn và giàu tính nhân văn: "Không phải là vụ án" (Đoàn kịch CAND), "Trong mưa dông thấy nắng" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Những mảnh đời run rẩy" (Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa), "Nguồn sáng từ phía chân trời" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), vv… 

Trong những thời khắc khó khăn nhất, những hoàn cảnh khắc nghiệt mang tính điển hình đó, phẩm cách của những người quản giáo đã hiện diện thật chân thật và rất đời: Người nữ quản giáo dồn hết trí tuệ và sức lực, thời gian và suy nghĩ cho việc cải tạo phạm nhân thành những người có ích, để rồi một lần trở về nhà, chị phải đau lòng khi bắt gặp chồng đưa bồ về nhà. 

Nhưng, thay vì ghen tuông lồng lộn như nhiều phụ nữ thường tình, chị đã lặng lẽ bỏ đi, chỉ trút giận vào phát súng bắn vỡ tan mấy tấm kính. Hay một chiến sĩ quản giáo bị người yêu phụ bạc, lấy một tên trùm buôn bán hàng cấm, để rồi, khi vào tù, gặp “tình địch”, kẻ đã cướp người anh yêu đã vô cùng hoảng sợ bị trả thù... 

Nhưng sự cao thượng của anh khi thực lòng giúp hắn cải tạo, dạy nghề cho hắn và tạo điều kiện để người vợ hắn lên trại giam thăm hắn, đã khiến hắn phải nể trọng. Thái độ ứng xử văn hóa, đầy tình người của những chiến sĩ Công an trong các vở diễn đã thuyết phục người xem, để khán giả không chỉ thông cảm mà còn thiện cảm nhiều hơn với cuộc sống và công việc của lực lượng Công an.

Trong các vụ án quan trọng, các chiến sĩ Công an phải vào sinh ra tử, nhưng luôn thể hiện được bản lĩnh, trí thông minh và kiên cường đấu tranh với những âm mưu và tội ác của bọn tội phạm nguy hiểm, là những kẻ sát nhân, trùm buôn lậu, buôn bán ma túy, ăn cắp tài sản quốc gia vv… Cuộc chiến cam go và đầy hy sinh thầm lặng ấy được thể hiện khá đầy đủ trong các vở diễn để bật lên thông điệp rõ ràng: Mỗi sự hy sinh ấy chỉ càng thắp sáng niềm tin vào con đường đấu tranh với tội phạm mà lực lượng Công an luôn là đội ngũ tiên phong.

Phẩm chất cao đẹp, trí tuệ của người chiến sĩ CAND còn được thể hiện trong từng hành động âm thầm đến bí mật, cứng rắn đến quyết liệt, trong tâm trạng băn khoăn đến dằn vặt nhưng vẫn đi đến quyết định cuối cùng phải đối mặt với âm mưu và tội ác của chính những người ruột thịt, máu mủ, những bạn bè, chiến hữu, thậm chí cả những ân nhân cùng chiến tuyến xưa, vì lẽ phải, công bằng và cái thiện.

Trong các cuộc đấu tranh đầy cam go với tội phạm, không ít chiến sĩ Công an đã dũng cảm dấn thân bằng cả trí thông minh và sức lực để ngăn chặn tội ác và đã có nhiều đồng chí dũng cảm hy sinh rất đáng tự hào. Người sĩ quan Công an dũng cảm còng tay mình vào va ly thuốc nổ, chấp nhận ra đi để cứu đứa con hư hỏng bị sa vào tay kẻ ác, cũng để cứu đồng đội khỏi hy sinh. Trong khi truy quét tội phạm, một chiến sĩ Công an khác cũng đã để lại cả tuổi xanh cho đất nước. 

Người quản giáo luôn hết lòng giáo dục tù nhân bằng điều thiện, và khi lũ quét đột ngột tràn về, đã dũng cảm lao mình vào dòng nước xoáy để cứu mọi người, cứu cả tên tù nhân từng cướp người yêu của mình để rồi anh dũng hy sinh. Trong khi chỉ huy đồng đội vây bắt tội phạm, một nữ Công an đã ngã xuống...  Những sự hy sinh cao đẹp ấy giữa thời bình của các chiến sĩ Công an đã làm nên chiều sâu của hình tượng nhân vật, khiến người xem phải đau đáu suy nghĩ về thực trạng xã hội hôm nay, khi mà cái xấu, cái ác đang được bình thường hóa trong cuộc sống …

GS. Tất Thắng cho rằng “sự kết hợp giữa tính anh hùng và tính đời thường trong một hình tượng người chiến sĩ Công an ở nhiều vở diễn đã làm nên tính chất phong phú và phức tạp đa dạng hình và nhiều màu sắc khác nhau, đôi khi tinh tế của trạng thái tâm hồn nhân vật.

Hình tượng người CAND trong LHSK lần này đã ghi được một dấu son, khi được khắc họa trong thể chất nhân bản và diện mạo nhân đạo. Vậy nên rất đời thường, nhưng lại vô cùng cao đẹp, khiến người xem thấy gần gũi hơn, chân thực và cảm phục hơn…

Dạ Miên
.
.