Cha - con trên một chiến tuyến

Chủ Nhật, 15/08/2010, 16:16
Đại tá Tống Xuân Nhuận, nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa, nguyên quyền Trưởng ty An ninh Thừa Thiên - Huế được nhân dân và đồng đội trân trọng bởi ông là người kiên trung, luôn hết mình với công việc, có nhiều cống hiến xuất sắc vào công tác đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự của đất nước. Dù luôn công tác xa nhà, không có điều kiện chăm sóc con cái nhưng Đại tá Tống Xuân Nhuận luôn hướng cho các con mình công tác trong ngành Công an.

Ông có ba người con trai, hai con dâu và 4 cháu công tác trong ngành Công an, trong đó Đại tá Tống Xuân Giáp, hiện giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thượng tá Tống Xuân Ba, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa…

Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống các đối tượng phản động, có những vụ án, ông là người chỉ đạo, trực tiếp đấu tranh với đối tượng. Thật bất ngờ, ít năm sau, con trai ông, Đại tá Tống Xuân Giáp lại cũng là người đấu tranh với con trai của chính đối tượng đó. Hai cha con trên một chiến tuyến, bởi họ đều hiểu rằng, cuộc đấu tranh gìn giữ sự bình yên cho quê hương sẽ còn tiếp diễn. Máu có thể đổ nhưng ý chí quyết tâm sẽ không phai mờ, bởi nó đã được hun đúc từ thế hệ cha truyền sang các con và các cháu chắt sau này. Điều đó thật đáng quý biết bao.

Nhìn ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ ở cuối đường Hoàng Văn Thụ, TP Thanh Hóa không ai nghĩ đây là nhà của gia đình Đại tá Tống Xuân Nhuận - nguyên Giám đốc Công an 2 tỉnh: Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế sống đến ngày cuối đời. Lúc biết mình sắp về với tổ tiên, ông đã gọi các con đến "chia tài sản". Thực sự nói "chia tài sản" cho to tát chứ những thứ ông bà để lại chỉ có thể làm kỷ niệm, hầu như không có giá trị về kinh tế. Dù vậy, để làm được việc này, có lẽ ông bà phải tính toán kỹ lắm.

Theo đó, anh cả Tống Xuân Thân - người ở với bố mẹ được bộ sa lông cũ kỹ đã bị mối xông, con thứ hai Tống Xuân Giáp được chiếc tủ cá nhân là tài sản ông mua thanh lý của cơ quan khi về hưu. Cứ như thế, ông chia cho các con, người được chiếc giường, người được chiếc bàn… công bằng, hợp lẽ. Những thứ ấy, dù hầu như không còn giá trị về vật chất, nhưng các con ông ai cũng nâng niu, bởi đó là tài sản mà cả đời bố hoạt động cách mạng mới có được.

Sinh ra từ vùng quê nghèo ở xã Trường Trung, huyện Nông Cống, Thanh Hóa vào lúc đất nước đang bị quân thù giày xéo, nhân dân đói khổ nên từ nhỏ, Đại tá Tống Xuân Nhuận đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở địa phương. Là người yêu nước, thông minh, quyết đoán, có bản lĩnh chính trị, chỉ sau 2 năm tham gia cách mạng, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Hơn 50 năm cống hiến, ông từng trải qua nhiều vị trí quan trọng của ngành Công an từ Trưởng Công an huyện Hà Trung, Thanh Hóa; Trưởng ban Trị an; Trưởng ban Bảo vệ Chính trị, Phó ty Công an Thanh Hóa. Năm 1968, ông xung phong tham gia chiến trường miền Nam, với cương vị là Phó ty An ninh, quyền Trưởng ty An ninh Thừa Thiên - Huế, Phó ty An ninh Bình Trị Thiên (sáp nhập). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được trở về quê hương tiếp tục giữ chức vụ Phó Trưởng ty, từ năm 1979-1988 làm Trưởng ty (sau này là Giám đốc Công an tỉnh).

Gia đình Đại tá Tống Xuân Nhuận.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho ngành Công an, tên tuổi Đại tá Tống Xuân Nhuận gắn với nhiều sự kiện, vụ án lớn như việc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động của địch cưỡng ép giáo dân di cư vào miền Nam, vụ bạo loạn ở Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Thời điểm đó, ông Nhuận đã cùng đồng đội trực tiếp về cơ sở tuyên truyền giải thích chính sách của Đảng, Chính phủ, vạch rõ âm mưu thâm độc của địch để đồng bào ta ở lại xây dựng quê hương. Biết ông là người chỉ huy, bọn địch và một số tay sai đã truy lùng ông gắt gao. Rất may, ông đã được quần chúng tốt che giấu, giúp đỡ.

Nhờ đó, Công an Thanh Hóa đã góp phần ngăn chặn hàng trăm giáo dân không mắc âm mưu của địch, phối hợp với tỉnh Ninh Bình, vận động hơn 4.000 giáo dân tập trung ở Phát Diệm trở về; phối hợp với quân đội truy bắt 400 tên phản động, côn đồ, thu nhiều vũ khí, giải phóng hơn 1.000 giáo dân và một số cán bộ ta bị chúng giam giữ. Việc phá các vụ án lớn như vụ xưng vua của Nhé Gia ở Pù Nhi, Quan Hóa, vụ Hà Công Thương làm gián điệp của nước ngoài… cũng đều có công của Đại tá Nhuận.

Đặc biệt, một vụ án nổi tiếng do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo Công an Thanh Hóa phá thành công đó là tổ chức phản động do Lường Mạnh Huân cầm đầu. Vào thời điểm cuối năm 1961, lúc đó Đại tá Tống Xuân Nhuận đang giữ chức vụ Phó Trưởng ty. Qua nắm thông tin, Công an Thanh Hóa phát hiện trên địa bàn huyện Thường Xuân có một nhóm người lén lút hoạt động phản cách mạng. Ty Công an Thanh Hóa đã báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Công an, xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời quyết định thành lập chuyên án do đồng chí Lưu Đô, Trưởng ty làm Trưởng ban.

Dù giữ chức vụ lãnh đạo nhưng Đại tá Tống Xuân Nhuận vẫn cùng anh em trực tiếp đóng vai trinh sát, đến tận bản doanh của Lường Mạnh Huân, dùng nghiệp vụ câu nhử Lường Mạnh Huân ra khỏi hang ổ, mật phục bắt gọn hắn cùng đồng bọn, thu tang vật gồm 2 lạng vàng, tiền, bạc hoa xòe, 2 con dấu và nhiều tài liệu phản động như cương lĩnh, điều lệ, tài liệu, kế hoạch xây dựng "khu an toàn"…

Ít năm sau, Công an Thanh Hóa phát hiện Lường Quang Hòa (con trai của Lường Mạnh Huân) tiếp tục có biểu hiện lôi kéo quần chúng "làm lại cách mạng ở Việt Nam", sau đó Hòa trốn sang nước ngoài để xin viện trợ, đồng thời cung cấp nhiều tin tức tình báo quan trọng. Năm 1984, Hòa từ nước ngoài về Việt Nam và bị Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn bắt giữ giao cho Công an Thanh Hóa đấu tranh, khai thác. Tổ chức phản động của Hòa có hàng chục tên cầm đầu nguy hiểm, đã lôi kéo được hơn 300 người ở 14 huyện trong tỉnh tham gia.

Lúc đó, Đại tá Tống Xuân Giáp là sinh viên Đại học ANND (nay là Học viện ANND) vừa ra trường, được giao nhiệm vụ trinh sát. Để làm được việc này, hàng chục đêm, anh cùng đội phải mai phục ở ngoài ruộng lúa, ruộng khoai để bí mật theo dõi hoạt động của các đối tượng... Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Thanh Hóa đã đập tan tổ chức phản động của Lường Quang Hòa, bắt giữ 17 tên cầm đầu, cốt cán, tạo uy tín cao trong nhân dân.

Năm 1967, dù đang giữ chức vụ Phó Trưởng ty Công an Thanh Hóa nhưng thấy đất nước chia cắt, Đại tá Tống Xuân Nhuận đã xung phong chiến đấu ở chiến trường miền Nam và được Bộ Công an chi viện vào chiến trường Trị Thiên - Huế. Tại đây, Đại tá Tống Xuân Nhuận được giao chức vụ Phó ban trực tiếp chỉ đạo địa bàn Hương Trà - một trong hai căn cứ cách mạng quan trọng của chiến trường Trị Thiên - Huế lúc bấy giờ.

Mặc dù mới vào, Hương Trà lại là một địa bàn vô cùng nguy hiểm, địch thường xuyên sục sạo, phản kích hòng tìm diệt các lực lượng chủ lực và các cơ quan đầu não của ta, nhưng với tinh thần, ý chí, tư chất của một người cán bộ lãnh đạo Công an xuất sắc, đồng chí Tống Xuân Nhuận đã tích cực chỉ đạo công tác an ninh tại Hương Trà, bám dân, bám địa bàn, chỉ đạo cơ sở nắm sát tình hình các cơ quan của địch, bảo vệ an toàn lực lượng và các cơ quan đầu não của ta tại căn cứ Hương Trà. Trận chiến đấu tiêu diệt gần 50 tên địch tại căn cứ Khe Vàng vào tháng 9/1968 của lực lượng An ninh là một chiến thắng điển hình trong đó có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tống Xuân Nhuận. Chiến thắng đó đã góp phần đánh bại các hoạt động lùng sục của địch ở vùng căn cứ Hương Trà, bảo vệ an toàn lực lượng an ninh và các cơ quan đầu não cách mạng của ta.

Sau giải phóng, trở về từ chiến trường, Đại tá Tống Xuân Nhuận tiếp tục nhận nhiệm vụ ở Công an Thanh Hóa. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao sự gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, thương yêu anh em, đồng đội, đầu tàu gương mẫu đưa Công an Thanh Hóa vượt khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cũng chính vì đặc thù công tác nên Đại tá Tống Xuân Nhuận thường xuyên xa nhà. Mọi công việc từ ruộng nương, đồng áng đến nuôi dạy con cái đều do người vợ đảm đang, chung thủy của ông - bà Cao Thị Hải đảm nhận. Kể cả khi ông đã giữ chức vụ Phó Trưởng ty Công an nhưng bà và các con vẫn ở quê, làm hậu phương vững chắc để ông yên tâm công tác.

Thượng tá Tống Xuân Ba nhớ lại: "Mỗi khi bố về, nhà tôi như có hội, bởi hàng xóm đến rất đông để nghe đài, nghe ông nói chuyện. Sau khi mọi người về hết, ông mới gọi các con lại dặn dò. Ông thường bảo, kiến thức và lao động mới làm con người ta lớn lên được, nếu các con không học, không lao động thì sẽ không bao giờ trưởng thành”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, Đại tá Tống Xuân Nhuận được ưu tiên phân một mảnh đất ở cuối đường Hoàng Văn Thụ, TP Thanh Hóa. Gần cả đời cống hiến, bấy giờ ông mới được gần vợ con. Dù giữ cương vị lãnh đạo nhưng ông luôn tâm niệm rằng, các con ông phải trưởng thành từ người lính, phải hiểu hết những khó khăn, gian khổ. Có lẽ cũng nhờ sự nghiêm khắc đó mà các con ông ai cũng trưởng thành…

Đến nay, đã hơn 20 năm rời cương vị lãnh đạo, nhiều năm về theo tiên tổ nhưng Đại tá Tống Xuân Nhuận vẫn được anh em, đồng đội nhắc đến với sự kính nể, yêu mến. Có lẽ, điều đó mới thực sự là hạnh phúc. Bởi trong suốt cuộc đời, ông luôn là người nghiêm khắc với chính bản thân mình nhưng rất yêu mến, trân trọng anh em, đồng đội. Bởi ông luôn nghĩ rằng, tình người cao hơn mọi giá trị ở trên đời.

Trung tá Phùng Thị Cúc.

Chị Phùng Thị Cúc, con dâu trưởng của Đại tá Tống Xuân Nhuận, nguyên cán bộ Trạm xá Công an tỉnh Thanh Hóa xúc động kể: Nhà có mỗi chiếc xe đạp, bố tôi dành cho tôi, còn ông đi bộ. Xe hỏng, bố lại kỳ cạch sửa. Thậm chí, các em mượn xe tôi, ông không cho. Ông thương yêu tôi như con gái, mọi việc đều chỉ bảo ân cần. Ở khu phố, bất cứ ai ốm đau, ông đều bảo tôi đến khám, tiêm cho họ không lấy tiền. Ông bảo, mình giúp người này khắc có người khác giúp mình. Có những người tính dở ương, tôi đến tiêm giúp họ còn mắng, nhưng bố tôi vẫn động viên "những người như thế, mình không giúp họ thì ai giúp, con không nên tự ái làm gì". Bố tôi sống liêm khiết, đạm bạc, mỗi tháng được thịt tiêu chuẩn, ông để dành đến khi có giỗ, các con về đông đủ mới bảo tôi đi lấy để làm cơm. Cả đời làm cán bộ, hầu như ông không có tài sản gì quý giá. Ông bảo, quan trọng không phải là tiền bạc mà là nhân cách, mình phải sống sao để mọi người trân trọng, yêu quý.

Trung tá Tống Xuân Tư, Thanh tra Công an tỉnh Thanh Hóa: Lúc bố tôi xung phong tham gia chiến trường, tôi mới 6-7 tuổi, em gái út mới sinh được 3 tháng. Chúng tôi hầu như không nhớ gì về bố. Ở nhà, cứ ít hôm lại nghe tin bố "hy sinh", mẹ tôi khóc suốt. Mãi đến khi giải phóng Bình Trị Thiên, tôi khoảng 14 tuổi, lúc đó, các anh lớn đã đi công tác, mẹ, tôi và em Tâm được Công an Thanh Hóa đưa vào Huế thăm bố. Thấy bố, cả 3 mẹ con khóc nức nở. Đây cũng coi như lần đầu tiên anh em tôi mới biết mặt bố. Nhìn ông mặc bộ quân phục oai nghiêm, tôi rất ngưỡng mộ và tự hào. Lúc trưởng thành, mặc dù có điều kiện công tác ở ngành ngoài, nhưng tôi vẫn tình nguyện xin vào phục vụ trong ngành Công an và đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi. Được công tác trong ngành Công an, tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều và luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phương Thủy - Thái Thanh
.
.