Công an các tỉnh Tây Nguyên góp công cho ngày toàn thắng

Thứ Ba, 28/04/2015, 09:57
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong những năm tháng đánh Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go, ác liệt ở chiến trường miền Nam, lực lượng Công an nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã gan dạ, dũng cảm, kề vai sát cánh với nhân dân các dân tộc anh em ở Tây Nguyên đã lập nên nhiều chiến công to lớn, góp phần quan trọng cho ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức đấu tranh chính trị, giữ gìn và phát triển lực lượng tiến lên đồng khởi, giành quyền làm chủ. Lực lượng Công an nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện “3 cùng” với dân để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống địch “tố cộng”, “diệt cộng”, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và lực lượng cách mạng, làm thất bại “Chiến tranh đơn phương” của địch.

Trước tình hình Mỹ-Ngụy chuyển đổi chiến lược từ “Chiến tranh đơn phương” sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Trung ương Đảng và Bộ Công an chủ trương thành lập lực lượng An ninh miền Nam để đối phó với âm mưu, hoạt động của địch. Được Bộ Công an chi viện cán bộ an ninh cho các tỉnh Tây Nguyên cùng với cán bộ an ninh tại chỗ đã thành lập Ban An ninh các tỉnh để đấu tranh với địch. Tuy phải hoạt động trên những địa bàn hết sức khó khăn, phức tạp nhưng lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên đã kiên cường bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, vận động quần chúng bảo mật, phòng gian, đấu tranh chống do thám, gián điệp, chống địch càn quét, bình định, chiêu hồi…góp phần cùng quân và dân làm nên những chiến thắng vang dội, đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-Ngụy.
Những cán bộ Công an ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sau đó là “Việt Nam hóa chiến tranh”, lực lượng Công an nhân dân đã mưu trí đấu tranh với bọn tình báo, gián điệp do tình báo CIA Mỹ xây dựng và chỉ đạo, làm thất bại các âm mưu hiểm độc “Tình báo đại chúng”, “Chính sách chiêu hồi”, “Chiến dịch Phượng Hoàng”, “Kế hoạch tình báo Hải Yến, Thiên Nga”; khám phá nhiều vụ nội gián nguy hiểm… bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và lực lượng cách mạng, bảo vệ các cơ quan đầu não của các tỉnh, góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và cuộc tiến công chiến lược 1972, mở rộng vùng giải phóng...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go, khốc liệt ở chiến trường Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân đã "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", nhiều tấm gương cán bộ Công an nhân dân dũng cảm, mưu trí đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như: Ngô Tiến Dũng (Đại đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang (A25), Ban An ninh tỉnh Kon Tum); Phan Văn Viêm, Trưởng ban An ninh thị xã Kon Tum (H5)); Nguyễn Văn Hoàng, Phó ban An ninh thị xã Kon Tum (H5); Ksor Ôi, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa (Gia Lai); Anh hùng liệt sĩ Kpă Tít (Công an Gia Lai)...

Đáng chú ý là ngày 27/01/1973, Mỹ ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân Viễn chinh về nước nhưng vẫn để lại các cố vấn quân sự và viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh. Chúng ráo riết đẩy mạnh các cuộc hành quân, tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm xóa bỏ thế “da báo” giữa ta và địch, chiếm lại các địa bàn xung yếu... 

Tại địa bàn Tây Nguyên, địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc Hiệp định Pari, công khai phá hoại hiệp định, phát triển các đảng phái phản động như Quốc dân đảng, Đảng dân chủ của Thiệu và dung dưỡng cho hoạt động của bọn FULRO để chia rẽ khối đoàn kết Kinh -Thượng... Trước tình hình trên, lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng làm tốt các mặt công tác được giao để ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu chống phá của địch.

Tháng 1/1975, An ninh Khu V mở Hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ chính trị và chỉ đạo An ninh các địa phương triển khai các phương án chiến đấu phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ban An ninh các tỉnh Tây Nguyên kịp thời chỉ đạo An ninh các huyện, thị xã và lực lượng nghiệp vụ tăng cường bám trụ địa bàn, bám dân, tiếp tục xây dựng cơ sở, nắm rõ tình hình địch tại các địa bàn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cuộc tấn công. 

Để thực hiện kế hoạch nghi binh lừa địch, theo chỉ đạo cấp trên, lực lượng Công an đã huy động hàng ngàn lượt người làm đường hướng về phía Bắc Tây Nguyên, lực lượng Công an vũ trang phối hợp cùng bộ đội địa phương tiến đánh diệt một số đồn địch gây sự chú ý, thu hút phân tán lực lượng địch ra phía Bắc Tây Nguyên. Từ đó tạo thế cho chiến thắng Buôn Ma Thuột và lần lượt giải phóng toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung Nam bộ...

Các cán bộ Công an thời đánh Mỹ ở Tây Nguyên trao kỷ vật kháng chiến cho Công an Gia Lai.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên đã giữ vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ chiến dịch, chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác vận động quần chúng nổi dậy và tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu, kịp thời truy kích địch không để chúng co cụm, dốc sức cùng toàn quân, toàn dân giải phóng Tây Nguyên, tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Đặng Ngọc Như
.
.