Cảnh sát giao thông ở một miền biên ải

Chủ Nhật, 26/12/2010, 15:00
Cắt công lên xứ Mường Trời vào ngày nghỉ cuối tuần gặp Trung tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng CSGT tỉnh Điện Biên cốt để hỏi cho ra nhẽ: Căn cớ gì mà đơn vị của anh suốt 11 năm liên tục đều đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng? Hai là, nếu so với các tỉnh tương tự thì tai nạn giao thông ở Điện Biên luôn được kiềm chế. Nhưng, nói về cái khó, cái khác của Điện Biên như một nẻo trời riêng thì ở xa mấy ai đã hiểu

Như nẻo trời riêng      

Về góc độ giao thông, đây là vùng đất tai nạn tiềm ẩn rất lớn. Cơ sở hạ tầng giao thông thấp cấp. Đường tỉnh, đường huyện, xã đều hẹp, đèo dốc, cong cua. Đã thế, hệ thống lánh nạn, vạch sơn, hàng rào, cọc tiêu, đèn báo hiệu… lại quá thiếu thốn. Phương tiện giao thông đa dạng, đủ các cỡ, các kiểu. Xe tải loại lớn thường trùm kín mặt đường mỗi khi đi vào đường xã ở vùng sâu vùng xa. Xe khách theo tuyến độc đạo, có tới 340km quốc lộ nên tài xế thường tìm cách lẩn giấu chở quá tải quy định…

Đây cũng là vùng đất "dân luật" rất hạn chế. Họ ít biết về luật. Khi đi xe máy thường tùy tiện chém cua, lấn đường, đi tắt, chặn đầu gây xung đột giao thông không đáng có. Cùng đó công tác đào tạo, cấp giấy phép, cấp bằng lái xe còn tùy tiện, chưa đáp ứng yêu cầu. Lợi dụng bà con dân tộc vùng sâu vùng xa, thiếu hiểu luật, không biết chữ, kẻ xấu ở nơi khác đã tới lừa bán bằng lái xe máy rởm cho họ, gây nhiều phiền toái đối với chiến sĩ CSGT khi thực thi nhiệm vụ.

Nhiều đơn vị chưa thực quan tâm đến công tác an toàn giao thông, cho dù tỉnh, Trung ương có nhiều văn bản, thông tư hướng dẫn. Theo đó tệ nạn uống rượu, bia miên man, như một nét văn hóa riêng; việc nhắc nhở, xử lý không dễ trong một sớm một chiều mỗi khi họ tham gia giao thông. Địa bàn rộng, dân thưa, lực lượng CSGT mỏng, việc khó, nhiều và nặng nề; kinh phí, phương tiện làm việc thiếu, suốt đêm ngày đầm mình trong bụi bặm, ô nhiễm… cho nên chúng tôi chỉ còn cách căng chí, căng lực để thực hiện, nếu muốn làm đúng nghĩa vai trò của người chiến sĩ CSGT!...

Những cách làm chuyên sâu

Nói về giải pháp khắc phục và thực hiện, Trung tá Vũ Tiến Dũng thông tin gọn gàng: Công việc của chúng tôi không chỉ làm tốt mà tham mưu, cố vấn với tỉnh, với Ban An toàn giao thông (ATGT) cũng phải tốt. Từ nhiều năm lại đây, Phòng CSGT chúng tôi đã cố vấn cho các cơ sở xây dựng Quy chế ATGT ở 100% xã, phường và các cơ quan làm tiền đề cho việc xử lý khi đối tượng vi phạm.

Lấy tuyên truyền giáo dục làm gốc, cán bộ CSGT của chúng tôi thường xuyên xuống xã, xuống bản, nhất là các xã ven đường để phổ biến luật lệ, nói chuyện hoặc tổ chức triển lãm tranh ảnh xoay quanh chủ đề về ATGT. Phối hợp chặt với các cơ quan báo chí của tỉnh, các đài truyền thanh xã, phường thường xuyên thông báo tình hình vi phạm ATGT.

Kiểm tra an toàn giao thông.

Đồng thời tuyên truyền định kỳ, chuyên sâu các chuyên mục: - Nhà nước và pháp luật - An ninh chính trị xã hội tỉnh Điện Biên - Trật tự ATGT... Những năm lại đây, chúng tôi tiến hành sát sao công tác khảo sát thực tế, phát hiện nhiều điều bất hợp lý trong ATGT nên đã đề nghị khắc phục, vì vậy đường được cắm biển báo hiệu; cưỡng bức giảm tốc ở những "điểm đen" bằng vạch sơn gồ; làm tường bảo vệ, cắm cọc phản quang, mở đường lánh nạn ở những điểm xung yếu.

Bắt chuyện với Trung tá Trần Văn Vang, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, trước lúc anh xuống nói chuyện với dân bản ở Mường Chà. Tôi hỏi: "Điều gì khiến Trung tá say sưa, nhiệt huyết với công tác tuyên truyền ATGT suốt mấy chục năm nay?". Đưa đôi bàn tay sửa lại chiếc mũ, rồi vuốt nhẹ hai vạt áo, Vang nói như thể báo cáo: "Hằng tuần, những cái chết do tai nạn giao thông đập vào mắt tôi hết sức đau xót, hết sức thảm khốc. Họ vừa sống đó, vẫn nói cười vui vẻ cùng chúng bạn, vẫn ước mơ, vẫn dự định cho tương lai, vậy mà chỉ tích tắc sơ sảy, bất cẩn đã đột ngột ra đi mãi mãi để lại cho người thân bao nỗi nhớ thương, bao nhiêu vất vả…

Ngẫm ra, Luật Giao thông đường bộ của ta quy định rất chặt chẽ, nhưng người tham gia giao thông vẫn không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm… Cho nên cái quan trọng là phải nghiêm chỉnh chấp hành. Muốn vậy thì phải tuyên truyền, phải giáo dục, phải thuyết phục; phải tìm mọi cách để gần dân, để nghe dân, để nói cho dân hiểu, để hướng dẫn cho dân làm theo.

Với dân bản, với đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi không thuyết lý theo sách vở mà phải kể lại vụ việc nơi này nơi kia, phải cho họ xem ảnh hoặc vẽ lại cho họ biết… rồi khuyên họ nên làm việc này, nên tránh điều kia. Cùng đó, chúng tôi rất chú trọng giáo dục luật lệ giao thông trong các trường học. Một số trường, một số địa phương chúng tôi hướng dẫn và trang bị mũ, áo để họ tham gia công tác tự quản ATGT".

Đường lên Tây Bắc.

Quyết liệt và quyết thắng

Cùng Trung tá Trần Văn Vang và Lưu Trọng Thuận, chúng tôi xuống điểm kiểm soát trên tuyến đường TP Điện Biên Phủ đi Mường Lay, nơi giáp ranh với Mường Chà. Tại đây, Trung tá Trần Văn Hinh ở Đội Tuyên truyền điều tra xử lý - người có kinh nghiệm đầy mình trong nghiệp vụ điều tra- (theo cách nói của Trung tá Vang), phô với chúng tôi: "Công việc càng ngày càng đòi hỏi chúng tôi phải quyết liệt. Cho nên, công tác kiểm tra, kiểm soát phải tập trung xử phạt vào các chuyên đề như: Lưu thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm; phóng nhanh vượt ẩu, đi quá tốc độ; xe khách chở quá số người quy định. Kiểm tra thiết bị kỹ thuật an toàn như (phanh, lốp, đèn, hệ thống lái…); với miền núi, đây là việc phải làm rát rạt".

Tôi hỏi: "Những người vi phạm hoặc có hành động chống đối, Phòng CSGT thông báo về khu dân cư hoặc về nơi công tác, nơi học tập có phải là hình thức phạt nặng?". Hinh bảo: "Đây là một cách phạt nặng, vì con người ai cũng sĩ diện, ai cũng có lòng tự trọng. Đây là cách làm hay, được chúng tôi vận dụng rất hiệu quả!".

Tình cờ, gặp 2 chiến sĩ CSGT là Đại úy Vũ Hồng Tuấn và Thượng sĩ Sùng A Phòng (người vừa lập chiến công lớn vào ngày 12/11 mới rồi, tóm gọn bọn buôn bán ma túy dùng xe taxi vận chuyển), đang trở về TP theo lệnh của Trưởng phòng Vũ Tiến Dũng.

Được biết, chiếc taxi BKS 25K-1079, do Lò Văn Thiên, trú tại Him Lam điều khiển cùng với Hạng A Thò, 23 tuổi, cả 2 đều thường trú tại bản Pú Nhi A, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, vận chuyển 8 bánh heroin. Hành động mưu trí, dũng cảm và quyết liệt ấy ngay lập tức đã được Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên khen thưởng; đồng thời đề nghị tặng Huân chương Chiến công cho Đại úy Vũ Hồng Tuấn.

Nguyễn Uyển
.
.