Cảnh sát 113 – Chuyện trong nhà, ngoài phố

Chủ Nhật, 30/01/2011, 16:05
Sau 11 năm thành lập, với phương châm "Nhanh nhất - Mạnh nhất - Hiệu quả nhất", lực lượng Cảnh sát trực ban tác chiến, phản ứng nhanh (CS113) Công an Hà Nội đã tạo dựng được "thương hiệu" trong lòng người dân Thủ đô. Hình ảnh những chiến sĩ Công an có mặt sớm nhất mọi lúc, mọi nơi, giúp đỡ người dân khi họ cần sự trợ giúp đã để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp...

Chuyện ở Trung tâm CS113

Trung bình mỗi ngày Trung tâm CS113 Công an Hà Nội nhận được từ 800-1.000 cuộc gọi; nhưng ngày lễ, Tết, số cuộc gọi đến lên tới 1.200-1.500 cuộc. Thống kê như vậy cũng đủ thấy lượng công việc của CS113 bận rộn như thế nào. Càng ngày Tết, anh em càng phải tăng cường người trực gấp 2-3 lần ngày thường. Bận nhất là từ thời điểm Noel trở đi. Nói như các cụ thì đây là thời gian tháng "củ mật", hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân được coi là sầm uất nhất kéo theo hoạt động gia tăng của tội phạm; mật độ phương tiện giao thông tại các điểm công cộng tăng cao nên va chạm, TNGT cũng tăng theo. Cùng với các lực lượng Công an khác, CS113 luôn là những người đầu tiên có mặt để xử lý những thông tin liên quan đến ANTT, giao thông... trợ giúp người dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Phòng CSTT-PƯN (PC64B) Công an Hà Nội tâm sự: Đủ mọi thứ thông tin đến Trung tâm CS113, đơn giản vì người dân cho rằng đây là kênh thông tin nhanh nhất khi cần sự trợ giúp. Từ cháy nhà, cây đổ, ngập đường, thậm chí vợ đẻ cũng gọi... 113! Chuyện tưởng như đùa nhưng hoàn toàn có thật.  Cách đây ít lâu, vào lúc nửa đêm, Trung tâm CS113 nhận được điện thoại của một thanh niên ở khu vực đường Lê Thanh Nghị. Anh ta líu cả lưỡi báo vợ đang đau đẻ, nhưng không biết xử lý thế nào. Ban đầu cứ tưởng anh ta gọi điện thoại đến để trêu đùa, trực tiếp Thượng tá Nguyễn Văn Thành đã hỏi chuyện. Người thanh niên này trình bày hai vợ chồng là người tỉnh ngoài lên Hà Nội thuê trọ. Cả hai còn ít tuổi, vợ lần đầu tiên sinh nở nên anh ta hết sức luống cuống. Thượng tá Thành phải hướng dẫn anh ta gọi taxi để đưa vợ vào bệnh viện gần nhất. "Có lẽ nhiều người xem phim nước ngoài, cứ nghĩ Cảnh sát 113 của mình cũng có khả năng như cảnh sát trong phim nên việc gì khó là gọi..." - Thượng tá Nguyễn Văn Thành kể lại.

CS 113 sẵn sàng có mặt vì sự bình yên của Thủ đô.

Trung úy Trương Tuấn Anh cho biết trực Tết, từ Giao thừa đến 12h ngày mùng Một là quãng thời gian Trung tâm CS113 mới được "thở" nhiều nhất trong năm. Có lẽ vì tâm lý người dân đầu năm đều mong muốn mọi sự may mắn. Nhưng từ chiều mùng Một trở đi, các cuộc gọi đến tổng đài 113 lại dồn dập. Trong những ngày Tết, thông tin tới Trung tâm CS113 chủ yếu là tin báo hoạt động cờ bạc. Ngoài phản ánh các ổ cờ bạc diễn ra nơi công cộng, nhiều bà vợ vì tức chồng chơi cờ bạc thâu đêm bỏ mặc vợ con đã gọi CS113 để tố địa điểm nhưng kèm theo "mặc cả": "Các anh đến bắt nhưng phải tha cho chồng em nhé, vì em có công báo tin" (?!).

Ngày Tết, những cuộc điện thoại quấy rối cũng không ít. Chủ yếu vẫn là số thanh niên càn quấy, vô ý thức, sử dụng sim khuyến mại, sim rác để trêu đùa, quấy nhiễu, thậm chí chửi bậy. Ngày thường nghe những cuộc gọi kiểu này đã ức chế rồi, ngày Tết lại càng bực mình. Nhưng theo quy định, dù bực mấy cũng phải kiềm chế, không thể to tiếng lại. Cách xử lý tốt nhất là dập máy.

Gần đây, tỷ lệ nữ giới gọi điện thoại để... đùa CS113 cũng không phải chuyện hiếm. Ngày Tết, nhiều cô rỗi hơi gọi đến tâm sự: Em hoàn cảnh sinh viên xa nhà, không có tiền về quê, nên xin các anh CS113 tâm sự cùng cho đỡ buồn. Nhiều cô còn tự xưng "Em là cave, Tết ế hàng quá, các anh có cách nào giúp em giải đen được không?". Đối với những loại đối tượng này, CS113 dù bực cũng phải giải thích hết sức ôn hòa nhưng ngắn gọn, cương quyết để tránh đối tượng tiếp tục gọi đến làm phiền. 

Niềm vui lớn nhất đối với trực ban CS113 là vào thời khắc Giao thừa. Trung tâm thông tin liên tục nhận được điện thoại của người dân gọi đến chúc Tết, ghi nhận công sức của anh em đã kịp thời có mặt, hỗ trợ người dân khi họ cần đến lực lượng Công an.

Sẵn sàng có mặt

Năm nào cũng vậy, vào 30 Tết, Cảnh sát TT-PƯN (CS113) là những người rà soát một lần cuối bến tàu, bến xe để kiểm tra, giúp đỡ người dân không may bị "kẹt" lại, giúp họ về quê đón Tết. Thượng tá Nguyễn Văn Thành nhớ lại, chiều 30 Tết năm 2008. Lúc đó đã 6h tối. Các gia đình đang đầm ấm chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Qua Bến xe Nước Ngầm, anh Thành phát hiện một bà cụ ngoài 70 tuổi, lỉnh kỉnh với những túi đồ, thơ thẩn một góc bến xe. Trong bến, nhân viên bảo vệ đang chuẩn bị đóng cửa. Chuyến xe cuối cùng đã rời bến cách đó ít lâu. Lại gần, anh Thành nhận ra đó là bà cụ vẫn thường xuyên bán hàng rong kiếm sống ở đây. Hỏi thăm, bà cụ cho biết mải dọn dẹp đồ đạc nên lỡ xe lúc nào không hay. Bà định thuê "xe ôm" nhưng họ đòi nhiều tiền quá nên không biết làm thế nào. Thượng tá Thành đưa bà cụ lên xe ôtô, bảo lái xe khẩn trương đi sang bến xe Gia Lâm. Khi đến nơi, vừa đúng lúc chuyến xe cuối ngày đi Bắc Giang chuẩn bị rời bến. Liên hệ với lái xe sắp xếp cho bà cụ một chỗ ngồi tốt miễn phí, xe chuyển bánh, anh và lái xe mới yên tâm về đơn vị.

Có điều còn ít người dân biết đến CS113. Đó là công tác trực ban, tác chiến phản ứng nhanh (CS113) chỉ là một nhiệm vụ của Phòng CSTT-PƯN. Gọi là CS113, nhưng thực chất những người trong lực lượng này phải kiêm rất nhiều nhiệm vụ mà anh em vẫn nói vui là Cảnh sát "3 trong 1" bởi ở cấp quận, huyện, CS113 nằm trong biên chế Đội CSTT-GT-PƯN chứ không tách thành bộ phận riêng biệt. Do đó, ngoài bộ phận Trung tâm tiếp nhận thông tin là ngồi nhà, còn tất cả anh em từ thành phố đến các quận, huyện đều làm việc "cơ động", ban ngày tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự đô thị, đảm bảo giao thông tĩnh, khi nhận được thông tin từ Trung tâm thông tin CS113 thì triển khai nhiệm vụ ngay. Do yêu cầu nhiệm vụ xử lý các thông tin "nóng" liên quan đến ANTT nên yếu tố "nhanh nhất" được CS113 đặt lên hàng đầu, kịp thời đến hiện trường giải quyết các vụ việc bắt giữ tội phạm, bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, thu hồi tang vật. Rất nhiều vụ việc như gây rối TTCC, đánh nhau... nhờ có sự xuất hiện sớm của CS113 đã ngăn chặn được những hậu quả xấu có thể phát sinh.

Cuối năm 2009, CS113 Công an quận Cầu Giấy, từng nghẹt thở với vụ giải cứu con tin tại chợ Xanh Sư phạm. Lúc đó vào buổi chiều 21/11. Sau khi nhận tin báo, CS113 Công an quận Cầu Giấy cùng Công an phường Dịch Vọng Hậu là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường. Khi đó, đối tượng Đặng Ngọc Đàn đang kề dao vào cổ bà Lê Thị Muôn, chủ quán cơm trong chợ, miệng la hét hết sức kích động. Chưa rõ mục đích của tên này bắt cóc con tin làm gì nhưng để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra, CS113 nhanh chóng giải tán đám đông, triển khai phương án bảo vệ, bố trí người chốt chặn và yêu cầu CS113 thành phố chi viện.

Mặc dù phương án diễn tập có nhiều nhưng đây là lần đầu tiên CS113 đối mặt với một tình huống bắt giữ con tin có thật. Hơn nữa, con tin lại đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm khi đối tượng lăm lăm con dao phay kề cổ, lôi xềnh xệch nạn nhân vào một ki-ốt để cố thủ. Để biết rõ mục đích của đối tượng, CS113 cùng Công an phường đã tìm cách tiếp cận, nói chuyện. Tuy nhiên, tên Đàn không đưa ra yêu cầu gì mà chỉ nói hiện rất bức xúc. Kết hợp với các thông tin thu thập người dân xung quanh cho biết trước đó tên này đã có những biểu hiện bất thường, phán đoán nhiều khả năng đối tượng có vấn đề về thần kinh và đang trong trạng thái kích động mạnh, CS113 rút ra bảo vệ vòng ngoài, để lực lượng giải cứu mặc thường phục vào tiếp cận, tránh đối tượng thấy sắc phục Công an sẽ làm liều.

Sau 2 giờ thương thuyết, lực lượng giải cứu quyết định tấn công đối tượng khi y có ý định đổ xăng xe máy để đốt quán. 2 mũi trinh sát từ 2 đầu bất ngờ ập vào, dùng bình bột cứu hỏa xịt thẳng vào mặt đối tượng, giải thoát cho con tin. Cùng với các lực lượng khác tham gia giải cứu, CS113 đã lao vào bắt gọn, khống chế đối tượng trong tiếng vỗ tay của hàng trăm người dân chứng kiến cuộc giải cứu ly kỳ, gay cấn này

H.Vũ (Báo CAND Tết 2011)
.
.