Cần sự đồng thuận của người dân về NĐ71

Thứ Năm, 29/11/2012, 09:15
Việc không làm thủ tục sang tên, đổi chủ đối với các chủ phương tiện giao thông đã không chỉ làm thất thoát nguồn thu thuế của Nhà nước mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra, giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông cũng như xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Trong thời gian vừa qua, người dân ở nhiều thành phố lớn tỏ ra “hoang mang” về Nghị định 71. Đây là hệ quả của việc tuyên truyền, phổ biến chưa chính xác về bản chất của nghị định này qua một số phương tiện thông tin đại chúng. Và phải đến khi, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII), lực lượng Cảnh sát giao thông, các ban, ngành địa phương giải thích rõ ràng, cặn kẽ nội dung của nghị định này, thì dư luận mới đồng tình ủng hộ.

Điểm mới căn bản nhất của Nghị định 71 chính là ở chỗ, tăng mức xử phạt cao hơn so với các nghị định trước đó. Như vậy, nội dung Nghị định 71 không có quy định xử phạt người điều khiển xe không chính chủ, mà chỉ quy định xử phạt chủ phương tiện có hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo đúng quy định (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bán phương tiện).

Thực chất, việc xử phạt chủ phương tiện có hành vi không chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện đã được đưa ra trong Luật Giao thông đường bộ từ năm 2001. Sau đó được Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định số 15/2003/NĐ-CP và tiếp tục được quy định, sửa đổi trong các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: Nghị định số 152/2005/NĐ-CP; Nghị định số 146/2007/NĐ-CP; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 71/2012/NĐ-CP (qua 4 lần sửa đổi, bổ sung).

Trước đây, việc tiến hành xử phạt các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ bằng biện pháp ghi hình camera (phạt nguội) đã từng được áp dụng thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, cho đến nay, việc áp dụng phương pháp này vẫn chưa mang lại được hiệu quả như mong muốn vì rất khó khăn trong việc xác minh chủ phương tiện thật sự vi phạm bị ghi hình do chiếc xe đã trải qua quá nhiều lần mua – bán với nhiều chủ sở hữu mà không thực hiện qui định làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu.

Đến nay, Nghị định 71 đã có hiệu lực và triển khai thực hiện được hơn 10 ngày. Tuy ý thức của người dân trong việc chấp hành nghị định đã được tăng lên đáng kể nhưng nhìn chung, hiệu quả bước đầu là chưa cao.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lượng người đến hỏi thủ tục về chuyển quyền sở hữu phương tiện là khá đông, nhưng số lượng người trực tiếp thực hiện việc sang tên đổi chủ lại chiếm một số lượng khiêm tốn.

Đành rằng có rất nhiều trường hợp người dân gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục này nhưng hiện tại, Bộ Công an, Bộ Tài chính đã kiến nghị và trình Chính phủ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng trên như: đơn giản hóa các thủ tục, giảm phí sang tên đổi chủ,... nhằm tạo cho người dân đang sở hữu hợp pháp các phương tiện giao thông có được những thuận lợi nhất cho nhu cầu chính đáng của mình

Vũ Quang
.
.