Cần sớm công nhận liệt sĩ cho Công an viên Phạm Đức Ninh

Thứ Ba, 24/07/2012, 19:09
Với nhiều lần đề nghị, đến nay năm năm sau sự hy sinh, đồng chí Phạm Đức Ninh (SN 1980, đảng viên, ngụ thôn Phú Bình, xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) Công an viên xã Phú Trung, Bí thư chi đoàn thôn Phú Bình vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.
>> Một Công an viên bị đánh chết trong khi làm nhiệm vụ chưa được công nhận liệt sĩ

Việc không công nhận liệt sĩ cho một Công an viên khi thực hiện nhiệm vụ không chỉ làm cho cha mẹ, người vợ trẻ, đứa con thơ của đồng chí Ninh chịu thiệt thòi, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý những người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự nơi vùng quê nghèo.

Lật lại hồ sơ vụ án

Để bảo vệ an ninh trật tự cho địa bàn dịp chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, tối 23/6/2007, đồng chí Phạm Đức Ninh (được giao phụ trách địa bàn thôn Phú Bình) cùng một số đồng đội được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường ĐH 312 từ giáp ranh xã Phú Riềng đến quốc lộ 14. Khoảng 21h cùng ngày, tổ tuần tra nhận được tin báo, tại đám cưới gia đình ông Vũ Duy Hùng, ở thôn Phú Bình có một tốp thanh niên đang đánh nhau. Đồng chí Ninh được cử xuống đám cưới và tiến hành hoà giải.

Trong lúc hoà giải, đồng chí Ninh phát hiện một tốp thanh niên chạy xe gắn máy tới và quan sát thấy dưới yên xe máy của Lê Văn Hải (SN 1975, ngụ thôn 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú) có một mã tấu. Đồng chí Ninh đã thu giữ cây mã tấu và kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của Hải, sau đó giao cây mã tấu cho ông Nho (thôn phó thôn Phú Bình) giữ để lập biên bản. Trong lúc đồng chí Ninh tiến hành lập biên bản thì Lê Huy Hoàng (SN 1987, ngụ thôn Phú Nghĩa, xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập) đi tới xin lại cây mã tấu nhưng đồng chí Ninh không cho. Tên Hoàng lao vào gây sự và đánh ông Nho hòng giật lại cây mã tấu. Thấy vậy, đồng chí Ninh lấy roi điện ra bấm nẹt lửa để khống chế đối tượng. Hoàng hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài đường kể lại vụ việc với đồng bọn là Nguyễn Đình Thắng (SN 1987), Lưu Hữu Hòa (SN 1987), Nguyễn Xuân Sơn (SN 1988), Dương Minh Thắng (SN 1988) và Hoàng Văn Nam (SN 1988), cùng ngụ xã Phú Trung.

"Hội ý" xong, Hoàng, Thắng, Sơn và Hòa chạy vào lô cao su, mỗi người lấy 2 tô đựng mủ cao su làm hung khí xông vào đám cưới đuổi đánh đồng chí Ninh. Thấy các đối tượng quá hung hãn, đồng chí Ninh kêu ông Nho bỏ chạy để tránh thương vong. Sau đó, đồng chí Ninh chạy vào lô cao su hướng về chòi bảo vệ của Nông trường Nghĩa Trung (thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé) với mục đích gọi anh em bảo vệ hỗ trợ. Cả 4 tên bám đuổi theo đồng chí Ninh dùng tô mủ đập liên tục vào đầu khiến đồng chí bất tỉnh. Thấy đồng chí Ninh nằm trên vũng máu, một số người dân đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương sọ não quá nặng nên đến ngày 26/6/2007, đồng chí Ninh đã hy sinh.

Ngày 25/9/2009, TAND tỉnh Bình Phước đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn 18 năm tù giam; Lưu Hữu Hòa 12 năm tù giam; Nguyễn Đình Thắng 14 năm tù giam; Lê Huy Hoàng 14 năm tù giam.

Cần sớm công nhận liệt sĩ cho đồng chí Phạm Đức Minh

Sau sự hy sinh của Công an viên Phạm Đức Ninh, ngày 22/8/2007, UBND xã Nghĩa Trung và Công an huyện Phước Long (nay là Công an huyện Bù Gia Mập) đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ liệt sỹ cho đồng chí Ninh. Ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Bình Phước đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận liệt sỹ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho đồng chí Phạm Đức Ninh hy sinh trong trường hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước gặp gỡ bà con thôn Phú Bình (xã Phú Trung) lấy ý kiến tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Ninh. Ảnh: Long Điền.

Những tưởng với xác nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và UBND tỉnh Bình Phước, việc trình Chính phủ công nhận liệt sĩ cho đồng chí Ninh sẽ không có gì vướng mắc. Nhưng thật tiếc, ngày 21/5/2010, Cục Người có công - Bộ  Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước thông báo trường hợp của đồng chí Phạm Đức Ninh chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định.

Kế đến ngày 8/6/2010, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước tiếp tục có công văn đề nghị Cục Người có công xem xét công nhận liệt sỹ cho đồng chí  Phạm Đức Ninh. Nhưng một lần nữa, Cục Người có công lại trả lời bằng văn bản (16/7/2010) cũng vẫn với nội dung tương tự công văn trước. Lý do mà Cục Người có công đưa ra để không công nhận đồng chí Ninh là căn cứ vào Bản án số 38/2009/HSST ngày 25/09/2009 của TAND tỉnh Bình Phước thì đồng chí Ninh chưa thể hiện sự dũng cảm khi trấn áp tội phạm.

Thượng tá Lê Đức Long, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (PV28) Công an tỉnh Bình Phước cho biết: "Nếu xem xét lại tiến trình xảy ra sự việc sẽ thấy, đòi hỏi đáp ứng tiêu chí dũng cảm là quá máy móc, quá vô lý. Bởi lẽ, khi các đối tượng xin lại cây mã tấu vừa bị tịch thu, đồng chí Ninh đã kiên quyết không trả và lập biên bản. Điều đó cũng đã thể hiện được sự cương trực của một Công an viên. Khi cả 4 đối tượng với hung khí trên tay lao vào tấn công đồng chí Ninh, đồng chí đã chống trả nhưng bất thành thì trong tình huống này việc đồng chí chạy vào chòi bảo vệ của Nông trường Nghĩa Trung với mục đích gọi anh em bảo vệ hỗ trợ là điều cần thiết".

Còn theo anh Trịnh Văn Hải, Tổ trưởng bảo vệ Nông trường Nghĩa Trung: "Điểm chòi bảo vệ Nông trường Nghĩa Trung cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 200m, theo hướng chạy của anh Ninh. Như vậy có thể khẳng định anh Ninh chạy là để đi huy động lực lượng bảo vệ phối hợp chứ không phải chạy trốn trước sự tấn công của các đối tượng. Thử hỏi anh Ninh phải làm thế nào mới được coi là dũng cảm?".

Ông Hùng (chủ gia đình tổ chức đám cưới đêm 23/6/2007, nơi đồng chí Ninh tiến hành lập biên bản thu giữ cây mã tấu của tên Hải) cho rằng, đến nay anh Ninh chưa được công nhận liệt sĩ là một mất mát lớn cho gia đình, lực lượng Công an xã, cũng như phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương

Long Điền
.
.