Cần cái nhìn khách quan đối với CSGT

Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:44
Mọi người cần có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn đối với lực lượng CSGT, bởi rõ ràng, nếu bản thân mình không vi phạm, sẽ chẳng ai “làm khó” được mình. 


Ngày 4-12 vừa qua, trong hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng CAND trong tình hình mới, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh đến công tác chấn chỉnh tư thế, tác phong, ứng xử của lực lượng CSGT; kiên quyết không bố trí CBCS không đúng tư thế, tác phong làm nhiệm vụ; khẳng định, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những cán bộ vi phạm; đồng thời, xử lí trách nhiệm liên đới đối với lãnh đạo, chỉ huy nếu đơn vị có cán bộ vi phạm.

Điều này càng khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng các đơn vị chưa bao giờ bỏ qua, bao che những sai phạm của CBCS trong lực lượng Công an nói chung, lực lượng CSGT nói riêng.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, lực lượng CSGT đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đươc giao. 

Nhờ đó, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT của người tham gia giao thông được nâng lên; số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu (từ năm 2013 đến nay, số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 10 nghìn người), đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh Đại úy Nguyễn Anh Đức, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi bám vào cần gương xe container trong vụ chống người thi hành công vụ. Dù vậy, lái xe vừa lái xe chạy nhanh vừa rung lắc, đánh võng để hất anh xuống đường.

Trước tình thế nguy hiểm đó, anh Đức buộc phải chọn phương án nhảy xuống dải phân cách giữa đường để tránh vụ tai nạn có thể xảy ra đối với các phương tiện khác. Hình ảnh anh Đức phải đu bám trên gương xe container được người đi đường ghi lại rồi tải lên mạng khiến ai xem cũng thấy xót xa, căm phẫn hành vi côn đồ, coi thường pháp luật của lái xe.

Rồi hình ảnh đứa con gái nhỏ của Trung tá Trần Văn Vang, cán bộ Cục CSGT ngây thơ hỏi bao giờ bố về khiến những người có mặt tại lễ tang anh không ai cầm được nước mắt. Ngôi nhà cấp 4 vừa được sửa sang sau hơn 20 năm dành dụm, vay mượn của vợ chồng anh Vang khiến bất cứ ai nhìn vào cũng hiểu gia cảnh chủ nhân chẳng khá giả gì.

Mới đây nhất, ngày 23-11, Đại úy Nguyễn Văn Kha, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện An Phú, An Giang vừa hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Những hy sinh đó để lại những nỗi đau, mất mát quá lớn, không thể bù đắp.

Dù biết vậy, nhưng, các cán bộ Công an, đặc biệt là cán bộ CSGT vẫn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, cho dù phải dầm mưa, làm cọc tiêu để các phương tiện qua chỗ lụt lội được an toàn; hay đứng giữa trời hầm hập nắng gần 50 độ để phân luồng giao thông, hay đưa vượt hàng trăm kilômét đưa bệnh nhân vượt đường tắc đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Hoặc những đêm mưa gió, bão bùng, anh em đội mưa, ngụp gió vừa phải giúp dân vừa bảo vệ phương tiện của đơn vị trước những cơn thịnh nộ của đất trời. Bởi các anh, các chị hiểu, mình vất vả, hi sinh nhưng sẽ góp phần giúp người dân được đi lại an toàn, từ đó để có mỗi gia đình bình yên, hạnh phúc.

Dù vậy, có một bộ phận không nhỏ người dân có định kiến với lực lượng CSGT. Sở dĩ như vậy, bởi trong lực lượng Công an, CSGT là đơn vị tiếp xúc, va chạm với nhân dân hàng ngày nhiều nhất. Đa phần những va chạm tiếp xúc ấy điều trong tình huống không ai muốn, nghĩa là trong hoàn cảnh xử lý vi phạm.

Cũng vì bị xử lí, bị nộp phạt nên nhiều người quay sang bức xúc với cán bộ CSGT, gây sức ép bằng cách có những lời nói thiếu tôn trọng rồi dùng điện thoại thông minh để ghi hình, chụp ảnh cán bộ CSGT để đưa lên mạng. 

Có bài viết trên mạng, chuyển tải những hình ảnh tiêu cực nhiều hơn những hình ảnh tích cực cũng góp phần khiến dư luận có cái nhìn không đúng đắn, thậm chí là lệch lạc đối với lực lượng CSGT.

Cũng chính vì vậy, lực lượng CSGT cũng là một trong những lực lượng bị chống người thi hành công vụ nhiều nhất. Theo số liệu thống kê của Cục CSGT từ năm 2015 đến giữa năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 132 vụ chống người thi hành công vụ đối với lực lượng CSGT, làm chết 4 CBCS, bị thương 31 người. Ngoài ra, các vụ lăng mạ, tấn công CSGT khác gần như tuần nào, tháng nào cũng có.

Thế nhưng, những người chống đối, hành hung CSGT hoặc đơn giản là không hài lòng, không đồng ý nộp phạt lại thường quên mất việc vì sao mình bị xử lý, tại sao bản thân lại không chấp hành luật giao thông? Cũng bởi có những cái nhìn định kiến, thiên lệch đó, nên nhiều người sẵn sàng “ném đá” khi có việc tiêu cực trong CSGT, thậm chí có sự việc bình thường cũng nhìn theo hướng tiêu cực.

Nói thế để thấy được rằng, mọi người cần có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn đối với lực lượng CSGT, bởi rõ ràng, nếu bản thân mình không vi phạm, sẽ chẳng ai “làm khó” được mình. Còn đối với cán bộ CSGT vi phạm, thì cũng sẽ bị đơn vị xử lý nghiêm với các hình thức kỷ luật từ khiển trách đến tước quân tịch, thậm chí truy tố trước pháp luậtchứ không nương nhẹ, bao che. 

Hiện nay, để giám sát và bảo vệ CSGT làm nhiệm vụ, nhiều đơn vị đã trang bị camera gắn trên phương tiệnchuyên dụng, toàn bộ hình ảnh xử lý người vi phạm sẽ được ghi hình, truyền về trung tâm chỉ huy để lãnh đạo nắm được kịp thời. Điều này, sẽ hạn chế cơ bản sự tiêu cực đối với lực lượng làm nhiệm vụ.

Phương Thuỷ
.
.