‘Thù nhà nợ nước trả xong anh về!’

Thứ Năm, 30/04/2015, 10:13
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã có hàng vạn cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam. Họ là những người con ưu tú của miền Bắc "không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh", lên đường bảo vệ Tổ quốc, để lại phía sau là hậu phương với bao nhớ thương da diết…

Hơn 4.300 ngày đằng đẵng chờ chồng, nuôi con

Bây giờ, trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm yên tĩnh của gia đình Thiếu tướng Phan Văn Lai (nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an) đã thiếu đi bóng dáng của người vợ rất mực thảo hiền. Từ ngày cụ Nguyễn Thị Y (vợ Thiếu tướng Phan Văn Lai) mất đi là khoảng trống mênh mông trong lòng người ở lại… Nhớ  ngày cụ Y còn sống, tôi thường đến chơi và trò chuyện. Cụ Y đã kể về những năm tháng đằng đẵng xa chồng, một mình nuôi 3 con nhỏ, nuôi mẹ chồng già yếu…

Thiếu tướng Phan Văn Lai sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Phương Định (Trực Ninh, Nam Định). Ông tham gia cách mạng từ lúc còn niên thiếu. Người anh cả hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ba anh em ông đều tình nguyện vào Nam chiến đấu. Người em út Phan Ngọc Sơn hy sinh năm 1972 ở chiến trường Khu V.

Vợ chồng đồng chí Phan Văn Lai .

Trước khi  vào chi viện cho An ninh miền Nam, ông Lai là Phó Chánh văn phòng Công an tỉnh Hà Nam. Ngày ông lên đường (20/1/1964) để lại phía sau mẹ già, vợ trẻ và 3 đứa con thơ. Trước khi vào Nam, ông Lai lên học ở Trường C500. Một lần về thăm nhà, ông ngập ngừng dặn vợ: “Trước ngày 20/1, nếu anh không về thì cho con lên chơi nhé”. Người vợ trẻ linh tính có chuyện quan trọng, đã thu xếp công việc rồi lên gặp chồng. Bà Y được chồng đưa ra một quán phở ở thị xã Hà Đông “chiêu đãi”. Nhìn bát phở nóng bốc khói nghi ngút nhưng chẳng ai ăn, nước mắt cứ chảy giàn giụa khi biết tin ông Lai đang chuẩn bị vào Nam chiến đấu.Phan Văn Lai đặt vào tay vợ bài thơ : “Xa em muôn dặm nghìn trùng/ Mối tình chung thủy sắt son tạc lòng/ Bắc Nam liền dải chung dòng/ Thù nhà nợ nước trả xong anh về”. Bùi ngùi xúc động, bà Y nghẹn ngào động viên chồng an tâm ra đi chiến đấu.

Kể từ ngày hôm đó, mẹ con, bà cháu bồng bế nhau trở về quê ngoại ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) vật lộn với cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Hằng ngày, ngoài việc cơ quan, bà Y còn phải đi bốc vác thuê để kiếm tiền nuôi con, nuôi mẹ chồng già yếu. Một lần vào ngày 27 Tết, bà Y về Phủ Lý để lấy quà Tết thì có người nói ông Lai đã hy sinh. Bà quỵ xuống ngay lề đường…

 Nén nỗi đau trong lòng, bà Y tiếp tục gắng gượng nuôi các con ăn học thành người cho đến ngày đất nước thống nhất. Và, niềm vui vỡ òa sau 12 năm "nếm mật nằm gai" ở chiến trường Bình Trị Thiên, ông Phan Văn Lai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về. Suốt 12 năm ròng, ông đã hiến dâng sức lực trí tuệ cho mảnh đất miền Nam ruột thịt. Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh ở chiến trường. Ngày trở về, mái tóc vợ đã muối tiêu, các con đã lớn khôn, niềm vui hội ngộ thật khó lời nào tả xiết…

"Em ơi đợi anh về"

Chúng tôi đã gặp vợ chồng ông bà Phạm Bạn và Nguyễn Thị Kim Xô, họ đã từng có một mối tình sắt son chung thủy đầy cảm động trong khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.

Năm 1969, Phạm Bạn khi đó đang công tác ở Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) đã tạm biệt người vợ sắp cưới lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp cận đồng chí Phạm Văn Xô (Hai Già), vượt đường Trường Sơn vào Nam và hoạt động chỉ đạo cách mạng miền Nam tại căn cứ Trung ương Cục từ năm 1970 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Những năm tháng tạm biệt quê nhà, xa người vợ sắp cưới, Phạm Bạn luôn ở trong cảnh “đêm Bắc ngày Nam” nhớ nhung da diết. Vượt qua tất thảy bệnh tật lúc ở R (Tây Ninh), sống trong hầm sâu dưới làn mưa bom bão đạn, Phạm Bạn đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ để bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ Trung ương Cục miền Nam.

Vợ chồng đồng chí Phạm Bạn - Kim Xô.

Những lá thư gửi về từ chiến trường chan chứa yêu thương: “Ngày 20/5/1971, Kim Xô em nhớ thương! Mỗi lần viết thư gửi về em, anh thường ước mong giá nó là một cánh chim để em mau chóng được biết nhiều tin anh. Nhưng đường về đến em như người ta thường nói có núi cao vực sâu… Cũng vì thương và yêu em mà anh không muốn để mình em phải khổ. Có nhiều lúc anh nhớ nhà và nhớ em da diết. Anh không biết nói thế nào để em hiểu. Chỉ biết rằng trên bước đường anh đi, có thêm sức mạnh khi nghĩ đến em. Nhưng nếu vì thời gian và điều kiện thì em cứ làm như anh đã nói. Anh nói vậy em có hiểu không Xô?”.

Nỗi nhớ thương người vợ chưa cưới ở hậu phương đã khiến người cán bộ Cảnh vệ ấy suy nghĩ rất nhiều. Mỗi lá thư anh đều khuyên người yêu đừng chờ đợi, hãy tìm người khác để xây dựng hạnh phúc gia đình nhưng Kim Xô không lay chuyển ý chí, vẫn dành trọn trái tim và tình yêu cho ông.

Kim Xô viết: “Anh Bạn thân thương của em! Anh có hiểu cho lòng em không. Em không biết nói gì, nhớ thương thì nhiều nhưng viết sao cho hết được. Nếu anh thực sự yêu thương thì anh đừng khuyên em đi bước nữa mà em đau khổ lắm! Em hiểu lòng anh, chỉ vì thương em nhiều quá mà lo cho em. Nhưng anh có hiểu, nó đã giày vò em gần một năm nay từ khi anh ra đi. Anh nhớ thương! Chiến tranh phải có đổ máu và hy sinh, nhưng biết bao phụ nữ đã chịu đựng được thì sao em lại không? Sức khỏe em vẫn tốt, anh đừng lo lắng gì nhiều mà cố gắng công tác thật tốt anh nhé chờ ngày đoàn viên”.

Cứ vậy, người ở ngoài mặt trận lo cho người ở quê nhà, người ở hậu phương động viên, chia sẻ chờ đợi người ở tiền tuyến khiến nỗi nhớ cứ đầy vơi. Quyết đợi chờ, Kim Xô đã nhiều lần tìm về quê Phạm Bạn ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng để thăm gia đình, động viên cha mẹ anh hãy giữ gìn sức khỏe, chờ ngày đất nước giải phóng. Hai người đã viết cho nhau cả trăm lá thư, gửi vào đó muôn ngàn nỗi nhớ thương da diết. Những lá thư này đã là sợi dây vô hình trói chặt ông và Kim Xô với nhau. Nó như thứ keo kết dính họ lại, cho dù chiến tranh còn dài, cho dù có phải hy sinh thì điều đó không hề lay chuyển. Những lời yêu thương, đợi chờ qua những cánh thư như tiếp thêm sức mạnh cho đôi lứa làm tròn nhiệm vụ.

Năm 1975, trong đoàn quân chiến thắng, Phạm Bạn trở về làm đám cưới với người con gái đã vò võ đợi chờ hơn 6 năm trời đằng đẵng. Thi thoảng, tôi vẫn đến thăm hai cán bộ Cảnh vệ năm xưa ở phố Quán Thánh (Hà Nội). Căn nhà nhỏ vẫn ăm ắp niềm hạnh phúc, họ vẫn thương yêu nhau như thuở ban đầu. 

Kim Quý
.
.