CSGT đường thuỷ Hà Nội: Siết chặt quản lý đò ngang mùa mưa bão

Chủ Nhật, 02/09/2012, 09:03
Hà Nội có 36 bến khách ngang sông và 1 bến dọc sông (bến du lịch sông Hồng). Có bến được cấp phép hoạt động và đảm bảo an toàn cho khách qua sông nhưng cũng có bến đò ngang hoạt động lén lút, không phép, không phương tiện cứu sinh, đe dọa an toàn cho tính mạng và tài sản của khách qua sông. Ngay trước mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGT đường thủy), Công an TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt quản lý loại phương tiện giao thông đặc biệt này.
>> Nguy hiểm trên những chuyến đò ngang

Rút giấy phép, vẫn lén lút chở khách qua sông

Bến phà ngang Vĩnh Thịnh từ xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc sang phà ngang Đường Lâm, xã Phú Thịnh, huyện Sơn Tây, Hà Nội là nỗi lo lắng cho nhiều người và trong đó có cả đơn vị thi công cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng. Trung tá Dương Hồng Hải, Đội phó Đội 4, Phòng CSGT đường thủy cho biết, bến phà này hoạt động ở phía thượng lưu, gần với điểm thi công cầu Vĩnh Thịnh, nguy cơ mất an toàn do dòng nước chảy cong và xiết.

Trước tình hình đó, ngày 15/4, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có quyết định số 328 thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động bến phà ngang Đường Lâm. Thế nhưng, việc chấm dứt hoạt động của bến phà này lại rơi vào tình trạng trớ trêu khi bến phà Vĩnh Thịnh của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn hoạt động, gây khó khăn cho cơ quan chức năng của Hà Nội khi xử lý vi phạm. Trong khi đó, do nhu cầu đi lại để tiết kiệm đường đi, nhân dân địa phương vẫn vô tư qua lại bến phà mà không biết rằng việc qua lại bằng phương tiện này chẳng khác gì đánh cược với tử thần. 

Hiện tượng hoạt động bến đò ngang trái phép vẫn diễn ra bất chấp các quyết định của cơ quan chức năng. Trước đây, bến phà Đông Ngàn của xã Đông Hội, huyện Đông Anh và bến đối lưu ở xã Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội được cấp phép hoạt động và hoạt động đúng quy định.

Tuy nhiên, sau đó do có đường điện cao thế chạy qua sông, không còn an toàn để hoạt động đò ngang nên bến đò này đã bị rút giấy phép hoạt động. Nhưng do đây là phương tiện thuận lợi cho người dân từ huyện Đông Anh vào nội thành Hà Nội, giảm được rất nhiều đường đi nên bến đò này luôn có đông khách qua lại.

Đông khách qua đò nhưng không ai mặc áo phao (Ảnh chụp tại Bến đò Đông Ngàn, Hà Nội).

Vào giờ cao điểm sáng và chiều, đò luôn chật kín khách và xe máy qua sông. Trung tá Dương Hồng Hải cho biết, lực lượng CSGT đường thủy đã nhiều lần kiểm tra, tạm giữ phương tiện hoạt động và giao cho xã quản lý. Tuy nhiên, do cấp xã xử lý không quyết liệt mới dẫn đến tình trạng xử phạt thì cứ xử phạt, phương tiện hoạt động trái phép thì vẫn cứ lén lút hoạt động.

Trách nhiệm phần lớn thuộc về chính quyền địa phương

Đội TTKS giao thông số 3 quản lý 57km đường sông từ hạ lưu cầu Vĩnh Tuy đến địa phận xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội với 24 xã, phường của 5 quận, huyện, trong đó có 15 bến đò ngang. Trung tá Lê Văn Phúc cho biết, Đội đã tiến hành siết chặt quản lý các bến đò ngang, triển khai thực hiện các chuyên đề chỉ đạo của Phòng CSGT đường thủy, gồm: đón trả người không đúng vị trí, chở người quá tải, đò cũ nát, lái thuyền không có bằng lái. Từ đầu năm đến nay, Đội TTKS giao thông số 3 đã kiểm tra, xử lý 43 lượt phương tiện chở khách qua sông, trong đó xử lý 6 lượt vi phạm lỗi sử dụng phương tiện sai mục đích.

Trung tá Dương Hồng Hải cho biết, Phòng CSGT đường thủy Hà Nội đã 3 đợt cấp áo phao miễn phí cho 3 bến đò với hơn 200 áo phao và cặp phao. 3 bến đò này là bến Minh Châu ở huyện Ba Vì, bến Chương Dương của huyện Thường Tín và bến Vạn Chài ở làng Vạn Chài, xã Thắng Lợi trên bãi nổi Long Biên.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Thông tư quy định phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện...

Quy định là vậy, nhưng thực tế hiện nay, nhiều phương tiện đò ngang chở khách trên sông ở Hà Nội chưa trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh cá nhân, hoặc chuẩn bị theo kiểu đối phó. Vì vậy, nếu sự cố xảy ra, hậu quả rất khó lường.

Những vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển khách ngang sông cho thấy hiện có nhiều vấn đề cần sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền và các cơ quan chức năng. Hà Nội cần rà soát lại các bến đò để cấp phép hoạt động hợp pháp cho những bến đò đủ tiêu chuẩn cấp phép. Còn đối với những bến đò không đảm bảo an toàn, ngay khi có đề nghị của lực lượng CSGT đường thủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần kiên quyết đình chỉ hoạt động, dù nó mang lại nguồn thu cho xã nhưng lại gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân như bến phà Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phúc.

Bến đò ngang sông chịu quản lý của UBND cấp xã. Bởi vậy, để bến đò hoạt động vi phạm tại địa phương, đặc biệt là khi có sự cố xảy ra thì chính UBND cấp xã mà trực tiếp là Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm

Nguyễn Minh - Nguyễn Hương
.
.