Kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống công an nhân dân việt nam (19/8/1945 - 19/8/2018)

Những chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc

Thứ Bảy, 18/08/2018, 13:14
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, kể từ cuộc Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đưa non sông liền một dải. Làm nên chiến thắng lịch sử mang tầm thời đại ấy có sự đóng góp to lớn của lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chiến sĩ Công an ngày ấy nay tóc đã bạc, mắt đã mờ. Nhưng trong họ vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm của những tháng năm đầy gian khổ, hy sinh song rất đỗi tự hào “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

1. Khó có thể kể hết những công lao, đóng góp, sự hy sinh anh dũng, to lớn của những cán bộ chiến sĩ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam nhưng có thể khái quát qua những phát biểu đầy xúc động, chân thành của  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: "Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng và biết ơn các Anh hùng, Liệt sĩ, các đồng chí cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam nói riêng đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Những công lao đóng góp và sự hy sinh to lớn của lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc".

Cán bộ chiến sĩ Công an miền Bắc nô nức lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, gian khổ song vô cùng vẻ vang của dân tộc, lực lượng CAND là một trong những lực lượng chi viện chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời, làm chuyển hướng tương quan lực lượng, đẩy mạnh tấn công diệt ác, trừ gian, bảo vệ thực lực cách mạng; xây dựng và phát triển lực lượng An ninh miền Nam, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cách mạng Việt Nam.

Với tinh thần quyết tâm "tất cả vì tiền tuyến lớn", "tất cả vì miền Nam ruột thịt", Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã sớm lựa chọn cán bộ để bồi dưỡng và huấn luyện chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1959 đến 4-1975, Bộ Công an đã chi viện hơn 11.000 cán bộ cho An ninh miền Nam. 

Lực lượng cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam đã luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; lăn lộn bám sát phong trào quần chúng, nhanh chóng hòa nhập với cán bộ tại chỗ, nêu những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng; góp phần xứng đáng cùng lực lượng An ninh và đồng bào miền Nam đấu tranh anh dũng, kiên cường, không tiếc xương máu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

Ngay sau khi vào chiến trường, các chiến sĩ đã kề vai, sát cánh với lực lượng An ninh địa phương, nhanh chóng trở thành nòng cốt trong tổ chức, công tác và xây dựng lực lượng; trong hoàn cảnh nào cũng không chùn bước, thể hiện rõ tinh thần, ý chí và sự kiên cường; thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, của lực lượng CAND, lập nhiều chiến công vang dội. 

Trong những năm tháng gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 1.000 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam; hàng trăm đồng chí bị thương tích, bị địch bắt, tra tấn dã man.

2. Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng LLVTND, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên-Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an là một trong những chiến sĩ Công an kiên trung, nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, chi viện cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. 

Đối với ông những giây phút, những kỷ niệm, những ký ức thiêng liêng về một thời hoa lửa, kề vai sát cánh cùng các đồng đội chiến đấu vào sinh ra tử tại chiến trường Trị Thiên-Huế là những kỷ niệm, ký ức không bao giờ phai mờ. Thiếu tướng Phan Văn Lai giờ đã bước vào tuổi 89, với chất giọng hào sảng, một trí nhớ mẫn tiệp, tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ nằm lặng lẽ, bình yên trên con phố Hoàng Cầu, Hà Nội những ký ức về năm tháng hào hùng không thể nào quên trên chiến trường lại ùa về.

12 năm kiên trì bám trụ ở chiến trường, dũng cảm chịu đựng gian khổ ác liệt, ông cùng đồng đội đã lập nên nhiều chiến công, bóc gỡ nhiều mạng lưới mật báo viên của tình báo cảnh sát ngụy; khai thác số đối tượng cảnh sát, tình báo, đảng phái phản động ngụy quân, ngụy quyền, thu nhiều tin tức tài liệu tình báo quan trọng; góp phần làm thất bại kế hoạch hậu chiến của địch.

Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam tặng quà cho các gia đình chính sách.

Đại tá Phan Thị Minh Chương, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị An ninh, sinh viên của Khóa D1, Trường Sĩ quan An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân) và cũng là một trong những phụ nữ tiêu biểu xuất sắc tham gia công tác An ninh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với chất giọng trầm ấm đầy tình cảm, Đại tá Phan Thị Minh Chương kể lại rằng: Năm 1960, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, nhờ thành tích học tập tốt lại thuộc thành phần cơ bản, bà đã vinh dự được tuyển vào làm việc tại đơn vị được giao nhiệm vụ thu thập thông tin của địch, báo cáo lại Trung ương để có những đối sách kịp thời. 

Giai đoạn 1960-1965, trước khi địch tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, bà đã sát cánh cùng đồng đội làm việc bất kể ngày đêm trong bối cảnh chiến trường miền Nam luôn sôi động, nhất là giữa các phe phái đối lập chính quyền Ngô Đình Diệm, các mạng đài địch, đài ngoại giao phát liên tục 24/24. 

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, bà đã sát cánh cùng các đồng đội vượt qua, chiến thắng mưa bom bão đạn của kẻ thù, kiên trì bám máy, thu thập đầy đủ các thông tin, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ lãnh đạo cấp trên đã tin tưởng giao phó. 

Sau này, trên cương vị là Cục trưởng Cục Chính trị An ninh, Đại tá Phan Thị Minh Chương đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Tổng cục An ninh. Cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, lãnh đạo Cục, bà đã tham mưu cho Đảng uỷ Tổng cục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các giải pháp xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

3. Đã 43 năm kể từ cuộc Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nhưng âm vang hào sảng của cuộc chiến đấu thần tốc ấy vẫn còn vang vọng, sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ lực lượng CAND vẫn vẹn nguyên giá trị. Các chiến sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân, xả thân trong mưa bom bão đạn, không tiếc máu xương, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Chiến tranh đã lùi xa, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã nằm lại trên các chiến trường miền Nam nhưng hình ảnh cùng những công lao, đóng góp, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ còn mãi với non sông đất nước Việt Nam, với đồng chí, đồng đội, gia đình và nhân dân.

Việt Hưng
.
.