Đường dây nóng và những cuộc gọi lúc nửa đêm

Thứ Sáu, 27/01/2017, 11:37
Năm 2016, đường dây nóng Báo điện tử CAND nhận gần 4.000 cuộc gọi và hàng ngàn thư điện tử. Cuộc gọi có thể đến bất cứ lúc nào từ sáng sớm đến đêm khuya. Có cuộc gọi từ Việt Nam, có cuộc gọi từ Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc và một số nước Đông Âu.


"Đường dây nóng" Báo điện tử CAND không chỉ phản ánh, cung cấp thông tin mà ở đó ghi nhận đủ các cung bậc tình cảm của người gọi. Nhưng ấn tượng hơn vẫn là những câu chuyện xúc động, rất đỗi nhân văn trong cuộc sống - mà chúng tôi, những người thường trực đường dây nóng tham gia với tư cách người trong cuộc...

1. Hôm đó tôi giật mình choàng tỉnh bởi chuông điện thoại réo vang lúc nửa đêm. Đường dây nóng nên phải thường trực 24/24h, chẳng bao giờ dám tắt máy mặc dù không ít lần mất ngủ bởi cuộc gọi lúc 2h sáng chỉ để hỏi tuyến xe buýt! Đầu dây bên kia là giọng người phụ nữ nói giọng miền Trung lơ lớ.

Chị bảo tên là Thanh (xin phép được đổi tên chị). Chị sang CHLB Đức từ năm 1986, hiện định cư ở TP Dresden. Chị bảo chị là "tín đồ" trung thành của Báo CAND, đặc biệt là với chuyên mục "Chuyện khó tin nhưng có thật" của Báo điện tử CAND.

Chị nói câu chuyện Báo điện tử CAND mới đăng dường như viết về cuộc đời đầy u uẩn của chị và lúc này chị đang rất tuyệt vọng chỉ muốn... chết!.

Năm 2016, đường dây nóng Báo điện tử CAND nhận được gần 4.000 cuộc gọi và hàng ngàn thư điện tử.

Nghe mức độ nghiêm trọng qua giọng nói của chị nên tôi động viên chị chia sẻ và kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện cũng như trải lòng của chị về cuộc đời, về thân phận tha hương và "nỗi hận" của mình khiến hơn 24 năm nay chị không muốn về Việt Nam cho dù vật vã, quay quắt vì nỗi nhớ quê hương và người thân.

Câu chuyện của chị có quá nhiều nước mắt, nhiều lúc chị phải dừng lại vì xúc động. Tôi nói chuyện với chị như một người bạn và cũng "liều" tư vấn tình cảm - lĩnh vực xem ra mình chưa có nhiều kinh nghiệm.

Cuộc điện thoại kéo dài gần 2 giờ (từ 3h sáng đến gần 5h sáng-Việt Nam và Đức chênh nhau khoảng 6 tiếng). Chúng tôi chia sẻ nhiều chuyện, và quan trọng, sau đó dường như chị đã vui vẻ hơn.

Kết thúc cuộc gọi dài kỷ lục, tôi bảo chị cần chia sẻ gì hãy nói chuyện qua email hoặc Facebook chứ không cần gọi điện cho tốn kém. Vài ngày sau đó, thi thoảng chị lại inbox và chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình.

Không biết có phải nghe lời tư vấn của chúng tôi không mà hôm vừa rồi, chị gọi điện bảo năm nay chị sẽ về nước ăn Tết sau 24 năm ôm nỗi hận với người thân của mình...

2. Tôi nhớ hôm đó là chủ nhật. Đi trực về lúc 22h30, tôi nhận được một cuộc gọi từ đầu số lạ hoắc! Cất giọng run run, người đàn ông hỏi: "Đây có phải đường dây nóng của Báo CAND không, tôi ở huyện Bình Chánh, muốn nhờ tư vấn một việc". Tôi động viên T. (tên người đàn ông) bình tĩnh, chia sẻ thông tin.

Theo lời anh T. nói, gia đình anh thuộc diện giải tỏa nhưng do chưa đồng ý với mức đền bù nên gia đình anh nhất quyết không di dời và đã chuẩn bị sẵn "lực lượng" để "ăn thua" với lực lượng cưỡng chế giải tỏa vào sáng hôm sau.

Sau khi nghe anh T. kể, tôi hỏi thăm thêm thông tin và chia sẻ thêm nhiều thông tin, đặc biệt là hậu quả của hành vi chống người thi hành công vụ; khuyên anh nhắc gia đình bỏ ngay những chai xăng, đất đá, hung khí đã chuẩn bị nhằm chống đối.

"Gia đình anh có thể tiếp tục tập hợp chứng cứ, sau đó nhờ luật sư tư vấn để viết đơn gửi các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho mình, chứ tuyệt đối không chống đối bằng những hành động cực đoan, vi phạm pháp luật...".

Sau khi nghe tôi dẫn vài ví dụ trong thời gian gần đây, anh T có vẻ bình tĩnh hơn. Gần sáng tôi lại nhắn tin vào số máy anh T. tư vấn thêm và khuyên anh động viên gia đình không nên có những hành động cực đoan, anh chỉ nhắn lại "Cảm ơn Báo CAND".

Đường dây nóng Báo điện tử CAND trở thành địa chỉ chia sẻ, tâm sự của nhiều độc giả.

Câu chuyện chỉ dừng ở đó, khoảng 3 tháng sau, tôi lại nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Tiếng người đàn ông nói giọng miền Nam. Hóa ra là anh T. Anh khoe gia đình anh đã được thành phố giải quyết mức đền bù hợp lý, được bố trí tái định cư. Anh gọi điện báo tin và một lần nữa cảm ơn Báo CAND.

Tôi cũng mừng với niềm vui của gia đình anh. Nếu hôm đó anh và gia đình có những hành vi chống đối cực đoan, rất có thể câu chuyện sẽ không kết thúc có hậu như vậy...

3. Những năm gần đây, các trường CAND là một "địa chỉ đỏ" rất "hot" thu hút thí sinh dự thi. Hằng năm, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường CAND lên đến hàng trăm ngàn người.

Xác định nhu cầu tìm hiểu thông tin của các thí sinh, ngay từ đầu năm Ban Biên tập Báo CAND chỉ đạo Báo điện tử mở chuyên mục "Tư vấn tuyển sinh các trường CAND", đồng thời tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh. Đây là một chuyên mục "hot", thu hút hàng chục ngàn lượt truy cập mỗi ngày. Và cũng nhờ uy tín và "thương hiệu" của mình, Báo CAND là địa chỉ gửi gắm niềm tin của các thí sinh và người nhà thí sinh khi gặp vướng mắc những vấn đề liên quan đến thi cử.

Chỉ tính trong năm 2016, đường dây nóng của Báo điện tử CAND đã tư vấn trực tiếp cho hàng trăm lượt thí sinh và người nhà hỏi về thông tin tuyển sinh. Đường dây nóng không chỉ là nơi tư vấn mà còn là nơi sẻ chia, tâm sự; là kênh kết nối thí sinh với Cục Đào tạo, Cục Chính sách giải đáp nhiều thắc mắc cho cả trăm lượt thí sinh.

Nhiều thí sinh điểm cao nhưng "vướng" về lý lịch, do lúc đầu không hiểu rõ đã có những suy nghĩ tiêu cực về lực lượng CAND và chính sách tuyển dụng. Nhưng sau khi được tư vấn, giải thích đã vui vẻ định hướng lại nghề nghiệp, đăng ký học một trường đại học khác theo sở trường của mình.

Trường hợp em Hoàng Thị Duyên, sinh năm 1995 quê ở Thôn NgoL (thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) là một ví dụ. Duyên học rất giỏi và chỉ mơ ước vào Công an. Năm ngoái em thi được 25 điểm vẫn thiếu 0,5 điểm để đậu vào một trường Công an.

Năm nay em ôn tập và giành 24,24 điểm, đủ điểm đậu vào Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2. Nhưng đến khi có kết quả thi, em lại "trục trặc" một chút về lý lịch. Gia đình lại làm đơn, Công an địa phương hướng dẫn thủ tục để đơn vị này báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND.

Hoàng Thị Duyên đã toại nguyện ước mơ trở thành một sỹ quan Cảnh sát tương lai.

Đăk Đoa là thị trấn miền núi, đơn gửi đi lâu, một số bạn đã làm thủ tục nhập học nhưng Duyên vẫn chưa thấy được hồi âm. "Em và cả nhà rơi vào trạng thái tuyệt vọng, lo âu vì có thể lại phải ở nhà thêm một năm nữa, dù trước đó em có giấy báo nhập học Đại học Luật" - Duyên đã bật khóc khi tâm sự với chúng tôi.

Nghe xong câu chuyện của em, biên tập viên Báo điện tử CAND đã chuyển thông tin đến Đại úy Nguyễn Thu Phương, Phó trưởng Ban Kinh tế -Văn hóa - Xã hội. Đại úy Phương đã nhiệt tình liên hệ với Cục Đào tạo, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị CAND).

Từ thông tin của Đại úy Phương, Báo điện tử CAND đã kịp thời động viên và tư vấn cho Hoàng Thị Duyên. Duyên bảo: "Em thấy vững tin hơn rồi. Nhờ các anh chị ở Báo CAND, em tin tưởng hơn, và giả sử có không đỗ năm nay em cũng động viên mình sẽ nỗ lực hơn để học một ngành nào đó phù hợp với năng lực của mình cho tương lai sau này".

Ngày 10-10-2016, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của Duyên. Em mừng rỡ khoe là đã nhận được giấy báo nhập học Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 rồi bật khóc nức nở vì sung sướng.

Chúng tôi thành tâm chúc mừng em đã đạt được mơ ước. Và quan trọng hơn, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND đã giải quyết thêm một trường hợp có lý, có tình, đúng quy định của lực lượng Công an, đem lại niềm vui và niềm tin cho Duyên và cả gia đình, dòng họ của em nữa.

Duyên vẫn giữ mối liên lạc với chúng tôi trên mạng xã hội, mỗi khi rảnh rỗi sau giờ lên lớp, em lại chia sẻ những câu chuyện về học tập, cuộc sống, những ngày ôn luyện võ thuật vất vả trên thao trường...

Hôm rồi, Duyên ríu rít khoe chuẩn bị được nghỉ Tết về với bố mẹ. Em bảo "Em muốn gửi tặng anh chị ở Báo CAND mấy ché rượu cần vui Tết và cũng muốn gửi lời cảm ơn các anh chị đã cho em và gia đình thêm niềm vui và niềm tin..." - Duyên nhắn qua Facebook.

"Em không cần phải cảm ơn, em hãy học thật tốt để trở thành một nữ chiến sĩ Công an giỏi, là sự tri ân cho bố mẹ, cho lực lượng CAND và cả các anh nữa, đồng nghiệp ạ" - tôi nhấn nút gửi inbox thư cho em mà thấy lòng nhẹ nhõm. Ngoài kia, Xuân gấp gáp gõ cửa...

Vũ Mạnh Hà
.
.