Bốn cùng với nhân dân, góp phần chuyển hóa địa bàn

Chủ Nhật, 10/06/2018, 07:06
Gặp cán bộ Hoàng (đồng chí Phạm Huy Hoàng - Phó trưởng Phòng An ninh xã hội tỉnh Lào Cai), Phàn Lở M, nạn nhân may mắn được cán bộ Hoàng giải thoát từ nước ngoài về nước và những người thân trong gia đình vui mừng ra mặt.



Bài cuối: Công an cắm bản và những chuyện cảm động

Nhìn nụ cười trên gương mặt cô gái trẻ, người cán bộ Công an tăng cường chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự cũng thấy niềm vui dâng trào. M hiện đang sống hạnh phúc ở xã giáp Tả Phìn là xã Bản Khoang - huyện Sapa (Lào Cai) cùng chồng và con...

Nhớ lại câu chuyện đã xảy ra, Trung tá Phạm Huy Hoàng kể, thời điểm đó, do gấp gáp và tình hình rất khẩn trương, tự bản thân anh đã xây dựng kế hoạch giải cứu, dùng tiền cá nhân để giúp đỡ, hỗ trợ gia đình bé gái giải cứu thành công nạn nhân, trước khi những kẻ buôn người đưa cô gái vào sâu trong nội địa Trung Quốc để bán.

Với cán bộ tăng cường cơ sở, chuyển hóa địa bàn, mỗi chuyến công tác đều có những kỷ niệm riêng. Song ở vùng cao chủ yếu gắn liền với những khó khăn về điều kiện giao thông, thời tiết; việc sinh hoạt trong đi lại tiếp cận dân và đối tượng. Nhưng bù đắp lại, anh em có được niềm vui và ấm áp trong sự bao bọc, che chở, cưu mang của đồng bào tốt bụng.

Cán bộ Công an tỉnh Lào Cai giúp dân làm kinh tế. 

Trong quá trình ở địa bàn, anh vận động, giúp đỡ con em của các đối tượng đã bỏ trốn đi Trung Quốc được nhập học tại địa phương dù đã quá tuổi, tuyên truyền để người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu... qua đó tạo sự biết ơn và niềm tin từ đối tượng. Một số đối tượng ngoan cố sau đó đã tự nguyện quay về Việt Nam đầu thú, hợp tác với cán bộ, thừa nhận sai phạm và hứa sửa chữa.

Những bữa cơm chỉ có nước suối, rau rừng và muối nấu thành canh, đơn sơ đạm bạc nhưng thấm đẫm tình đồng bào yêu thương che chở, bao bọc cán bộ Công an, vô tư, trong sáng không vụ lợi. Cho đến bây giờ, Trung tá Hoàng vẫn không quên được câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm về trước.

Đó là một ngày cuối đông giá rét năm 2010, trong một lần thực hiện kế hoạch nghiệp vụ tại địa bàn thuộc khu vực rừng núi huyện Sapa, tổ công tác của đồng chí Hoàng gồm 3 đồng chí bị mất phương hướng trong một khu rừng nguyên sinh, nơi sóng điện thoại không thể phủ tới.

Trời tối rất nhanh, sương mù ngày càng dày đặc, anh em mệt nhoài vì cả ngày chưa ăn nhưng vẫn cố sức bám theo nhau di chuyển theo con đường mòn rậm rạp cây cỏ, với hy vọng tìm ra con đường chính dẫn về điểm tập kết.

Lúc leo lên thì dốc dựng cao, lúc đi xuống thì trơn trượt, đất đá cây cối cứa đứt quai dép, vắt nhảy ra đeo bám đầy chân tay... nhưng các anh vẫn kiên trì di chuyển theo con đường mòn trước mặt. Trời bắt đầu chuyển mưa nặng hạt, di chuyển chừng 20h thì tất cả điện thoại của anh em đều hết sạch pin, không còn ánh sáng dò đường.

May mắn lúc đó, một cán bộ trong tổ công tác đã mang theo một chiếc bật lửa nên tiếp tục mò mẫm tìm đường. Nhìn thấy ánh lửa leo lắt hắt ra từ một lán nương ọp ẹp ở trên đường, lúc ấy tinh thần của anh em phấn chấn hơn hẳn.

Khi họ di chuyển tới, bỗng ánh đèn pin bật sáng, trong lán một người đàn ông Mông khoảng chừng 50 tuổi, một tay bấm đèn pin rọi vào mặt từng anh em, một tay nắm chặt chuôi dao rừng, nói giọng phổ thông còn chưa rõ. Anh Hoàng thuật lại:

- Chúng mày là người Kinh?, người đàn ông giật giọng hỏi.

Vâng, chúng tôi vừa trả lời thì anh ta tiếp tục bồi thêm một câu hỏi.

- Đến đây làm gì?

Chúng tôi đi theo anh em nhưng bị lạc đường, mong anh chỉ giúp lối về Sapa?

- Chúng mày là người tốt hay xấu?

Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi là cán bộ của Đảng, của Bác Hồ, đi làm công việc ở Sapa thì người này nói là người của Bác Hồ thì có gì cho tao xem?. Lúc này, tôi và đồng đội thực sự bối rối trước câu hỏi này. May mắn thay, tôi kịp nghĩ ra chiếc thẻ Đảng mang theo trong ví. Khi thấy hình Bác Hồ trên thẻ Đảng, người này đổi giọng:

- Ừ, là người của Bác Hồ thì tao cho vào lán này nghỉ. Đây là đất Lai Châu rồi, sáng mai tao dẫn đường về Sapa - anh nhớ lại.

Tối hôm ấy, người đàn ông nấu cơm cho họ ăn, đốt thêm củi cho họ sấy quần áo và sưởi ấm. Thức ăn chỉ có duy nhất một miếng thịt mỡ nhỏ, được ướp muối, sấy khói đến trong suốt, đang treo trên gác lán (mà theo người đàn ông nói là mang từ nhà theo), được thái ra vội vàng xào không rau, không gia vị. Tổ có 3 người, chuyền tay ăn chung trong 1 bát cơm.

Bữa ăn đơn giản mà quý giá, ngon đến thấm thía. Đêm đó, các anh ngủ chung trong một chiếc chăn đã cũ rách, không đủ trùm hết 4 người, còn chủ lán tự nguyện nằm ngoài cùng xa bếp lửa nhất để nhường ấm cho họ.

Sáng hôm sau, người đàn ông thức dậy sớm, tiếp tục nấu cơm ăn sáng cùng tổ công tác rồi đưa họ rời khỏi rừng về một bản gần nhất ở đất Lai Châu, từ đây hướng dẫn các anh thuê xe ôm ra đường lớn đón xe quay về Sapa.

Trước khi chia tay, Trung tá Hoàng và đồng đội không quên nói lời cảm tạ và gửi chút tiền mặt biết ơn người đàn ông ấy đã giúp đỡ các anh trong thời khắc khó khăn nhất.

Nhưng người đàn ông dân tộc Mông kiên quyết không nhận tiền, chỉ cười hiền lành: “Mình là người dân Việt Nam, giúp được cán bộ của Bác Hồ là thấy vui rồi. Cơm mình tự làm ra, củi mình tự kiếm được trên đất của Bác Hồ, chân mình còn khỏe còn đi lại được, có mất tiền mua gì đâu mà lấy tiền của cán bộ?”.

Chuyện đã qua từ lâu, nhưng trong suốt thời gian công tác, chiến đấu và phục vụ nhân dân, kỷ niệm về người dân tộc Mông chất phác, thật thà, tốt bụng ấy vẫn là ấn tượng đẹp, luôn in đậm trong tâm trí anh và đồng nghiệp.

“Những thành tích đạt được trong công tác của chúng tôi dù còn rất khiêm tốn, nhưng chúng tôi tâm nguyện sẽ sống, chiến đấu, và cống hiến hết mình để xứng đáng với niềm tin bền vững và tình cảm tốt đẹp mà người dân đã - đang dành cho chúng tôi - những người CAND của Bác Hồ.

Nhân đây, chúng tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới đồng bào các dân tộc anh em nơi chúng tôi làm nhiệm vụ, đã luôn tin tưởng, cưu mang, che chở, giúp đỡ chúng tôi trong suốt quá trình công tác”, Trung tá Phạm Huy Hoàng tiếp lời.

Cuộc sống hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn thử thách. Trong cuộc chiến đấu thầm lặng của người chiến sỹ An ninh trước tình hình mới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đòi hỏi mỗi người cán bộ không ngừng học tập rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong của người Công an cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND, đặc biệt thấm thía lời dạy “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép” của Người.

Xuân Mai
.
.