Bắt đối tượng truy nã - gian nan và nguy hiểm

Thứ Năm, 22/08/2013, 12:18
Theo Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52), từ khi thành lập - tháng 12/2009 đến nay, lực lượng truy nã toàn quốc đã bắt, thanh loại, vận động đầu thú gần 29.000 đối tượng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đối tượng gây án nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, núp bóng dưới nhiều vỏ bọc như giám đốc, doanh nghiệp, cán bộ Nhà nước… Sự trốn tránh thi hành án của các đối tượng với tiềm ẩn khả năng phạm tội không chỉ là mối lo lớn đối với trật tự, an toàn xã hội, mà còn là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những người cán bộ làm công tác truy nã.

Bài 1:Tác nhân gây mất an ninh, trật tự

Những con số giật mình

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước còn gần 16.000 đối tượng truy nã (ĐTTN) đang lẩn trốn ngoài xã hội và lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục gây án. Công việc truy bắt đối tượng bỏ trốn và vận động ĐTTN ra đầu thú là một công việc khó khăn và nguy hiểm vô cùng. Bởi các đối tượng này đã trốn là trốn rất kỹ, rất sâu, không chỉ trốn trong nước, các đối tượng còn “cao chạy xa bay” sang nước ngoài. Trong tư tưởng họ luôn nghĩ mình đang ở đường cùng nên sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ. Mặc dù hằng năm, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) đều bắt giữ một số lượng tương đối lớn nhưng số đối tượng lại bỏ trốn cũng nhiều và CQĐT lại ra lệnh truy nã tiếp. Chính vì vậy, việc tăng số lượng “đầu ra" và giàm số lượng "đầu vào” luôn là mục tiêu của lực lượng CSTNTP. Đầu vào ở đây có nghĩa là quá trình điều tra nếu đối tượng trốn thì CQĐT phải truy nã, còn đầu ra là các đối tượng đã bị bắt, sẽ được lực lượng chức năng loại ra.

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Công an toàn quốc đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại gần 29.000 đối tượng, trong đó hơn 6.700 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Riêng Cục C52 được thành lập từ tháng 12/2009, tính đến nay đã bắt, vận động đầu thú được hơn 1.200 đối tượng, trong đó có 570 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, 23 đối tượng có lệnh truy nã đỏ quốc tế...

Lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm lấy lời khai đối tượng Olivier Larroque (X).

Trong số 16.000 đối tượng truy nã, có hơn 5.600 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Những con số không biết nói mà khiến chúng ta phải giật mình, bởi còn quá nhiều những đối tượng phạm tội, thậm chí nhiều đối tượng rất manh động và liều lĩnh đang lẩn khuất ngoài xã hội, ẩn mình giữa bình yên cuộc sống, bên cạnh nhân dân, trong vỏ bọc những con người bình thường khác. Mà một khi đối tượng đã phạm tội, lại còn bỏ trốn không chấp hành hình phạt thích đáng, thì khả năng tái phạm là rất cao. Lực lượng CSTNTP hơn bao giờ hết phải căng mình truy tìm, truy bắt các đối tượng truy nã, vận động đầu thú các đối tượng để góp phần giữ gìn sự bình yên cho nhân dân…

Những vỏ bọc tinh vi

Khi thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi, thì cùng với đó, phương thức trốn tránh pháp luật, trong đó có trốn truy nã cũng ngày càng đa dạng, muôn hình muôn vẻ. Nếu như trước kia, tội phạm trốn truy nã thường thay tên đổi họ, thay đổi nhân dạng, bỏ trốn sang nước ngoài để tránh sự truy cứu trách nhiệm… thì ngày nay có vô vàn chiêu thức trốn truy nã mới. Ngày càng xuất hiện nhiều loại tội phạm tìm được hình thức “tráng men” lạ lẫm, xuất hiện ngang nhiên giữa đời thường bằng vỏ bọc tinh vi, hoàn hảo từng li từng tí. Câu chuyện về đối tượng Lại Đắc Chung, 35 tuổi, trú tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, núp vỏ bọc giám đốc doanh nghiệp là một ví dụ.

Năm 2007, Chung bị TAND tỉnh Bắc Ninh phạt 9 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản” và cho hưởng án treo. Ra tù, Chung mở Công ty TNHH Đắc Sơn ở Bắc Ninh, cổ phần, hợp tác với một số đơn vị khác để làm ăn. Tuy nhiên thực chất đây là công ty lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động, bất kỳ ai muốn đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phải nộp cho anh ta từ 30.000 USD đến 35.000 USD. Nhiều bị hại sau khi nộp tiền không được đi sang các nước ngay mà phải học nghề tại một trường dạy nghề ở Bắc Ninh đã gửi đơn lên cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động của Chung.

Quá trình điều tra, ngày 31/8/2009, CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra lệnh truy nã đối với Lại Đắc Chung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian này, anh ta trốn vào các tỉnh phía Nam và có tiền thì lại buôn bán bất động sản. Thỉnh thoảng, nhớ con quá, Chung có trốn về nhà vào ban đêm để thăm con rồi đi ngay.

Bẵng đi một thời gian vụ án tạm lắng, tưởng lực lượng CSTNTP không còn nhớ đến mình, Chung quay ra Hà Nội mở Công ty TNHH Xây dựng Đắc Sơn, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, san nền, phá dỡ công trình xây dựng. Thay đổi nhiều hình dạng bên ngoài, từ kiểu tóc chải ngôi một bên, vẻ mặt khắc khổ, ăn mặc giản dị thời Giám đốc lừa đảo, nay Chung để tóc húi cua, ăn mặc khá sành điệu, có lúc tự lái ôtô đi ngoại giao công việc, có lúc lại lên taxi, đi xe buýt, thoắt ẩn thoắt hiện… Duy cái tên Lại Đắc Chung, quê quán Bắc Ninh thì gã không thay đổi, và đây cũng là điểm mấu chốt khiến lực lượng làm công tác truy nã quan tâm đến gã hơn.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác định Giám đốc Chung này không ai khác là Giám đốc Chung từng bị truy nã năm nào, ngày 11/11/2010, các trinh sát Phòng 4, Cục C52 và Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp bắt giữ khi Chung đang đi trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Nếu chỉ bàn đến chuyện thay tên đổi họ, “di dời” quê quán để trốn lệnh truy nã thì e là chuyện… “đã xưa như trái đất”. Thời nay, có những đối tượng sử dụng quái chiêu trốn nã, che giấu tung tích tinh vi hơn, địa điểm trốn nã đặc biệt, ít ai ngờ nhất.

Một ngày cuối năm 2007, Nguyễn Văn Luận (27 tuổi, trú tại Cẩm Khê, phường Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cùng bạn ngồi uống nước ở sân Trung tâm Thương mại TP. Hải Dương thì xảy ra xô xát với một thanh niên quê Hải Phòng. Lời qua tiếng lại, cả hai xông vào đánh người thanh niên kia, rồi bạn Luận đâm chết người thanh niên. Sau khi gây án, cả hai cùng bỏ trốn, nhưng rồi bạn hắn đã đến cơ quan Công an đầu thú, còn hắn tiếp tục chạy trốn và bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương phát lệnh truy nã đặc biệt về hành vi giết người. Bỏ trốn xuống Kiến An, Hải Phòng sinh sống với một phụ nữ như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, sau một thời gian Nguyễn Văn Luận lại ra Quảng Ninh làm than thuê ở cảng Hà Khánh, TP Hạ Long.

Để tránh bị phát hiện, Luận đã đổi tên là Nguyễn Hùng Hưng. Tại TP Hạ Long, hắn tụ tập với các đối tượng lưu manh, côn đồ và cùng đồng bọn gây ra 2 vụ cố ý gây thương tích đặc biệt nghiêm trọng; trong đó 1 người bị tổn hại 50% sức khỏe. Sau khi Công an TP Hạ Long vào cuộc điều tra, hắn bị bắt giữ dưới vỏ bọc Nguyễn Hùng Hưng, không có nơi ở cố định… Hưng (tức Luận) bị TAND tỉnh Quảng Ninh kết án 7 năm tù về hành vi cố ý gây thương tích, thụ án tại Trại giam Quảng Ninh. Vậy là, từ án giết người nặng nề với cái tên Luận, y đã chuyển hóa thành Hưng và cái án 7 năm… nhẹ hều.

Tuy nhiên, dù tính toán kỹ, chiêu thức tinh vi, kế hoạch hoàn hảo, nhưng có một điều mà Luận và các đối tượng trốn truy nã như y không hiểu được, đó chính là “gieo gió ắt gặp bão”, “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Dù có tạo vỏ bọc thế nào, dù có trốn chạy ở nơi đâu, thì cuối cùng các đối tượng phạm tội vẫn bị lật tẩy và phải trả giá cho hành vi của mình.

Trong thời buổi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế này, lực lượng CSTNTP không chỉ vất vả truy bắt các đối tượng phạm tội là người Việt, mà nhiều đối tượng người nước ngoài cũng xem Việt Nam là “miền đất hứa” để lẩn trốn, và ung dung làm việc, sinh sống hòng thoát án. Đó là trường hợp của Olivier Larroque, SN 1962, quốc tịch Pháp, bị truy nã phạm tội liên quan đến lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em.

Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng, hồi tháng 5/2013, khi Cảnh sát Pháp tiến hành điều tra một số vụ xâm phạm tình dục với trẻ em vị thành niên và hiếp dâm trẻ em cho thấy, các vụ việc này có liên quan đến đối tượng Olivier Larroque. Trong thời gian lẩn trốn, đối tượng đã “hóa thân” thành bác sĩ tại một bệnh viện có uy tín trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngày 19/7/2013, lực lượng Cục C52 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ đối tượng Olivier Larroque khi hắn đang hành nghề tại bệnh viện, mọi người mới ngã ngửa ra, vị bác sỹ chính là tên “yêu râu xanh”…

Những thủ đoạn trốn truy nã thường gặp là: Ngay sau khi thực hỉện hoạt động phạm tội, bọn tội phạm thường nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, đồng thời bắt liên lạc với người thân, gia đình và đồng bọn tìm nơi lẩn trốn an toàn. Quá trình lẩn trốn, đối tượng truy nã tìm mọi cách để che giấu tung tích, thường xuyên thăm dò hoạt động của các cơ quan chức năng và hết sức cảnh giác với người xung quanh. Để che giấu tung tích, chúng sử dụng các loại giấy tờ giả mạo hoặc thay đổi họ tên, địa chỉ nhằm che đậy quá khứ phạm tội, tạo vỏ bọc an toàn để lẩn trốn... ĐTTN thường xuyên thay đổi nơi lẩn trốn. Các ĐTTN là lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự thì trong quá trình lẩn trốn tìm cách móc nối quan hệ, tụ tập đồng bọn tiếp tục hoạt động phạm tội hoặc tệ nạn xã hội. Một số tên phạm tội lần đầu hoặc phạm tội nghiêm trọng thường bỏ trốn ở những khu vực hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vừa ẩn náu, vừa làm thuê kiếm ăn...

Quỳnh Vinh - Anh Hiếu
.
.