Bảo vệ an ninh, trật tự sau giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh

Chủ Nhật, 09/08/2015, 07:53
Lợi dụng tình hình phức tạp những ngày đầu giải phóng, các đối tượng tội phạm hình sự, côn đồ nguy hiểm một thời câu kết với bộ máy cảnh sát ngụy gây nhiều tội ác với nhân dân vẫn tiếp tục hoạt động, cướp tài sản, phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân.

Tháng 6/1975, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 10/CT-75 về những công tác trước mắt trong trấn áp phản cách mạng. Ngày 10/4/1976, Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam ra chỉ thị về việc tiếp tục các đợt truy quét địch, chủ động trấn áp bọn phản động, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, củng cố lực lượng vũ trang. Chỉ thị xác định đối tượng tập trung truy quét nhằm vào cơ quan đầu não FULRO, bọn tàn quân ở các khu, các đảng phái phản động, ngụy quân ngoan cố chống đối.

Theo đó, để bảo vệ thành quả cách mạng, Bộ Công an tiếp tục điều động gần 1 vạn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho an ninh miền Nam, cùng lực lượng An ninh tại chỗ khẩn trương tiếp nhận, phân loại tài liệu địch để lại, truy tìm gián điệp cài lại, khai thác làm rõ những đối tượng tình báo viên, mật báo viên để vô hiệu hóa, làm trong sạch nội bộ; truy bắt số đối tượng tình báo, gián điệp, cảnh sát, ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động có nợ máu trốn trình diện, cải tạo; đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với bọn lưu manh, côn đồ và tội phạm hình sự khác, giữ vững và quản lý tốt an ninh, trật tự vùng mới giải phóng.

Cán bộ chiến sĩ Công an lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trước âm mưu, hoạt động ngày càng tăng của bọn FULRO, ta đã sử dụng lực lượng tấn công. Lực lượng an ninh các tỉnh Tây Nguyên phối hợp lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt, bắt và vận động hàng nghìn tên. Cùng với đó, thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Công an các cấp tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản ở miền Nam.

Tháng 12/1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã ra Nghị quyết về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, trong đó xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Sau Đại hội, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 31 xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an 5 năm (1976-1981). Ngày 2/2/1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc tiếp tục phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO. Chỉ thị xác định “vấn đề FULRO không phải đơn thuần là vấn đề quân sự mà chủ yếu là vấn đề chính trị phải được giải quyết một cách cơ bản lâu dài”.

Trong thời gian này, lực lượng Công an tham gia tích cực việc đấu tranh chống Pôn pốt. Với tinh thần dũng cảm, lực lượng công an đã kiên cường chiến đấu, chịu nhiều gian khổ, hy sinh, trực tiếp chiến đấu 1.840 trận, tiêu diệt 4.362 tên địch, góp phần đập tan âm mưu xâm lược của bọn Pôn pốt. Qua thực tế chiến đấu, lực lượng Công an rút ra những bài học quý báu, đặc biệt là kinh nghiệm bố trí, sử dụng lực lượng về chiến đấu cơ động và bóc gỡ cơ sở ngầm của địch.

Ngày 17/2/1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, lực lượng Công an các tỉnh biên giới phía Bắc cùng các lực lượng vũ trang cả nước đã kiên cường chiến đấu, điển hình như các tấm gương Nông Thế Tĩnh, Nông Thế Thuận, Đinh Văn Hải, là cán bộ cảnh sát bảo vệ Công an Cao Bằng; Hoàng Văn Trai, Triệu Văn Điện, Hoàng Văn Liên, Phan Tiến Dũng, là cảnh sát bảo vệ Công an Lạng Sơn…

Chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới phía Nam cùng thắng lợi trong công tác đấu tranh chống bọn phản động gây bạo loạn tại một số địa phương, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn sau giải phóng.

CAND
.
.