Tết của những người mẹ, người vợ Cảnh sát hình sự

Đón Tết muộn của những người lính hình sự

Thứ Hai, 15/02/2016, 11:02
“Tết này con hãy yên tâm ứng trực, đừng lo nghĩ nhiều về gia đình mà ảnh hưởng công tác…” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương thấy nghẹn lại khi nghe thấy tiếng nói quen thuộc của mẹ ở bên kia đầu máy. Hải biết, mẹ nói vậy thôi nhưng khi buông máy điện thoại thế nào cũng chui vào buồng khóc thầm một mình…

1. Chiều 30 Tết, mẹ của Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đội phó Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương, thắp nén hương trước tổ tiên, cầu mong con và các đồng đội được bình an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tết Nguyên đán Bính Thân, Thiếu tá Hải lại cùng đồng đội trực chiến ở đơn vị.

Khi trái nắng trở trời, biết Hải đang công tác xa gia đình, bà lại bảo mẹ vẫn bình thường để anh yên tâm công tác… Mỗi một năm qua đi, mái tóc mẹ ngày càng bạc hơn, lưng còng đi, Hải lại thấy thương mẹ nhiều hơn và thương người phụ nữ đã chia ngọt, sẻ bùi, sát cánh cùng Hải trong gần 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Xoan. Tết Bính Thân, Hải được phân công trực ca 1, nghĩa là từ ngày 27 Tết cho đến hết chiều 1 Tết.

Chị Xoan (vợ Thiếu tá Nguyễn Văn Hải) cùng con trai và mẹ.

Trước Tết Nguyên đán, tại địa bàn thôn Đình Giọng, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, Hải Dương) xảy ra vụ trọng án. Khoảng 17 giờ ngày 31-1, xác của người đàn ông là Nguyễn Đăng Chính (SN 1983, ở thôn Đồng Xá Bắc, xã Đồng Gia, huyện Kim Thành) được phát hiện ở rìa sông. Ngay trong đêm, Hải cùng các cán bộ trong ca trực lại có mặt ở hiện trường. Việc điều tra được tiến hành khẩn trương.

Những ngày đó, các gia đình đều tất bật chuẩn bị năm mới khiến việc thu thập tài liệu của anh em trinh sát gặp không ít khó khăn. Song với sự vào cuộc tích cực của các điều tra viên và sự giúp đỡ của người dân, vụ án được khám phá thành công vào những ngày trước Tết. Đối tượng Nguyễn Văn Thuận (1986, ở thôn Đình Giọng, xã Đại Đức, huyện Kim Thành) đã khai nhận hành vi phạm tội.

Vợ Thượng úy Dân và con gái.

Trước thời điểm xảy ra vụ án, gia đình Thuận thường xuyên bị mất trộm nên anh ta vô cùng bức xúc. Vì thế, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 29-1, Thuận dùng một đoạn dây kim loại mua trước đó khoảng một tháng rồi đấu điện, chăng quanh khu vực chuồng gà của gia đình…

Đến khoảng 2 giờ ngày 31-1, Thuận nghe thấy tiếng gà kêu ở khu vực phía chuồng gà tỉnh dậy soi đèn pin kiểm tra thì phát hiện xác của nạn nhân Chính. Vì sợ bị phát hiện, Thuận tạo hiện trường giả bằng cách vác xác Chính ra phía ruộng gần bờ sông cách nhà Thuận khoảng vài trăm mét vứt ở đó…

Công việc của những người lính hình sự là vậy, không kể giờ giấc, hễ nhận tin là vội vã lên đường. Mỗi phần việc được giao lại có những khó khăn, vất vả riêng. Trước thời điểm nhận công tác ở Phòng Cảnh sát Hình sự, Thiếu tá Hải từng có thời gian dài gắn bó với công tác truy tìm, truy bắt tội phạm ở Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hải Dương. Những chuyến công tác kéo dài cả tháng ở các tỉnh miền Nam, lần theo dấu vết của những kẻ trốn truy nã, công việc gia đình đều phải dựa vào sự vun vén của mẹ già; sự đảm đang chu toàn của người vợ, chị Nguyễn Thị Xoan, một cô giáo làng tần tảo chịu thương, chịu khó. Ngày thường là vậy, vào những dịp Tết đến xuân về thì công việc lại càng bề bộn hơn. Bởi những ngày lễ, Tết, ai cũng hướng về nơi quê cha, đất Tổ. Vì thế, đây cũng là thời điểm để Hải và các đồng đội tận dụng thời gian, tác động về tư tưởng, vận động họ đến cơ quan Công an đầu thú, sớm được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Có năng khiếu đặc biệt về công tác trinh sát, đặc biệt là sự sáng tạo linh hoạt nên Hải được đồng đội tin tưởng… Mỗi khi vào việc, anh như quên hết thời gian, bao nhiêu đam mê đều dồn cả vào đó. 

2.Sáng mùng một Tết, nghe tiếng xe quen thuộc, cô con gái nhỏ của Thượng úy Phạm Văn Dân, Đội trưởng Đội phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về tệ nạn xã hội và mua bán người, lại chạy ùa ra, ôm cổ cha nũng nịu: Tối qua con và mẹ cùng đi xem pháo hoa mà không có bố đi cùng… Đứng nép bên cửa, Nguyễn Thu Hà vợ anh Dân rơm rớm nước mắt. Làm vợ của những người lính hình sự, những người phụ nữ đều phải chịu thiệt thòi. Vào những ngày thường đã vậy, Tết đến xuân về thì càng trống vắng hơn…

Bốn năm nên nghĩa vợ chồng với Thượng  úy Phạm Văn Dân cũng là ngần ấy thời gian, Hà cùng con đón Tết mà không có chồng ở bên cạnh. Năm đầu tiên đón Tết một mình, Hà bị “sốc” bởi cô là con gái duy nhất trong gia đình quen được bố mẹ nuông chiều. Vào chiều 30 Tết đầu tiên, khi ngồi một mình trước mâm cơm tất niên, Hà đã bật khóc vì nhớ nhà. Nhưng rồi, những chuyến công tác đột xuất, công việc tất bật khiến Hà thêm hiểu và cảm thông với chồng. 

Tâm sự với chúng tôi, Thượng úy Dân giãi bày: Mỗi công việc lại có một khó khăn riêng, nếu mảng tố tụng phải khó khăn để xác minh, củng cố chứng cứ thì để có một vụ án thành công, công tác trinh sát đặc biệt quan trọng. Ngoài việc nắm bắt được quy luật và thủ đoạn hoạt động tội phạm còn phải nắm được địa hình địa vật. Bởi thế, vào những ngày này, khi mọi người vui Tết đón xuân thì Dân và những đồng đội của anh lại sớm bắt tay vào công việc.

Anh thường rời đi vào lúc nửa đêm rồi trở về khi đã tang tảng sáng. Bây giờ đã có chiếc ôtô cà tàng để đi lại nhưng trước đây chỉ có một xe máy. Mỗi khi chồng xách xe ra khỏi nhà là Hà lại hồi hộp cho đến khi nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc của chồng. Một chuyên án được xác lập, người đội trưởng ấy lại “ăn không ngon, ngủ không yên”. Những tài liệu được đưa ra phải đảm bảo tính chính xác để mỗi khi lãnh đạo đơn vị đặt câu hỏi, có thể tự tin để trả lời… 

Những đường dây đánh bạc được đưa ra ánh sáng, các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội được triệt phá…bình yên trên địa bàn trở lại đó là niềm vui của Dân và những người đồng đội của anh. Thêm một mùa xuân mới lại về, phía sau sự thành công của những người lính hình sự thành Đông luôn có một hậu phương vững chắc. Đón một cái Tết muộn nhưng ai cũng cảm thấy yên lòng.

Xuân Mai
.
.