Chuyện đời, chuyện nghề của những nữ sĩ quan công an

Tận tụy, cần mẫn bên những chồng hồ sơ

Thứ Ba, 08/03/2016, 08:33
Thoạt nhìn bề ngoài, không ít người lầm tưởng công tác hồ sơ chỉ đơn thuần là việc giải quyết các thủ tục hành chính như tra cứu theo yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ hay phục vụ những yêu cầu chính đáng của nhân dân… công việc nhàn hạ, thích hợp với phái nữ.


Nhưng khi được “tận mục sở thị” ngày làm việc của các cán bộ Phòng Hồ sơ Cảnh sát Công an TP Hà Nội, những suy nghĩ trong tôi mới dần thay đổi. Không trực tiếp đối mặt với tội phạm như những người lính hình sự hay nguy hiểm như cán bộ trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy, nhưng những áp lực và cường độ công việc mà mỗi ngày chị em phải đối mặt cũng không hề giản đơn để đáp ứng các yêu cầu khẩn, yêu cầu phá án…

1. Lúc tôi đến, Đại tá Vũ Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Hồ sơ Cảnh sát (HSCS) Công an TP Hà Nội đang bộn bề bên chồng hồ sơ do các đơn vị nghiệp vụ chuyển đến… 

Đại tá Hạnh cho biết: Những năm trở lại đây, khi chế độ hồ sơ thống kê nghiệp vụ Cảnh sát thực hiện theo chế độ mới, yêu cầu nghiệp vụ chia nhỏ để quản lý tốt hơn thì công việc của cán bộ Phòng HSCS Công an TP Hà Nội còn bộn bề hơn nhiều. 

Ngoài việc tập hợp, lưu trữ, khai thác thông tin, tài liệu cơ bản về hồ sơ, đối tượng; phản ánh về công tác điều tra, nghiên cứu, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác còn là lưu trữ danh bản, chỉ bản, phim, quản lý thông tin cơ bản về căn cước, tiền án, tiền sự thông tin diễn biến của các đối tượng vi phạm pháp luật. Trong khi đó, 70% cán bộ của đơn vị đều là nữ. Để đáp ứng yêu cầu công việc, chị em phải làm thêm ngoài giờ, tăng ngày công, làm thêm thứ bảy, chủ nhật hay giữa đêm khuya… Phải yêu ngành, yêu nghề, các chị mới có thể gắn bó với công việc ở nơi đây.

Theo học một chuyên ngành về nghệ thuật rồi được tuyển thẳng vào Đoàn văn hóa nghệ thuật Công an TP Hà Nội nhưng cơ duyên lại đưa chị đến với công tác hồ sơ nghiệp vụ. 

Tâm sự với chúng tôi, chị bộc bạch: Sau khi Đoàn văn hóa nghệ thuật Công an TP Hà Nội giải thể, hầu hết các chị em trong đoàn đều xin về các đơn vị nghiệp vụ của Công an các quận, thành phố, riêng chị lại chọn về phòng hồ sơ, với một suy nghĩ đơn giản là công việc này ít phải đi lại, phù hợp với người phụ nữ để có điều kiện và thời gian chăm lo cho gia đình. 

Nhưng khi phải tiếp xúc với thực tế công việc, những suy nghĩ của Đại tá Hạnh đã dần thay đổi. Nhiều năm đã trôi qua, từ một cán bộ làm công tác hồ sơ rồi trở thành trưởng phòng nhưng có một kỷ niệm chị Hạnh vẫn còn ấn tượng cho đến tận bây giờ. 

Chị Hạnh nhớ lại: Khoảng 19h30 hôm đó, chị đang ở nhà thì nhận được điện thoại của cấp trên, yêu cầu tra cứu về trường hợp của một nạn nhân trong vụ trọng án, xảy ra tại một nhà nghỉ thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Thi thể nạn nhân xấu số được tìm thấy trong gầm giường của một căn nhà, tử thi đã không thể nhận dạng. Danh chỉ bản hôm ấy là 10 dấu vân tay đầy máu của nạn nhân... 

Kiên trì và tỉ mỉ, đến khoảng 1h sáng hôm sau thì thông tin về nạn nhân đã được làm rõ. Cùng với tài liệu này, cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án. Khi chị hoàn tất công việc trở về nhà thì hai con đã say giấc nồng…

 Kể lại những chuỗi ngày khó quên đó, tôi thấy đôi mắt của người chỉ huy ấy rưng rưng: Những ngày đó, chồng thường xuyên đi công tác, một nách hai con nhỏ lại thường xuyên phải nhận những nhiệm vụ đột xuất. Có hôm, khi chị hoàn tất công việc ra đến nơi thì chỉ có một mình cô con gái nhỏ chơ vơ đứng ở cổng trường chờ mẹ. Khi đó, cô bé mới đang học lớp 3… 

Đối với người phụ nữ, điều quan trọng là một mái ấm gia đình hạnh phúc và những đứa con ngoan. Hai con gái của chị Hạnh đều trưởng thành, cô con gái lớn Nguyễn Bích Ngọc là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào Trường đại học Harvard. 

Cán bộ Phòng Hồ sơ Cảnh sát, Công an TP Hà Nội tra cứu thông tin.

2. Bảng trực của Phòng HSCS dày đặc gồm cả thứ bảy… Thiếu tá Phạm Thị Thu, Đội trưởng Đội tham mưu giải thích: “Ngoài công tác trực ban, trực chiến đáp ứng yêu cầu tra cứu thường xuyên cũng như đột xuất phục vụ công tác nghiệp vụ, 100%  cán bộ đơn vị tham gia làm thêm ngày thứ bảy trong tháng”. 

Trung bình mỗi ngày, Phòng HSCS Công an TP Hà Nội phải trả lời khoảng 1.000 yêu cầu, trong khi đó, 1/3 cán bộ đang đi học các lớp văn bằng hai hoặc nâng cao trình độ, vì thế các chị em phải thay phiên nhau gánh vác công việc. Vất vả nhất là thời điểm vừa qua, khi các chị em phải làm tăng ca để kịp thời tra cứu, phục vụ công tác bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII…

Thiếu tá Thu chia sẻ: Để có thể đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, một hồ sơ thông thường phải tra cứu qua 2 tổ nghiệp vụ, thứ nhất là tàng thư căn cước can phạm cung cấp thông tin về tiền án, tiền sự rồi sau đó là về nhân thân, lai lịch của người đó. Rồi kế đó là quá trình phạm tội và diễn biến hoạt động của các đối tượng… 

Những sai lệch như tên, tuổi, năm sinh, bố mẹ và địa chỉ được các nữ cán bộ đơn vị tỷ mỷ nghiên cứu, xác minh qua nhiều tài liệu để có câu trả lời chính xác nhất cho các đơn vị nghiệp vụ. Những đóng góp thầm lặng của những cán bộ làm công tác hồ sơ đã giúp không ít trường hợp phạm tội bị lật tẩy. 

Đúng vào ngày lễ Noel, các chị nhận được thông tin tra cứu của Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) về trường hợp đối tượng bị tạm giữ về hành vi tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy. Khi bị bắt giữ, đối tượng mỗi lúc khai báo một tên khác nhau nên việc tiến hành các hoạt động tố tụng của cơ quan Công an gặp không ít khó khăn. 

Sau khi phân loại công thức vân tay, Phòng HSCS đã xác định đối tượng có tên thật là Nguyễn Thanh Lịch (SN 1975, trú tại phường Trung Tự, quận Đống Đa), đang có lệnh truy nã về hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, đã thông báo với cơ quan sở tại… 

Là một đơn vị có tính chất đặc thù với số lượng cán bộ, chiến sỹ chủ yếu là phụ nữ; năm 2015 là năm thứ 13, Phòng HSCS Công an TP Hà Nội đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”; được Tổng cục Chính trị tặng Cờ thi đua. 

Đại tá Vũ Thị Bích Hạnh tâm sự rằng, trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc, chị quan tâm, sẻ chia từ những vất vả trong công việc đến cuộc sống gia đình. Rồi kế đó làm sao để mỗi cán bộ nữ phát huy được sự sáng tạo của mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở một tập thể có đông cán bộ là nữ, mâu thuẫn từ những chuyện thường ngày cũng không thể tránh được. Vai trò của người chỉ huy không chỉ là công tác nghiệp vụ mà còn làm sao để chị em vừa hoàn thành xuất sắc công việc, vừa bảo đảm hạnh phúc gia đình.

Xuân Mai
.
.