Chuyện về những gia đình liệt sỹ Công an hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy:

8 năm rồi, bố mẹ liệt sỹ Bùi Quốc Đại vẫn phần cơm con

Thứ Bảy, 28/07/2018, 09:25
Bùi Quốc Đại ra đi khi anh chưa kịp tổ chức đám cưới, nỗi chống chếnh khi nhà cửa quạnh hiu càng khiến bố mẹ Đại già hơn... Đã hơn 8 năm nay, bữa cơm nào bố mẹ anh cũng để phần cho con trai.

Giữa trưa những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến nhà liệt sỹ Bùi Quốc Đại (SN 1982), cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đúng lúc gia đình đang ăn cơm. 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi trên bàn ăn có 1 bát cơm, đôi đũa, cốc bia để ở phía góc có ghế trống, bác Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ liệt sỹ Đại nói: “Bát cơm của Đại nhà bác đấy, hơn 8 năm nay, bữa nào nhà bác ăn cơm cũng để phần cho con trai”. 

Bố mẹ liệt sỹ Bùi Quốc Đại.

Rồi nỗi đau được cất giấu trong sâu thẳm cõi lòng người mẹ lại được bùng lên, bác lấy tay lau nước mắt đang giàn giụa trên khuôn mặt đã hằn sâu nếp nhăn...

Thay vội áo để đón khách, bác Bùi Minh Đạo, bố của liệt sỹ Bùi Quốc Đại tiếp chúng tôi. “Sự việc xảy ra đã nhiều năm, nỗi đau giờ gia đình bác cũng đã nguôi ngoai. Nhờ sự động viên của người thân, bạn bè, hàng xóm và đặc biệt là sự chia sẻ của đồng đội và các đơn vị trong ngành Công an nơi em Đại công tác. Hiện giờ hai bác cũng đỡ bớt hiu quạnh khi chăm các cháu…”. 

Nói xong, bác Đạo quay đi, hướng ra phía cửa như đang chờ đợi phép mầu nào đó đối với gia đình. Chúng tôi hiểu, không có nỗi đau nào có thể thay thế khi mái đầu bạc phải tiễn mái đầu xanh. Bùi Quốc Đại là con trai cả (sau có cô em gái) và cũng là cháu đích tôn của dòng họ Bùi. 

Vì thế, khi cái ngày định mệnh giáng xuống gia đình, bác Nguyễn Thị Thu Hà vẫn không thể nào quên, từng chi tiết, kỷ niệm lại ùa về trong dòng ký ức của người mẹ 28 năm sinh thành, nuôi dưỡng cậu con trai đẹp ngoại hình lẫn tính cách mà ai cũng yêu quý, rồi đứa con ấy bỗng chốc vụt khỏi tầm tay của bố mẹ, đi về một nơi xa thẳm.

Giọng nói nghẹn lại, nước mắt từ đâu cứ tuôn ra, bác Hà miên man hồi ức kể lại cho chúng tôi nghe thời điểm ấy: “Hôm đó, là ngày 21 âm, bác vừa đi chợ về cầm nhiều đồ để cúng ông Công ông Táo. Đại chạy từ trên tầng xuống, đỡ mẹ mang đồ lên trên bàn thờ… Đại ngoan lắm, bố mẹ đi làm chưa về là cắm cơm, rồi ngồi ở chiếc bàn uống nước trước nhà để ghi chép tài liệu trong đống hồ sơ trước mặt…”. 

Bác Đạo kể thêm rằng, đợt đấy gần Tết, Đại đi xuống Trại tạm giam T16 của Bộ Công an để hỏi cung đối tượng. Ba hôm sau, bác đã thấy con trai về nhà, có nói tạm ngừng sau Tết mới tiếp tục hỏi cung. 

“Thế nhưng, em nó về 19 âm thì hôm sau lại thấy chuẩn bị đi công tác ở huyện Mai Châu. Khoảng 1h ngày 21 âm, Đại và đồng đội đi, tôi có hỏi thì em nó bảo nhóm con đi cuối cùng, các anh chị đã rải rác đi trước vì vào xã Hang Kia, Pà Cò ko dám đi đông, sợ lộ”, bác Đạo nhớ lại.

Ngày 5-2-2010 (tức 22 âm), khi Công an tỉnh Hòa Bình nhận được tin Vàng A Khua - đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội ma túy, đang có mặt tại địa bàn đã tổ chức lực lượng vây bắt. 

Phát hiện bị bao vây, Vàng A Khua cố thủ trong nhà, dùng súng AK bắn xối xả vào lực lượng làm nhiệm vụ, khiến 3 cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh là Đại tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu; Trung úy Sùng A Trư, Công an huyện Mai Châu và Thượng úy Bùi Quốc Đại, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Hoà Bình

“Hôm xảy ra sự việc, tôi lên hiện trường nhìn thấy cảnh Đại tá Hà Thế Yềm và con trai tôi nằm cạnh nhau, bản thân cố trấn tĩnh nhưng rồi chân tay bủn rủn, tôi đau lòng quá. Phải mất một lúc lâu, tôi mới gượng dậy được để lo cho con chu toàn” - bác Đạo cúi xuống tay mân mê mép bàn, lặng im. 

Có lẽ cú sốc quá lớn để đến giờ sau từng ấy năm, người đàn ông trụ cột của gia đình đã khép mình lại, đôi mắt vốn cương nghị giờ chất chứa nỗi buồn khôn nguôi. 

Nói quên tưởng là dễ nhưng với hai bác không hề đơn giản, bác Hà tâm sự, nhiều người động viên bảo đi chơi chỗ này nơi kia nhưng từ khi con trai hy sinh, bác không muốn đi đâu. Vì chỉ cần ai hỏi thăm, hay khơi dậy thôi là bác lại khóc…

Bùi Quốc Đại ra đi khi anh chưa kịp tổ chức đám cưới, vì thế nỗi chống chếnh khi nhà cửa quạnh hiu càng khiến bố mẹ Đại già hơn. Rất may, em gái của Đại hiện cũng nối nghiệp anh trai, công tác tại Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hòa Bình, để bố mẹ khuây khỏa sau khi anh trai hy sinh, chị dọn về ở cùng ông bà cho tiếng trẻ thơ làm ấm cúng hơn căn nhà vốn mang quá nhiều kỷ niệm của liệt sỹ Bùi Quốc Đại.

Câu chuyện của chúng tôi và bố mẹ liệt sỹ Bùi Quốc Đại cũng bị cắt đoạn khi hai đứa trẻ là con của em gái liệt sỹ Đại đi chơi về. Tiếng trẻ con nô đùa, líu lo gọi ông bà khiến căn phòng của gia đình liệt sỹ Đại trở nên ấm cúng hơn. 

Cũng theo bác Hà, từ ngày có cháu, hai bác chăm sóc bọn trẻ để quên đi nỗi đau và thời gian. Mỗi khi thấy ông bà đắm chìm cảm xúc khi ngắm tấm ảnh thờ của bác Đại, hai đứa trẻ lại thỏ thẻ: “Lớn lên con sẽ học giỏi để làm Công an như bác, ông bà nhé”. 

Ôm chặt bọn trẻ vào lòng, bác Hà và chồng cố giấu đi nước mắt. Nhưng họ luôn tự hào, con trai họ đã hy sinh vì đất nước, vì bình yên cuộc sống của người dân, làm vẻ vang truyền thống gia đình, để các thế hệ con cháu sau này noi theo.

Minh Hiền
.
.