Chống gián điệp biệt kích và chuyện lý thú về “trò chơi nghiệp vụ”:

Bài 3: Khóa tay những 'vị khách' từ trên trời rơi xuống

Thứ Ba, 18/08/2015, 08:12
Thật may mắn, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi có mặt tại mảnh đất miền Tây Bắc - Sơn La, nơi khởi nguồn của chuyên án chống gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường hàng không và đã được gặp, nghe chính người trong cuộc - những nhân chứng lịch sử kể lại về chuyên án này khi tham dự cuộc Hội thảo do Tổng cục An ninh phối hợp với Công an tỉnh Sơn La tổ chức.

Dường như mỗi lần nhắc tới các trận đánh, dòng chảy quá khứ lại trở về sống động trong câu chuyện của những người trong cuộc, trong đó có chuyên án PY27, chuyên án chống gián điệp biệt kích đầu tiên xâm nhập bằng đường hàng không vào ngày 27/5/1961 tại Châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ.

Trong ký ức của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động Tổng cục An ninh và đồng đội của ông, chuyên án PY27 dường như vẫn còn tươi mới như ngày hôm qua.  22h5 phút ngày 27/5/1961, bộ phận cảnh giới ở các khu vực thuộc Bản Hỳ, xã Phiềng Ban, Châu Phù Yên phát hiện tiếng máy bay lạ, lập tức dân quân đánh kẻng báo động.

Các lực lượng Bộ đội, Công an, dân quân cùng bà con dân bản triển khai ngay đội hình theo phương án đã được tập dượt thuần thục, lập tức truy lùng nhóm biệt kích tại điểm cao 828. Ngay trong đêm tối, việc bao vây, tổ chức truy lùng được các lực lượng triển khai ráo riết. Sáng sớm 28/5/1961, tên Lò Văn Piếng, Trung sĩ nhất truyền tin có bí số Castor3 bị bắt khi đang lấy máy vô tuyến điện để liên lạc về trung tâm.

Tiếp đó, chiều 28/5, tên Quách Thức có bí số Castor2; trưa 29/5, tên Lò Văn Phéng, bí số Castor4 và sáng 30/5, tên Hà Văn Chấp, toán trưởng, mang bí số Castor1 lần lượt bị ta tóm gọn. Sau 3 ngày truy lùng ráo riết, toán gián điệp biệt kích mang bí số Castor gồm 4 tên đã bị các lực lượng bắt giữ cùng toàn bộ máy móc, phương tiện hoạt động khu chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm…

Lực lượng Công an bắt gọn toán gián điệp biệt kích ngay khi chúng vừa nhảy dù xuống Sơn La.

Việc tóm gọn toán Castor không chỉ khẳng định tinh thần cảnh giác, phòng ngừa cao, tổ chức tác chiến mau lẹ của ta mà còn mở đường hướng đấu tranh mới với gián điệp biệt kích. Từ việc bắt giữ toán Castor, chuyên án PY27 được ta xác lập, đấu tranh với Trung tâm chỉ huy biệt kích tại Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) theo kiểu “dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch”.

Khi chúng tôi tìm hiểu về chuyên án PY27, theo nguồn tư liệu từ Ban tổ chức Hội thảo - Tổng cục An ninh, thì Castor là toán đầu tiên bị bắt và giữ vai trò đặc biệt quan trọng, từ toán này, lực lượng An ninh đã dụ địch khiến chúng bị cuốn vào “trò chơi nghiệp vụ”, hoạt động theo ý đồ sắp xếp của ta. Sau hơn 6 năm đấu tranh, chuyên án PY27 đã kết thúc thắng lợi.

Ngoài toán đầu tiên gồm 4 tên, ta đã dụ địch và bắt thêm 5 toán với 8 chuyến hàng, bắt 35 tên, diệt 21 tên, thu hàng chục tấn vũ khí, chất nổ, phá hủy 2 máy bay C47 của địch và nhiều loại máy móc hiện đại. Kể từ giai đoạn mở màn chống gián điệp biệt kích Castor, ngày 27/5/1961, đến ngày 4/7/1967, khi Bộ trưởng Bộ Công an cho phép kết thúc chuyên án PY27, ngày 4/7/1967, Castor thực hiện phiên liên lạc cuối cùng và giữa chừng bỏ máy…

Có thể khẳng định rằng, những thông tin thu thập được từ các toán biệt kích bị bắt đã có giá trị quý giá trên địa bàn Tây Bắc nói riêng, trên toàn miền Bắc nói chung. Từ chuyên án PY27 mở đầu, đến năm 1973, lực lượng An ninh đã tổ chức đấu tranh thắng lợi 27 chuyên án biệt kích gián điệp bằng chiến thuật “dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch…”.

Và tính riêng trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1965, lực lượng An ninh đã bắt 56 toán xâm nhập bằng đường hàng không gồm 353 tên, phá hủy 2 máy bay C47 của địch, thu gần 100 tấn vũ khí tối tân, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm. Điều đặc biệt chính là, suốt những năm đấu tranh, lực lượng An ninh không để địch gây ra một vụ phá hoại nào, không để một điệp viên nào móc nối thành công với cơ sở của chúng trong nội địa.

Theo dòng ký ức của tướng Tháp, khi ấy, đồng chí Trần Triệu - Giám đốc Công an khu Tây Bắc được Bộ Công an giao trực tiếp chỉ đạo chuyên án PY27, đồng chí Tháp khi ấy là Phó trưởng Phòng Bảo vệ chính trị được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chuyên án. Gần 1 năm tham gia đấu tranh chuyên án là quãng thời gian không thể nào quên trong ký ức vị tướng khi ông trực tiếp đấu trí, hỏi cung từng tên trong toán biệt kích, đi sâu nghiên cứu, đánh giá, phân tích và nắm được âm mưu, phương thức hoạt động, nhiệm vụ của toán Castor là chuẩn bị địa điểm để chúng tổ chức các toán biệt kích khác nhảy dù cùng phương tiện và hậu cần để thực hiện nhiệm vụ phá hoại miền Bắc.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp bồi hồi kể lại: “Nắm được âm mưu của chúng, tôi đã lên kế hoạch, chuẩn bị địa điểm, tín hiệu, báo cáo lãnh đạo Bộ và Công an khu Tây Bắc đón lõng chúng. Đêm 16 rạng sáng 17/5/1962, địch thả toán Gió Lốc gồm 7 tên biệt kích và 6 kiện hàng xuống khu vực bản Sam Kha, xã Tân Tập, huyện Mộc Châu, Sơn La, tôi cùng anh em trong đơn vị, nhân dân, dân quân truy lùng. Tôi leo lên mái nhà dân kêu gọi chúng đầu hàng. Bị bao vây chặt, cả 7 tên bị bắt gọn cùng 6 kiện hàng gồm vũ khí, máy móc”. 

Trong chuyến công tác lần ấy, chúng tôi đã gặp ông Hồ Thanh Can, nguyên Trưởng phòng, trưởng thành từ cán bộ trinh sát kỹ thuật tham gia chống gián điệp biệt kích. Suốt thời gian thực hiện “trò chơi nghiệp vụ” với trung tâm của địch trong chuyên án PY27, ông Can không nhớ con số chính xác, chỉ áng chừng đã bố trí liên lạc hàng trăm phiên, nhiều bức điện quan trọng đã được chuyển đi, nhận về trên cánh sóng nhưng ông và đồng đội luôn khắc ghi lời huấn thị của lãnh đạo Bộ là luôn phải thận trọng, phải thật tỷ mỉ, phải thật cảnh giác, trong mọi hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực phản gián trên không.

Trong cuộc hội ngộ cảm động tại Sơn La, chúng tôi còn có may mắn được gặp các cụ nguyên là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ từng tham gia chuyên án chống gián điệp biệt kích như các cụ: Đinh Chen, Đinh Xiền, Nguyễn Tuấn, Tạ Thịnh, Nguyễn Xuân Thục, Cà Ngọc Duyên, Đặng Hùng, Cầm Tuân, Sòi Ngọc Chắn...

Nhiều cụ giờ chân đã chậm, mắt đã mờ, tai nghe không còn được rõ nữa, phải dùng máy trợ thính nhưng mỗi khi ký ức ùa về, có cụ đã ghi ra giấy để nhớ lại những ngày đã qua, những kỷ niệm và bài học kinh nghiệm trong chiến đấu. Các cụ đều luôn tự hào rằng đã làm tròn trách nhiệm được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào các dân tộc đã gửi gắm, kỳ vọng vào họ...

Anh Hiếu
.
.