Gặp các cựu Công an chi viện chiến trường miền Nam:

Bài 2: Lá thư viết muộn sau ngày giải phóng

Thứ Hai, 22/04/2013, 13:20
Sau ngày miền Nam giải phóng, công việc liên miên, bận bịu, rồi chữa bệnh sốt rét nên mãi tới tháng 12/1975, Đại tá Nguyễn Huy Can mới viết lá thư đầu tiên gửi về gia đình. Nhắc lại chuyện cũ, bà Phạm Thị Thư, vợ ông ngậm ngùi: “Bố tôi tay run run cầm lá thư, hỏi con dâu mà ngờ ngợ: Có phải chữ Can đây không con?”.
>> Bài 1: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”

Trong cái rét nàng Bân của một ngày đầu tháng 3 âm lịch, Đại tá Nguyễn Huy Can trầm ngâm bên ấm trà nóng. Ánh mắt xa xăm đưa ông trở về với miền ký ức. Đó là những tháng ngày ông cùng đồng đội sát cánh bên đồng bào miền Nam chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước - những tháng ngày gian khổ nhưng thật đáng tự hào.

“Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”

Hồi tưởng lại ngày Đại tá Nguyễn Huy Can (Hai Can) lên đường làm nhiệm vụ – bà Phạm Thị Thư, vợ ông dường như không quên một chi tiết nào. Bởi, đó là cuộc chia ly không hẹn ngày về. Bà ôm cô con gái nhỏ Nguyễn Thị Thu Phương mới 18 tháng tuổi vào lòng, nuốt nước mắt khi một sinh linh nhỏ bé khác đang cựa quậy trong bụng. Ông lên đường đi chiến đấu, để lại cho người vợ trẻ hai đứa con và người cha già.

Lúc đó, Bình Định là trung tâm chi viện quân sự, hậu cần cho Tây Nguyên. Địch thực hiện các kiểu chiến tranh lập ấp, lập ra các chi khu quân sự, tăng cường lực lượng, đàn áp dân trong vùng… Do địch đàn áp, tra tấn ác liệt nên một số cơ sở cách mạng bị bắt, phong trào đôi lúc gặp khó khăn.

Ông Can được phân công xuống khu Đông của tỉnh Bình Định, gồm các huyện Anh Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, Phù Cát, nơi vẫn có câu thơ truyền miệng: “Khu Đông đi dễ khó về…”, hay: “Khu Đông gạo trắng nước trong. Ra đi đừng có ngày mong trở về” nói lên sự gian khổ, ác liệt, ngoài chiến đấu với địch còn phải lo đối phó với nước khi mùa nước lên. Ông cùng lực lượng An ninh địa phương vừa phải chiến đấu với địch, vừa tranh thủ làm công tác dân vận xây dựng cơ sở hợp pháp trong lòng dân khu Đông.

Đại tá Hai Can đã tham gia nhiều trận diệt ác phá thế bao vây của địch. Vùng Đập Đá là thị trấn lớn của khu Đông Bình Định, địch hoạt động mạnh, kìm dân, bao vây không cho dân ra vùng tranh chấp để làm ăn, ngăn chặn sự giao tiếp giữa lực lượng cách mạng với dân. Mục tiêu của ta đặt ra là phải giải tỏa việc lập ấp, phá thế bao vây, bình định nông thôn, diệt ấp trưởng, ấp phó để răn đe bọn ác ôn, tề ngụy khác và tranh thủ mở rộng phong trào cách mạng.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Huy Can.

Tháng 3/1973, An ninh huyện An Nhơn cùng với huyện đội, đội công tác xã đã tổ chức trận đánh thành công, mở được phong trào, phá thế kìm kẹp, đưa dân ra vùng làm ăn, gặp gỡ với cách mạng.

Bắt mật báo viên “hai mang”

Trong cuộc chiến, điều đau lòng nhất đối với người chiến sỹ cách mạng chính là bị chính đồng đội của mình phản bội. Đại tá Can trăn trở, nhíu mày khi nhắc đến nhiệm vụ phải xử lý đối tượng Nguyễn Thị Cúc.

Năm 1972, một đội công tác hoạt động tại vùng giáp ranh huyện Tuy Phước. Thông thường, mỗi người đều có một khẩu súng và quả lựu đạn mỏ vịt cài ở dây lưng.

Tối hôm đó, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi một đồng chí cầm đến dây lưng thì bỗng dưng lựu đạn phát nổ. Hai đồng chí của ta đã hy sinh. Mọi người bàng hoàng, đau đớn. Ai là người đã gây ra tổn thất này? Ai đã tháo khuy của lựu đạn để một va chạm nhỏ là gây nổ? Câu hỏi cần được giải đáp ngay. Đại tá Can cùng đồng chí Thông là cán bộ bảo vệ nội bộ của Công an tỉnh cùng đội công tác địa phương điều tra.

Nhận định đưa ra là, đối tượng đó phải cùng công tác trong đội mới có thể gây hại cho đồng đội bằng cách đó. Phải mất thời gian, công sức, ông Can và các đồng chí tham gia điều tra mới xác định được đối tượng Nguyễn Thị Cúc hoạt động “hai mang”. Và cũng phải hai lần triển khai phương án, ta mới bắt được Cúc đưa về trại giam.

Một trường hợp khác, vào năm 1973, Đội công tác Phước Hòa đánh vào điểm nào cũng bị tổn thất. Những trận diệt ác, ta đều bị lộ, một số cơ sở của ta bị chúng bắt hoặc mất tác dụng. Quá trình công tác tình báo, ta phát hiện có tên Mười Kham ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước là mật báo viên hai mang. An ninh tỉnh chỉ đạo An ninh Tuy Phước bắt Mười Kham.

Đây là việc khá khó khăn vì chỉ có đội công tác xã mới biết nhà hắn, trong khi hắn lại là cơ sở của đội này. Bởi vậy, phương án bắt Mười Kham được triển khai vào 30 Tết năm 1973 dưới hình thức cán bộ vào phát động dân tham gia cách mạng và thăm một số cơ sở hợp pháp. Yêu cầu đặt ra là đội công tác phải làm tốt công tác dẫn đường. Điều không ngờ cho lực lượng An ninh, khi vào tới nhà Mười Kham đúng vào lúc sắp đến giao thừa, đội công tác đã bỏ, không tiếp tục dẫn đường cho lực lượng An ninh.

Còn ít người, nhóm 3 đồng chí an ninh vẫn buộc phải làm nhiệm vụ, công bố lệnh bắt dù tình huống vô cùng phức tạp. Không rõ đường đi, luồng lạch, ta dễ rơi vào vùng địch. Lúc này, Đại tá Can cùng các đồng chí của mình phải vận dụng linh hoạt công tác nghề nghiệp để Mười Kham khiến cơ sở dẫn cả lực lượng an ninh ra ngoài, tránh bị lộ để địch không lật được thế cờ. 

Những ngày ở chiến trường, Đại tá Nguyễn Huy Can cùng đồng đội phải chịu nếm mật nằm gai, cùng an ninh cơ sở, an ninh vũ trang tập trung diệt ác phá kìm, đưa dân ra vùng mình quản lý. Đối với những tên ác ôn, lực lượng An ninh của ta viết thư kêu gọi, thông qua công tác dân vận để vận động các đối tượng này quay trở về với nhân dân. Khi đối tượng có biểu hiện ngoan cố, họ sẽ nhận được thư cảnh cáo. Đối tượng nào ngoan cố, phá phong trào của ta thì mới có kế hoạch tiêu diệt.

30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những tưởng hết chiến tranh, Đại tá Nguyễn Huy Can sẽ trở ra Bắc, nơi có người vợ và những đứa con ngóng chờ mòn mỏi. Nhưng không, ông nhận nhiệm vụ mới, làm Phó Công an huyện Tuy Phước, bảo vệ cửa ngõ Tây Nguyên – nơi sư đoàn pháo binh Ngụy dồn xuống, chạy qua đường 1 vào Phú Yên và TP Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ của lực lượng Công an sau đó là làm công tác cải tạo ngụy quân ngụy quyền, khai thác tài liệu, phát hiện đối tượng ác ôn, trốn tránh cải tạo. Công việc liên miên, bận bịu, rồi chữa bệnh sốt rét nên mãi tới tháng 12/1975, ông mới viết lá thư đầu tiên sau bao năm xa cách gửi về gia đình.

Nhắc lại chuyện cũ, bà Phạm Thị Thư ngậm ngùi: “3 mẹ con cùng người cha già từng ngày ngóng chờ tin ông ấy. Ngày đất nước thống nhất cũng bặt vô âm tín. Người ở nhà có bao nhiêu nước mắt khóc dành cả cho người ở chiến trường”. Thế rồi, cả gia đình vỡ òa trong sung sướng khi một ngày đồng đội của anh Can trở về. “Bố tôi tay run run cầm lá thư, hỏi con dâu mà ngờ ngợ: “Có phải chữ Can đây không con?”.

Mấy chục năm sau, bà vẫn nhớ như in lá thư ngày đó: “Gửi cha, em và các con! Trong khi xa vắng, do điều kiện hoàn cảnh con không gửi thư được. Hôm nay có anh bạn về quê, con biên thư về báo, sức khỏe con vẫn bình thường, công việc bận nên chưa về được. Hẹn ngày con sẽ trở về…”. Lá thư như một liều thuốc tiên.

Do bận công tác và nuôi con nhỏ, bà Thứ không vào thăm chồng được mà cho con gái lớn cùng người bác vào thăm ông Can. Vì nhiệm vụ, ông cũng không ra Bắc như đã hứa mà ở lại công tác, làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghĩa Bình, tách tỉnh, ông làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định. Vợ ông cũng chuyển công tác, ôm con theo chồng. Năm 1995, Đại tá Nguyễn Huy Can về làm Cục trưởng Cục Kho vận (một thời gọi là Tổng kho vận tải) cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhắc đến những người con, ông bà ánh lên niềm hạnh phúc. Chị Phương đang là trưởng khoa của một bệnh viện ở Hà Nội. Anh con trai thứ hai đã là một Thượng tá An ninh. Năm 1976, ông bà có thêm một người con trai út hiện đang du học ở nước ngoài. Sau bao gian khổ, xa cách, gia đình ông bà mới được hưởng trọn niềm vui thái bình.

Những “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ” của các đôi trai gái, của những cặp vợ chồng như ông Can, bà Thư trên nhiều vùng miền đất nước đã làm nên một chiến thắng vĩ đại cho đất nước

Việt Hà
.
.