Đất và người Trường Sa:

Bài 1: Chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn

Thứ Tư, 29/05/2013, 12:35
Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam giữa biển Đông. Đến với Trường Sa, chúng ta thêm tự hào, tin yêu vào những con người đang ngày đêm đối mặt với vất vả, khó khăn và hy sinh để Tổ quốc Việt Nam mãi trường tồn. Đến với Trường Sa, chúng ta cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình đoàn kết quân dân cả nước và cuộc sống thanh bình đang diễn ra từng ngày.

Từ cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, tàu Hải quân HQ996 đưa đoàn công tác của Bộ Công an nhằm hướng quần đảo Trường Sa rẽ sóng. Ra đến cửa biển Vũng Tàu, đã thấy bao la một màu xanh của biển. Trên boong tàu, mọi người chen chân ngắm cảnh, chụp hình ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến đi đến vùng đất thiêng liêng luôn gợi nên bao nỗi khắc khoải trong trái tim người Việt Nam...

Chuyến công tác đặc biệt

Đoàn công tác của Bộ Công an ra Trường Sa do Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an làm Trưởng đoàn.

Tham gia đoàn, còn có 21 vị tướng lĩnh, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Công an một số đơn vị, địa phương; đại diện phụ nữ, thanh niên CAND tiêu biểu. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy, Chuẩn đô đốc Quân chủng Hải quân cùng tham gia chuyến công tác.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công an cử một đoàn công tác lớn ra Trường Sa và do một đồng chí Thượng tướng, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn. Trong số 145 thành viên của Đoàn công tác, hầu hết chưa từng được ra với Trường Sa nhưng tất cả đều có chung niềm háo hức và tự hào khi được lựa chọn tham gia chuyến nghiên cứu, khảo sát tình hình an ninh biển đảo, thăm hỏi, động viên quân và dân Trường Sa.

Dường như trời đã chiều lòng người. Ngày đầu tiên hành trình trên biển, thời tiết đẹp đến mức khó tin, sóng biển êm ả, nền trời xanh trong với tầm nhìn xa trên 10km. Mặt biển lao xao những đàn cá chuồn thi thoảng vút lên khỏi mặt nước rồi lại lặn xuống. Thú vị hơn, chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng một cặp cá heo trắng bơi song song rồi lượn qua lượn lại trước mũi tàu HQ996 như muốn dạo cùng con tàu...

Ra khơi được chừng vài chục hải lý, buổi tối đầu tiên chúng tôi đều nhao ra boong tàu để ngắm nhìn những dàn khoan dầu trên biển đỏ rực như những con rồng lửa hiên ngang giữa biển trời bao la. Thuyền trưởng tàu HQ996, Trung tá Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Đó là những dàn khoan dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam!”.

Dẫu đã biết từ lâu chúng ta đang khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu thô dưới lòng biển Đông, nhưng chúng tôi vẫn xúc động khi lần đầu tiên được nhìn thấy một dàn khoan dầu của Việt Nam trên vùng biển của Tổ quốc. Tôi dõi theo mỗi ánh lửa hồng từ luồng khí thừa của dàn khoan bị đốt cháy cuồn cuộn nổi trên nền trời mà thấy ấm lòng, tự hào biết bao...

Ngay buổi tối đầu tiên, Đội Văn nghệ xung kích của Đoàn công tác đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ sôi nổi, chào mừng sinh nhật Bác Hồ. Trên boong tàu, trừ những người làm nhiệm vụ, hầu hết các thủy thủ, thuyền viên và cán bộ của Đoàn công tác đều tham dự, cùng hát vang những bài ca về Bác Hồ, về người lính biển và Trường Sa thân yêu...

Xúc động phát biểu trong đêm giao lưu, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tương, Chuẩn đô đốc Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Thật hiếm có khi nào biển đẹp như đêm nay, sóng yên biển lặng và trăng đẹp đến nên thơ”. Lời của vị tướng đã từng xông pha trên khắp biển Đông như tiếp thêm cho chúng tôi niềm vui về một sự khởi đầu tốt đẹp cho chuyến công tác ra Trường Sa...

Sau 46 giờ ra khơi, rạng sáng 20/5, chúng tôi đã nhìn thấy đảo Trường Sa Lớn. Từ cabin, mọi người tỏa lên boong tàu nhìn về phía xa xa; nơi ấy, đảo Trường Sa Lớn đang dần hiện rõ trong ánh bình minh của một ngày đẹp trời. Không ít người trong chúng tôi đã thốt lên: “Trường Sa! Trường Sa đây rồi!”.

Đại diện các đơn vị Quân đội tại Trường Sa Lớn diễu hành biểu dương lực lượng, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Hát Quốc ca giữa vùng đảo thiêng liêng

Đảo Trường Sa Lớn được coi như “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, là đảo nổi lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý. Trường Sa Lớn cũng là đảo nổi duy nhất có cầu cảng để tàu lớn cập vào; có sân bay với đường băng dài trên 600m.

Càng đến gần đảo, chúng tôi nhận rõ sự hiên ngang của Trường Sa Lớn, như một pháo đài được phủ màu xanh tươi mát của cây lá sừng sững giữa biển Đông. Trên cầu cảng, đại diện các đơn vị quân đội, cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã nghiêm trang xếp thành hàng chào đón Đoàn công tác.

Với niềm xúc động bâng khuâng, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương và các thành viên Đoàn công tác Bộ Công an bước lên cầu cảng trong sự đón tiếp trang trọng và đầy nồng ấm của quân và dân Trường Sa. Sau khi bắt tay lần lượt đại diện các đơn vị, Thượng tướng bế một em bé theo mẹ ra đón đoàn và xoa đầu bé, nói thân mật: “Xin chào những công dân đặc biệt của Trường Sa!”.

Sau khi đón đoàn, một buổi lễ chào cờ và diễu hành trọng thể được tổ chức ngay trên đường băng sân bay rộng rãi chạy suốt chiều dài đảo Trường Sa Lớn. Sau khi báo cáo và nhận được chỉ thị của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Trung tá Phạm Văn Hiến, Đảo trưởng Trường Sa Lớn ra lệnh tiến hành nghi lễ chào cờ.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu làm chủ lễ, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tương cùng Đảo trưởng Phạm Văn Hiến đứng ở vị trí cột cờ ngay phía trước cột mốc chủ quyền. Quốc ca nổi lên và tất cả chúng tôi đều tự hào đồng thanh hát: “Đoàn quân Việt Nam đi, trung lòng cứu quốc...”.

Trong cuộc đời, chúng ta đã nhiều lần được tham dự các buổi lễ chào cờ, nhưng lễ chào cờ trên đảo Trường Sa có một cảm giác đặc biệt, với những cảm xúc khó tả; đó là sự hòa quyện niềm tự hào, tin yêu và hi vọng về mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam giữa biển Đông...

Sau lễ chào cờ là cuộc diễu hành biểu dương lực lượng của các đơn vị quân đội đóng trên đảo. Ngắm nhìn đội ngũ sĩ quan, chiến sĩ trẻ trong những hàng khối chỉnh tề, chắc tay súng, khuôn mặt đen sạm lấm tấm mồ hôi đầy vẻ cương nghị; chúng tôi thấy toát lên ở họ hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ kiên trung, sẵn sàng xả thân bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong khi các đơn vị diễu qua lễ đài, lúc hướng ống kính máy ảnh về Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, người chỉ huy buổi lễ chào cờ đặc biệt, tôi chợt nhận ra đôi mắt ông rơm rớm; chắc hẳn, ông cũng như chúng tôi đang rất xúc động và tự hào về Trường Sa thân yêu

Trần Duy Hiển
.
.