Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành (1-11-1946 - 1-11-2016)

An ninh thế giới - Bản sắc và dấu ấn

Thứ Hai, 24/10/2016, 08:09
Ngày 16-5-1996, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có công văn số 314/BNV gửi Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép Tạp chí Văn  hóa – Văn nghệ Công an được xuất bản thêm một tờ phụ san lấy tên là Chuyên đề An ninh thế giới (ANTG).


Đất vỡ hoang

Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước, nguyên Tổng biên tập An ninh Thế giới kể: “Năm 1995, ngay từ khi Văn hóa Văn nghệ - Công an ra sạp, qua thăm dò bạn đọc, tôi được biết, mảng bài tư liệu về những nhân vật – sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử Việt Nam và thế giới được công chúng quan tâm.

Nó giống như một mảnh đất mới chưa có người vỡ hoang. Ý tưởng cho ra đời một tờ chuyên đề với điểm nhấn là tư liệu nhân vật – sự kiện, đặc biệt trong lĩnh vực tình báo – an ninh thế giới và trong nước bắt nguồn từ ý tưởng đó”.

Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan bùng nổ, những bài viết của hai nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Như Phong từ Pakistan gửi về luôn được đăng tải trên trang nhất của tờ ANTG, góp phần đưa lượng phát hành của tờ báo lên "đỉnh": 720.000 bản/số.

Ngày 16-5-1996, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có công văn số 314/BNV gửi Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép Tạp chí Văn  hóa – Văn nghệ Công an được xuất bản thêm một tờ phụ san lấy tên là Chuyên đề An ninh thế giới (ANTG).

ANTG phát hành 2 đầu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một phần ở nước ngoài.

Thời điểm đó, báo mạng điện tử chưa có, hệ thống báo chí chỉ mới quan tâm đến các vấn đề thời sự dưới dạng thông tin báo chí một cách trực diện. Tức là mới chỉ đi được bề nổi của sự kiện, còn tảng băng chìm của nó thì chưa được chú ý khai thác. Bạn đọc vẫn khát thông tin sâu hơn, kỹ hơn các bản tin thời sự hàng ngày.

Ban biên tập xác định, ANTG sẽ thua nếu chỉ chạy theo thông tin thời sự, tức là phần nổi của tảng băng, bởi một là không chạy kịp, hai là tờ báo cũng sẽ chỉ như một phép cộng của những thông tin mà các báo hàng ngày đã đưa.

Và, đó cũng chính là nền tảng của tiêu chí lúc bấy giờ đối với ANTG: thông tin bắt buộc phải sâu – kỹ. Như là mảnh đất còn chưa có người vỡ hoang, mảng tư liệu nhân vật, được chú trọng khai thác kỹ lưỡng theo kiểu bới đất lật cỏ, cày sâu cuốc bẫm. Những loạt bài tư liệu đặc sắc trên ANTG được ra sạp, ngay lập tức gây được tiếng vang trong bạn đọc.

Sau 20 năm, cho đến tận bây giờ, nhiều bạn đọc của ANTG vẫn còn nhớ các loạt bài tư liệu có tính chất “hậu trường chính trị” – đúng như tên của một chuyên mục đã xuất hiện từ ANTG số đầu tiên và duy trì cho đến hôm nay.

Tư liệu hậu trường chính trị trong nước với hàng loạt bài viết gây dấu ấn như những chuyện thâm cung bí sử của gia đình họ Ngô với những câu chuyện mới được tiết lộ của những nhân vật lịch sử cũ như ông Ngô Đình Diệm, bà Trần Lệ Xuân của tác giả Lý Nhân.

Hay như loạt bài tư liệu về giang hồ Sài Gòn trước năm 1975 của nhà báo Nguyễn Hồng Lam và các loạt bài tư liệu khác về những nhà tư sản Sài Gòn cũ…

Tất cả những nhân vật mà ANTG đề cập trong các loạt bài đó đều cũ, bạn đọc ít nhiều đã từng được biết đến hoặc chí ít đã từng nghe tên, nhưng những câu chuyện của cuộc đời họ mà ANTG thu thập và kể lại thì hoàn toàn mới với hầu hết bạn đọc.

Tương tự là những sự kiện ở thời kỳ hiện đại, có thể đã diễn ra, báo chí đã từng loan tin từ năm trước, tháng trước, bạn đọc cũng đã biết, nhưng chỉ mới biết ở bề nổi, còn phần chìm thì ANTG dày công đào xới để kể hầu bạn đọc.

Đó là những loạt bài về hành trình khổ nhọc và vô vọng của cuộc đi tìm kho báu nơi rừng sâu núi cao ở Bình Thuận hay Quảng Bình của nhà báo Nguyễn Hồng Lam.

Đó là những loạt bài đậm tính nhân văn về cô nhà báo Hàn Quốc Kusu Lyeong – “người viết di chúc của những oan hồn”; về “một gánh ve chai nuôi 40 cuộc đời”, về mẹ con người đàn bà bị số phận săn đuổi trong sự kiện giành quyền thừa kế của ngài tỷ phú quần bò đào hoa bạc mệnh Larry Hillblom…

Mảng tư liệu quốc tế với những câu chuyện hậu trường của Thế chiến thứ hai và thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng được ANTG dịch, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu và công bố khi mà trước đó bạn đọc tại Việt Nam hầu như rất ít có cơ hội tiếp cận.

Phóng sự vụ án

Viết vụ án là thể loại quen thuộc của báo chí ngành Công an nói chung nhưng viết vụ án theo “giọng phóng sự” thì ANTG là tờ báo đầu tiên. Đây là cách viết chưa có trong bất kỳ “ giáo trình” dạy viết báo nào. Và, loạt bài Vũ Xuân Trường đánh dấu cho thể loại báo chí mới lần đầu tiên xuất hiện trong làng báo, ấy là viết vụ án theo lối phóng sự.

Nếu như trước đây, các nhà báo chỉ tường thuật lại vụ án đơn thuần theo lời kể của cơ quan điều tra, theo các văn bản của cơ quan tố tụng thì nay trên ANTG các loạt bài viết vụ án có “cái tôi” của người viết xuất hiện từ đầu đến cuối.

Cách viết này  tạo được “ chất kết dính” với bạn đọc, và người viết đã thể hiện được chính kiến của “cái tôi”. Các bị can trong đường dây ma túy này không chỉ hiện lên trên trang viết bằng những con số khô khan (theo kiểu họ đã buôn bao nhiêu bánh heroin, đã thu lợi bất chính bao nhiêu tiền…), mà bằng cả những câu chuyện về đoạn đời của họ trước khi phạm tội, lý giải cho con đường sa ngã.

Cũng chính loạt bài về đường dây ma túy Vũ Xuân Trường đã góp phần đẩy con số phát hành của tờ ANTG lên đến con số từng là mơ ước của làng báo: hơn nửa triệu bản/kỳ. Nhưng kỷ lục của ANTG phải là loạt bài về cuộc chiến của Mỹ ở Afganistan.

ANTG là tờ báo đầu tiên cử phóng viên sang vùng chiến sự tháng 10-2001 và những bài báo của hai nhà văn – nhà báo Nguyễn Như Phong và Nguyễn Quang Thiều tường trình từ Pakistan luôn được đăng tải trên trang nhất của tờ ANTG đã góp phần đưa lượng phát hành của tờ báo lên “đỉnh”: 720.000 bản/số

Đặng Huyền
.
.