Tiếng vó ngựa trên đồi Bá Vân

Thứ Năm, 29/10/2020, 10:16
Con đường nhỏ quanh co uốn lượn giữa đồi núi trập trùng của xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên dẫn chúng tôi đến nơi đóng quân của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Khu đồi Bá Vân bao năm nay ngủ yên trong tĩnh lặng bỗng chốc cựa mình thức giấc bởi tiếng ngựa hý, tiếng hô của đội kỵ binh và nhịp vó ngựa vang xa…

Thao trường sôi động

Buổi huấn luyện ngựa ngoài thao trường của cảnh sát cơ động (CSCĐ) kỵ binh bắt đầu từ sáng sớm. Cả một vùng đồi có địa hình đa dạng với dốc, ụ, hồ nước, bãi cỏ trở nên sôi động khi các tiểu đội đang say sưa thực hiện các nội dung luyện tập. Cái nắng chang chang ập xuống khắp các triền đồi không một bóng cây, gió thổi ù ù bạt cả tiếng hô.

Góc này, từng nhóm 4-10 con ngựa dàn hàng ngang hoặc nối đuôi nhau đi, chạy theo hiệu lệnh. Góc kia là tốp ngựa leo cầu, nhảy vượt rào, bơi qua hồ nước một cách mau lẹ. Người chạy, ngựa phi nước kiệu, tiếng hô dứt khoát của cán bộ huấn luyện, tiếng ngựa hý vang cả khu đồi. Mồ hôi rịn trên khuôn mặt và trên lưng áo các chiến sĩ nhưng dường như chẳng ai chú ý đến điều đó…

Nhóm kỵ binh luyện tập trên đồi Bá Vân

Bỗng một tiểu đội đồng loạt điều khiển ngựa bốc hai chân lên không, ngựa hý vang dũng mãnh. Rồi đến một tốp các chiến sĩ đang phi ngựa bỗng ghì tay cương, chân thúc mạnh điều khiển ngựa nằm sát đất ẩn nấp. Chúng tôi không khỏi trầm trồ khi chứng kiến những pha nghiêng người đổ ngang để nhặt vật của các chiến sĩ khi đang ngồi trên lưng ngựa phi nước đại.

Đại tá Nguyễn Huy Hạnh - Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho chúng tôi biết đây là những động tác khó, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình kỵ binh làm nhiệm vụ tuần tra, đấu tranh với tội phạm. Để hình thành được những động tác này, cán bộ huấn luyện đã phải trải qua một quá trình thuần dưỡng, huấn luyện ngựa vất vả và kì công.

Ở từng động tác, Thượng tá Lê Sỹ Hà - Đoàn phó Đoàn CSCĐ Kỵ binh đều giải thích cặn kẽ cho chúng tôi về nội dung, ý nghĩa, phương pháp luyện tập. Cả Đại tá Hạnh và Thượng tá Hà đều là những người có chuyên môn và kinh nghiệm trong huấn luyện động vật nghiệp vụ. Giờ đây họ là những người tiên phong trong việc huấn luyện đàn ngựa, truyền kinh nghiệm và nhóm lửa đam mê cho các chiến sĩ trẻ tuổi vừa bắt nhịp với nhiệm vụ mới.

Thượng tá Hà nói với chúng tôi rằng việc huấn luyện ngựa chủ yếu dùng phương pháp kích thích vật lý. Có những động tác ngựa học rất nhanh, nhưng những động tác khó sẽ mất nhiều thời gian để hình thành phản xạ. Ngay trong một nhóm ngựa luyện tập thì việc nhớ động tác cũng không đồng đều. Với chó nghiệp vụ, động tác lặp lại từ 40 lần trở lên sẽ hình thành phản xạ.

Nhưng với ngựa sẽ không được lặp lại quá 3 lần trong một lần tập, phải liên tục "đổi món" để tạo sự hưng phấn, giảm trừ ức chế cho loài vật này. Cán bộ huấn luyện phải vận dụng đúng phương pháp, vừa kiên quyết vừa khéo léo và kiên trì tập luyện mới tiết chế tối đa bản năng hoang dã, tính bầy đàn của ngựa. Những thao tác nhỏ nhất cũng phải đưa vào kỉ luật tập luyện, từ việc dắt ngựa ra khỏi chuồng, đóng yên, đóng hàm thiếc, chỉnh dây cương đến động tác thân hoà, bắt chân, kiểm tra móng.

Giờ giải lao ngắn giữa buổi tập, đàn ngựa tha thẩn gặm cỏ, con nào con nấy khoẻ mạnh, lông mượt như nhung, bờm và đuôi được cắt tỉa gọn gàng. Thượng sĩ Phan Thanh Hải quê ở Quảng Ninh đang vuốt ve, trò chuyện với chú ngựa Hennessy mà anh phụ trách. Nhớ lại thời gian đầu, cả đàn ngựa còn lạ lẫm với cán bộ huấn luyện nên việc bị chấn thương do ngựa đá, ngã ngựa xảy ra như cơm bữa. Phải mất đến nửa tháng đàn ngựa mới chấp nhận việc các chiến sĩ cưỡi trên lưng. Sau 7-8 tháng, các anh mới trở thành người thân quen của những người bạn bốn chân này.

Bây giờ thì người và ngựa gắn bó với nhau như hình với bóng. Thượng sĩ Hải bảo chỉ cần nhìn vào đôi tai của ngựa là cán bộ huấn luyện có thể hiểu được tâm trạng của chúng. Lúc nào "các bạn ấy" thấy dễ chịu thì 2 tai liên tục vẫy và vểnh về đằng trước, lúc đó dễ tạo ra sự phấn khích cho ngựa luyện tập. Còn khi ngựa tức giận, khó chịu thì tai sẽ cụp về sau, phải nhẹ nhàng tiếp xúc và điều khiển. Khi đã thân quen rồi mới thấy loài ngựa rất khôn, nhanh nhẹn và tình cảm.

"Thợ nail" của "khách hàng" bốn chân

Càng gần trưa nắng càng gay gắt, công việc huấn luyện buổi sáng tạm dừng. Quay trở về khu nuôi nhốt ngựa, 71 chiến sĩ huấn luyện mỗi người một việc luôn chân luôn tay. Nhóm này vệ sinh chuồng trại, nhóm kia xay cỏ và chia cỏ tới các chuồng. Máy xay cỏ chạy hết công suất để cung cấp khoảng 3 tấn cỏ mỗi ngày cho đàn ngựa hơn một trăm con.

Một tốp khác đang tiến hành đóng móng cho ngựa. Anh em nói vui rằng họ là những "thợ nail" phục vụ "khách hàng" bốn chân. Việc đóng móng cho ngựa cũng đầy mới mẻ nên Đoàn Kỵ binh phải tìm mua móng ngựa về cắt đôi làm giáo cụ trực quan, xem phần nào là móng già, phần nào là móng non, đóng đinh vào vị trí nào để đảm bảo an toàn. Bây giờ thì những "thợ nail" đã trở nên chuyên nghiệp, thường xuyên kiểm tra và thay móng cho ngựa, đảm bảo cho những "khách hàng" đặc biệt có bàn chân chắc khoẻ.

Cán bộ huấn luyện thực hiện động tác đổ người nhặt hiện vật khi đang phi ngựa

71 chiến sĩ trẻ ở trại ngựa Bá Vân phụ trách 71 con ngựa huấn luyện nghiệp vụ, kiêm thêm công tác hậu cần của đơn vị. Ngoài việc đảm bảo tập luyện hai buổi sáng chiều thì việc lo cho đàn ngựa từng bữa ăn cũng mất nhiều thời gian. Anh em chiến sĩ thường tếu táo kể rằng một ngày đàn ngựa sẽ ăn điểm tâm vào 5h30 sáng, ăn trưa lúc 10h, ăn chiều lúc 16h chiều và kết thúc bằng bữa ăn tối lúc 20h. Trung bình mỗi con ngựa nặng 350kg, ăn khoảng 35-40kg thức ăn/ngày. Thực đơn không chỉ có cỏ tươi mà còn có cỏ khô alfalfa, cám và liếm đá muối để bổ sung dưỡng chất. Đêm đến, anh em chiến sĩ phải chia ca trực để theo dõi diễn biến đàn ngựa.

Ở Đoàn CSCĐ Kỵ binh có 2 bác sĩ đặc biệt, đó là Đại úy Trịnh Công Lương và Thượng úy Nguyễn Anh Vũ. Có tận mắt chứng kiến các anh khám bệnh, chăm sóc cho ngựa mới thấy sự tận tuỵ với công việc của những bác sĩ thú y này. Đại úy Lương bảo giống ngựa này có sức khỏe tốt và dẻo dai, khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng lại dễ mắc bệnh về tiêu hoá. Do đó phải cẩn trọng, tỉ mỉ từ việc ăn, việc uống, tắm rửa của đàn ngựa. Không chỉ thế, ngựa còn hay bị thương do vận động mạnh và đôi lúc còn đánh nhau do bản tính hoang dã vẫn còn. Vì vậy, từ khu tập đến khu nuôi nhốt phải luôn sạch sẽ, an toàn.

Những cuộc di chuyển trong đêm

Đại tá Nguyễn Huy Hạnh chia sẻ với chúng tôi rằng tuy đàn ngựa mới biên chế vào Đoàn CSCĐ Kỵ binh từ ngày 4/1/2020 nhưng đã có 3 "chuyến công tác" về thủ đô Hà Nội. Lần nào cũng vậy, khi cả vùng đồi Bá Vân còn chìm trong giấc ngủ thì từ 12 giờ đêm, các cán bộ, chiến sĩ đã trở dậy để chuẩn bị cho cuộc lên đường. Công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian bởi đưa đàn ngựa đi xa là cả một hành trình gian nan. Khâu hướng dẫn cho ngựa lên và xuống xe ô tô cũng phải luyện tập. Anh em chiến sĩ phải chuẩn bị cầu bắc từ mặt đất lên xe để dắt từng con ngựa và cố định ngựa ở từng ngăn đã chuẩn bị sẵn.

Trong quá trình vận chuyển ngựa, xe không thể đi nhanh để đảm bảo an toàn cho ngựa, tránh việc ngựa bị ngã. Nếu chẳng may có chú ngựa nào đó đứng lâu tê chân và bị ngã ra sàn xe thì các cán bộ phải dừng xe, len vào vị trí đó để nâng ngựa dậy rồi mới đi tiếp. Phải cần tới 7-8 anh em mới làm được việc này một cách chắc chắn, không thể vội vàng.

Khoảng 5h sáng cả đoàn xuống đến vị trí tập kết. Lại chậm rãi, kì công dắt từng chú ngựa xuống xe, tiến hành công tác chuẩn bị để có thể thực hiện nhiệm vụ từ đầu giờ sáng. Cả đêm không ngủ, nhưng từ cán bộ chỉ huy đến các chiến sĩ đều quên hết mệt nhọc, chú tâm lo cho đàn ngựa di chuyển an toàn và triển khai đội hình đều đẹp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 12 giờ trưa đội hình lại lên xe về lại đồi Bá Vân. Chỉ khi con ngựa cuối cùng được dắt từ trên xe ô tô xuống và vào chuồng an toàn, khoẻ mạnh, kết thúc một chuyến "công tác" thì các cán bộ, chiến sĩ mới thở phào nhẹ nhõm…

"Công việc chăm sóc và huấn luyện ngựa với tất cả cán bộ và chiến sĩ ở Đoàn CSCĐ Kỵ binh đều mới mẻ. Nhưng càng khó, chúng tôi càng quyết tâm và hăng say luyện tập để có thể thuần hoá được những chú ngựa, hình thành được những phản xạ, động tác nghiệp vụ nhằm phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

 Chúng tôi đã kì công học hỏi kinh nghiệm từ người dân, từ sách vở tài liệu khoa học. Quá trình chăm sóc, huấn luyện ngựa đồng thời cũng là quá trình tìm tòi, vận dụng và sáng tạo không ngừng. Mỗi cán bộ huấn luyện chính là một cuốn giáo án phong phú và sinh động". Đại tá Nguyễn Huy Hạnh - Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh.

Huyền Châm - Phong Sơn
.
.