Em có về Đà Lạt không em

Thứ Ba, 19/06/2018, 14:52
Ít ai ngờ rằng những vần thơ giàu chất nhạc trữ tình như lời mời gọi về với Đà Lạt mộng mơ lại bất nguồn từ rung động trong trái tim của một chiến sỹ - Đại tá Hồ Minh, Trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng.

Càng bất ngờ khi những tâm huyết của anh về một cuộc vận động Xây dựng nhân cách chiến sỹ Công an bản lĩnh nhân văn, vì nhân dân phục vụ được cô đọng bằng 64 chữ dễ hiểu, dễ nhớ, vần điệu rất thơ...

Chất nhạc trong thơ

Sẵn có tố chất về thi ca từ nhỏ, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, Đại tá Hồ Minh lại tìm đến những vần thơ ghi lại những khoảnh khắc thơ mộng tuyệt vời của Đà Lạt, quê hương, nghề nghiệp… Nghe những bản nhạc trữ tình giai điệu da diết, lúc nhớ, khi thương được phổ nhạc từ lời thơ của Hồ Minh, khó ai nghĩ rằng tác giả của những bài thơ được phổ nhạc đó lại chính là một sĩ quan Công an.

Đại tá Hồ Minh là người cần mẫn sáng tác nhưng các tác phẩm của anh thường chỉ “công bố” trong các cuộc vui khi có dịp hội ngộ với những người cùng niềm đam mê, sở thích thi ca. Mãi tới năm 2008, khi đó Hồ Minh giữ chức Trưởng Công an phường 2, TP Đà Lạt, được ông Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng “động viên” anh mới chịu gửi bài thơ “Em có về Đà Lạt không em” đăng trên tạp chí của Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng.

Ngay khi bài thơ được xuất bản và phát hành, cái tên Hồ Minh được nhiều người chú ý bởi giai điệu, hình ảnh trong bài thơ rất thực mà đầy chất lãng mạn, mềm mại và tinh tế khi viết về Đà Lạt qua lăng kính rất riêng của tác giả.

Nhà thơ, Đại tá Hồ Minh, Trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng.

Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi mà thực chất lại là lời giới thiệu, mời gọi “em” về Đà Lạt để thưởng thức cảnh và tình của con người nơi đây: Em có về Đà Lạt không em/ Nơi chỉ có hai mùa mưa nắng/ Sao em vội ra đi thầm lặng/ Biền biệt nơi nào chốn tha phương/ Sao em bỏ quê hương miền đất lạnh/ Đồi núi trập trùng thông ngát xanh/ Bỏ tiếng chuông chiều ngân mái phố….

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng khi đó đã lập tức gọi điện cho Hồ Minh mời anh đi cà phê và bình luận sôi nổi về bài thơ. Chính ông Lê Văn Tòa đã phát hiện ra chất nhạc trong bài thơ của Hồ Minh sau đó đem giới thiệu bài thơ “Em có về Đà Lạt không em” cho nhạc sĩ Dương Toàn Thiên phổ nhạc.

Không lâu sau, bài hát “Em có về Đà Lạt không em” phổ thơ Hồ Minh đã xuất hiện trên sóng của Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng với sự thể hiện của ca sĩ Huỳnh Lợi. Cũng từ đó, trong các hoạt động, sự kiện được tổ chức tại Đà Lạt, lời bài hát trên lại ngân vang, đi vào lòng công chúng, trở thành sáng tác thành công bậc nhất về Đà Lạt trong những năm gần đây.

Thành công ngoài mong đợi từ bài thơ đăng báo đầu tiên đã tiếp thêm động lực để Hồ Minh hết lòng “cháy” với thi ca. Những sáng tác của Đại tá Hồ Minh bắt nguồn từ sự rung động tinh tế của cảm xúc đối với tình yêu, tuổi thơ, khắc khoải trong hoài niệm, đau đáu hướng về quê hương…

Tất cả được anh chuyển tải thành những trang thơ giàu hình tượng, thấm đẫm chất nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, da diết và truyền cảm. Ngay trong sáng tác về lực lượng Công an, xưa nay vẫn được xem là viết rất khó, thế nhưng với sự trải nghiệm của chính bản thân, kinh qua nhiều vị trí công tác, cảm nhận được tận cùng của sự gian truân nghề nghiệp, Hồ Minh đã viết nên bài thơ “Tặng em một chút thơ tình”. Bài thơ nói về sự gian truân của lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững bình yên cuộc sống cho nhân dân, qua đó ngợi ca tình yêu thủy chung, son sắc và sự hi sinh thầm lặng của người vợ có chồng là Công an. …Vì bình yên, anh thâu đêm nẻo đường xóm vắng/ Em canh sương mong ngóng trở mình/ Vì tình yêu, em hi sinh riêng mình thầm lặng/ Như bông hoa tuyệt vời ngời sáng những trang thơ…

Lần này, đến lượt nhạc sĩ Đình Nghĩ phát hiện ra chất nhạc trong “Tặng em một chút thơ tình” của Hồ Minh. Bài thơ trên nhanh chóng được Đình Nghĩ phổ nhạc và cho dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện của lực lượng Công an được tổ chức tại Đà Lạt. Bây giờ, bài thơ đã trở thành bài hát đặc sắc viết về lực lượng Công an, và trở thành “bài tủ” của nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Lâm Đồng.

Tiếp đó, bài thơ “Điệu ru mặt trời” của Hồ Minh cũng được nhạc sĩ Đình Nghĩ chuyển thể thành bài hát. Vào năm 2016, tác phẩm này được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải B. Bài hát ngợi ca loài hoa rừng, con người trên cao nguyên nắng gió nên giai điệu dựa trên âm hưởng dân ca của đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên.

Không chỉ là người miệt mài, có trách nhiệm cao với công việc ở vai trò là Trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng, Đại tá Hồ Minh còn là người cần mẫn sáng tác, khắt khe trong lựa chọn ngôn từ, chắt lọc hình ảnh, đeo đuổi “trả nợ đời” bằng những sáng tác thơ. Đến nay, Đại tá Hồ Minh đã có 42 bài thơ được nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Đình Nghĩ và Quỳnh Hợp phổ nhạc. Hồ Minh cũng đã cho ra mắt 3 album, trong đó có 2 album của riêng anh với tựa đề “Em có về Đà Lạt” và “Quê nhà”.

Những tâm huyết về một cuộc vận động

Đến trụ sở Công an tỉnh Lâm Đồng, ngay cổng ra vào là một khẩu hiệu lớn in trên nền đỏ, vàng, với 64 chữ cô đọng, xúc tích, dễ thuộc, dễ nhớ. Đó chính là 64 chữ tâm huyết do chính Đại tá Hồ Minh đúc rút ra từ Cuộc vận động lớn về xây dựng phong cách người chiến sĩ CAND.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đại tá Hồ Minh đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng ban hành thành khẩu hiệu hành động của Công an Lâm Đồng. Vào tháng 1-2018, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã khen ngợi về ý tưởng, sáng kiến trên của Công an Lâm Đồng, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Chính trị CAND nghiên cứu mô hình này.

Nội dung 64 từ bao gồm: Đối với công tác xây dựng đơn vị: Cấp trên nêu gương; Cấp dưới tự giác; Đơn vị kỷ cương; Công tác hiệu quả. Đối với công tác tiếp công dân: Gần gũi cảm thông; Niềm nở ân cần; Hết lòng giúp đỡ; Tận tụy vô tư. Đối với khách đến tham quan, công tác: Lịch sự văn minh; An toàn khách đến; Hướng dẫn tận tình; Hài lòng khách đi. Nội dung cuối cùng là Tiếp thu ý kiến cơ quan, tổ chức và cá nhân: Cầu thị lắng nghe; Nghiêm túc tiếp thu; Công khai dân chủ; Nhanh chóng sửa chữa.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay khi đúc rút 64 chữ thành khẩu hiệu hành động, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo tổ chức niêm yết khẩu hiệu hành động này từ trụ sở Công an tỉnh đến các phòng tiếp dân của Công an phường, thị trấn và triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn thể cán bộ chiến sĩ  Công an Lâm Đồng. Coi đây là cam kết công khai của cán bộ chiến sĩ Công an, là căn cứ để nhân dân giám sát việc thực hiện.

Một điều khá thú vị, khẩu hiệu hành động trên của Công an Lâm Đồng mà chính Đại tá Hồ Minh sáng tác đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, chuyển thành bài hát “Suốt đời vì dân”. Ca khúc có nội dung cổ động, tuyên truyền với giai điệu hồ hởi, phấn khởi và tràn đầy niềm tự hào là người chiến sĩ CAND, suốt một đời vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Hồ Minh

Em có về Đà Lạt không em

Em có về Đà Lạt không em? 
Nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. 
Sao em vội ra đi thầm lặng. 
Biền biệt nơi nào chốn tha phương. 
Sao em bỏ quê hương miền đất lạnh. 
Đồi núi chập chùng thông ngát xanh. 
Bỏ tiếng chuông chiều ngân mái phố. 
Con đường kỉ niệm bơ vơ anh.

Em có về Đà Lạt không em? 
Nhìn sương sớm dăng đầy thung lũng xưa. 
Mimosa vẫn rộ vàng sắc nhớ. 
Như vẫn đợi vẫn chờ người đi.

Em có về Đà Lạt không em? 
Đêm Noel nào dành cho đôi lứa. 
Thánh đường xưa từng đôi vào cửa. 
Một mình anh lạc giữa... sương mờ.

Em hãy về Đà Lạt ngàn thương. 
Ở nơi đó vẫn một người ngóng đợi. 
Về với anh hãy về đi em hỡi. 
Đà Lạt buồn trĩu nặng nỗi hoài mong…

Khắc Lịch
.
.