Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”

Thứ Ba, 18/08/2020, 19:37
Trong thư gửi Giám đốc Công an khu 12, tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”(1).

Và Người thường xuyên căn dặn: Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”, mà Công an là bạn dân; làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ; đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép...

Hơn 70 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ CAND luôn kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy đó làm phương châm hành động, là chuẩn mực ứng xử trong mọi hoạt động của mình. Sự kính trọng, lễ phép của cán bộ, chiến sĩ Công an với nhân dân không chỉ được thể hiện trong giao tiếp mà bằng những hành động cụ thể; không chỉ là thái độ bên ngoài, mà còn thể hiện ở chiều sâu bản chất thông qua những việc làm hằng ngày.

Kính trọng, lễ phép với nhân dân trước hết thể hiện ở tác phong gần dân, trọng dân. Ý thức rõ yêu cầu này, cán bộ, chiến sĩ Công an đều nhận thức rằng, gần dân, hiểu tâm tư và nguyện vọng của nhân dân là để phục vụ nhân dân tốt hơn; gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, học hỏi nhân dân, để được nhân dân giúp đỡ, chỉ bảo những điều nên làm, những việc cần tránh nhằm không ngừng hoàn thiện nhân cách người Công an cách mạng. Tôn trọng nhân dân là trân trọng những giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cán bộ, chiến sĩ Công an giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: CTV.

Nhờ thực hiện tốt lời dạy của Người, lực lượng Công an luôn được nhân dân tin yêu, giúp đỡ và ủng hộ. Những năm tháng cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh, lực lượng Công an luôn được nhân dân đùm bọc, che chở, giúp đỡ. Nhờ có “căn cứ lòng dân” mà lực lượng Công an đã bảo toàn, phát triển lực lượng, tổ chức nhiều chuyên án, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của kẻ thù.

Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhờ sự giúp đỡ to lớn của nhân dân, lực lượng Công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Từ khi triển khai chủ trương đưa Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, những dấu ấn về tác phong gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân đã góp phần chủ động nắm chắc tình hình an ninh trật tự và giải quyết tốt các vụ việc ngay từ cơ sở, làm cho hình ảnh người chiến sĩ Công an đẹp hơn trong lòng nhân dân.

“Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép” thực sự là chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an với nhân dân. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ luôn có thái độ lịch sự, niềm nở, chân tình, giữ đúng lễ tiết, tác phong khi thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn, giải thích rõ ràng, đầy đủ các quy định liên quan đến giải quyết công việc của nhân dân. Các ý kiến đóng góp của nhân dân đều được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo; ý kiến nào đúng được tiếp thu, chấn chỉnh, sửa đổi ngay, ý kiến nào chưa đúng thì được giải thích cho nhân dân hiểu.

Đối với những người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ vẫn có thái độ đúng mực, bằng lẽ phải, lòng khoan dung và tình yêu thương con người, tuyên truyền, giáo dục, cảm hoá họ nhận rõ sai phạm của mình để sửa chữa, tin tưởng vào tính nghiêm minh của pháp luật và chính sách nhân đạo của Nhà nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ nhân dân”(2). Đối với lực lượng Công an, phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất, thể hiện tập trung nhất về sự kính trọng, lễ phép với nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Người, khi giải quyết các công việc cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an đều tận tình, chu đáo, với tinh thần vì nhân dân phục vụ.

Công an Nghệ An xuống bản, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ảnh: CTV.

Thời gian qua, Công an nhiều đơn vị, địa phương đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới quy trình công tác để tạo thuận lợi, dễ dàng nhất cho nhân dân, theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(3).

Tinh thần phục vụ nhân dân còn được thể hiện qua các hoạt động xã hội từ thiện, như xây dựng nhà tình nghĩa, phong trào “Hiến máu cứu người”. Trong năm 2019, riêng ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, Bộ Công an đã hỗ trợ xây tặng nhà tình nghĩa cho 1.200 hộ nghèo. Công an các địa phương đều đã xây tặng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào “Hiến máu cứu người” được cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương hưởng ứng tích cực, đóng góp hàng chục nghìn đơn vị máu cho các “ngân hàng máu sống” với tinh thần “giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”.

Trong thời điểm cả nước tập trung phòng, chống dịch COVID-19, Công an nhiều địa phương đã tặng nhiều phần quà, tổ chức “ATM gạo” hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CAND, trong đó có những đồng chí là chiến sĩ nghĩa vụ, đã thể hiện phẩm chất đạo đức trong sáng, dù thu nhập hằng tháng còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi nhặt được ví tiền lớn bằng nhiều tháng lương đã tìm mọi cách trả lại người mất... Những nghĩa cử và việc làm đó càng làm thắm thiết hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân.

“Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép” - đó không chỉ là trách nhiệm, là chuẩn mực đạo đức, mà còn là đạo lý trả nghĩa, tri ân, báo hiếu đối với người đã nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, giúp đỡ lực lượng CAND trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Để tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Người, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn luôn khắc ghi trong tâm trí mình điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”(4).

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.5, tr.498.

(2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453, 260.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.51.

PGS.TS Trần Quang Tám
.
.