Vợ tôi bỏ ba con tôi để... đi tu

Thứ Sáu, 09/10/2015, 08:56
Vợ tôi đã chuẩn bị trong lòng một quyết định sớm muộn gì cũng sẽ từ bỏ chồng con, từ bỏ mái ấm gia đình, từ bỏ cuộc sống trần tục để thanh thản đi trên con đường tu đạo. Đó là lý do khiến cho tôi vô cùng buồn phiền và đau khổ vì khó có thể kéo vợ trở về với tổ ấm gia đình, với chồng và các con một khi vợ tôi đã quyết một lòng một dạ sẽ theo con đường tu đạo.

Kính thưa các anh các chị!

Cuộc sống này mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khổ riêng, không có ai giống ai. Ngay bản thân tôi đây, không còn là mối linh cảm lo lắng nữa mà tôi gần như chắc chắn một điều rằng, không sớm thì muộn, rồi đây tôi sẽ mất vợ, các con tôi sẽ mất mẹ. Vợ tôi, mẹ của các con tôi từ lâu đã muốn quyết tâm từ bỏ chồng con, từ bỏ gia đình để ra đi không phải vì bất kỳ một lý do nào từ phía tôi, các con tôi hay gia đình nội ngoại. Vợ tôi từ bỏ chồng con, từ bỏ mái ấm gia đình cũng không phải vì trong lòng đã vướng vào một sự bội phản, hay con tim đã bị tiếng sét ái tình ngoài chồng ngoài vợ mà bỏ đi đến với người đàn ông khác. Vợ tôi đã chuẩn bị trong lòng một quyết định sớm muộn gì cũng sẽ từ bỏ cuộc sống trần tục để thanh thản đi trên con đường tu đạo. Đó là lý do khiến cho tôi vô cùng buồn phiền và đau khổ vì khó có thể kéo vợ trở về với tổ ấm gia đình, với chồng và các con một khi vợ tôi đã quyết một lòng một dạ sẽ theo con đường tu đạo. 

Điều khó khăn hơn nữa ở chỗ, vợ tôi không phải là người phụ nữ thất học để mà mù quáng khi lựa chọn cho mình một con đường đi, hay lựa chọn cho mình một lý tưởng sống. Vợ tôi đã ngoài 35 tuổi, cái tuổi đã chững chạc và từng trải. Cô ấy lại là giáo viên bộ môn Triết học. Cô ấy có đủ lý trí, cơ sở lý luận, có đủ nhận thức, sự tỉnh táo bình thường của một con người một trí thức bình thường để phân biệt được phải trái trong cuộc sống và con đường mà cô ấy sẽ lựa chọn. Thực sự tôi vô cùng bất lực khi phải viết thư cho BBT tòa soạn báo An ninh thế giới để tâm sự nỗi khổ tâm của mình.

Ai biết chuyện gia đình tôi cũng sẽ thảng thốt ngạc nhiên mà la trời lên, sao kỳ quái thế, sao lạ đời thế??? Ngay chính bản thân tôi cũng không làm sao cắt nghĩa nổi lí do, hay trả lời được câu hỏi này. Tôi chỉ có thể ngồi ngẫm lại tất cả, cả quãng đời chúng tôi thân nhau, yêu nhau, rồi nên vợ nên chồng để có thể đúc kết lại một kết luận rằng: Tôi đã chọn nhầm vợ. Và bản thân cô ấy cũng sai lầm, lẽ ra cô ấy không nên kết hôn, không nên cùng tôi xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình, và càng không nên sinh con. Tóm lại cả hai chúng tôi đều đã sai lầm.

Thưa quý báo! Vợ chồng tôi cùng tuổi, là sinh viên đại học cùng một trường. Vợ tôi học khoa Triết. Tôi học khoa Sinh. Chúng tôi gặp gỡ nhau, biết nhau rồi trở thành bạn thân của nhau trước khi trở thành vợ chồng từ câu lạc bộ hoạt động tình nguyện viên của trường. Tôi cảm mến vợ tôi ban đầu ở tấm lòng nhiệt huyết trong tất cả các hoạt động thiện nguyện của cô ấy. 

Cũng vì quá mến phục, ngưỡng mộ cô ấy mà tôi quyết tâm tham gia câu lạc bộ tình nguyện của nhà trường và lôi kéo nhiều bạn bè mình cùng tham gia. Ban đầu chỉ là hướng dẫn các em thí sinh lần đầu tiên lên thành phố tham gia thi vào đại học. Làm tình nguyện viên chỉ đường, đưa các em về các điểm nhà trọ miễn phí, và giúp đỡ chỉ bảo tận tình các bạn sinh viên mới nhập học… Rồi thay vì về nhà nghỉ ngơi, đi lu lịch, đi chơi với bạn bè, nhóm sinh viên tình nguyện đi về các vùng sâu, vùng xa giúp bà con dân bản tăng gia sản xuất. Hướng dẫn bà con ở vùng miền núi, dân tộc sinh hoạt văn minh, biết phòng chống bệnh tật, và dạy cả bà con dân bản lẫn trẻ em vùng dân tộc thiểu số những kỹ năng sống tối thiểu. Đó là những năm tháng sinh viên vô cùng đẹp đẽ. Tôi chưa từng thấy người con gái nào có tấm lòng trong sáng và giàu tình thương, lòng nhân ái như cô ấy. 

Chính vì cảm phục yêu mến tính cách và tấm lòng thiện tâm của cô ấy mà tôi đã ngỏ lời yêu và đó cũng là mối tình đầu của chúng tôi. Ban đầu cô ấy bảo với tôi rằng cô ấy sẽ không bao giờ yêu ai và lập gia đình. Cô ấy muốn dành cả đời mình cho công tác xã hội, công tác thiện nguyện. Sau này khi yêu nhau rồi tôi mới biết gia đình cô theo đạo Phật. Bản thân cô ấy là một phật tử. Nhưng hồi đó còn trẻ nên tôi không quan tâm lắm, chỉ biết sơ sơ cô theo đạo Phật và những người trong tâm có Phật, Phật ở trong tâm thì đều là những người tốt, thiện tâm và giàu lòng bác ái. 

Mặc dù theo đạo nhưng vợ tôi chủ yếu là tu theo trường phái Tịnh độ và tập Thiền, tụng kinh niệm Phật tại nhà. Ngoài ra cô ấy tham gia tất cả các công tác từ thiện khác. Ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, có đau khổ thì cô ấy đều kêu gọi các nhóm để chia sẻ giúp đỡ. Trước khi cưới nhau, cô ấy có nói với tôi về việc rất phân vân vì không biết lựa chọn hiện tại về cuộc sống của cô ấy là lấy chồng, sinh con, đi dạy học và sống một cuộc sống đời thường đã đúng chưa. Cô ấy có tâm sự với tôi rằng cô ấy muốn chuyên tâm hiến mình cho con đường thiện nguyện. Lúc đó tôi đã cười mà bảo với cô ấy rằng, cứ cưới nhau đi, có gia đình rồi, em càng yên tâm mà tham gia các phong trào thiện nguyện, có ai cấm em đâu.

Thật ra tôi yêu cô ấy mà không hiểu được sâu xa trong tâm tư cô ấy, còn có một tình yêu lớn hơn cả tình yêu đời thường, tình yêu bản thể, gia đình, chồng vợ, con cái, đó là tình yêu đối với phật pháp, với cái công việc thiện nguyện mà cô ấy đang say sưa dốc sức dốc lòng. Tôi không đủ tinh tế và nhạy bén cùng với sự từng trải để hiểu trong tâm hồn vợ mình, trong trái tim vợ mình có một khoảng rộng lớn chứa đựng lý tưởng riêng của cô ấy. Khoảng rộng lớn đó, tôi là chồng cô ấy hay các con máu mủ ruột rà của cô ấy chưa bao giờ chạm được tới, nói gì đến việc có thể chiếm trọn cả trái tim cô ấy. Thế nên sau khi lấy chồng, sinh liền tù tì hai đứa con một trai một gái, vợ chồng tôi gần như bị cuốn vào cuộc sống bận rộn của một gia đình trẻ với hai đứa con thơ trứng gà trứng vịt. 

Mất gần 7 năm cho hai đứa trẻ, cộng với việc dạy học bận rộn, vợ chồng tôi gần như không có thời gian để tham gia công tác thiện nguyện được nhiều. Vợ tôi cũng ít lên chùa, ít tụng kinh, ngồi thiền. Điều đó khiến cho vợ tôi rất bực bội, cáu gắt và phiền não vì cô ấy không có thời gian theo đuổi được niềm đam mê. Đó là những năm tháng căng thẳng của một cặp vợ chồng trẻ cùng tuổi vì phải nhập cuộc nhanh chóng với cuộc sống mới với bao bận rộn lo toan, nhất là hai đứa trẻ ra đời ngay sau hôn nhân khiến cho cả hai chúng tôi đều thấm mệt, trong khi hai cá tính riêng, những xung đột, cãi vã của hôn nhân đầu đời đã làm cho chúng tôi có những lúc tưởng có thể đứt gãy hạnh phúc. May mà cả tôi và cô ấy từng là bạn bè thân, lại hiểu nhau nhiều trước khi đến với nhau nên mọi chuyện rồi cũng thu xếp ổn thỏa.

Thế rồi khi con trai đầu lòng lên lớp 2, con gái út vào lớp 1, vợ tôi bắt đầu gặp lại những người bạn cũ trong đạo tràng. Từ đó vợ tôi siêng đi chùa, chăm tu tập và nối lại các hoạt động thiện nguyện của cô ấy thời trẻ. Từ ngày cô ấy tham gia công tác xã hội, cô ấy vui vẻ hẳn lên. Cuộc sống vợ chồng dễ thở hơn, vui vẻ hơn nhưng cũng xa cách hơn do cô ấy quá bận. Vợ chồng có khi đến khuya lên giường mới chạm mặt nhau. 

Ngoài công việc cơ quan, chăm con, cô ấy còn theo các nhóm tình nguyện viên làm tất cả những việc từ thiện như nấu cơm từ thiện ở chùa để phát cho người nghèo, người vô gia cư, hay đến tận các bệnh viện lớn phát cháo từ thiện, và sẵn sàng chăm sóc những bệnh nhân ung thư, hay HIV/AIDS giai đoạn cuối. Cô ấy có thể bỏ mặc hai con cho chồng tự xoay xở mà đi thiện nguyện có khi cả vài ba ngày mới về nhà. Chưa kể cô còn lên chùa đi nghe giảng Pháp, làm thị giả cùng các sư thầy đi công tác xa, hoặc thỉnh đón các vị sư ở nước ngoài đến Việt Nam hành đạo… Tôi có nhẹ nhàng khuyên bảo vợ bớt thời gian tham gia các phong trào xã hội, thiện nguyện để chăm sóc chồng con gia đình thì vợ tôi chỉ biết cười trừ và nịnh chồng giúp đỡ để vợ theo đuổi sứ mệnh cao cả mà vợ đã trót đa mang.

Kính thưa các anh các chị! Từ ngày vợ tôi quay trở lại với niềm đam mê tu đạo của mình và công việc thiện nguyện tu phước, vợ chồng tôi không căng thẳng, không cãi nhau nhưng ngày càng ít gặp nhau, ít gần gũi nhau hơn. Cuộc sống gia đình đầm ấm trước kia giờ vắng hình bóng của cô ấy vì cô ấy thường xuyên bận, vắng nhà. Tôi phải nhờ ông bà nội về sống cùng trong nhà để tiện chăm sóc các con và đưa đón bọn trẻ con đi học. Khi nào vợ tôi ở nhà thì cô ấy cũng dành trọn thời gian và lo cho chồng con chu đáo từ bữa ăn đến những công việc khác. 

Nhưng khổ nỗi thời gian để cho cô ấy chăm sóc chồng con vô cùng ít vì cô ấy quá bận với công tác xã hội. Các con càng lớn, càng trưởng thành, vợ chồng tôi càng xa nhau hơn, càng ít trò chuyện với nhau hơn. Vợ tôi nói với tôi: “Em đã trót theo con đường tu hành, cần phải buông xả hết mọi thứ. Mong anh thông cảm. Khi nào các con trưởng thành hết, vào đại học, có gia đình, anh và em cũng đã lớn tuổi thì em cũng hoàn thành xong bổn phận với anh và các con, lúc đó anh cho phép em lên chùa ở hẳn để em trọn mình với công việc của em”.

Kính thưa quý báo! Tôi sống trong một nỗi buồn, sự thất vọng sâu sắc, hay đúng hơn là tôi cô đơn kinh khủng. Cô đơn trong chính căn nhà của mình. Cô đơn trên chiếc giường của mình bên cạnh người vợ tay ấp gối kề, là mẹ của hai đứa con tôi. Cũng may các con tôi rất yêu ba mẹ, chúng không muốn làm ba mẹ buồn nên cả hai đứa đều quấn quýt lấy ba, và bảo vệ mẹ, và xin ba hãy để cho mẹ theo đuổi niềm đam mê, lý tưởng sống của mẹ. Cả hai con tôi chấp nhận vui vẻ việc mẹ thường xuyên vắng nhà, và sẵn sàng thông cảm khi thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Các con nói với tôi rằng: “Ba ơi! Ba hãy để cho mẹ được sống với niềm vui và hạnh phúc của mẹ. Mẹ tốt bụng, giàu tình thương, giàu lòng nhân ái, chúng con luôn vui vẻ tự hào vì được làm con của mẹ ba ạ”. 

Chính những tình cảm sự rộng lượng của hai đứa con đã làm cho tôi dịu lòng, cho tôi chấp nhận hoàn cảnh hiện tại. Nhưng thú thực tôi luôn thấy buồn khi nghĩ đến cảnh về già mình sẽ sống cô đơn không vợ con bên cạnh. Các con rồi sẽ trưởng thành, sẽ đi xa, sẽ có đời sống riêng, còn vợ thì sẽ bỏ tôi lên chùa tu đạo. Tôi sẽ phải làm gì với một đời sống trống trải mênh mông ở phía trước???.

Hữu Phước

Lời người biên tập

Anh Hữu Phước kính mến! Chúng tôi rất hiểu nỗi lòng, tâm trạng của anh về cuộc sống gia đình riêng hiện tại. Chúng tôi cũng không phải là những người học đạo để có thể có hiểu biết nhiều về lĩnh vực này khi phân tích tình trạng của vợ anh. Tôi nhớ đâu đó có một câu chuyện đại ý rằng, có một vị tăng sư, trong quá trình hành đạo, tu đạo vị ấy đã tu luyện đến độ đắc đạo, thành chánh quả. Khi đã chánh quả, vị ấy đã đi đến cái ranh giới để có thể bước qua đó để trở thành Bồ tát. Thế nhưng đứng trước ranh giới trở thành Bồ tát, vị Đức Phật ấy lại quay trở lại. Quyết định không thành Bồ tát vì Đức Phật ấy muốn tiếp tục bằng con đường tu hành của mình để có thể chia sẻ với con người giúp họ bớt khổ, bớt mọi buồn đau trong thế gian. Vợ anh chắc cũng với một niềm kính yêu phật pháp, muốn mình trở thành bồ tát của chúng sinh nên mới có ý định buông bỏ chồng con, gia đình dành nhiều thời gian, tinh thần để tu tập và làm việc thiện cho đời như thế. Nhưng có tu tập hay hành đạo như thế nào thì trước tiên cô ấy vẫn phải mang lại hạnh phúc cho bản thân, cho người thân, cho gia đình cho những đứa con máu mủ ruột rà của cô ấy. Có nhiều cách tu, không nhất thiết phải rời bỏ cả gia đình mình mới trọn vẹn được đường tu. Uống một chén nước mà biết mình đang uống nước ấy là mình đang tu. Nấu một bữa cơm cho gia đình mà biết mình đang nấu những thức ăn ngon cho người thân của mình ấy là mình đang tu tập. 

Thế nên qua câu chuyện của anh, chúng tôi không hiểu vợ anh có đang biết mình ở đâu, mình từ đâu đến, mình sẽ là ai trong cõi giới vô tận này. Nếu không làm tròn bổn phận của một người vợ, một người mẹ thì làm sao làm tốt được những việc cứu giúp hay chia sẻ mọi đau khổ của thế gian. Anh hãy đừng đứng từ xa và nhìn vợ mình đang rời bỏ gia đình, rời bỏ anh và các con nữa. Hãy gần gũi vợ, phân tích cho vợ hiểu lẽ phải trái, kéo vợ trở về. Hãy tìm gặp sư phụ của cô ấy và nói cho thầy biết rõ tình hình của gia đình anh, của vợ chồng anh và nhờ sư phụ của anh giảng giải cho cô ấy hiểu rằng, có rất nhiều cách để đến với phật pháp, và muốn tu tập thì trước tiên hãy tu trong chính bản thân mình, trong ngôi nhà của mình đã. Nếu sư phụ cô ấy là một vị minh sư, một vị chân sư thực sự, vợ anh sẽ giác ngộ ra con đường đang đi của mình mà làm tốt bổn phận với chồng con và gia đình song song với công tác xã hội khác. 

Chúng tôi tin rằng, một người sống tốt như cô ấy, giàu tình thương, giàu lòng trắc ẩn và thích làm việc thiện với cuộc đời như thế thì chẳng có lý do gì để cô ấy rời bỏ chồng con, nhất là hai đứa con vừa ngoan, vừa giàu lòng vị tha như thế, và bỏ gia đình để đi theo con đường tu hành. Mong anh sẽ giúp cô ấy sớm tìm được con đường đúng cho mình. Chúc anh hạnh phúc.

.
.
.