Tôi phải làm gì với ông chồng chi ly quái gở?

Thứ Tư, 17/06/2015, 15:43
Càng sống tôi càng không chịu nổi sự chi li tính toán, sự sòng phẳng một cách quái gở của anh với chính gia đình anh. Đến mẹ đẻ, con ruột của anh mà anh vẫn tính toán từng đồng thì tôi chẳng là gì trong anh cả.

Kính thưa tòa soạn!

Không giấu gì quý báo, tôi là một giảng viên đại học. Chồng tôi cũng là tiến sỹ, nhưng anh giữ cương vị trưởng khoa chuyên môn. Chúng tôi cùng làm việc trong một trường đại học ở Hà Nội. Bố mẹ tôi và bố mẹ chồng tôi lại cũng đều nguyên là những đồng nghiệp của nhau ở trường đại học này nay đã về hưu. Vì hai gia đình bố mẹ tôi và bố mẹ chồng tôi thân thiết nhau, cùng làm việc trong một cơ quan, bố chồng tôi lại là sếp to của bố mẹ tôi nên ông ngắm tôi từ ngày tôi còn đang là học sinh cấp 3 và nhắn nhe với bố mẹ tôi sau này để dành con gái rượu cho ông để ông tác thành cho con trai ông, để tôi trở thành con dâu của ông. 

Khi tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và đi du học ở nước ngoài thì chồng tôi đã là giảng viên đầy tiềm năng ở trường đại học. Anh hơn tôi 13 tuổi, dáng vẻ thư sinh, tóc xoăn và cặp kính cận trắng. Trông anh rất trí thức. Anh cũng tu nghiệp ở Pháp về. Buổi liên hoan cho tôi ra nước ngoài học tập, có bố mẹ anh khi ấy là sếp của bố mẹ tôi và có anh tới tham dự. Hình như các ông bố bà mẹ của hai bên đã có ý định từ trước nên ngoài cuộc liên hoan lớn cho anh em bè bạn đông vui, bố mẹ tôi còn tổ chức riêng cho tôi một cuộc liên hoan chia tay ở khách sạn Bảo Sơn ở ngay tít tận tầng trên cùng có khung cảnh lãng mạn để ngắm nhìn thành phố. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp mặt chồng tôi sau này. 

Trong cuộc liên hoan, không biết bố mẹ hai bên của chúng tôi nói với nhau những gì để sắp xếp tương lai cho chúng tôi; còn tôi và anh thì nói chuyện với nhau về học hành, về những mơ ước của tôi và con đường tương lai phía trước. Anh là thầy giáo, tôi chỉ là một cô học trò bé bỏng ngây thơ. Câu chuyện cũng chỉ dừng lại ở xã giao vậy thôi.

Tôi sang Pháp học 5 năm, học xong đại học  và làm luôn thạc sỹ ở đó. Trong quãng đời sinh viên tôi có trải qua vài ba mối tình với bạn bè cùng trang lứa ở trường tôi theo học. Những chuyện tình cảm bồng bột thời thiếu nữ không đâu vào đâu nhưng cũng để lại trong tôi những vết thương lòng sâu hoắm. Trong 5 năm tôi đi tu nghiệp ở Pháp, năm nào anh cũng sang Pháp đi công tác và có ghé thăm tôi. Việc giảng dạy ở một trường đại học lớn của thủ đô Hà Nội thì việc đi sang nước ngoài là việc không quá khó.

Những lần anh đến thăm tôi, tôi và anh cũng nói chuyện với nhau vu vơ về sở thích, về việc học, cùng tranh luận với nhau những bản nhạc, những cuốn sách yêu thích. Cảm giác của tôi về anh là một người lịch sự, nhẹ nhàng. Tôi có được những ấn tượng đẹp về anh. Tất cả chỉ có vậy. Tốt nghiệp thạc sỹ, tôi về nước và được bố anh nhận vào làm giáo viên ở ngay trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Thời điểm này cả bố mẹ tôi đều sắp sửa về hưu. Thế nên việc tôi được vào dạy học ngoài năng lực ra thì tôi có điều kiện thuận lợi hơn những người khác.

Trong tâm trạng cô đơn của một người con gái vừa trải qua vài cuộc tình buồn bã, anh đã qua lại với tôi thể hiện sự quan tâm tôi trong thời gian này. Bố mẹ hai bên vô cùng sung sướng và hạnh phúc nên vun vào thể hiện sự ủng hộ nhiệt liệt. Mọi chuyện cứ đưa đẩy đến một cách tự nhiên, mà nói chung sau này tôi khẳng định rằng tất cả đều có bàn tay sắp đặt của số phận hết chứ nếu tôi và người yêu không tan vỡ chuyện tình cảm, nếu tôi đã có người yêu hay có nơi có chốn tử tế rồi, và tôi không ở trong tâm trạng buồn bã cô đơn thì làm sao tôi và anh có cơ hội để thành vợ thành chồng của nhau.

Có lẽ ít có cặp đôi nào thuận lợi như chúng tôi khi gia đình hai bên tập trung vun vén vào. Gia đình hai bên môn đăng hộ đối. Đám cưới vui tưng bừng, trong sự chúc phúc của đông đảo mọi người. Tôi không yêu anh nhiều như những mối tình trước nhưng trong sự thuận lợi, trong sự chấp thuận của số phận tôi ít nhiều cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình.

Thế nhưng thưa các anh các chị! Cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ. Sau này tôi chỉ biết than thân trách phận rằng cái gì không đến từ tình yêu tự nhiên thì chớ có lựa chọn. Lấy vợ lấy chồng ngoài tình yêu phải tìm hiểu nhau kỹ càng hết sức, chứ lấy nhau theo sự sắp đặt, theo cảm tính, theo những điều kiện thuận lợi thì cũng khó. Tôi đã nếm vị đắng dần dần từ từ ở người bạn đời trí thức của mình. 

Việc đầu tiên là sau khi lấy nhau, bố mẹ anh quyết định mua cho vợ chồng tôi một căn hộ chung cư để chúng tôi ở riêng. Anh nói với tôi ngay sau tháng trăng mật, khi tôi mang thai đứa con đầu tiên với anh, anh đã đề nghị tôi về bảo với bố mẹ tôi ủng hộ góp cho bố mẹ anh một ít tiền để mua nhà. Thực ra, việc cùng nhau góp sức để mua một ngôi nhà cho vợ chồng cùng ở là việc đương nhiên. Nhưng giá như anh đừng đặt vấn đề một cách trắng phớ như vậy; giá anh để tôi tự ý bảo với bố mẹ. Mà bố mẹ tôi cũng chỉ có hai chị em tôi, của nả không cho con thì cho ai. Nếu biết bố mẹ chồng mua nhà cho chúng tôi, kiểu gì bố mẹ tôi cũng sẽ tìm cách ủng hộ cho vợ chồng tôi không cách này thì cách khác. Cảm giác khi nghe lời đề nghị của anh về chuyện góp tiền bạc mua nhà chung làm cho tôi thấy rất bất ngờ.

Chúng tôi ra ở riêng, mang theo vị đắng chỉ một mình tôi biết. Khi về ở riêng, bụng tôi chửa to, anh xem xét nhà cửa rồi phân công tôi mua sắm đồ đạc. Nếu anh mua ti vi thì tôi phải mua tủ lạnh. Nếu anh lắp điều hòa thì tôi phải mua máy giặt. Anh nói nhà là tài sản chung của vợ chồng, tôi là vợ cũng phải có trách nhiệm đóng góp. Tiền bạc để tôi phải mua sắm đồ đạc trong nhà do anh đã phân công thì tôi phải tự lo kiếm lấy, còn kiếm ở đâu thì anh không biết, dù anh quá hiểu mức lương của tôi ở cơ quan được bao nhiêu rồi. Tôi nói với anh, tôi không có tiền thì anh bảo với tôi, nếu em không có thì xin bố mẹ vậy, đằng nào bố mẹ chẳng cho. Và những đồ đạc anh đã phân công tôi mua sắm thì tuyệt đối anh không mua, có thì dùng, không thì cũng mặc kệ. Tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt xin bố mẹ tiền để mua sắm cho đủ, để tới đây sinh nở còn có cái mà dùng. Vị đắng thêm một lần nữa thấm ngược vào họng tôi chát xít.

Tiền lương của anh, anh không cho tôi được nhận cùng. Anh nói với chị kế toán, lương của ai người ấy nhận vì cái cảm giác được nhận lương quan trọng lắm. Cả đời đi làm mà không được tự tay nhận đồng lương thì quả là bi kịch. Chị kế toán cười tít mắt vì cái lý do dễ thương của anh và tôi cũng phải nói với chị kế toán cứ để chồng em nhận để anh ấy tự tay đưa cho vợ thì cảm giác hạnh phúc hơn. 

Nhận lương về, anh chỉ đưa tôi 1/3 số tiền lương của anh và nói rằng, anh góp tiền ăn của anh, khi nào em sinh con anh sẽ đưa cho em nhiều hơn để cùng em nuôi con. Tôi cầm trên tay món tiền bèo bọt anh đưa mà nước mắt chỉ chực vỡ òa ra. Tôi đang mang thai con anh, đang cần được quan tâm bồi dưỡng, thế mà anh chỉ đưa tôi 1/3 tổng tiền lương của anh thì tôi biết chợ búa chi tiêu kiểu gì? Anh lúc nào cũng sòng phẳng đến chi li. Anh cho rằng tôi cũng phải có trách nhiệm góp lương vào để ăn uống hàng ngày. Vợ chồng tôi không ai nuôi ai và mỗi người đều phải tự đóng góp phần của mình. Sau này sinh con thì cả hai phải có trách nhiệm nuôi con.

Thấy bạn bè tôi có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, chồng đưa lương cho vợ, làm được tiền đưa vợ quản lý tay hòm chìa khóa mà tôi chỉ biết giấu nước mắt chua xót. Tôi không thể kể ra hết với bố mẹ những nỗi niềm này. Khi anh bảo tôi phải xin bố mẹ tiền góp mua nhà, sắm đồ, tôi đã về xin bố mẹ tôi mà không nói là do anh yêu cầu. Tôi còn sĩ diện, xấu hổ đã đành, còn sợ bố mẹ buồn lại cả nghĩ.

Thời gian mang thai, do buồn chán tôi sụt mất mấy ký, người xanh xao và thần sắc xuống hẳn. Anh cũng có hỏi thăm tôi có sao không. Bố mẹ tôi cũng lo lắng hỏi thăm sức khỏe của tôi. Cả bố mẹ chồng tôi cũng lo cho tôi, chăm sóc cho tôi chu đáo. Riêng anh là không ra lạnh lùng, không ra dửng dưng, mọi thứ hết sức cầm chừng ngay cả tình yêu thương đối với vợ. Thực sự tôi rất sốc và buồn. Tôi thua anh tới 13 tuổi, tôi trẻ đẹp, xứng đáng để được anh chiều chuộng, chăm sóc, yêu thương, không hiểu sao anh lại đối xử với vợ trẻ như vậy. Nỗi khổ này tôi không biết nói ra với ai.

Tôi sinh con đầu lòng, trong tháng đầu tiên tôi có mẹ chồng và mẹ đẻ phục vụ chăm sóc chu đáo. Tôi có chút an ủi. Mẹ chồng tôi trong ba tháng tôi ở cữ đến nhà chợ búa cơm nước cho tôi, còn mẹ đẻ tôi thì chăm cháu và ngủ cùng tôi vì mẹ chồng tôi còn phải chăm sóc cho bố chồng đang còn đương chức cũng sắp sửa nghỉ hưu. Cả mấy tháng tôi nghỉ sinh, chồng tôi không đưa lương cho mẹ anh ấy để đi chợ mua sắm. Mẹ chồng tôi cười bảo với mẹ tôi rằng được anh con trai ghê thật, cha bố nhà anh, vợ sinh là dành tiền lương đưa hết cho vợ để ỷ lại cho mẹ đi chợ hết đấy. Tôi nghe mà bao nỗi ngậm ngùi…

Sau này khi tôi hết nghỉ sinh đi làm, anh đưa tăng thêm 50% lương của anh cho tôi cộng với tiền lương của tôi nữa đủ chi tiêu cho gia đình 3 người. Tôi không cất dành ra được đồng tiền lương nào cả vì phải dốc hết cho gia đình, còn anh thì nghiễm nhiên giữ lại 50% lương cùng các loại tiền làm thêm, đi dạy tại chức các tỉnh và các khoản khác.

Trong nhà việc mua sắm bất cứ thứ gì, kể cả cho con bao giờ anh cũng chỉ đưa một nửa và bắt tôi đóng góp 1 nửa. Tôi bảo không mua vì tôi không có tiền đóng góp vì còn phải góp nuôi cả nhà thì anh cũng thôi không mua. Sau này thấy như thế chỉ càng thiệt, nên tôi im lặng chấp nhận góp tiền cùng anh mua sắm. Đi du lịch hay đi chơi xa, nếu anh bỏ tiền mua vé máy bay thì tôi phải lo tiền ăn. Mà anh thừa biết thu nhập của tôi ở trường đại học chỉ có mỗi lương. Tóm lại anh tận dụng thu nhập của tôi triệt để, và anh cũng không bao giờ cho tôi biết anh có bao nhiêu tiền.

Thú thực tôi quá chán gia đình và chỉ muốn bỏ chồng. Con trai tôi đã 10 tuổi mà tôi cứ lần lữa không muốn sinh thêm con. Hôn nhân với anh vốn đã không phải bắt nguồn từ một tình yêu lâu bền sâu sắc mà do hai bên vun vén vào nên không có được những ràng buộc tình cảm sâu đậm để níu kéo tôi. Nhưng tôi là một giảng viên đại học, suốt ngày đứng trên bục giảng dạy sinh viên, bố mẹ anh và bố mẹ tôi đều từng là những nhà giáo ưu tú ở trường, gia đình danh giá; bản thân anh là trưởng một khoa chuyên môn, còn nhiều cơ hội thăng tiến. Xét bên ngoài nhìn vào thì gia đình tôi khối người mơ ước. Nhưng càng sống tôi càng không chịu nổi sự chi li tính toán, sự sòng phẳng một cách quái gở của anh với chính gia đình anh. Đến mẹ đẻ anh ấy, con ruột của anh mà anh vẫn chi li tính toán từng đồng từng hào thì tôi chẳng là gì trong anh cả.

Thu Huyền

Lời người biên tập

Chị Huyền thân mến! Trên đời này mỗi một gia đình có một hoàn cảnh, có một tâm sự ẩn ức không ai giống ai. Kể như ông chồng tiến sỹ của chị cũng là một trường hợp dị biệt của tính chi li, tính toán sòng phẳng trong chuyện tiền bạc với gia đình của anh ta, vợ con của anh ta.

Có lẽ thật khó để mà thay đổi tính cách khi ông chồng chị đã trên cả tuổi trưởng thành, hơn chị những 13 tuổi. Có những người đàn ông tính cách kỳ lạ như vậy, không biết anh ta cất giấu tiền, lập quỹ đen để làm gì khi mà với vợ và con thì anh ta tính từng đồng từng hào.

Theo tôi, dù muộn còn hơn không chị phải nói chuyện sòng phẳng hết với chồng mọi ý nghĩ của chị phản ứng của chị về việc này. Nếu chồng chị không thay đổi, có thể tâm sự với bố mẹ chồng chị, để chị có được đồng minh, để bố mẹ chồng chị giúp chị thay đổi thói quen trong tính cách xấu xí của chồng chị để giữ hạnh phúc gia đình. 

Thật khó để khuyên chị bỏ chồng hay không bỏ chồng bởi ly hôn bao giờ cũng đau khổ và mất mát, kèm theo những hệ lụy kéo dài với con trẻ, nhưng sống một cuộc sống không ra gì thì còn khổ hơn vì đời người được có bao nhiêu đâu mà phải chịu đựng nhau. Việc cần làm nhất của chị bây giờ là nói chuyện sòng phẳng với chồng chị quan điểm của chị và yêu cầu anh thay đổi. Chị đã im lặng và phục thuận theo mọi đề nghị của chồng. Đó cũng là thiếu sót của chị. Hãy làm mọi cách để vợ chồng tìm được tiếng nói chung trong chuyện tiền bạc chị nhé. Chúc chị may mắn và hạnh phúc.

.
.
.