Câu chuyện thứ 202:

"Tôi hoang mang không biết mình đã đúng hay sai" (Phần cuối)

Thứ Ba, 01/04/2014, 15:24
Kính thưa quý báo!

Nếu như 9 tháng mang thai tôi được sống trong một sự quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng và chu đáo của cả đại gia đình thì những ngày tháng sau sinh tôi rơi vào hụt hẫng trầm trọng bởi tôi phải chia tay với hai con, chia tay với cảm giác mình là trung tâm của vũ trụ khi những người thân xung quanh xúm vào chăm sóc chiều chuộng. Làm xong phận sự cao cả, trao lại hai đứa trẻ cho anh chị chồng, cuộc sống của tôi lại trở về trật tự như cũ trước đây. Vậy mà sao tôi không quen được, cứ bần thần, hốt hoảng như vừa đánh mất một cái gì đó.

Bố mẹ chồng tôi là những người có hiểu biết, nên rất tâm lý. Từ ngày tôi sinh hai bé trai nối dõi tông đường cho dòng họ Trương, cả hai ông bà rất phấn khởi và chăm sóc tôi cùng các con tôi nhiều hơn. Ông bà chiều các con tôi vô cùng, cho thêm tiền để các cháu ăn học và càng tình cảm hơn với con dâu. Mẹ chồng tôi trong những lần tạt qua tạt lại thăm tôi, nói chuyện với tôi mà nước mắt lại rơi. Bà bảo: “Mẹ không sinh không đẻ mà ông trời tổ tiên cho mẹ được cô con dâu hiếu thuận như con thật không có của nả nào quý giá hơn. Mẹ thương con quý con còn hơn cả hai thằng con trai của mẹ. Kiếp này, đời này bố mẹ, dòng họ Trương chịu ơn con nhiều lắm, không biết tạ ơn đâu cho hết. Bố mẹ chồng tôi cũng thường xuyên sang thăm bố mẹ đẻ của tôi vào các ngày lễ tết hơn, và bao giờ ông bà cũng nói với bố mẹ tôi câu nói cảm động từ đáy lòng ông bà rằng: “Tôi chịu ơn hai ông bà, tôi không sinh không đẻ, không nuôi mà ông bà cho tôi một cô con dâu hiếu thuận hy sinh vì gia đình nhà chồng thế này, tôi thật không biết tạ ơn ông bà đâu cho hết”. Bố mẹ đẻ tôi cũng mát lòng mát dạ, tâm sự với tôi rằng đời tôi thế là tròn trịa hạnh phúc. Cố gắng sống cho tốt mà giữ cái phúc phận này cho các con. Bố mẹ đẻ tôi cũng nhắc nhở tôi rằng tôi may mắn lắm mới được ở trong một gia đình nhà chồng tốt như vậy, thế nên những gì tôi làm cho họ cũng là bổn phận và trách nhiệm của một cô con dâu thôi, không có gì là quá lắm đâu mà nghĩ ngợi linh tinh đâm ra lẩn thẩn.

Một tháng ở cữ trôi qua rất nhanh, không cho con bú, không phải chăm sóc trẻ sơ sinh nên tôi lại người và cũng phục hồi nhanh. Tôi tiếp tục đi làm, cuộc sống lại trở về phẳng lặng như mặt hồ sau những gợn sóng. Anh chị chồng tôi vẫn thường xuyên gọi điện cho vợ chồng tôi để cập nhật tin tức các cháu. Chỉ có điều, anh chị rất ít khi đưa các con về ông bà nội chơi hay sang thăm gia đình tôi. Mỗi khi có việc về nhà ông bà nội, thường thì có mỗi anh về vì chị bận hai cháu nhỏ. Vợ chồng tôi đều hiểu, hai đứa nhỏ chưa tròn 1 tuổi, anh chị hạn chế đi lại. Và trong sâu xa thì cả tôi và chồng tôi đều hiểu anh chị muốn tôi có thời gian để quên hẳn đi việc sinh nở cũng như cảm giác mất con khi mang nặng đẻ đau nhưng lại không được nuôi dưỡng và không được xem là con của mình. Anh chị muốn cho tôi cân bằng được trạng thái cảm xúc thì sẽ tốt cho tất cả.

Khi hai con trai được 1 tuổi, anh chị đưa về nhà ông bà nội và làm lễ thôi nôi rất to mời cả họ hàng gần ở bên nội ngoại của bố mẹ chồng tôi. Sinh nhật 1 tuổi cũng là lễ cúng tạ ơn bà mụ, tạ ơn tổ tiên. Cả gia đình tôi lại vui như tết. Tất cả quây quần bên hai đứa trẻ bụ bẫm và xinh xắn, trộm vía trong đó một thằng cu anh giống anh trai chồng tôi như lột và một cu em lại giống tôi như đúc. Tạo hóa thật trung thực và cũng thật oái oăm. Tất nhiên rất tế nhị nên ai cũng bảo hai đứa trẻ giống bố như đúc và xúm xít hỏi han anh chị chồng tôi. Có thể họ buộc phải quên đi gốc gác của hai đứa trẻ và việc tôi cho trứng, mang thai sinh nở hộ. Có thể ai cũng cho rằng nên lờ đi vai trò của tôi trong việc này càng sớm càng tốt cho tất cả.  Có những việc chỉ nên biết mà không nên nhắc lại hay đào xới thêm bất kỳ một lần thứ hai nào nữa. Tôi dẫu biết trước sẽ là vậy nhưng khi đối diện với sự thật này thì lòng tôi lại xao xác nỗi buồn tủi. Lạ thế!

Nhất là khi đến bên hai đứa trẻ giờ đã lẫm chẫm biết đi, nhìn gương mặt hai đứa con tôi kháu khỉnh bụ bẫm vừa giống bên nội, vừa giống tôi, ngực tôi như bị ai đó bóp nghẹt se thắt. Tôi chỉ chực ôm chầm lấy hai đứa trẻ, tự dưng nước mắt ở đâu trào ra. Hai đứa trẻ nhìn thấy tôi, sợ hãi quay đi vì chưa quen gặp người lạ. Cả hai đứa trẻ lao về phía chị dâu tôi đang đứng gần đấy với gương mặt đang căng thẳng khó xử. Hai đứa nhỏ miệng bập bẹ: M! Mẹ! và ôm chầm lấy chị dâu tôi. Khi đã ở yên trong vòng tay mẹ của chúng, hai đứa trẻ mới tò mò ngoảnh mặt ra nhìn tôi chăm chú dò xét. Ôi trẻ con, ai nuôi chúng từ khi lọt lòng thì nghiễm nhiên đó là mẹ của chúng. Những đứa trẻ vô tư lự và trong veo như những giọt sương trời chắt lọc từ muôn vàn khổ đau, cực nhọc, vất vả và gian nan của những đấng sinh thành và dưỡng dục. Sau phút bối rối, chị dâu tôi mang hai đứa trẻ đến bên tôi và gọi chồng tôi tới. Chị dâu tôi chỉ vào vợ chồng tôi và nói với hai đứa trẻ đang bám chặt lấy mẹ: “Nào, hai con ngoan của mẹ, đây là cô chú ruột của con đây, chú X là em trai của bố con, cô Y là vợ chú X, cô chú là bố mẹ đỡ đầu của các con đấy. Từ này các con gọi cô chú là bố mẹ đỡ đầu của các con nhé. Ông bà nội từ đâu chạy tới và bế thốc một đứa lên tay. Mẹ chồng tôi phụ họa: “Đúng rồi, là cô chú nhưng các cháu cứ gọi là bố mẹ đỡ đầu cũng được, phải đấy! Gọi thế càng tình cảm mà đúng cô chú là bố mẹ đỡ đầu của các cháu thật mà”… Mọi người ùa tới hỏi han xoa đầu hai đứa nhỏ kéo chúng tôi vào những cuốn hút của khách khứa chúc tụng. Tôi cảm giác được an ủi đôi phần nhưng thật lạ, có một nỗi buồn thương dâng lên trong lòng. Một chút tủi thân len lỏi khiến cho tôi gượng gạo với niềm vui tột cùng của cả nhà lúc này. Ba đứa con tôi vui như tết xúm xít quanh hai em bé thi nhau gọi anh; gọi anh theo vai vế thứ tự của gia đình càng làm cho tôi nhói lòng hơn.

Cảm xúc con người thật là khó nói, khó lý giải, khó điều khiển. Tôi biết tôi cần phải quên đi cảm giác 9 tháng mang nặng đẻ đau. Tôi phải quên đi những quả trứng thành quả của mình. Chính tôi đã chấp nhận giúp anh chị ruột của chồng tôi, cũng là giúp gia đình tôi, tại sao tôi phải lăn tăn… Sau đêm đó, chồng tôi ôm tôi thủ thỉ. “Số phận thật may mắn với gia đình anh. Anh cảm ơn em nhiều. Anh biết tâm trạng của em lúc này nhưng em cần phải rõ ràng, mạch lạc trong suy nghĩ, cư xử. Quan trọng nhất là em không được để cho em cảm thấy lăn tăn hay thương tổn. Anh hiểu tâm lý của một người mẹ, người phụ nữ. Nhưng em hãy nhìn 3 đứa con thiên thần của em. Anh luôn cảm thấy đủ đầy hạnh phúc với 3 đứa con em đã sinh cho anh. Giờ đây, em đã mang đến cho gia đình anh trai anh một kho báu vô giá. Hãy để họ bình an với hạnh phúc của họ em ạ. Chúng ta đều là một gia đình, hạnh phúc của anh chị cũng chính là của chúng mình và ngược lại. Em cần phải quên đi, xóa khỏi trí nhớ những việc cần quên”. Chồng tôi nói đúng, tất cả mọi người đều đúng, chỉ có tôi là ngược lòng mình. Tôi cần phải quên đi thật nhanh, dứt điểm những thứ cần phải quên. Nhưng máu mủ… trực giác và những sợi dây vô hình của tình mẫu tử cứ dội về quay quắt mỗi lần lễ tết giỗ chạp cả gia đình chúng tôi lại quây quần bên nhau, và tôi lại đối diện với hai đứa con bằng xương bằng thịt của tôi mà giờ chúng gọi tôi bằng cô và tôi phải xem chúng là cháu.

Có ai hiểu cho nỗi lòng của tôi không? Có ai hiểu được những tâm trạng dày vò giằng xé trong tôi không? Nhất là mỗi khi trở về bên ngoại, bố mẹ tôi lại chép miệng: “Giá như con đẻ được 2 gái 1 trai và mang hộ cho hai bác một trai một gái thì phải có hoàn hảo hơn không. Ông trời thật oái oăm”. Mẹ tôi than vô tư thôi nhưng lòng tôi lại nhói lên một cảm giác hụt hẫng đau khổ. Nhiều khi tôi gào thét lên với chính mình, tại sao tôi lại như vậy, tại sao tôi lại tham lam ích kỷ, tôi lại điên điên khùng khùng khi cứ bám riết lấy ý nghĩ hai đứa con đó là con của tôi, của chính tôi và lẽ ra tôi phải sở hữu chúng khi bên cạnh tôi đã có 3 đứa con gái xinh như thiên thần rồi.

Thưa các anh chị trong ban biên tập! Tôi đã đúng hay sai khi quyết định hiến trứng và mang thai hộ cho anh trai chồng tôi. Tôi đã sáng suốt hay mù quáng, hay không lường trước được những hệ lụy phức tạp khi góp phần sinh thành nên những đứa trẻ. Những đứa trẻ, những con người bằng xương bằng thịt với đầy đủ suy nghĩ, ý thức, quan điểm… Rồi sau này, chúng lớn lên, biết được sự thật tôi là mẹ đẻ của chúng, chúng sẽ suy nghĩ và phán xét mọi chuyện ra sao? Sẽ hạnh phúc hơn hiện tại hay đau khổ hơn hiện tại vì biết được gốc gác của mình ra đời từ nỗi bất hạnh của bố mẹ. Đó là mẹ nuôi đã không thể sinh nở được nên bố phải xin trứng của em dâu của bố để sinh ra chúng? Tất nhiên không ai có quyền lựa chọn đấng sinh thành, không một đứa trẻ nào có thể lựa chọn được hoàn cảnh, bố mẹ để sinh ra. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, chúng có quyền phán xét tất cả những người lớn. Có thể trong trường hợp của tôi, chúng chấp nhận và vẫn cảm thấy đủ đầy hạnh phúc, nhưng cũng có thể đó sẽ là một cú sốc lớn, một vết xước trong tâm hồn, một câu hỏi lớn không bao giờ có lời giải đáp. Tại sao người lớn lại có thể lấy những đứa trẻ, hay lấy sinh mạng của những đứa trẻ, của những con người để đắp đổi hạnh phúc cho nhau. Tại sao người lớn lại có quyền làm vậy mà không quan tâm hay lường trước được những hệ lụy sau đó.

Trong hoàn cảnh của tôi bây giờ, tôi không thể mang những nỗi lòng của mình ra để tâm sự với bố mẹ chồng, hay anh chị chồng, càng không thể với bố mẹ tôi hay chồng tôi. Tất cả là do tôi tự nguyện. Vậy tôi còn kêu ca nỗi gì, còn day dứt nỗi gì. Tôi chỉ chua xót thừa nhận một điều, cuộc sống của tôi không bình yên như trước nữa. Tôi không còn cảm thấy đủ đầy hạnh phúc và lúc nào cũng bình thản, tự tin, ăm ắp niềm vui trong khi đại gia đình tôi thì đang viên mãn hạnh phúc kể từ ngày có hai cháu trai đích tôn nối dõi tông đường. Cuộc đời nhiều khi nghịch lý làm vậy. Tôi mang cho người khác hạnh phúc để mình được hạnh phúc hơn, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Sau khi mang đến hạnh phúc cho người khác, tôi lại thấy mình gần hơn với nỗi bất hạnh… Tôi làm sao thế này chứ? Ai đó hãy nói cho tôi biết tôi phải làm gì với tâm trạng ngược lòng này?

(Một người xin được giấu tên ở Hà Nội)

LỜI BBT

Chị Y thân mến! Trước khi rộng đường dư luận với các ý kiến của độc giả gửi về góp ý cho hoàn cảnh và tâm trạng của chị trong câu chuyện éo le trên. BBT chúng tôi xin được có vài lời chia sẻ với chị như thế này. Chị Y ạ, đọc hết câu chuyện của chị, nhất là những dòng tâm sự cuối bức thư gửi cho chúng tôi, chúng tôi hiểu rằng, mọi lời khuyên, mọi phân tích đúng sai với chị lúc này là thừa, là vô nghĩa. Bởi hơn ai hết qua bức thư chị viết, qua những tiếp xúc tìm hiểu, chúng tôi thấy chị là một người phụ nữ sâu sắc. Chị suy nghĩ các vấn đề của chị rất sâu, và chị cũng đã tự trả lời cho chính câu chuyện của chị rằng: “Cuộc đời nhiều khi nghịch lý làm vậy. Tôi mang cho người khác hạnh phúc để mình càng được hạnh phúc hơn, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Sau khi mang đến hạnh phúc cho người khác, tôi lại thấy mình gần hơn với nỗi bất hạnh…”. Tất nhiên không ai có quyền lựa chọn đấng sinh thành, không một đứa trẻ nào có thể lựa chọn được hoàn cảnh, bố mẹ để sinh ra. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, chúng có quyền phán xét tất cả những người lớn. Có thể trong trường hợp của tôi, chúng chấp nhận và vẫn cảm thấy đủ đầy hạnh phúc nhưng cũng có thể đó sẽ là một cú sốc lớn, một vết xước trong tâm hồn, một câu hỏi lớn không bao giờ có lời giải đáp. Tại sao người lớn lại có thể lấy những đứa trẻ, hay lấy sinh mạng của những đứa trẻ, của những con người để đắp đổi hạnh phúc cho nhau. Tại sao người lớn lại có quyền làm vậy mà không quan tâm hay lường trước được những hệ lụy sau đó”.

Lời khuyên chúng tôi có thể cho chị lúc này là chị hãy bình tâm, hãy vượt qua nỗi dày vò, vượt qua những mâu thuẫn của chính chị đã làm cho chị rơi vào cái vòng xoáy luẩn quẩn vô nghĩa mà không thoát ra được. Chị hãy nghĩ đến 3 đứa con của chị, mà chính xác hơn là 5 đứa con của chị đang rất cần sự chăm sóc yêu thương của đại gia đình chị. Năm đứa con của chị, dù danh chính hay không danh chính thì đều mang dòng họ Trương, đều là ruột thịt của đại gia đình chị. Sau này lớn lên, biết chuyện chúng sẽ càng trân trọng và tôn thờ mẹ hơn gấp bội phần vì chúng đang có một người mẹ vĩ đại. Gia đình chồng chị có một cô con dâu vĩ đại, chồng chị có một người vợ vĩ đại và đó là hạnh phúc lớn nhất, phúc phận lớn nhất của chị. Chị chính là thiên sứ mang lại niềm hạnh phúc viên mãn nhất cho gia đình, họ tộc chồng chị và cho chính chị. Tại sao không tận hưởng vinh hạnh đó lại đi suy nghĩ đào xới mọi việc cho rối tung lên.

Kính chúc chị và đại gia đình an vui, hạnh phúc

.
.
.