Thờ người yêu ngay cả khi người yêu còn sống

Thứ Sáu, 02/10/2015, 16:39
Thường người ta thờ người chết chứ ai thờ người sống. Nhưng trong trường hợp này chồng của người yêu chú bà thừa biết, vợ mình thờ người sống, thờ tình yêu đầu đời thì khác nào đặt tình yêu đó, người tình đó trong trái tim mình mãi mãi. Hỏi thế gian này có nhiều người đàn ông làm được như vậy với vợ mình không?

Kính thưa Quý tòa soạn,

Câu chuyện khó tin này chú tôi đã giữ kín gần bảy mươi năm. Bảy mươi năm trôi qua với biết bao thăng trầm một đời người vậy mà mối tình cảm động ấy vẫn được lưu dấu trên ban thờ nhà người yêu đầu đời của chú. Và thật cảm động khi giờ đây người yêu đầu đời của chú tôi đã trở về cõi vĩnh hằng thì ảnh của chú vẫn được gia đình người yêu cũ của chú tôn thờ cho dù chú tôi vừa được con cháu tổ chức mừng thọ ngày ông tròn 90 tuổi.

Kể về câu chuyện này tôi xin được “trích ngang” mấy dòng về ông chú của mình. Thực ra chú không phải chú ruột của tôi mà là con cháu dòng họ Đào danh giá có tới năm trăm năm sinh sống trên đất Hà Thành. Ông kết nghĩa huynh đệ với cha tôi từ những ngày cùng tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau hòa bình hai người lại cùng được điều về công tác tại một Tổng công ty thuộc ngành Giao thông vận tải ở Hà Nội. Rất may lớp con cháu như tôi sau mấy năm lăn lộn ở hiện trường lại được điều về làm việc cùng ông và đến giờ chú cháu tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Điều may mắn cho tôi là chị gái chú lại là bác dâu tôi, bà bác tôi xưa là bạn học của chị gái người yêu chú. Bởi vậy tôi đã được bác mình tiết lộ bí mật về mối tình cảm động này. “Góc khuất” của chú được hé mở đối với tôi như một điềm may bởi câu chuyện tình này đã cho tôi một tầm nhìn nhân văn nhất với cuộc đời nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn này. 

Chú tôi được lớn lên trong một gia đình trí thức lớn ở Hà Nội, một gia đình thượng lưu đông anh chị em, tất cả đều được ăn học và đều có bằng cấp ở xã hội cũ. Nam sinh thời xưa sau giờ tan học thường rủ nhau lượn ở cổng trường nữ Đồng Khánh để ngắm đám nữ sinh thông minh xinh đẹp. Ngày xưa Nam sinh trường Bưởi (giờ là trường Chu Văn An) đều là những người học giỏi còn nữ sinh trường Đồng Khánh (sau năm 1945 được đổi thành trường Trưng Vương) cũng là những cô gái thông minh con nhà khá giả.

Như duyên tiền định, ngay lần đầu gặp mặt, chú đã bị đôi mắt đen tròn của cô hút hồn. Sau nhờ những lần tiếp xúc qua việc trao đổi sách vở giữa hai bà chị gái của hai người lại được hai bà chị hết lòng vun vén nên tình đầu nồng thắm của cô chú đã sớm nảy nở. Chú tôi yêu cô vì đôi mắt bồ câu lấp lánh sáng trên gương mặt trái xoan hiền dịu còn cô cảm chú vì chú là chàng trai đa tài, văn hay chữ tốt lại đàn giỏi hát hay. Đó là vào những năm 1943, chú tôi đỗ diplome vào làm việc ở một toà soạn báo. Đất nước đang trong thời loạn lạc, hết đảo chính Nhật Pháp lại đến quân tàu Tưởng sang giải giáp vũ khí Nhật rồi Pháp quay lại. Gia đình cô phải lánh về Nam Định, hai người chỉ được gặp nhau dăm bảy lần nữa rồi từ đó biệt tin nhau.

Trong lời nguyện ước với cô, chú đã hẹn ngày tính tháng thưa chuyện với gia đình. Nhưng rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 5 năm 1946 chú tôi lên đường nhập ngũ. Chú theo quân y cục lên chiến khu Việt Bắc, từ đó giữa hai người không còn liên lạc được với nhau. Năm 1950 chú là cán bộ phiên dịch Pháp và Trung, được điều sang Trung Quốc. Từ ngày sang Trung Quốc cũng là lúc chú hoàn toàn mất liên lạc với gia đình vì sang Trung Quốc thời ấy để bảo toàn lực lượng và bí mật quân sự nên mọi liên hệ kể cả thư từ đều không được phép gửi về Tổ quốc.

Hơn bốn năm sống trong chờ đợi, cô vẫn một lòng thủy chung son sắt, từ chối tất cả những lời cầu hôn của đám con trai nhà giàu, một lòng một dạ đợi chờ chú. Nhưng đến một ngày tăm tối nhất, đó là một ngày của năm 1950 có người từ Bắc Cạn về đưa tin chú đã hy sinh trong trận máy bay Pháp oanh tạc. Nghe tin dữ ấy, sau bao ngày đêm dồn nén khổ đau, cô đã lập bàn thờ tình đầu thơ mộng của mình. Sau hoà bình, ngày trở về Thủ đô yêu dấu của chú cũng là ngày chú nhận tin cô đã lên xe hoa về nhà chồng trước đó hai năm qua lời bác dâu tôi kể!

Dù không quên được tình đầu mộng mơ trong trắng nhưng hồi mới được phục viên, thời kỳ đầu những năm 1960, thoáng thấy bóng cô ở phố Hàng Đào, nghe tiếng gọi thất thanh của người yêu, chú tôi đã nhanh chóng lẩn vào đám đông, chú tìm mọi cách tránh mặt bởi không muốn đưa nhau vào tình thế khó xử, không muốn làm tổn thương nhau vì dù sao thì cô cũng đã yên bề gia thất. Sau này khi đã lập gia đình chú tôi vẫn tránh bởi chú nghĩ: Gặp lại nhau chẳng giải quyết được gì có khi lại gây thêm phiền, thêm khổ cho nhau.

Điều đáng để mọi người cảm phục là khi người yêu chú tôi lấy chồng thì cô vẫn được chồng cho phép để ảnh thờ chú ở trong nhà, và sau này dù biết chú tôi còn sống thì cô vẫn thờ. Thờ người yêu ngay cả khi người yêu còn sống mà vẫn được chồng cảm thông chấp nhận đã là chuyện hiếm; đằng này khi sinh ra bốn người con, cô đều đặt tên những đứa con của mình mang chữ cái theo vần T của chú tôi.

Theo bác tôi thì tất cả những tình huống ly kỳ ấy vẫn là bí mật, chỉ có bác tôi và chú, giờ đến lượt tôi được biết. Với anh em họ tộc cùng vợ và các con của chú, câu chuyện này hoàn toàn được giữ bí mật bởi chú tôi trân trọng cuộc sống gia đình ấm êm hạnh phúc với người vợ hiền đảm đang trung hậu tận tụy hết lòng vì chồng vì con. Ba người con trai của chú đều thành danh hiện được nắm giữ những vị trí quan trọng trong trong các lĩnh vực y tế, tài chính, tin học…

Người yêu đầu đời của chú tôi ra đi đã bốn năm qua mà người chồng cùng những người con nhân hậu của bà vẫn để ảnh chú tôi trên ban thờ nhà họ. Nhớ lần theo chân bác dâu đến thắp hương cho bà, nhìn thấy ảnh chú, tôi vô cùng xúc động nhưng bác đã kịp ngăn tôi lại. Giữ im lặng là việc làm mang màu sắc tâm linh trước tấm tình cao thượng của người đã khuất và là sự trân trọng với việc làm đầy nhân văn của gia đình người yêu của chú tôi.

Thưa quý tòa soạn, tôi kể câu chuyện này như món quà dành tặng kỷ niệm mừng thọ 90 tuổi của chú mình nhưng cũng là sự tri ân với tấm lòng cao thượng của những người thân yêu bên gia đình người yêu đầu đời của ông. Không biết ở đâu đó trên đất nước mình còn có câu chuyện tình nào cảm động như thế!

Dương Diệu Hương
(Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội)

Lời người biên tập

Bà Diệu Hương kính mến! Lâu rồi, Chuyên mục “Những chuyện khó tin nhưng có thật” lại nhận được một câu chuyện cảm động như vậy. Và cũng lâu lắm rồi, ít có những câu chuyện mang màu sắc tươi tắn, hạnh phúc nhiều hơn đau khổ, với cái kết tròn đầy viên mãn hơn là một cái kết bất hạnh.

Tất nhiên, thờ người yêu khi hay tin nhầm người yêu mình đã chết, thờ người yêu ngay cả khi được tin người yêu mình vẫn đang còn sống hẳn nhiên, câu chuyện đó làm sao mà tươi vui hạnh phúc cho đúng nghĩa của hai chữ hạnh phúc được. Nhưng ý nghĩa của việc thờ phụng đó là thờ một tình yêu, thờ một kỷ niệm, thờ một thứ đã chết trong lòng nhưng không thể và không bao giờ chôn vùi được. 

Thờ để quên và cũng là thờ để nhớ một mối tình đầu trong sáng nhưng mãnh liệt, da diết của hai con người ở thủ đô Hà Nội vì hoàn cảnh trớ trêu của số phận, của chiến tranh, của sự ly tán mà đã không đến được với nhau trong một cái kết hôn nhân. Cả hai gia đình người yêu của chú bà và chú bà đều bình yên khi tìm được một bến đỗ khác, một hạnh phúc khác. Lẽ đời, mấy khi yêu nhau mối tình đầu mà đến được với nhau để thành vợ thành chồng.

Điều tôi muốn nói đến ở đây trong câu chuyện của bà Diệu Hương, ấy là người đàn bà là người yêu đầu của chú bà và chồng của bà ấy quả thật là hai nhân vật vô cùng kỳ lạ. Chuyện đơn giản, tưởng chẳng có gì nhưng lại chở một nỗi suy tư sâu nặng khi đọc nó. Người yêu của chú bà cũng thật kỳ lạ, đã chấp nhận tan vỡ tình đầu (do tưởng chú bà hy sinh) nhưng khi gạt quá khứ, đi lấy chồng, bà vẫn công khai dành trọn vẹn một góc vĩnh viễn trong trái tim của bà cho người tình đầu tiên ấy.

Thôi thì vì yêu thương vợ, và vì biết người ta đã hy sinh vì độc lập dân tộc trong cuộc chiến tranh cách mạng nên chồng bà đã lặng lẽ tôn trọng người đến trước, tôn trọng vợ mình và chấp nhận vợ mình thờ tình đầu. Làm được điều đó, thử hỏi trong cuộc sống này, thế gian này có mấy người chồng làm được.

Nhưng vĩ đại hơn là khi hay tin người yêu của vợ mình còn sống, ông vẫn lặng lẽ tôn trọng bà, để yên cho bà thờ mối tình đầu trong tim. Thường thì người ta chỉ thờ những thứ không tồn tại, đã mất đi, thờ để nhắc nhớ, để không quên để khẳng định người đã chết, người mất đi luôn tồn tại nằm trong tim mình. Thờ người chết chứ ai thờ người sống. Nhưng trong trường hợp này chồng của người yêu chú bà thừa biết, vợ mình thờ người sống, thờ tình yêu đầu đời thì khác nào đặt tình yêu đó, người tình đó trong trái tim mình mãi mãi. Hỏi thế gian này có nhiều người đàn ông làm được như vậy với vợ mình không?

Tôi là người biên tập câu chuyện này, phân tích đến đây tự dưng tôi nhớ đến câu thơ khuyết danh: “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/ Ái ân lạt lẽo của chồng tôi/ Mà từng thu chết từng thu chết/ Vẫn giấu trong tim bóng một người”. Tự dưng có một chút cảm giác thương cho chồng của bà ấy, thương cả cho bà ấy nữa… Hạnh phúc là những thứ có thật, luôn hiện hữu bên mình. Là vô số những mảnh nhỏ mỗi ngày mình vẫn bước qua nhưng đôi khi ta lại lãng quên nó để đi nhớ một điều không tồn tại. Nếu là tôi, trong câu chuyện của mình, tôi sẽ chỉ khẽ khàng đặt nó vào một góc khuất trái tim mình, để sống trọn vẹn với hạnh phúc hiện tại mà không làm tổn thương thêm người chồng tay ấp gối kề.

Còn chú của bà, nhân vật chính trong câu chuyện này, dẫu là hoàn cảnh, dẫu là do số phận nhưng để cho một người con gái mình yêu đau khổ sau những năm tháng bặt tin thật là một lỗi lớn. Khi tất cả đã an bài, một hành động, một ứng xử nhỏ để cân bằng tất cả, giải tỏa những nỗi đau, sự đè nặng trong trái tim người con gái mình yêu ngay cả khi người ấy đã lấy chồng vẫn thật cần thiết dù chỉ một lần rồi thôi. Không phải cứ gặp nhau là xáo động tất cả.

Là phụ nữ, tôi rất hiểu, họ luôn cần một người đàn ông đàng hoàng và rành mạch trong mọi chuyện. Can tâm để nghe tiếng gọi thất thanh của người yêu khi nhìn thấy mình trên phố khi người yêu tưởng mình đã chết, và không bao giờ gặp lại để nói với nhau một lời chia sẻ… để tất cả mọi thứ an lòng hơn thì quả thật là lạnh lùng. Về mặt này tôi không đánh giá cao hành động của chú bà. Tất nhiên câu chuyện trên khá cảm động và đậm tính nhân văn, giữa người với người, nhưng trước ứng xử riêng tư của những người trong cuộc, dù sao đọc lên vẫn man mác một nỗi xót bâng quơ vậy.

.
.
.