Chuyện đời oái oăm của cha mẹ tôi

Thứ Tư, 26/07/2017, 18:00
Tôi sinh ra có cha có mẹ nhưng phải chịu cảnh hẩm hiu không được ở gần cha. Mẹ tôi là gái có chồng nhưng lại sống cuộc đời cô quạnh một mình nuôi con khôn lớn...


(Tiếp theo và hết)

Thế là sau bao nhiêu nỗ lực, mong mỏi, khẩn cầu, mẹ đã mang thai tôi, đứa con trai bằng xương bằng thịt của mẹ, chứ không phải là do trí tưởng tượng mẹ vẫn hằng ao ước. Tôi, đứa con trai mang số phận không may mắn ngay từ khi hoài thai đã biết quẫy đạp vào số phận, thúc vào bụng mẹ đau điếng để mẹ tỉnh khỏi cơn mơ khi mẹ cứ mãi không dám tin vào việc mẹ đã có con, đã mang thai tôi.

Hạnh phúc của mẹ lúc này là có thực, là hiện hữu, nhưng than ôi, đáng tiếc là khổ đau cũng đã bắt kịp hình hài sau bóng dáng của hạnh phúc để mà hiện tiền trong cuộc sống của mẹ.

Cha tôi không ôm ghì xiết lấy mẹ tôi để cảm ơn mẹ khi mẹ thông báo với cha mẹ có thai, rằng đứa con bấy lâu cha mẹ đều mong mỏi thì cuối cùng cũng đã chịu lò cái hình hài kiên gan và bướng bỉnh trong bụng mẹ.

Lạ lùng thay, trái với những gì mẹ đoán, khi biết tin mẹ mang thai, cha lẳng lặng bỏ ra ngoài sân nhà đăm chiêu một mình, rít thuốc một mình suốt đêm đó. Cha không nói không rằng, không biểu hiện thái độ buồn vui hay phản ứng. Cha câm lặng giết chết niềm hân hoan của mẹ ngay từ giây phút đầu tiên.

Kể từ khi tôi xuất hiện trong bụng mẹ, không khí gia đình trầm hẳn đi. Cha tôi ít nói hơn, buồn bã trầm tư nhiều hơn. Mẹ tôi không hiểu được tâm sự của cha nên càng bức xúc, uất ức, vì không hiểu sao cha tôi lại đối xử với mẹ tôi như vậy sau khi biết tin ông sắp có con. Thế nên, mẹ khóc hoài.

Khi mẹ mang thai được 5 tháng, cái bụng đã bắt đầu nhô cao lên sau lần áo, cha tôi thu vén mấy bộ quần áo cũ và lẳng lặng rời khỏi nhà. Mẹ đi làm về, thấy một phong thư để ngỏ trên chiếc gối đầu giường. Mẹ mở ra và những gì mẹ linh cảm bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Bức thư cha tôi viết:

"Gửi vợ! Từ ngày vợ có đứa con đang mang, vợ vui bao nhiêu thì lòng tôi chết điếng vì đắng cay bấy nhiêu. Tôi không thể cứ ích kỷ mà tiếp tục ở lại trong căn nhà này. Tôi không có quyền trách cứ vợ điều gì. Lỗi tại chiến tranh, mà tôi mất đi khả năng làm cha. Vợ có quyền được làm mẹ, được hạnh phúc mà tôi thì không có khả năng mang lại cho vợ điều đó. Tôi tự xét thấy, với tư cách một người lính, một người đảng viên trung thành và tận tụy với cách mạng, tôi không có quyền ở lại trong nhà này nữa, cũng như không thể tiếp tục làm chồng, và làm cha của đứa con không phải con của mình. Tôi ra đi với mong muốn bố của đứa trẻ hãy tự nhiên mà đến chăm sóc cho con đẻ, và thật lòng tôi luôn cầu mong cho vợ có một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Người chồng không may mắn".

Mẹ tôi không bao giờ hết đau đớn khi kể lại cho tôi nghe giây phút bà đã trải qua cú sốc tinh thần khi cha tôi vì ghen tuông, vì nghi kỵ đứa con không phải con ruột của mình mà bỏ đi.

Mỗi lần nhắc đến chuyện này, mẹ tôi vẫn nghẹn ngào như bà vừa mới trải qua nỗi đau quá lớn, như thể bà không đủ sức để chịu đựng nó.... Sau này, khi bà bỏ nỗi uất hận vào sâu dưới đáy dạ, đồng ý gặp lại cha tôi, thì suốt một thời gian dài, khi giáp mặt ông, bà cũng chỉ khóc mà không nói được một lời nào cả. Nỗi đau ngày ấy với bà là quá lớn, ngấm vào tâm can bà, ăn mòn và hủy hoại bà quá lâu dài...

Thì ra cha tôi vì tin rằng do ảnh hưởng sức ép bom lần bị thương trong chiến tranh năm xưa nên cha tôi không còn khả năng có con. Cộng với việc bác sĩ quân y trong lần điều trị cho cha tôi ở chiến trường khi khám chữa bệnh cho cha có nói đến vết thương của cha ở chỗ hiểm, sợ ảnh hưởng đến việc sinh sản sau này. Thế nên khi phục viên về với mẹ, lâu ngày cha mẹ không có con, cha càng tin chắc chắn là cha bị vô sinh thứ phát do chiến tranh.

Mọi chuyện có nguyên do là như vậy, thế nên khi không làm cho mẹ mang thai được đứa con, cha rất buồn và lúc nào cũng canh cánh lo sợ mẹ sẽ bỏ cha mà đi theo người khác. Cha không tự cân bằng được suy nghĩ, tình cảm của mình nên vừa chiều chuộng mẹ để mong mẹ vẫn sống cùng cha, nhưng lại ghen tuông, bực dọc trong lòng, ghen bóng ghen gió, sợ mẹ đi ra ngoài công tác, hoạt động xã hội nhiều thì sẽ có ý thay lòng đổi dạ, sẽ chạy theo người khác mà không chấp nhận số phận hẩm hiu cùng cha.

Cha đâu có biết rằng, chính cái tính gia trưởng của người miền Trung, cùng với tính cố chấp, lạc hậu, không chịu mở mang tầm nhìn, không bước qua được mặc cảm sau lũy tre làng, đã khiến cha trở nên yếm thế. Cha không chịu đi khám y tế, không chịu nhờ y học tìm bằng được đến đích để giải đáp những hoài nghi thắc mắc của cha về khả năng làm cha nên cha cứ sống trong tự ti, e dè, và nghi hoặc về khả năng của mình.

Chính vì người miền Trung có cái tính cố chấp lạc hậu và tính sĩ diện hão vớ vẩn đó mà cha ngại, cha không bước qua được những mặc cảm để đi khám, để chữa trị rõ ràng, để rồi khi cha có con, đứa con hoài thai từ máu thịt của cha, cha lại không đủ tự tin để khẳng định đó là con của mình. Cha đã tìm cách chối bỏ hai mẹ con tôi để ra đi. Đúng là cuộc hôn nhân của cha mẹ quá oái oăm...

Mẹ cắn răng nuôi tôi khôn lớn. Lòng tự dằn lòng không đi bước nữa để chứng minh cho cha tiết hạnh trung trinh của mình. Nhưng cha là đàn ông, cha đâu có thể khép cửa lòng mình để sống một đời sống cô quạnh như mẹ được.

Cha bỏ sang huyện khác để sinh sống và gá nghĩa vợ chồng với một người đàn bà quá lứa lỡ thì cũng xấp xỉ 30. Trớ trêu thay, khi ở với người đàn bà kia được tháng trước thì tháng sau người đàn bà có thai. Không chỉ có một đứa mà trong hai năm liền tù tì, người phụ nữ kia sinh cho cha hẳn hai cô con gái giống cha như đúc. Hôm đi đẻ đứa thứ hai, đứa thứ nhất mới 15 tháng đang bú mẹ, khóc ngằn ngặt bám mẹ khi mẹ đang leo lên bàn đẻ. Bà mụ đỡ đẻ cho vợ cha phải bảo với cha là đẻ xong đặt vòng ngay lập tức cho vợ kẻo lại sinh ra đứa nữa.

Đến bây giờ thì cha mới té ngửa ra là cha tự kỷ ám thị chuyện vô sinh do ám ảnh một câu nói vu vơ của vị bác sĩ quân y năm xưa mà làm cho cha thất vọng cả đời. Cha không bị vô sinh như cha tưởng, và đứa con trai đầu lòng với mẹ chính là giọt máu của cha chứ không phải của bất kỳ ai khác.

Sự ra đời muộn mằn của tôi sau bao năm cha mẹ ở bên nhau, có lẽ là do ông trời muốn thử thách tình yêu của cha mẹ, thử thách lòng kiên nhẫn của cha, thử thách niềm tin của một người lính từng vào sinh ra tử, chỉ vì phút hờn ghen thiếu chín chắn mà đánh mất một gia đình. Hoặc có thể duyên phận của cha mẹ chỉ đến đó, cha giữ được mạng sống sau chiến tranh, mẹ có được sự trở về của cha, có được con thì hạnh phúc của mẹ với cha lại dở dang

Hiểu ra mọi chuyện thì đã quá muộn. Sự thật hiện tại của đời sống đã đẩy cha đi quá xa không còn cách gì cứu vãn. Cha đã đánh mất mẹ, giờ cha đã có gia đình mới, có vợ mới, hai con thơ dại, cha đâu có thể bỏ tất cả để quay về tạ tội với mẹ được. Nhưng cha tôi là một người lính, ông có lòng tự trọng của một người đàn ông ngay thẳng và trung thực, thế nên cha đã tìm gặp lại mẹ để quỳ xuống trước mẹ xin tạ lỗi.

Tôi nhớ lắm, ngày đó tôi chỉ mới chừng 5 tuổi, nhưng trong ký ức non nớt của tôi không bao giờ nguôi quên. Cha tôi đã quay trở lại tìm mẹ tôi vào một chiều mưa gió bão bùng. Trong căn phòng nhập nhoạng ánh hoàng hôn, cha tôi đã ngồi và gục đầu xuống trước mẹ không thốt nên lời nào.

Trước mặt cha là mẹ tôi ôm chặt đứa con trai nhỏ vào lòng và chỉ biết khóc. Cơn khóc như bão, giấu từ đâu đó, giờ như mở nút, ập tới làm sũng ướt cả người mẹ. Mẹ khóc như mưa như gió. Khóc cho thỏa nỗi uất hận của người vợ bị oan ức suốt mấy năm qua mang nặng đẻ đau giọt máu của chồng mà chồng lại đang tâm bỏ rơi.

Tôi ngồi trong lòng mẹ, sũng nước mắt của mẹ mặn chát. Tôi nhớ cuộc gặp gỡ mà cha mẹ tôi không ai nói với ai nổi một câu nào. Mẹ thì khóc còn cha thì ôm đầu.... Mãi đến lâu sau, khi mẹ ngớt khóc, cha run rẩy chìa tay ra phía tôi và nói một câu rất nhỏ, cảm giác như mấy từ vừa thốt từ miệng của cha cũng yếu lắm, run rẩy lắm.

"Con, lại đây với cha". Tôi ngồi thu lu trong lòng mẹ, càng bám chặt mẹ hơn, và canh chừng với đôi tay gân guốc đang giơ ra chực đón tôi. Tôi dúi đầu vào ngực mẹ và giờ đến lượt tôi sợ hãi khóc òa. Mẹ tôi cuống cuồng vỗ về tôi. Tôi nhớ mãi câu nói duy nhất của mẹ đêm đó: "Con đừng khóc, đừng sợ, cha của con đó".

Thế rồi thôi, cha tôi lầm lũi bước ra khỏi nhà mẹ. Ánh mắt của một người cha có lỗi với vợ với con làm cho mẹ và tôi đau suốt những năm tháng dài nhà không có người đàn ông nương tựa trụ cột.

Cuộc tình của cha mẹ có một kết thúc buồn như vậy đó. Tôi sinh ra có cha có mẹ nhưng phải chịu cảnh hẩm hiu không được ở gần cha, không được có cha bên cạnh hằng ngày để dạy bảo nuôi nấng trưởng thành. Mẹ tôi là gái có chồng nhưng cuối cùng lại thành ra làm mẹ đơn thân, sống cuộc đời cô quạnh một mình nuôi con khôn lớn.

Điều nhân văn nhất của mẹ là đã dằn lòng giấu kỹ mối hận với cha, mẹ vẫn để cha qua lại chăm sóc tôi, và cho cha được làm bổn phận của người cha đối với tôi. Chỉ có điều, cuộc sống của cha vất vả, hai đứa con nhỏ, nên cha chỉ qua lại về mặt tinh thần chứ cũng chẳng giúp gì được mẹ để nuôi tôi khôn lớn.

Những sự kiện lớn xảy ra trong đời tôi cha vẫn có mặt để thực hiện bổn phận và nghĩa vụ của một người cha. Tôi không trách gì ông, chỉ buồn thương cho số phận oái oăm của mẹ mà thôi. Ngày cha tôi mất, tôi đội khăn tang chống gậy đi đưa tang cha với tư cách là con trai trưởng. Vợ kế của cha tôi và các em cũng rất thương tôi và chúng tôi đối xử với nhau rất ấm lòng.

Đặng Tuấn (Quảng Bình)

Lời Ban biên tập

Kính thưa quý độc giả! Kính thưa bác Đặng Tuấn. Có lẽ ai trên đời khi sinh ra cũng đã mang một số phận, không có ai giống với ai. Hạnh phúc hay buồn vui ngoài tính cách, ngoài lựa chọn của bản thân phần nhiều đều do tạo hóa định đoạt. Thế mới có những câu chuyện đời oái oăm như chuyện của cha mẹ bác. Lẽ ra họ phải rất hạnh phúc, sống đầm ấm bên nhau chứ không thể lại là chia lìa trong nỗi khổ đau. Chúng tôi xin được chia sẻ với bác những thiệt thòi mất mát mà bác và mẹ bác đã từng phải trải qua, chịu đựng.

Chúng tôi cũng nghĩ, xét cho cùng mọi bi kịch thời hậu chiến đều do lỗi tại chiến tranh mà ra. Chiến tranh đã gây ra biết bao mất mát, bao nỗi khổ đau cho con người. Nếu không có chiến tranh, cha của bác đã không phải rời xa mẹ bác vào chiến trận. Nếu không vì chiến tranh, cha bác không bị thương, thì chắc chắn những ám ảnh về vết thương chiến tranh sẽ không ăn sâu vào tiềm thức cha bác đến thế, không làm cho cuộc đời cha mẹ bác bất ngờ phải rẽ lối oái oăm.

Sau rốt, điều đọng lại cuối cùng của câu chuyện này là một kết thúc không đến nỗi không có hậu. Dù sao, cha mẹ bác và người vợ sau này của cha bác cũng đã hành xử với nhau rất nhân văn, ấm áp. Để những ai trong cuộc đều đỡ cảm thấy đau lòng. Kính chúc bác sức khỏe và hạnh phúc.

ANTG CT số 191
.
.
.