Ước gì mẹ đừng trở về nhà nữa

Thứ Hai, 05/01/2015, 18:49
Mẹ lao vào cờ bạc như con thiêu thân. Mẹ bỏ nhà, bỏ chồng, bỏ con đi đánh bạc cả tuần, khiến gia đình không còn nhà cửa để ở. Một người mẹ mà theo cháu không xứng đáng để gọi là mẹ. Không biết cháu có nghiệt ngã và bạc bẽo quá không nhưng đó là sự thật suy nghĩ của cháu.

Kính thưa các cô các chú trong tòa soạn báo An ninh thế giới Cuối tháng!

Cháu thật buồn khi phải gửi các cô chú bức thư tâm sự hoàn cảnh gia đình mình. Cháu không biết phải chia sẻ với ai nữa để thoát khỏi tình cảnh chán nản của gia đình cháu. Các cô các chú ơi, cháu phải sống tiếp thế nào và có ai đó giúp bố mẹ cháu hiểu rằng chúng cháu thật đau khổ, nhục nhã và xấu hổ khi có một gia đình, một người mẹ khác biệt và một người bố nhu nhược như vậy.

Nói ra thì bạc bẽo nhưng thà chúng cháu mồ côi còn hạnh phúc hơn khi có bố mẹ như vậy. Bố cháu thì không có tội lỗi gì, nhưng cái cách mà bố chịu đựng mẹ, dung dưỡng cho những tật xấu của mẹ là điều mà chị em cháu không bao giờ có thể hiểu nổi. Cháu muốn xin các cô chú ở tòa soạn một lời khuyên cho những bế tắc khủng hoảng của cháu.

Kính thưa các cô các chú!

Quê cháu ở Hà Nội nhưng hiện tại gia đình cháu sinh sống ở một con hẻm nhỏ ở Quận 7 Sài Gòn.  Bố mẹ cháu trước đây đều là cán bộ công nhân viên nhà nước. Bố cháu làm lãnh đạo ở một cơ quan còn mẹ cháu là nhân viên của bố cháu. Cháu cũng không hiểu vì lý do gì mà lúc cháu lên 5 tuổi, em trai cháu lên 2 tuổi thì bố cháu bị đi tù. Cháu chỉ nghe bà nội nói loáng thoáng bố cháu đi tù vì làm thất thoát tiền bạc của nhà nước.

Bố đi tù 7 năm. Ở nhà mẹ cặm cụi đi làm nuôi hai chị em cháu. Tuổi thơ của chúng cháu vắng bàn tay chăm sóc của bố và thừa sự kỳ thị ghẻ lạnh của người đời, xóm giềng vì chúng cháu là con của một kẻ đi tù.  Lớn lên một chút, cháu có gặng hỏi bà nội cháu, nhưng nội chỉ lắc đầu xua đi và nói: Đời người ai chẳng có lúc mắc sai lầm. Quan trọng phải biết sửa sai để sống tốt. Bố các cháu là người tốt thế nên dù sai lầm, dù ở trong hoàn cảnh nào thì vẫn là người tốt. Các cháu nên yêu thương kính trọng bố vì bố mẹ là đấng sinh thành”.

Chị em cháu vịn vào câu nói của bà nội để mạnh dạn tự tin mà lớn lên, mà sống tiếp phần đời ban đầu lắm bão táp và không thiếu bất hạnh. Bảy năm đằng đẵng ấy, chị em cháu sớm già trước tuổi, sớm tỉnh táo và bình thản trước mọi sóng gió cuộc đời. Thế nhưng đau lòng thay, sau này ngồi ngẫm lại, 7 năm bố đi tù, ở với mẹ và bà nội lại là khoảng thời gian bình yên và hạnh phúc nhất của chị em cháu.

Năm cháu 12 tuổi thì bố ra tù và trở về nhà. Bố về mang cả nhà cháu vào Nam sinh sống bỏ lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn với bao kỷ niệm buồn bã về một thời sai lầm của bố. Vào Nam, cả bố và mẹ bỏ cơ quan nhà nước. Bố mở cửa hàng nhôm kính và bắt đầu một cuộc sống tự lập bươn chải ở ngoài đời.

Những năm 2000, mặt hàng nhôm kính được ưa chuộng và đắt hàng vì phù hợp với nhu cầu của người nghèo, phù hợp với túi tiền của người người thu nhập thấp, và thường thường bậc trung trong xã hội. Cửa hàng nhôm kính của bố cháu từ chỗ be bé rồi được nhen nhóm lên, có nhiều đơn đặt hàng và khá phát đạt. Sau đó khi đã có vốn liếng kha khá, bố cháu chuyển sang cửa hàng thiết kế và bán đồ nội thất. Nhà cháu trở thành khá giả, kinh tế đủ đầy.

Nhưng kể từ khi kinh tế đi lên, cả nhà cháu và bố cháu đã dần xóa đi được ký ức 7 năm đen tối của bố thì lần này mẹ cháu lại trở thành một người vô cùng khó hiểu khi làm cho gia đình cháu khánh kiệt trong nợ nần. Mẹ thường xuyên vắng nhà hàng tuần. Mẹ nói đi mua gỗ và đặt hàng nội thất cho bố ở Campuchia, Lào. Mẹ đánh hàng từ bên kia về cho bố buôn bán. Lẽ ra cái công việc đi lại đánh hàng là việc của bố nhưng bố lại phân công cho mẹ đảm nhiệm. Bố chỉ ở nhà ký hợp đồng, mua bán trả hàng và tư vấn khách.

Công việc trôi chảy như vậy được vài năm thì bố cháu phát hiện ra mẹ nợ cả mấy trăm triệu đồng tiền hàng ở bên Lào do mẹ vào sòng bạc và nướng hết cả vốn liếng lấy hàng vào trò đánh bạc ở casino.

Chị em cháu không thể nào quên được lần đầu tiên bố phát hiện ra mẹ làm chuyện tày trời. Nhận được một cú điện thoại từ bên kia về báo tin mẹ đang phải làm con tin tại sòng bạc và bố phải chuẩn bị cả trăm triệu thì mới chuộc được mẹ trở về, bố cháu như bị sét đánh ngang tai. Bao nhiêu vốn liếng gom góp cho mẹ đi lấy hàng, giờ nghe tin mẹ bị bắt làm con nợ ở sòng bài, bố như chết điếng.

Bố đã một lần vấp ngã, phạm sai lầm và phải trả giá. 7 năm trong trại cải tạo đó là cú ngã khủng khiếp và đáng sợ nhất của bố. Người ta đi tù về bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn và ít biết sợ ai trên đời hơn thì bố cháu ngược lại. Bố luôn tâm sự với mẹ cháu và chúng cháu rằng sẽ cố gắng để không bao giờ vấp phải sai lầm mà làm khổ vợ con. Sẽ cố gắng sống tốt để đền đáp những năm tháng vợ con bị thiệt thòi.

Trong cuộc sống, bố luôn muốn quên đi ký ức 7 năm kinh khủng đó. Cháu thấy bố sống thận trọng hơn, chịu chữ nhẫn nhiều hơn. Thế mà đùng một cái, mẹ cháu, người phụ nữ tần tảo nuôi các con thay chồng, nuôi cả chồng trong vòng tù tội giờ lại làm cái điều không thể tin nổi là vướng vào cờ bạc đến độ trở thành con nợ nóng tại sòng bài. Đêm đầu tiên lo tiền đi chuộc mẹ, bố đã khóc trước mặt hai chị em. Bố chỉ nói với hai chị em cháu lúc đó đang sợ hãi tột cùng rằng bố không hiểu nổi mẹ đã làm gì để đến nông nỗi này”.

Lần kinh hoàng đó rồi cũng qua. Bố lại cặm cụi làm việc trang trải nợ nần. Mẹ làm cho việc kinh doanh của bố khó khăn hơn vì thiếu vốn. Bố không còn cho mẹ cầm tiền đi lấy hàng nữa mà bố đích thân làm việc này. Nhưng khốn nỗi, bố vắng nhà buổi sáng thì buổi chiều mẹ cắp túi đi. Mẹ lao vào đam mê cờ bạc như con thiêu thân không còn biết trời đất, gia đình chồng con là gì. Mẹ bỏ nhà, bỏ chồng, bỏ con đi đánh bạc cả tuần. Hết tiền thân tàn ma dại lại lếch thếch trở về nhà.

Tệ hơn nữa, không còn đường về nhà thì chủ sòng bài lại điện cho bố kiếm tiền sang chuộc mẹ về nếu không mẹ không bao giờ được trở về nhà nữa. Không biết bao lần bố đổi từ cửa hàng to sang cửa hàng nhỏ, đổi căn nhà to sang căn nhà nhỏ để lấy tiền chuộc mẹ về.

Mỗi lần đưa được mẹ về, tóc râu bố bạc phờ ra. Lạ nhất là việc bố không bao giờ đay nghiến hay quát nạt mẹ một câu, chưa nói đến đánh mẹ, hay chỉ một cái bạt tai dù mẹ đã phá nát công việc, tiền bạc và nhà cửa của bố. Chị em cháu chỉ thấy bố khóc trước mặt mẹ, van mẹ vì thương bố con mà đừng đi đánh bạc nữa.

Nhưng mẹ chúng cháu đã thành con ma bạc từ bao giờ rồi. Mẹ vay tiền của người nọ, giật tạm tiền của người kia để trốn đi chơi bạc. Bà nội khuyên bố mặc kệ mẹ để tập trung lo cho hai đứa con, nhưng bố nói với bà, bố nợ mẹ 7 năm tù nên bố không nỡ bỏ mẹ. Và vì vậy mà bố cứ hết lần này đến lượt khác đi tìm mẹ, chuộc mẹ về mặc cho gia đình chúng cháu ngày một khánh kiệt dần. Khi cửa hàng phá sản, bố phải bán căn nhà đất đi trả nợ, mua một căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp để ở, mẹ vẫn không buông tha bố. Mẹ vẫn trốn đi hàng tháng, không biết đi đâu. Hết tiền mẹ lại về. Mỗi lần về là thân tàn ma dại.

Kính thưa các cô các chú! Cháu không hiểu trên đời này sao có người chồng nào lại có thể thủy chung thương yêu vô điều kiện một người phụ nữ không xứng đáng như mẹ cháu. Hôm qua bố cháu lại khóc với chúng cháu và nói rằng, bố phải bán nốt căn hộ cả nhà cháu đang ở để trả nợ cho mẹ và đi chuộc mẹ về. Em trai cháu la lớn: “Bố ơi, bố đừng đẩy chúng con ra đường, bố đừng có bán nốt chỗ trú thân này nữa. Chúng con không muốn có một người mẹ như mẹ...

Lần đầu tiên đứa em trai học lớp 11 hiền như cục đất của cháu phải la hét lên trong nước mắt như vậy; còn cháu chỉ biết ôm mặt khóc. Cả ba bố con đều khóc. Bố cháu sụt sùi: “Bố nợ mẹ 7 năm tù nên bố không nỡ buông tay nhìn mẹ tiêu đời”.

Cháu đã hét lên với bố cháu: “Bố! lúc nào bố cũng nói chuyện nợ mẹ 7 năm tù. Thế còn cuộc đời của chúng con. Chúng con là gì của bố và mẹ? Sao bố chỉ nghĩ đến mẹ ngay cả khi mẹ lầm lạc mà không nghĩ tới cốt nhục của bố rồi đây sẽ sống ra sao khi không còn nhà cửa để ở, không còn tiền bạc để sống, để đến trường. Bố có biết làm con của một bà mẹ cờ bạc đến tan cửa nát nhà, chúng con xấu hổ nhục nhã không dám ngẩng mặt lên với ai không? Hay bố muốn chúng con bỏ học đi ra đường lang thang bờ bụi. Chúng con không muốn có một người mẹ như mẹ. Chúng con chỉ ước mong không có mẹ trên đời. Chúng con chỉ ước mong mẹ không bao giờ trở về và làm nỗi ám ảnh sợ hãi của bố và chúng con nữa”. Bố chúng cháu nghe chúng cháu phản ứng dữ dội như vậy, ông chỉ biết gục đầu khóc.

Kính thưa các cô các chú! Hai hôm nay không khí gia đình cháu vô cùng nặng nề. Em trai cháu tuyên bố sẽ ra đi nếu bố vẫn còn tiếp tục bán nhà để cứu mẹ. Còn cháu. Cháu chỉ muốn chết thôi các cô chú ạ. Cháu không muốn sống tiếp những ngày tháng địa ngục như thế này. Cháu cảm thấy bố cháu không yêu thương chúng cháu và sẵn sàng hy sinh vì chúng cháu như bố đã yêu thương tha thứ và hy sinh vì mẹ. Một người mẹ mà theo cháu không xứng đáng để gọi là mẹ. Không biết cháu có nghiệt ngã và bạc bẽo quá không nhưng đó là sự thật suy nghĩ của cháu. Cháu hận bố mẹ cháu và chỉ ước mong ngủ một giấc và không bao giờ phải tỉnh lại để chứng kiến chuyện này.

Kính thư: Thanh Thanh

Lời BBT

Thanh Thanh thân mến!

Đầu tiên cô chú muốn cháu hiểu một điều rằng, cháu đừng làm việc gì dại dột nhé. Cháu là chị cả, sau còn em trai nữa. Cháu phải là điểm tựa tinh thần lúc này cho em trai cháu vượt qua khủng hoảng gia đình. Hai chị em phải cố gắng đùm bọc yêu thương và động viên nhau để bước qua khó khăn. Trong nhà, mẹ cháu là kẻ tự hủy hoại gia đình và bản thân mình rồi, bố cháu cũng đang bước theo vết xe đổ của mẹ cháu. Đừng để bố cháu tiếp tục trượt dài theo vực thẳm của mẹ nữa. Người duy nhất cứu bố mẹ cháu lúc này chính là chị em cháu. Hãy giúp bố cháu tỉnh táo ra và để bố hiểu rằng cứu mẹ có nhiều cách.

Cách khôn ngoan nhất không phải là bán hết nhà, đẩy cả nhà ra đường để ném tiền vô nghĩa vào sòng bài cho mẹ. Cô chú đoán rằng có thể trong quá khứ, giai đoạn bố cháu đi tù bố cháu đã mang cảm giác nợ mẹ cháu 7 năm tù không chăm sóc được mẹ cháu và các cháu nên bố cháu cứ luẩn quẩn với tâm trạng biết ơn mẹ cháu và sẵn sàng làm tất cả để đền đáp, bù đắp cho mẹ cháu, kể cả khi mẹ cháu đang đi vào con đường sai trái lầm lạc.

Một cách nữa, cháu có thể trò chuyện với bà nội, hoặc những người lớn tuổi trong gia đình để có một giải pháp hợp lý giúp bố cháu thoát ra cảm giác u tối luẩn quẩn và liên tiếp sai lầm trong cách hành xử với mẹ. Mẹ cháu đáng bị lên án và theo cô chú, đã đến lúc bố và các cháu không nên cứu mẹ một cách sai trái là tiếp tục bán hết nhà cửa để trả nợ đánh bạc cho mẹ nữa. Cứu mẹ đến khánh kiệt cả gia đình quá nhiều lần như thế là đã quá đủ rồi.

Đã đến lúc nên để cho mẹ cháu tự trả giá bởi hành động ngu xuẩn của mình. Không nên để mẹ cháu tiếp tục phá và tiếp tục cho rằng đã có bố cháu lo tiền trả nợ thì mãi mãi mẹ cháu không bao giờ rút được chân ra khỏi vũng lầy. Hãy để mẹ tự quyết định sống và trở về với gia đình chồng con hay chết vì bài bạc. Nếu mẹ cháu chọn cách chết vì bài bạc thì các cháu không có gì phải ân hận cả. Một người mà mất hết lòng tự trọng và từ chối trách nhiệm với gia đình chồng con thì cháu cũng không có gì phải nghĩ là mình bạc bẽo.

Thanh Thanh yêu quý! Cháu hãy cứng rắn và bản lĩnh lên cháu nhé. Sau cơn mưa trời lại sáng. Đừng quá mất niềm tin vào chính bản thân mình. Chúc cháu sáng suốt cùng với em trai và bố cháu vượt qua được khó khăn hiện tại.

.
.
.