Chuyện đời éo le của bà nội

Thứ Ba, 18/11/2014, 08:47
Bà nội tôi tái giá với em trai của chồng sau 2 năm đoạn tang. Năm ấy bà nội 23 tuổi, nhan sắc còn mặn mà rực rỡ. Ông chú nội tôi chỉ ít hơn bà nội tôi 1 tuổi. Bà nội lại được yêu thương sau những tháng ngày đau đớn tận cùng. Tình yêu giữa đàn ông và đàn bà là ngọn lửa xoá nhanh nhất những muộn phiền, nhóm lên niềm hạnh phúc ửng hồng trên gương mặt mới đây thôi còn chìm trong nước mắt và đau khổ của bà nội.

Cuộc sống là lẽ tự nhiên. Không có đau khổ nào ở lại mãi mãi. Không có mất mát nào có thể đổ bê tông lên trái tim của bất kỳ ai. Bà nội hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của người đàn bà sau mất mát đau khổ, được yêu thương, được nhận quả ngọt từ ái tình mang lại càng trở nên bừng chín rạng rỡ.

Bà nội và ông chú tôi lần lượt có với nhau thêm hai người con. Ông chú tôi chí thú làm ăn, yêu thương cả 4 người con như máu mủ của mình. Bà nội tôi vẫn trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa và đi chợ bán những tấm lụa tự tay bà dệt. Gia đình của bà nội tôi yên ấm, hạnh phúc. Bà nội tôi là người phụ nữ tháo vát, nhanh nhẹn, lại khéo léo nên cuộc sống gia đình không rơi vào thiếu trước hụt sau. Ông chú tôi lúc nông nhàn, còn có thêm nghề thợ mộc. Vào mùa cuối tháng 6 hay dịp tết cuối năm, ông thường vắng nhà đi làm mộc ở làng trên xóm dưới nên cũng dành dụm được ít tiền. Chỉ sau dăm năm chăm chỉ làm việc, ông chú tôi và bà nội cất được nếp nhà gỗ 3 gian lợp ngói vững chãi, thay cho chái nhà tranh vách đất xưa.

Cuộc sống của bà nội với người em trai chồng trong cuộc hôn nhân thứ 2 này đang bình yên hạnh phúc thì ông nội tôi đột ngột khoác ba lô trở về. Ông bị thương nặng trong một trận chiến, đơn vị tưởng là ông đã hy sinh nên gửi giấy báo tử về nhà. Nào ngờ ông được bà con dân tộc cứu sống rồi đưa về tuyến sau ở trại thương binh dưỡng thương. Vết thương của ông nội tôi nặng, trí nhớ lúc có lúc không, trong điều kiện chiến tranh loạn lạc ông chưa có điều kiện để tìm về với gia đình. Mãi đến khi bệnh tình đỡ, trí nhớ hồi phục, ông mới tìm đường trở về quê nhà. Hơn 10 năm ly biệt trong chiến tranh, ngày ông tôi khoác chiếc ba lô cũ sờn đứng lặng trước ban thờ thờ chính bản thân mình, gia đình bé nhỏ giờ tan hoang, vợ mình giờ thành em dâu, ai cũng tưởng ông nội sẽ đổ gục xuống. Nhưng ông nội không gục xuống, không khóc, mặt sắt lại, quai hàm nghiến chặt, đôi tay gầy run run gỡ tấm ảnh của mình trên bàn thờ xuống đưa cho bố (cụ nội tôi). Ông chỉ nói đúng một câu: “Cha cất đi, con còn sống đây rồi”. Cụ nội bà khóc ngất. Hàng xóm láng giềng đến từ lúc nào vây chật cứng nhà trong nhà ngoài. Xóm giềng đến phần vì mừng cho ông nội tôi còn sống trở về, mừng cho gia đình hai cụ tôi có hồng phúc lớn không bị mất con trong chiến tranh, phần nữa cũng là tò mò muốn xem ông nội tôi ứng xử thế nào với hoàn cảnh hiện tại khi vợ trở thành em dâu trong khi bản thân mình còn sống sờ sờ. Đắng cay hơn ở chỗ, vợ mình đi lấy ai không đặng, đằng này lại lấy chính em trai của mình làm chồng, khác nào hai anh em chung một vợ.

Không khí vui mà lại thành buồn, mừng mà lại thành lo lắng, đáng lẽ tột cùng sung sướng hạnh phúc thì lại căng thẳng khó nói.  Bầu không khí đó càng đặc quánh lại, ngột ngạt hơn khi hàng xóm láng giềng đến vòng trong vòng ngoài quá đông, đang tò mò chỉ để chờ bà nội tôi dắt 2 đứa con chung với ông nội trở về nhà. Chờ xem ông chú nội tôi sẽ ứng xử ra sao trước anh trai liệt sỹ giờ còn sống trở về. Hình như bà nội tôi và ông chú e ngại với xóm giềng nên nửa đêm khuya khoắt mới dắt díu nhau về trình diện. Hai con của ông bà nội tôi chính là bố tôi và một bà cô nữa thì đã về nhà từ sớm sau khi hay tin bố còn sống trở về. Bố tôi lúc đó ở độ tuổi 14-15, cũng đã bắt đầu lớn và nhận thức được hoàn cảnh trớ trêu bẽ bàng của bố mẹ mình.

Khuya, bà nội tôi và chú tôi về quỳ sụp xuống dưới chân ông nội tôi khóc. Bốn đứa con của hai người đàn ông máu mủ với cùng một người đàn bà đứng nép hai góc nhà tò mò nhìn. Gương mặt những đứa trẻ dù lớn, dù nhỏ đều căng thẳng ngơ ngác. Chúng cũng đã cảm nhận được không khí nghiêm trọng đang xảy ra trong ngôi nhà ông bà nội và trong gia đình bé nhỏ của mình. Ông nội tôi bình thản đỡ vợ và em trai mình dậy ngồi vào bàn nói chuyện. Bố tôi kể cho mẹ tôi chi tiết buổi nói chuyện đêm ấy. Ông nội không oán trách gì bà nội, không oán hận gì em trai cả. Mọi việc trớ trêu đều do hoàn cảnh chiến tranh đưa đẩy. Ông nội tôi chỉ đề nghị đưa hai con của ông về nhà để nuôi dạy, tạo điều kiện cho vợ chồng người em trai của mình với vợ cũ sống tự do. Ông nội tôi nói rõ ràng rành mạch việc phải thế. Đêm ấy, ông bảo hai anh em bố tôi ngủ lại nhà cụ nội cùng với ông. Bố tôi kể với mẹ tôi rằng, chỉ đến khi khách khứa đã về hết, tất cả đã đi ngủ, ông nội tôi lên giường và kêu hai đứa con của ông lại bên. Đêm ấy, lạ lẫm do không quen hơi bố, do xa bố từ bé, cả hai anh em bố tôi đều không ngủ được nhưng không dám cựa quậy. Chỉ đến lúc ấy, bố tôi mới nhìn thấy ông nội tôi khóc. Ông khóc nức nở, những tiếng nấc không kìm nén được thổn thức vang lên trong đêm sâu. Bố tôi nằm lặng phắc nhìn sang ông, thấy gương mặt gầy đen của ông loang loáng nước mắt. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất bố tôi thấy ông nội khóc.

Cuộc sống của bà nội với chú nội tôi từ độ ấy không còn bình yên. Hai người con riêng của bà với ông nội đã phải dọn về sống cùng với cha ruột vừa từ chiến trường trở về. Gia đình cảm giác như đã phải chia năm xẻ bảy vì các con không được ở cùng nhau nữa. Chú nội tôi phần vì thương anh trai ruột, phần vì buồn cho số phận trớ trêu của anh, của cả chính mình nên lấy cớ đi làm mộc xa, có khi vắng nhà cả tháng. Thương anh trai trở về sau chiến tranh là thương binh nặng, chú nội tôi dặn dò bà nội nhớ qua lại chăm sóc ông nội và hai đứa con bên đó. Đừng bỏ bê 3 bố con mà tội nghiệp.

Vấn đề là ở chỗ ông nội tôi kiên quyết không đi bước nữa cho dù có nhiều đám mối mai giới thiệu cho ông một người để bầu bạn sớm tối với ông, chăm sóc ba cha con ông lúc ông mệt mỏi trái gió trở trời. Ông ở vậy chăm hai đứa con ruột của mình, điều đó càng làm cho bà nội tôi khổ tâm hơn, mà ông chú nội em trai của ông nội tôi càng day dứt đau khổ hơn. Giá như ngày đó ông không yêu chị dâu, thương chị và các cháu mồ côi bơ vơ đến thế thì bây giờ tất cả không rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khó nghĩ. Thương anh trai thân xác tàn tạ vì chiến tranh, về đến nhà lại mất vợ vì mình, chú nội tôi đâm ra hay uống rượu say cho quên lẽ muộn phiền. Chú toàn lấy cớ đi làm ăn xa, bỏ bà nội tôi ở nhà để bà có thương chồng cũ, có cớ lén về thăm các con, thăm chồng cũ.

Vấn đề nữa là bà nội tôi vì thương chồng cũ quá, nhớ các con quá mà đêm hôm lại phải cúi mặt lén lút về chăm sóc thu vén cho chồng và các con. Hai cụ tôi lần lượt già yếu mà qua đời. Mình ông nội tôi ốm yếu ở nhà. Hai đứa con dù lớn cũng chỉ ở tuổi mười lăm mười bảy, cần bàn tay người vợ săn sóc chăm nom. Lẽ đời, chuyện tình cảm nếu rơi vào hoàn cảnh éo le thì dễ trở nên mềm lòng. Đặc biệt trong tình thế của bà nội tôi, ông nội tôi chuyện tình cảm lại càng mờ ảo, ranh giới nhập nhoà. Cha ông ta xưa đã nói: “Trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa” áp vào hoàn cảnh bà nội tôi thật khó mà nói là không đúng.

Vấn đề sau chót nữa là ông nội tôi đã lặng lẽ chấp nhận sự chăm sóc của bà nội tôi cho bản thân ông và các con. Có lẽ ông vẫn thương vợ cũ quá nhiều nên mới chấp nhận những sự dan díu trái với luân thường đạo lý như thế này. Nhưng còn hai đứa con của ông bà, họ có lỗi gì đâu. Có lẽ đó là mấu chốt và cứu cánh của mọi vấn đề nên bà nội tôi vẫn viện vào các con mà trở về chăm chồng cũ. Ông nội tôi cũng viện vào các con cần mẹ mà cho vợ cũ trở về chăm sóc cho con mình. Những lần giỗ cha mẹ ở tại nhà anh ruột, chú nội tôi lần nào cũng uống cho say rồi khóc. Bà nội tôi nhẫn nhịn câm lặng làm phận sự của mình. Ông nội tôi thì quá đau yếu, ông cũng chỉ một mực cam phận mà thôi. Bao nhiêu năm, bà nội tôi qua lại giữa hai ông chồng một cũ, một hiện tại. Theo như những gì bố tôi kể lại với mẹ tôi thì bà nội vẫn lén lút ngủ lại với ông nội những hôm ông ốm bệnh mà chú nội tôi đi làm xa. Việc bà nội ngủ với ông nội, bố tôi chứng kiến hết. Mẹ tôi nói với tôi rằng, bà nghĩ việc bà nội về ngủ lại với ông nội nhiều khi là để bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho chồng cũ do quá xót xa và thương chồng cũ mà nảy sinh, chớ là phụ nữ, đến nước này thì chuyện thân xác đâu có phải là yếu tố quan trọng nhất nữa.

Chuyện của bà nội, làng trên xóm dưới có tiếng vào tiếng ra về mối quan hệ nhùng nhằng không rõ ràng của bà nội tôi với hai người là hai anh em ruột. Mặc cho thiên hạ nói cứ nói, bà nội tôi vẫn cúi mặt qua lại với chồng cũ là ông nội tôi, lo lắng cho các con của ông bà. Chú nội tôi đi làm ăn xa, trở về nghe làng trên xóm dưới xì xào chuyện hai anh em lấy chung một vợ, lòng cũng xót đắng lắm nên chú đổ tâm sự vào chén rượu tiêu sầu.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là sau đó bà nội tôi sinh thêm một người con út thứ năm, khi bà gần 40 tuổi. Người con đó không biết là của ông nội tôi hay của chú nội tôi. Mặc lời ong tiếng ve làng trên xóm dưới, bà nội tôi vẫn cắn răng nuôi con khôn lớn. Chú nội tôi vẫn khóc cùng chén rượu và ông nội tôi thì câm lặng như đá trước tất cả. Sau khi mẹ sinh thêm em, đứa em không biết là cùng cha hay khác cha, thì bố tôi bỏ học đi xa. Ông lúc đó đã là thanh niên rồi, đã biết xấu hổ trước dị nghị của xóm giềng, đã biết ngại ngùng vì hoàn cảnh trớ trêu của gia đình. Không chịu nổi lời ong tiếng ve, không chịu nổi những đồn đại thêu dệt của làng trên xóm dưới, của bạn bè cùng lớp nên mới trốn đi biệt xứ vì xấu hổ. Ông đoạn tuyệt với gia đình, với quê hương làng xóm cũng là vì vậy.

Bố tôi là người ít học, với lại thời của bố tôi mọi quan niệm còn quá cổ hủ nặng nề. Bố tôi đã không chịu nổi áp lực nên mới bỏ đi không bao giờ quay trở lại để nhận gia đình họ hàng. Đó âu cũng là cái ấu trĩ của bố tôi. Nhưng ông đã dứt quyết như vậy không một ai lay chuyển được. Ông thấy nợ mẹ tôi một câu hỏi về nguồn gốc nên đã kể hết cho mẹ tôi nghe căn nguyên của việc ông chối bỏ cội nguồn. Ông kể cho mẹ tôi nghe khi bố mẹ tôi đều đã già, đã gần đất xa trời. Ít lâu sau bố tôi cũng ra đi, mẹ tôi cũng chẳng có thời gian và điều kiện để lần tìm về quê chồng thắp một nén hương tạ lỗi.

Chuyện đời buồn bã của bà nội tôi là như vậy. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn không sao rửa được mối hận trong lòng những đứa con của bà khi nghĩ về bà.  

Nguyễn Thị Mí - Đắc Lắc

Lời người biên tập

Chị Mí thân mến! Đọc câu chuyện đời của bà nội chị, thương bà nội chị thì đã đành, thương bố chị, mẹ chị, thương ông nội chị và cả chị cùng các anh chị em, con cháu đã vì một nỗi éo le trong số phận của ông bà nội mà mất mát gốc tích, chưa được về quê cha đất tổ thắp nén hương cho những người đã khuất. Ở đây người khổ nhất chính là bà nội chị. Bà đã quá đau khổ vì phải chịu đựng nỗi éo le của đời mình trong hai cuộc hôn nhân không thể hạnh phúc. Bà nội chị là người chịu nhiều đau khổ nhất, mất mát nhất khi cuộc hôn nhân đầu tiên đang hạnh phúc bà đã phải sống đời sống của người vợ trẻ thời chiến mất chồng. Thời gian và tình yêu của người đàn ông lưu giữ và mang nhiều bóng dáng của người chồng đầu tiên nhất chính là em trai chồng, đã vì tình yêu thương chị dâu và các cháu ruột thịt là con của anh trai mình một cách vô giới hạn tưởng đã bù đắp hết cho bà nội chị những đau khổ thiệt thòi. Thế nhưng chuyện đời éo le, người chồng đầu tiên lại còn sống trở về, bà nội chị lại thêm một lần nữa rơi vào tột cùng đau khổ. Tôi cho rằng, trong cuộc trở về của người chồng đầu tiên, bà nội chị là người khổ nhất, giằng xé nhất, day dứt nhất. Làm sao có thể hạnh phúc được với em trai chồng khi mà người chồng đầu tiên mình yêu thương vẫn còn sống và chịu bao nhiêu mất mát thiệt thòi.

Chúng tôi hiểu và thông cảm cho cảm giác của bố chị khi phải chối bỏ gia đình bản quán xa xứ để chạy trốn nỗi xấu hổ của gia đình. Cuộc sống ở nông thôn là vậy, những quan niệm cổ hủ, những định kiến hẹp hòi, cộng với nhận thức thấp nên thiên hạ đã có cái nhìn không thiện cảm với hoàn cảnh của bà nội. Nhưng nếu bố chị bình tĩnh hơn, nhận thức tốt hơn, nhân văn với mẹ mình thì bố chị đã không chọn một cuộc trốn chạy xa như vậy để ảnh hưởng tới các con cháu của ông khi lớn lên mà không biết gốc tích tổ tiên của ông bà. Cái hạn chế sâu xa của thời ông bà bố mẹ ta là vậy.

Giờ mọi người đều đã thành thiên cổ. Điều cần nhất là chị hãy họp gia đình lại, hãy cùng các anh chị em và con cháu trở về quê hương nhận họ hàng, dù cuộc trùng phùng bây giờ có thể chỉ là cuộc trùng phùng hương khói nhưng vẫn cần thiết chị ạ. Để cho các anh chị cùng các con cháu trở về thắp một nén hương lên nhà thờ họ, thắp hương lên bàn thờ gia tiên ông bà nội và nhận họ hàng với đời sau là việc phước đức. Chúc chị sớm làm được điều này.

.
.
.