Tâm sự của một cô gái “xấu”

Thứ Tư, 17/09/2014, 17:30

Kính thưa các cô chú ở tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng Cuối tháng! Cháu biết thế nào rồi đời cháu cũng có một kết cục ê chề như thế này. Chỉ là không biết nó xảy ra sớm hay muộn mà thôi. Nhưng cháu không ngờ nó xảy ra nhanh đến như thế. Khi cháu bị các chú công an bắt và đưa về trại cải tạo phục hồi nhân phẩm, cháu mới chỉ tròn 20 tuổi. Độ tuổi lẽ ra là đẹp nhất, đáng trân quý nhất của đời người. Thật là chua chát cho đời cháu khi cháu mới bước chân vào cái nghề xấu xa mạt hạng này mới chỉ được đúng có 1 tháng!

Cháu nghĩ, chắc chắn có nhiều cô gái làm nghề gái gọi cao cấp như cháu họ không hẳn vì đồng tiền, vì ham muốn nhục thể, vì ăn chơi sa đọa hay vì quá túng quẫn mà phải đi bán mình. Có bước chân vào thế giới này mới biết, nhiều những cô gái trẻ đẹp trở thành gái gọi chỉ để rửa hận, để trả thù đời…

Cháu là một trong những cô gái đã đem đời mình ra để hắt hủi và thóa mạ tất cả. Cháu tung hê hết mọi thứ. Cháu chán cái mặt nạ cuộc đời này mà mỗi ngày, mỗi người bước ra đường ai dám chắc họ đã không trang bị cho mình một cái mặt nạ che chắn. Cháu biết cháu tiêu cực, cháu biết như thế là thiếu bản lĩnh. Cháu cũng chán bản thân lắm nhưng thưa các cô chú, cháu biết tìm đâu ý nghĩa để sống, lý tưởng để phấn đấu trong một xã hội mà mọi giá trị thật giả, đúng sai đều có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Cháu biết tìm đâu niềm tin để bước đi khi có những giá trị thiêng liêng của con người đều có thể bị chà đạp, hủy hoại trong một xã hội có xu hướng hỗn loạn và có phần bệnh hoạn từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Tất nhiên cháu không tự biện hộ cho bản thân mình trước những hành động xấu xa của cháu nhưng tất cả mọi sự đều có căn nguyên sâu xa của nó. Bức thư này cháu muốn gửi tới bố mẹ cháu, những vị phụ huynh khả kính và lòng tự trọng cao như núi Thái Sơn. Cao đến nỗi khi đứa con gái duy nhất của họ (nhà cháu có hai chị em, em cháu là em trai) bị bắt, nghe nói mẹ cháu ngất xỉu ở nhà còn bố cháu thì cháu không rõ trong cái đầu bệnh hoạn của ông nghĩ gì về cháu. Mặc dù mẹ cháu ngất vì sốc (không biết do thương cháu hay sợ bị ảnh hưởng liên lụy đến thanh danh của bà, nhưng tuyệt đối cả hai người đã không ra đồn công an để nhận con mà chỉ ủy quyền cho chị họ cháu ra nhận thân nhân và giải quyết các vấn đề liên quan đến cháu trước khi bên công an họ chuyển cháu về trung tâm ở Ba Vì.

Kính thưa các cô các chú. Cháu không định đổ lỗi cho ai hay tự bào chữa cho lỗi lầm của mình trong bức thư đầy sân hận này. Lỗi trước tiên phải là do cháu kém bản lĩnh trong cuộc sống. Cháu chỉ muốn trút vơi bớt những tâm sự của cháu và cũng là để bố mẹ cháu hiểu vì đâu cháu nên nỗi này.

Tất cả là vì cách đây 5 năm, cháu phát hiện ra một sự thật kinh khủng khiếp. Bố cháu, người đàn ông trí thức, giữ một chức vụ kha khá trong một cơ quan nghiên cứu lại là người đàn ông bệnh hoạn, có sở thích thật ghê tởm là thích sưu tầm tất cả đồ lót của phụ nữ. Cô chú có tin được không? Cháu cũng không thể tin nổi, cháu sốc toàn tập và gần như chết ngất vì biết mình có một ông bố gớm ghiếc như một con quỷ đội lốt một trí thức nghiêm ngắn nhìn bề ngoài ai cũng kính nể như vậy. Nhưng cháu còn sốc hơn, kinh tởm hơn khi biết mẹ cháu đã biết “bệnh” của bố từ lâu và mẹ cháu chấp nhận bố cháu, chấp nhận thú vui bệnh hoạn của bố cháu mà không có ý kiến gì.

Sở dĩ, làm sao cháu biết được bí mật ghê tởm của bố cháu là năm cháu đang học trung học, trong một lần dọn nhà, từ một căn hộ chung cư xuống nhà liền kề bố mẹ cháu vừa mua. Trong phòng làm việc của bố cháu, có một chiếc va ly chật căng khi vận chuyển bất ngờ bị bung khóa. Toàn bộ quần áo lót nhàu nhĩ của phụ nữ được nhét hết lớp này đến lớp khác trong chiếc va ly này tung ra. Lúc đấy, cháu rất sốc vì trong chiếc va ly nhỏ đó có gần chục bộ đồ lót của cháu mà cháu đã mất thời gian tìm kiếm vì bỗng dưng cứ bị mất tích sau khi cháu tắm. Cháu sững sờ không hiểu nổi tại sao số đồ lót này lại có trong va ly của bố. Cháu đi gọi mẹ lên để chỉ cho mẹ thấy và hỏi mẹ tại sao. Vừa nhìn thấy va ly đồ lót, mặt mẹ biến sắc. Bà chạy nhanh lại nhét vội đống đồ lót vào va ly, khóa lại và không nói gì. Mẹ lắp bắp, mẹ không thể giải thích được vì sao có chiếc va ly này trong phòng làm việc của bố…

Cháu lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Thưa các cô chú, chỉ cần một cú click trên google là cháu có thể tìm hiểu được tận cùng thế giới bệnh hoạn của những người đàn ông thích trộm và sưu tầm đồ lót của phụ nữ. Cháu nhớ lại những lần tắm, thấy bóng bố thoáng qua nhà tắm, bố thường là người tiện tay quơ luôn quần áo của cháu cho vào máy giặt. Cháu không để ý lắm vì bố là bố đẻ, cháu vẫn nghĩ mình được bố chiều nên từ nhỏ đến lớn bố hay làm hộ con gái những việc thu dọn quần áo bẩn này.  Và cháu hiểu vì sao những bộ đồ lót của cháu cứ mất dần mất mòn trong hành trình mất tích bí ẩn ấy. Cháu bắt đầu thấy sợ bố, thấy ghê tởm cái người đàn ông cháu vẫn hay sà vào lòng bố cọ má lên chiếc cằm đầy râu của bố để vòi vĩnh thứ này thứ nọ. Cháu càng không thể hiểu thái độ của mẹ có vẻ như đã biết tất cả khi chứng kiến va ly bí mật của bố. Nhưng khi cháu hỏi thẳng mẹ về chuyện cái va ly đầy đồ lót trong phòng làm việc của bố và những bộ đồ lót mất tích của cháu sao lại có mặt trong va ly này thì mẹ cháu gạt phắt đi. Bà không bao giờ trả lời cháu vì sao lại có chiếc va ly kỳ quặc ở phòng bố và vì sao đồ lót của con gái bà lại có trong đống đồ hổ lốn ấy. Bà đã câm bặt, có thể vì xấu hổ, cũng có thể vì nhục quá không nói được, đành phải làm ngơ mà che giấu cho bố khỏi mang tiếng ra ngoài, vì nếu người ngoài biết được thì còn gì là thanh danh cho gia đình. Mà cũng có thể bà bệnh hoạn như bố, coi chuyện đó bình thường và tôn trọng ý thích quái gở của bố. Chịu. Cho đến giờ ngồi viết những dòng này cháu cũng không hiểu và không lý giải nổi tại sao.

Càng ngày cháu càng để ý đến hành vi cử chỉ của bố. Cảm giác cháu rất sợ hãi mỗi khi gần bố. Có một lần, cháu nhớ hồi đó cháu ôn thi đại học nên học rất khuya, phải 2g sáng. Khi đi qua phòng làm việc của bố thấy đèn vẫn bật sáng mờ, lại thấy có những tiếng động lạ trong phòng. Cháu tò mò ghé mắt cửa sổ nhìn vào thì thấy bố lúi húi với đống đồ lót phụ nữ. Cháu không thể kể thêm nữa vì nó kinh khủng quá và các cô chú cũng có thể đoán được bố cháu đang làm gì. Cháu vội vã chạy khỏi hành lang. Nghe tiếng động, bố cháu như con thú mở cửa chụp tay cháu lôi vào phòng làm việc của bố. Bố tát cháu nổ đom đóm mắt và quát: “Mày tò mò à! Bố mày thế đấy, có gì mà tò mò. Hôm nay tao cho mày thỏa mãn tò mò nhé”. Bố vừa đánh cháu vừa lôi quần áo cháu và bỗng nhiên ông đổi giọng rít lên: “Mày đến tuổi rồi đấy, mày cho bố mày cái quý giá chứ đừng có mà ngu đi tặng không cho ai. Con không cho bố thì cho ai. Bố đẻ mày ra thì bố phải được hưởng chứ”.  Bản năng sinh tồn lúc đó đã giúp cho cháu bật được ra khỏi hai gọng kìm bằng tay của bố và chạy thoát ra ngoài. Cháu chạy xuống phòng ngủ của bố mẹ, lao vào mẹ và khóc. Mẹ cháu không nói gì, bà chỉ run rẩy ôm lấy cháu và bà cũng khóc. Có lẽ bà cũng đã hình dung được cháu vừa trải qua cảm giác gì, hay là chuyện gì đó liên quan đến bố. Bà nói: “Bố con bị bệnh. Con đừng để ý. Mẹ biết bệnh của bố từ sau khi lấy nhau. Mẹ khuyên bố đi bệnh viện chữa trị nhưng bố xấu hổ nên không dám đến bệnh viện. Bố con là cán bộ nhà nước, nói ra thì nhục và mất thanh danh lắm. Mẹ rất khổ, chẳng lẽ mẹ bỏ bố để cho các con bơ vơ mặc cảm vì có bố mẹ ly hôn. Mẹ chịu đựng bố cũng là vì các con, vì muốn giữ hạnh phúc gia đình cho các con. Giờ các con đã lớn, bố mẹ cũng già rồi, không lẽ lại lôi nhau ra tòa cho các con mất mặt. Thôi, dù sao ông ấy cũng là bố của con, cố chịu thôi con ạ”.

Cháu nghe mẹ nói vậy, tự dưng nước mắt cạn khô hết. Mẹ cháu đã giữ một người bố như vậy cho các con và ngày ngày bà bắt các con phải kính trọng và ngưỡng mộ bố mình trong dối trá suốt bao lâu nay. Mẹ cháu nghĩ các con của bà cần phải có một ông bố bệnh hoạn thế sao? Cháu nhìn bà cũng ghê tởm không kém gì nhìn bố. Cháu chạy ra khỏi phòng bà mà cổ họng nghẹn đắng không nói thêm được câu gì. Mẹ cháu, bà đã bảo vệ các con bà, bảo vệ con gái của bà và giữ gia đình danh giá của bà như thế đó.

Kỳ thi đại học năm đó cháu bị trượt. Cháu đi học một trường làng nhàng cho xong. Cháu rơi vào trạng thái trầm cảm, chán sống, chán bản thân. Và cháu chính là kẻ đã làm dậy sóng cư dân mạng và làm tốn không ít bao nhiêu giấy bút của báo chí khi 1 năm trước cháu quyết định rao bán trinh tiết của mình. Cháu thấy cần phải bán ngay như tống khứ một món nợ của cơ thể mình. Cháu nghĩ cháu là con của bố cháu hẳn cũng có phần bệnh hoạn di truyền trong tâm hồn và tính cách. Cháu biết như vậy là sai nhưng cháu rơi vào nỗi tuyệt vọng chán chường kinh khủng nên đâm ra quẫn trí. Cho đến giờ phút này, cháu vẫn chưa yêu ai. Người đàn ông mua trinh tiết của cháu đem lòng si mê cháu. Điều đó làm cho cháu càng thấy chán chường cuộc sống hơn. Thế rồi, không còn gì để mất, cháu đã trở thành gái gọi của người đàn ông ấy và bạn bè của anh ta trong cái hội đại gia trọc phú. Khách của cháu phải được cháu lựa chọn rồi đồng ý mới đi. Mỗi lần như vậy cháu kiếm được một món tiền kha khá. Mà tiền đối với cháu cũng không phải là vấn đề, cháu chẳng thấy cần nó cho việc gì cả. Cháu gửi vào thẻ tiết kiệm vì không quan tâm. Cháu chỉ cần cảm giác mỗi lần cho đi thân xác thì cháu phải được trả lại bằng một giá trị vật chất. Thế thôi. Cháu trở thành gái gọi cao cấp như vậy đúng được 1 tháng thì bị công an bắt và đưa vào trại phục hồi nhân phẩm…

Và bây giờ cháu ngồi đây, chua chát ngẫm lại đời mình. Cháu viết ra bức thư này với mong muốn trút bớt đi nỗi hận. Thật kỳ lạ, sau tất cả những gì đã xảy ra, cháu không hận bố cháu nhiều như hận mẹ cháu. Cháu hận mẹ vì mẹ đã dung dưỡng cho thói hư tật xấu của bố mà mẹ không dám đấu tranh, không dám đối diện, không dám từ bỏ chỉ vì mẹ muốn giữ thể diện ảo cho gia đình... Thứ mà mẹ gọi là giữ gia đình, tạo ra gia đình cho các con thật đáng xấu hổ và khinh bỉ. Cháu hận mẹ bởi vì bà chưa bao giờ yêu thương và bảo vệ con cái đúng nghĩa. Cháu không muốn làm con của hai người mà cháu thấy ghê tởm.

Kính thưa các cô các chú!

Khi gửi bức thư này đi, cháu chỉ biết chắc chắn một điều những gì cháu đã trải qua, đã hủy hoại đời mình sẽ phải chấm dứt. Chắc chắn cháu phải đủ bản lĩnh để vượt qua chuyện này. Cháu tự hứa sẽ làm lại cuộc đời và có cuộc sống tốt hơn.

Kính thư

Lời người biên tập

Cháu Ái Vân thân mến!

Đọc bức thư của cháu, tôi rất thất vọng vì cháu đã có một hành xử dại dột không thể chấp nhận được đối với cuộc đời cháu, bản thân cháu. Tôi không quan tâm hoàn cảnh cháu như thế nào, vì lý do gì để cháu sa chân mà tôi chỉ quan tâm cháu đã sống cuộc đời riêng của cháu như thế nào. Không phải ai cũng xuất thân trong sung sướng đủ đầy. Nhìn xa xung quanh bao đứa trẻ còn bất hạnh hơn cháu nhiều khi bị bỏ rơi hay bị tước đoạt mạng sống từ chính bố mẹ đẻ. Tất cả những tội đồ, những kẻ xấu như cháu đều lấy lý do này khác để biện hộ và đổ tội cho việc làm sai trái của mình mà không chịu thừa nhận cuộc đời mình là do mình chứ không do bất kỳ ai khác. Nỗi bất hạnh của cháu có thể khắc phục được. Tại sao cháu không gần gũi và giúp đỡ bố cháu vượt qua bệnh hoạn. Tại sao cháu không nghiêm túc nói chuyện với mẹ, chỉ cho bà thấy cần phải làm gì trước sự bệnh hoạn của bố.  Vì thế mà con đường cháu đi, lối sống mà cháu lựa chọn thật đáng lên án và xấu hổ. Cháu hành động như vậy thì cháu cũng chẳng khác gì bố cháu hay mẹ cháu. Cháu còn bệnh hoạn hơn cả họ. Cháu thử nghĩ mà xem, nhưng không phải vì thế mà những người gặp chuyện không may như cháu chọn cách hủy hoại đời mình.

Tuy nhiên trong thư, cháu đã xác định được bản thân mình là người kém bản lĩnh nên mới sa vào vũng lầy cuộc đời. Cháu cũng đã thấm thía cái giá phải trả cho lựa chọn của mình và ở cuối thư cháu tự hứa sẽ làm lại cuộc đời. Tôi tin cháu sẽ biết cách sửa chữa sai lầm và làm lại cuộc đời mình. Chúc cháu thành công, và cố gắng làm một cô gái đẹp để sống thật tốt cuộc đời mình.

Ái Vân
.
.
.