Tôi ơn mẹ chồng tôi

Thứ Năm, 31/05/2018, 06:27
Bao nhiêu năm mòn chân mỏi gối cuối cùng bà cũng tìm được một đứa bé vừa lọt lòng mang về cho con dâu thực hiện thiên chức làm mẹ. Đón đứa bé còn đỏ hỏn trên tay mẹ chồng, tôi trào nước mắt vì cảm cái tình thương quá mênh mông và lớn lao của mẹ đối với tôi.

Kính thưa các anh các chị trong tòa soạn báo!

Cách đây chưa quá lâu, tôi có đọc chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" của quý báo. Câu chuyện đăng ở hai kỳ liên tiếp vào khoảng tháng 12 năm 2017 chuyện có tên: "Mẹ ơi con nợ mẹ kiếp này" của tác giả kí tên là M.H.

Thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là câu chuyện của một người con viết về mẹ ruột của mình. Ngờ đâu, khi đọc câu chuyện đó tôi đã khóc thầm rất nhiều đêm. Khóc vì kính trọng và ngưỡng mộ người mẹ chồng thôn quê lam lũ nhưng lại có một trái tim vô cùng nhân hậu, một trí tuệ sắc sảo; đủ thông minh, và quan trọng hơn hết là bà đã yêu con trai và yêu thương con dâu hơn cả chính bản thân mình.

Bà đã tác thành mối duyên phận cho con trai là thương binh với một cô giáo cũng lỡ thì. Bà biết con trai bà sức khoẻ yếu, không thể có con với vợ được nên bà tâm lí khéo léo sắp đặt một sự gặp gỡ người đàn ông khác cho con dâu của mình, nhằm giúp con dâu mang thai.

Người mẹ nếu không vì tình yêu vĩ đại với các con của mình, làm sao bà có thể dẹp bỏ lòng ích kỷ cá nhân để hy sinh vì tương lai cuộc sống của các con; sắp xếp được chừng ấy công việc một cách vừa khéo léo, tế nhị, vừa thông minh, tình cờ để cho con dâu mình có cơ hội làm mẹ. 

Nhưng điều nhân văn hơn hết thảy đó là khi đứa trẻ chào đời trong niềm hạnh phúc và sợ hãi đến nghẹt thở của con dâu sợ con sinh ra không giống cha thì sẽ lộ ra mình mang hoang thai.

Thế nhưng dường như đã đọc được tâm trạng của con dâu, câu đầu tiên bà nói với đứa bé sơ sinh trên tay là "Cha mày, mày giống bố thế hở cu". Câu nói của bà cốt để cho con dâu nghe, nó như một cơn mưa mát lành xoá bỏ tất cả những day dứt ân hận của con dâu khi mang thai đứa con không phải của chồng mình.

Câu nói có tính khẳng định đứa cháu của mình là giọt máu của cha nó đã như chiếc chìa khóa khoá lại những cánh cửa khó khăn, nghi ngờ, sợ hãi…. để mở ra một ngôi nhà bình yên và hạnh phúc. 

Nơi đó tình yêu và sự thông cảm đủ lớn để nuôi dưỡng không chỉ một sinh linh mới chào đời mà còn đủ để nuôi dưỡng, bao bọc và ôm ấp những mảnh đời, những số phận kém may mắn trong gia đình của bà.

Bà là người phụ nữ thôn quê nhưng ứng xử của bà quá tinh tế và nhân văn khi không để cho con dâu biết câu chuyện sắp đặt của bà, để con dâu đỡ mặc cảm trong quá trình sống chung.

Chỉ đến khi chú B., (nhân vật giúp con dâu bà mang thai) khuất núi, đến lúc đó bà mới hé lộ cho con dâu biết rằng tất cả mọi sự xảy ra trước đây đều do bà chủ động sắp xếp hết. Bà nhắc con dâu dắt thằng cu con tới thắp hương cho chú B. theo đúng đạo nghĩa tâm linh.

Tôi đã khóc rất nhiều khi mỗi lần đọc lại câu chuyện ấy. Tôi nhớ đến mẹ chồng tôi. Hình như số phận tôi cũng giống người phụ nữ M.H. ấy, tôi đã nợ mẹ chồng tôi cả một cuộc đời mình, tôi mang ơn bà và nhiều khi tôi có cảm giác tôi còn yêu bà, mang nợ với bà hơn cả mẹ đẻ của tôi, dù bà chỉ là mẹ chồng, và tôi là nàng dâu.

Nếu như người mẹ chồng trên còn có lí do để giúp đỡ cho con dâu có mụn con do con trai của bà bị thương trong chiến tranh, sức khoẻ sinh lí yếu thì mẹ chồng tôi không có lí do gì để giúp đỡ tôi, để yêu thương và tha thứ cho sự khiếm khuyết của tôi trong khi tôi mới là người có lỗi. 

Tôi đã không thể sinh cho chồng tôi một đứa con dù chồng tôi khoẻ mạnh, cường tráng và anh hoàn toàn có quyền được làm cha, được lấy người vợ khác.

Thưa các anh các chị. Chuyện của tôi đơn giản, ít tình tiết hơn câu chuyện tôi đã được đọc, nhưng ở đây tựu trung lại là có những tấm lòng người mẹ chồng tuy không đẻ không nuôi nhưng tình thương và công ơn của mẹ còn lớn hơn trời biển.

Thưa các anh các chị ở quý báo!

Câu chuyện của tôi xảy ra ở thời nay, không phải thời xưa để mà nói rằng những giáo lí phong kiến ràng buộc khiến cho thân phận người phụ nữ và kể cả nam giới phải tuân thủ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Hay cuộc hôn nhân dù có thế nào, họ cũng phải cắn răng cúi đầu chấp nhận. Tôi và chồng người cùng thôn, cùng tuổi, lớn lên bên nhau rồi yêu nhau lúc nào không biết.

Chồng tôi học hành tử tế, tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp đi làm ở lâm trường. Tôi học y tế, công tác tại trạm y tế xã. Chúng tôi cưới nhau đến tận 5 năm sau đi khám tôi mới biết được là mình bị khuyết tật tử cung không thể có con.

Quãng thời gian dài gần 10 năm chạy chữa trong nước mắt, cuối cùng tôi cũng chán nản. Tôi thưa với mẹ chồng việc tôi xin phép về bên nhà đẻ để tạo điều kiện cho chồng tôi lấy vợ và sinh con cho phải đạo hiếu làm con. Làm người đàn bà mà không thể sinh nở được thì có tội lớn với chồng, với gia đình nhà chồng.

Mặc dù mẹ chồng tôi không đồng ý, chồng tôi thì đi làm trên lâm trường một tuần về hai lần không ở nhà để mà ngăn cản, tôi vẫn quyết tâm dọn quần áo xách túi về nhà mẹ đẻ. Tôi về tối hôm trước thì sáng hôm sau mẹ chồng tôi đã tất tả sang nhà thưa chuyện với mẹ tôi xin phép được đón tôi về.

Mẹ chồng tôi rơm rớm nước mắt nói với mẹ tôi: "Bà ơi, cái N. tuy là con gái bà, bà có công sinh ra nó, nuôi dưỡng nó cho nhà tôi được hưởng. Giờ nó đã là dâu con nhà tôi, nên nó có thế nào nhà tôi xin phép được chấp nhận hết. Nó không may trong chuyện con cái là điều không ai muốn, và bà với tôi cũng chả ai biết trước được. Con có thế nào tôi vẫn coi con là con dâu tốt, phúc phận nhà tôi được đến đâu thì tôi nhận hết, không buồn giận hay trách cứ gì cái N. đâu bà ạ. Tôi rất thương con dâu tôi, đều là phận đàn bà như hạt mưa sa… bà để tôi đón nó về bà nhé".

Cả hai mẹ ôm nhau khóc. Tôi cũng khóc nhưng tôi dứt khoát không trở về. Tôi muốn giải thoát cho chồng tôi, vì anh là con trai độc nhất của bố mẹ chồng tôi, anh mà không có con thì khổ cho cả gia đình nhà chồng tôi quá. Vì yêu thương chồng, vì yêu thương gia đình nhà chồng, tôi không nỡ để họ thiệt thòi.

Nhưng tôi dù trốn thế nào mẹ chồng tôi và chồng tôi cũng tìm gặp tôi năn nỉ tôi về. Tôi về nhà mẹ đẻ suốt 3 tháng mà hầu như ngày nào ăn cơm tối xong mẹ chồng tôi cũng sang nhà trò chuyện rỉ rả với bố mẹ tôi, chung quy lại thì trước sau vẫn là câu chuyện đón tôi về. Chồng tôi đi làm thì thôi, còn về nhà lại sang ngoại tìm vợ. Cảm giác không thể xa nổi gia đình nhà chồng vì cả nhà quá thương yêu tôi nên tôi đành quay trở về.

Thế rồi xảy ra chuyện bác trưởng họ yêu cầu họp họ để bàn về việc gia đình tôi. Vì nhà tôi trong chi nhánh nhỏ họ Trần thì bố chồng tôi là tộc trưởng, chồng tôi là đích tôn, nhà tôi không thể không có con trai để nối dõi tông đường. 

Trong cuộc họp họ, bác trưởng họ khuyên tôi tạo điều kiện cho chồng tôi lấy thêm vợ bé để có con. Bố chồng tôi cũng có vẻ xuôi với ý kiến đó. Trong cuộc họp mẹ chồng tôi lại phản đối.

Bà bảo: "Duyên phận của con trai tôi đến đâu thì nó hưởng đến đấy. Phúc phận gia đình nhà tôi có thế nào nhà tôi xin chịu, đừng bắt con dâu tôi chứng kiến chồng nó phản bội nó đi lấy vợ khác. Nếu con trai tôi có vợ, dù sinh con đàn cháu đống cho dòng họ Trần thì cả gia đình tôi cũng áy náy day dứt không yên khi con dâu tôi nó cô đơn buồn khổ một mình".

Những lời mẹ chồng tôi nói trong cuộc họp họ với bác trưởng họ đã làm cho tôi khóc rất nhiều. Khóc vì thương mẹ chồng tôi, thương chồng tôi và thương cho thân phận tôi nữa. Thế rồi tôi vẫn tiếp tục cuộc sống trong gia đình nhà chồng tôi. Mẹ tôi không đồng ý cho chồng tôi bỏ tôi hay lấy thêm vợ nữa để có con. 

Tôi không hiểu sao bà lại hy sinh cả gia đình bà vì tôi thế không biết nữa. Nếu là tôi, khi con trai tôi cưới một người vợ không sinh nở được chắc gì tôi đã có thể ứng xử được như mẹ chồng tôi.

Những lần họp họ sau đó, bố chồng tôi và bác trưởng họ đều khuyên gia đình tôi để cho chồng tôi ăn ra một đứa con chứ đừng để tuyệt giống nòi. Mẹ chồng tôi cũng phản đối cả việc này. 

Mẹ bảo hai vợ chồng tôi: "Có bà nội nào không mong có cháu nội. Mẹ thương vợ chồng mày hiếm hoi không sinh nở được. Nhưng nếu thằng S. con trai mẹ ăn ra được một đứa con, nó cũng chả danh chính ngôn thuận được khi con còn sờ sờ ra đấy thì nó mang vợ mới nó về theo tư cách gì. Mà mang đứa bé về nhà thì mẹ đứa bé để đâu, dứt mẹ lấy con  sao được. Làm thế thất đức lắm. Thôi để mẹ tìm một đứa con nuôi, vợ chồng mày chăm sóc nó để sau này mà vui vầy tuổi già con ạ”.

Nói là làm, mẹ chồng tôi bế về một em bé sơ sinh đỏ hỏn trao cho tôi và bảo: "Con của con đó, hãy nuôi nó như một người mẹ máu mủ ruột rà con ạ, nó cũng sẽ đối tốt với con như con đẻ ra nó".

Thì ra bao nhiêu năm qua mẹ tôi đã đi khắp các trạm xá trong huyện và đến gặp từng bà mụ để dặn họ ai đẻ con không muốn nuôi thì cho bà xin một đứa. Bao nhiêu năm mòn chân mỏi gối cuối cùng bà cũng tìm được một đứa bé vừa lọt lòng mang về cho con dâu thực hiện thiên chức làm mẹ.

Đón đứa bé còn đỏ hỏn trên tay mẹ chồng, tôi trào nước mắt vì cảm cái tình thương quá mênh mông và lớn lao của mẹ đối với tôi. Tôi tự hỏi lòng mình rằng trên đời này mấy con dâu gặp được mẹ chồng tốt đến như bà tiên trong truyện cổ tích. Lẽ thường mẹ chồng nàng dâu đâu dễ để yêu thương nhau như cái cách mẹ chồng tôi đã thương tôi.

Có một điều mẹ chồng tôi không thể ngờ được là vì quá thương mẹ chồng, thương chồng, không thể vô tư mà hưởng tất cả sự hi sinh của mẹ chồng và chồng tôi, từ trước đó tôi cũng đã bí mật âm thầm lên lâm trường của chồng tôi chơi và quyết tâm tìm vợ cho chồng.

L.N
(Còn nữa)

Lời Ban biên tập

Kính thưa độc giả!

Những câu chuyện mà chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" chia sẻ gần đây đã chuyển đến cho chúng ta một thông điệp đầy ý nghĩa rằng, cuộc sống muôn hình vạn trạng. Mỗi con người trong vũ trụ nhân sinh có một số phận riêng.

Gói cuộc đời là một gói chung trong đó có gói hạnh phúc thì cũng có gói khổ đau, gói niềm vui luôn song hành với gói phiền muộn… và cuộc sống rõ ràng không phải lúc nào cũng vuông tròn, thuận lợi và tươi đẹp với tất cả mọi người.

Trong những góc khuất của nó, ở đâu đó vẫn nảy mầm vươn lên những đóa hoa về tình yêu thương, lòng nhân hậu, sự thứ tha. Những đóa hoa thiện ấy luôn tỏa ra thứ hương thơm kỳ diệu và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Chúng tôi nhận được câu chuyện này từ chị L.N. Trong thư chị đã dành khá nhiều chia sẻ với những câu chuyện chị đã đọc trên chuyên mục của quý báo, đặc biệt là câu chuyện của một người con dâu viết về mẹ chồng mà chị vô cùng đồng cảm khi đọc nó.

Chính câu chuyện ấy đã giúp chị mạnh dạn liên lạc với tòa soạn chúng tôi để chia sẻ câu chuyện của riêng chị. Một câu chuyện với cái kết có hậu thấm đẫm lòng yêu thương, sự thứ tha của con người trong cuộc sống vốn nhiều thử thách này.

Chúng tôi hy vọng mỗi một số báo, một câu chuyện đặc sắc sẽ đồng hành cùng độc giả. Và độc giả khi tìm đọc chuyên mục, ngoài yếu tố thư giãn sẽ còn tìm thấy cho mình một thông điệp, một ý nghĩa sống trong từng câu chuyện mà chúng tôi chia sẻ. Trân trọng kính mời độc giả theo dõi câu chuyện ở số báo tiếp theo.

ANTG CT số 201
.
.
.