Australia đau đầu vì nạn dịch lở loét "ăn thịt người" lây lan

Thứ Năm, 19/04/2018, 20:03
Một loại dịch bệnh lở loét có tên gọi Buruli thường thấy ở Tây và Trung Phi bất ngờ gia tăng ở mức báo động tại Victoria, Australia. Nhưng điều đáng lo ngại là các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách phòng chống căn bệnh này.

Trong một báo cáo đăng trên Tạp chí Y khoa Australia hôm 17-4 vừa qua, loại dịch bệnh này được mô tả là "ngày càng tồi tệ hơn, được định nghĩa bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các trường hợp mặc phải, trở nên nghiêm trọng hơn trong môi trường tự nhiên và xuất hiện tại các khu vực địa lý mới". 

Nghiên cứu này cũng cho thấy, đã có 182 trường hợp lây nhiễm mới được phát hiện chỉ trong năm 2016. Đến tháng 11-2017, con số người mắc bệnh đã tăng lên 236, tức tăng 51% so với năm trước đó.

Hình ảnh một bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm căn bệnh lở loét đáng sợ Buruli. Ảnh: Medical Express

Một báo cáo nghiên cứu khác do trung tâm Geelong về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Australia cung cấp nhận định, mặc dù đã được phát hiện tại bang Victoria từ năm 1948, song những nỗ lực kiểm soát căn bệnh này vẫn bị cản trở do chưa tìm được chính xác phương thức lây truyền bệnh.

 "Sẽ rất khó khăn để ngăn ngừa một căn bệnh khi chưa tìm được cách mà chúng lây nhiễm", báo cáo này cho biết. 

Theo Medical Xpress, căn bệnh lở loét Buruli sẽ khiến mô dưới da bị phá hủy. WTO mô tả, vi khuẩn gây bệnh Buruli có tên là Mycobacterium và có cùng gốc với loại vi khuẩn gây bệnh phong và bệnh lao. Một khi người bệnh nhiễm phải vi khuẩn này, các nốt nhỏ sẽ xuất hiện trên da như những vết sưng rồi sau đó bắt đầu mưng mủ, lan rộng ra và tạo thành những vết loét lớn. 

Căn bệnh Buruli có thể chữa trị với tỉ lệ khỏi lên tới gần 100%, song vẫn có khả năng để lại những di chứng đáng tiếc trên người bệnh. Ảnh: IBT

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở châu Phi là do tiếp xúc với những người sống gần đầm lầy và các môi trường thuỷ sinh khác. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Andres Garchitorena thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp, các trường hợp mắc bệnh ở Australia lại bị lây truyền qua muỗi và thú có túi possum.

Song điều đáng lo ngại là cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm được nguyên nhân khiến căn bệnh lở loét này gia tăng ở mức đáng báo động tại Australia. Nhà nghiên cứu Andres Garchitorena phỏng đoán nhiều khả năng khuẩn gây ra bệnh loét này có tính đề kháng với các thuốc kháng sinh được dùng. 

WTO khẳng định căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa trị với tỉ lệ khỏi lên tới gần 100%, nhưng chi phí tương đối cao, và nếu như không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ phải cắt bỏ các bộ phận bị lở loét.

Với chi phí chữa trị đắt đỏ và tỉ lệ mắc bệnh tăng nhanh, các nhà nghiên cứu Australia cảnh báo sự phát triển của bệnh loét Buruli đã trở thành “đại dịch” tại quốc gia này và yêu cầu cần có các biện pháp ngăn ngừa khoa học ngay lập tức.

Lam Ninh
.
.
.