Tôi có một nỗi khổ tâm giấu kín trong lòng (tiếp theo và hết)

Thứ Tư, 29/08/2018, 08:00
Hai năm qua tôi sống trong giày vò đau khổ và bế tắc hoàn toàn... Tôi không biết phải làm gì với tình huống trớ trêu của số phận. 

Kính thưa các anh các chị toà soạn Báo An ninh Thế giới.

Tôi đành bế con trai đầu lòng rời khỏi bệnh viện huyện về nhà với nỗi ưu tư nặng trĩu. Vợ chồng tôi cũng đã làm mọi cách có thể để loại trừ việc nhầm con, song tâm trạng vẫn cứ vấn vương suy nghĩ.

Thế rồi niềm vui lần đầu tiên được làm mẹ đã dần lấn át và choáng ngợp hết tâm trí tôi. Chồng tôi quá sung sướng vì tôi sinh con trai đầu lòng cho cả gia đình dòng họ nên chiều chuộng vợ và cưng quý con ra mặt. Mỗi lần tôi có thoáng chút gợn lăn tăn về câu chuyện ở phòng hộ sinh thì chồng lại gạt phắt đi.

Anh bảo với tôi "Em xem kìa, con giống lột em còn nhầm vào đâu được nữa". Mỗi lần nghe chồng nói thế tôi lại ngắm con, mà càng ngắm kỹ từng chi tiết đúng là con vừa có nét giống cả tôi và chồng tôi. 

Bố mẹ hai bên cũng khẳng định không có chuyện nhầm lẫn được vì thằng bé giống vợ chồng mày thế kia mà. Bạn bè họ hàng đến thăm, mừng cháu đều xuýt xoa, ô cái thằng này giống bố thế.

Dần dần mọi chuyện cũng đi vào quên lãng và tôi không còn gợn chút băn khoăn nữa. Khi con trai Phúc Đức được 5 tuổi, tôi sinh thêm em bé thứ hai. Là con gái. 

Lần này trong quá trình mang thai, tôi siêu âm con gái thì khi đẻ ra đúng là con gái thật, không trật đi đâu được. Chồng tôi vô cùng mãn nguyện. Gia đình tôi đầm ấm và bình yên như bao gia đình khác. Các con tôi càng lớn càng ngoan và biết vâng lời bố mẹ. 

Đặc biệt con trai lớn Phúc Đức của tôi cháu rất quấn mẹ và ông bà nội ngoại hai bên. Cháu cũng học giỏi và ngoan, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, cháu sống rất hiếu thuận.

Cách đây đúng hai năm, cháu thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trước khi nhập học, cháu bị đau ruột thừa phải vào bệnh viện. Tại khoa Tiêu hoá của bệnh viện huyện nơi tôi sinh cháu Phúc Đức năm xưa, tôi đã có một cuộc gặp gỡ vô cùng trớ trêu để lại cho tôi biết bao day dứt và đau khổ.

Tôi đã gặp lại người đàn bà tên L. năm xưa với câu chuyện quá vãng về việc nghi ngờ "nhầm con". Nhưng người đàn bà ấy không thể nhận ra tôi bởi sự việc đã trôi qua 18 năm rồi. Gặp lại bà đang trong mệt mỏi cùng cực của cơn bạo bệnh thể xác và tinh thần.

Thực ra về phía tôi cũng do duyên phận đưa đẩy để cuối cùng ông trời bắt tôi phải có cuộc gặp gỡ trớ trêu này. 

Số là khi tôi làm thủ tục nhập viện cho con trai mổ cấp cứu ruột thừa, đang ngồi trên hàng ghế chờ đến lượt gọi tên, bỗng có mấy người ngồi cạnh chỉ vào tôi và cô bé ngồi bên hỏi: "Đây là hai mẹ con à, sao mà giống nhau như hai giọt nước thế". 

Tôi ngỡ ngàng quay sang cô bé ngồi cạnh. Một phút choáng váng chạy thẳng từ tim vọt lên não buốt nhói khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy gương mặt cô bé. Cháu giống tôi quá. Mớ tóc xoăn tự nhiên rủ trước cái trán bò liếm, đôi mắt to, và lúm đồng tiền ở má trái. Tôi sững sờ mất mấy giây để rồi bối rối gượng cười trả lời mấy người ngồi cạnh. 

"Không, hai cô cháu lần đầu tiên gặp nhau đấy chứ. Không phải là mẹ con đâu ạ. Cháu tên gì? Con ai nhà ở đâu?". 

Một bà bệnh nhân bên cạnh thốt lên: "Trời đất, sao người dưng không họ không hàng mà lại có người giống nhau như hai giọt nước thế. Nếu không hỏi cứ tưởng là hai mẹ con". 

Cô bé ngồi cạnh tôi cũng ngỡ ngàng không kém. Đang cầm trên tay tập hồ sơ bệnh án của mẹ, cô bé cười buồn: "Rõ khổ cho cháu. Bố mẹ không giống lại cứ đi giống người dưng. Cũng vì cháu không giống bố giống mẹ, giống ba anh trai cháu mà bố mẹ cháu từ khi có cháu không hạnh phúc, đánh chửi nhau suốt. Bố cháu nghiện rượu và hắt hủi mẹ cháu cũng vì cháu. 

Hồi nhỏ mẹ đẻ được mình cháu là con gái nên bố cưng lắm, nhưng khổ nỗi trông cháu càng lớn càng không giống ai trong nhà thế nên bố hậm hực quay sang nghi kị mẹ, giày vò mẹ, làm khổ mẹ. Đến nỗi mẹ cháu không biết bao nhiêu lần ôm cháu than khóc".

Cô bé tên Duyên kể tồng tộc nỗi khổ của mình với mọi người xung quanh như thể họ là người thân lâu năm của mình. Hình như khi đến bệnh viện, cảnh đưa người nhà đi viện, hay mình là bệnh nhân cũng làm cho mọi người xoá bỏ khoảng cách xa lạ. 

Nỗi cảm thông bệnh tật khiến mọi người xích lại, gần gũi nhau hơn, sẵn sàng sẻ chia hoàn cảnh, và nỗi khổ với nhau để dịu bớt tinh thần. Mẹ của Duyên tên L. bị ung thư đại tràng đang chuẩn bị làm thủ tục để mổ. Tôi lặng người khi nghe Duyên để chuyện gia đình. 

Ký ức năm xưa ở phòng hộ sinh lại trỗi về, ruột gan tôi cồn cào như lửa đốt. Tôi bị phân tâm kinh khủng, nửa muốn xin số điện thoại của Duyên để về sau có thời gian tìm hiểu ngọn ngành. Nhưng trái tim nhạy cảm của một người mẹ sợ mất con, sợ nhầm con khiến cho tôi tột cùng sợ hãi. Hôm đó tôi đã im lặng nghe Duyên kể chuyện gia đình với mấy bệnh nhân. Tôi đã không xin số điện thoại của Duyên. Tôi đã gần như trốn chạy cháu. 

Thực tâm tôi đang rất hoang mang lo sợ, mà lo sợ điều gì thì tôi không rõ. Tâm trí tôi hỗn mang... Tôi để cô bé có ngoại hình giống tôi như đúc ở dãy ghế chờ của bệnh viện và chạy trốn chính mình.

Nhưng hình như ông trời đã bắt tôi phải gặp lại bằng được hai mẹ con Duyên như một thử thách nghiệt ngã của số phận. Vì sau ca mổ của con trai tôi ngày hôm sau, Phúc Đức và bà L., mẹ của Duyên đều được đẩy về phòng hậu phẫu nằm chờ suốt gần 1 ngày và cuối cùng đều được chuyển vào chung phòng bệnh khoa Tiêu hóa.

Suốt một tuần liền chúng tôi có cuộc hội ngộ trên giường bệnh. Nước mắt của tôi đã rơi ngược vào trong tim, trong tận cùng đau khổ và day dứt khi chứng kiến câu chuyện đời của mẹ con Duyên.

Theo những gì cô bé Duyên tâm sự, tôi hình dung được rằng mẹ của Duyên sau khi sinh được cô con gái duy nhất càng lớn càng không giống ai, đã bị gia đình bên nội xì xào đồn mẹ Duyên lăng nhăng, mang hoang thai, đẻ ra Duyên không phải là con bố. Hàng xóm dị nghị, bạn bè cười khẩy sau lưng, bố Duyên hận vợ lắm. 

Bao nhiêu uất hận dồn nén trút cả lên đầu mẹ Duyên và sau này là Duyên. Những trận đòn roi vô cớ sau những cơn say đã đẩy Duyên ra xa bố. Bố Duyên không bỏ vợ nhưng coi vợ như nơi để trút đòn thù. Phát hiện mẹ bị ung thư nhưng bố không quan tâm chăm sóc suốt ngày rượu chè bết bát người không ra người, ma không ra ma. Ba người con trai thương mẹ, nhưng đều đã có gia đình riêng, thi thoảng qua thăm mẹ dúi cho một ít tiền rồi lại vội vã đi. 

Các anh của Duyên đều chỉ học hết cấp 3, đi làm thợ trong xã nên cuộc sống cũng khó khăn, nhận thức thấp. Duyên học hết cấp 2, bố không cho đi học, con đành phải bỏ học lên thành phố mưu sinh gửi tiền về nuôi mẹ. Một mình Duyên chăm sóc mẹ, ở bên mẹ những ngày tháng bĩ cực buồn đau khi mẹ bị bệnh nặng. Mấy hôm bà L. nhập viện mổ, tôi cũng chỉ thấy mình Duyên quanh quẩn chăm sóc mẹ.

Ngày tôi đưa con trai Phúc Đức ra viện, Duyên có vẻ buồn. Nó quyến luyến cả hai mẹ con tôi. Trong 1 tuần nằm điều trị ở đây, Phúc Đức cũng hay nói chuyện với cô bé. Con trai tôi khuyên Duyên cố gắng đi học bổ túc buổi tối, gắng học xong tốt nghiệp cấp 3 rồi thi vào trung cấp nghề học lấy nghề em thích sau này mở tiệm. Phúc Đức vốn là cậu bé thiện tâm, nghe Duyên kể về hoàn cảnh gia đình, con trai tôi rất đồng cảm và thương em.

Hôm tiễn tôi và con trai ra viện, Duyên ngập ngừng nói với tôi: "Cô ơi, có chuyện này, cô có thể cho cháu lời khuyên. Liệu cháu có bị trao nhầm cho mẹ cháu không cô. Vì sau này, khi bố cháu đối xử tệ bạc với mẹ con cháu, mẹ cháu đã khóc nhiều vì tủi hận, và có kể cho cháu nghe một chuyện cũ. Hồi mẹ sinh cháu ở bệnh viện, có một cô cũng sinh con cùng ngày cùng giờ với mẹ, cô ấy siêu âm là con trai nhưng khi đẻ ra nữ hộ sinh lại bảo là con gái, cuối cùng khi đón con về lại là bé trai. Tại vì cô ấy khi đi đẻ không có người thân bên cạnh, lại phải cấp cứu mất 1 buổi chiều mới về buồng nên cô ấy cứ sợ bệnh viện trao nhầm con. Lần ấy cô ấy cứ bế em bé lại giường của mẹ và một người phụ nữ trẻ khác để hỏi thăm xem có ai bị nhầm con không vì rõ ràng khi siêu âm là trai nhưng khi đẻ ra thấy nữ hộ sinh bảo là con gái, đến lúc nhận con lại là trai nên cô ấy cứ lăn tăn mãi. Hồi đó mẹ đã rất sợ cô ấy đến cướp con của mẹ. Mẹ mong mãi mới đẻ được một cô con gái, mà có người cứ bế con trai đến ám quẻ mẹ giận lắm, bố mẹ đã bế con ra viện sớm là vì vậy. Cô ơi, liệu con có nên đi tìm lại người phụ nữ ấy để hỏi cho rõ ngọn ngành không cô? Biết đâu việc nhầm con mà cô ấy linh cảm năm xưa là có thật".

Tôi đã lặng ngắt trước những tâm sự vội vã của cô bé Duyên trước cánh cổng bệnh viện. Những lời nói buồn ảo não, và ánh mắt ươn ướt khi nói đến chuyện này của Duyên luôn bóp nghẹt trái tim tôi đau nhói. Tôi chỉ nói được với Duyên một câu ngắn ngủi: "Việc của con để cô phải suy nghĩ kỹ càng chín chắn rồi cô sẽ gọi điện trao đổi với con sau nhé. Nhất định cô sẽ có lời khuyên tốt nhất cho con".

Dịp con trai tôi mổ ruột thừa, chồng tôi lại đang đi công tác nên anh không có dịp đến viện chăm Phúc Đức nên anh không hề hay biết câu chuyện của cô bé Duyên. 

Từ đó đến nay đã hai năm trôi qua. Tôi chưa một lần nào mở máy gọi điện cho Duyên để nói lời khuyên của tôi với cô bé như tôi đã hứa lúc chia tay ở bệnh viện. Tôi đã lâm vào khủng hoảng và sợ hãi suốt 2 năm qua...Tôi không chia sẻ với chồng, càng không chia sẻ với Phúc Đức. Một mình tôi chèo chống với những giằng xé tâm can. Và tôi trở thành một người thất hứa, dối trá và hèn nhát trước bản thân mình...

Hai năm qua tôi sống trong giày vò đau khổ và bế tắc hoàn toàn... Tôi không biết phải làm gì với tình huống trớ trêu của số phận. Tôi yêu Phúc Đức con trai tôi hơn mọi thứ trên đời. Chỉ nghĩ đến việc xa con, hay làm con buồn, trái tim tôi đã tan nát. Phúc Đức lớn lên bằng dòng sữa của tôi, tôi chăm sóc con từ trứng nước, giờ nếu đúng Phúc Đức không phải là con ruột của tôi thì trái tim tôi chết luôn theo sự thật khủng khiếp này. 

Tôi đã mặc định Phúc Đức là con trai tôi, giờ có là nhầm lẫn thì tôi liệu có thể có tình cảm gắn bó với một người con khác của tôi mà tôi chưa từng gần gũi nuôi nấng cháu được không, hay làm rõ ràng sự thật chỉ mang đến thêm bi kịch.  Mặc dù bây giờ, trong thời đại hôm nay, để tìm ra sự thật bằng cách xét nghiệp ADN là rõ ràng và nhanh chóng nhất. Nhưng dù chỉ cần 1 bước là tìm ra sự thật thì tôi xin thề là không bao giờ mong muốn đi tìm sự thật này. Bằng chứng tôi đã chạy trốn suốt 2 năm nay kể từ khi gặp lại hai mẹ con Duyên.

NTM

Lời Ban biên tập

Chị M. kính mến! Đọc bức thư dài của chị chúng tôi chỉ biết thương chị vô cùng và chia sẻ cùng chị những giằng xé tâm can mà chị đang phải chịu đựng trước những thắc mắc, nghi ngờ về câu chuyện cũ "có thể bị nhầm con" của chị cách đây 20 năm. 

Chúng tôi đã thử đặt mình trong cuộc và  đành đau cùng nỗi đau của chị mà không biết phải có một lời khuyên nào tốt nhất cho chị lúc này. Gia đình đang bình yên, việc chị đi đến tận cùng tìm sự thật có nên không? Hay tìm được sự thật chị lại xô đẩy hai đứa con, một chị có công nuôi dưỡng, một có công sinh thành vào hai thái cực của số phận. 

Liệu các con có chịu đựng nổi cú sốc tinh thần này, liệu các con có chấp nhận đổi thay số phận khi mà số phận của các con đã được định đoạt 20 năm nay, nói theo cách "số phận đã an bài". Và còn bản thân cuộc sống của chị,  gia đình chị, và gia đình của chị L., có thể là người nhầm con với chị. Và rào cản lớn nhất ấy chính là tình mẫu tử thiêng liêng. 

Cha ông ta xưa đã nói công sinh thành không bằng công dưỡng dục. Giả sử nếu có nhầm thật thì đứa con chị đã gắn bó nuôi nấng dưỡng dục suốt 20 qua làm sao chịu đựng nổi, chưa nói là vượt qua cú sốc tinh thần này như thế nào.

Nhưng im lặng nhắm mắt làm ngơ và chạy trốn thật trái với lương tâm đạo lí của một người mẹ. Chị hãy nghĩ thật kỹ. Theo chúng tôi trước tiên chị nên kể hết câu chuyện này ra với chồng và bố mẹ hai bên để nhận được lời khuyên tốt nhất từ gia đình chị, để từ đó tháo gỡ dần những vướng mắc nếu có. 

Cũng có thể khi xét nghiệm ADN, chị lại càng yên tâm hơn là Phúc Đức chính là giọt máu của chị và chồng chị. Nếu vậy thì cũng là thà một lần tìm ra sự thật để cả đời sống thanh thản bình yên hơn là sống trong nỗi đau giấu kín thế này. Trong khuôn khổ một trang viết nhỏ không thể chia sẻ được nhiều. Kính mong chị bình tâm để tìm hướng đi đúng đắn nhất. Chúc chị sớm bình an.

ANTG CT số 204
.
.
.