Tôi không thể yêu được mẹ mình

Thứ Năm, 31/08/2017, 07:15
Vẫn nghễu nghện hẹn hò đèo nhau đi du lịch cuối tuần với đám bạn bè, trong đó nghe nói có bạn trai kém hàng chục tuổi của mẹ. Mà có phải mẹ hò hẹn ít đâu, lên chức bà ngoại rồi nhưng vẫn thay người tình như thay áo.

Kính thưa các anh các chị trong tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng

Tôi đã nghĩ sẽ có lúc nào đó, gửi bức thư này lên tòa soạn, kể ra đây hết tâm sự của lòng mình. Nhưng cũng phải rất lâu sau ý nghĩ đó, tôi mới thực hiện được. Phần vì bận rộn con cái, phần vì mệt mỏi bởi bao quanh cuộc sống của mình có quá nhiều nỗi lo lắng vất vả nên tôi hầu như ít có thời gian cho nỗi buồn của riêng mình.

Nhưng càng ít có thời gian để nghĩ về nó, nỗi buồn về nó lại len lỏi càng sâu vào từng đường gân thớ thịt, len lỏi sâu vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Cứ thế mỗi ngày, nỗi buồn lại phủ bóng lên một ít, một ít... và đến lúc này tôi chợt nhận ra mình đã quá buồn mỗi khi nghĩ về bản thân và câu chuyện của mình.

Thưa các anh chị! Tôi chưa từng bao giờ yêu mẹ mình. Hay nói chính xác hơn là tôi không thể yêu được mẹ của mình. Không sao yêu nổi. Nói ra điều đó lòng tôi dày vò đau khổ lắm. 

Một người con mà không có tình yêu đối với mẹ ruột của mình, người hoài thai cốt nhục của mình, rồi rứt ruột đẻ ra mình, mà mình không yêu, không thương, không trọng thì khác gì mình là một đứa con vô lễ, bất hiếu. Đúng hơn là một đứa con bất hạnh. Tôi chưa từng và không thể nào yêu được mẹ ruột của mình, điều đó làm cho tôi khổ tâm lắm. Tôi càng cô đơn hơn, tận cùng của đơn độc.

Vì sao tôi không yêu nổi mẹ, tôi không thể trả lời được câu hỏi này. Mặc dù mẹ không làm gì sai, mẹ chưa từng làm điều gì sai trái với chị em tôi cả.

Tôi mồ côi bố từ bé, sau tôi còn một em gái nữa. Mẹ tôi mất chồng từ năm bà 28 tuổi. Bà ở vậy, một mình, không đi bước nữa để nuôi chị em tôi lớn lên, trưởng thành. Lẽ ra tôi phải cảm thấy điều đó là một sự hi sinh lớn lao không gì bù đắp nổi của mẹ, và tôi phải xót xa mẹ, yêu thương mẹ nhiều hơn mới phải. Vậy mà...

Nhiều lúc tôi cũng không trả lời nổi câu hỏi tự vấn lương tâm tại sao tôi lại không yêu mẹ. Cảm giác này đã từng xảy ra với cả em gái tôi. Nó cũng đã từng gục đầu vào tôi trong một tối rất khuya, ngày hai chị em tôi còn con gái chưa lập gia đình, chúng tôi uống say trong ngày giỗ bố và khóc. Em tôi cũng đã gật đầu xác nhận khi tôi tâm sự với em "Chị chưa một lần nào có cảm giác yêu mẹ cả em ạ. Chị không yêu mẹ". Nó ôm lấy tôi và run rẩy khóc bảo với tôi em cũng có cảm giác như chị, em không yêu được mẹ chị ạ.

Sau đám tang bố 49 ngày, mẹ cất băng tang trên ngực xuống, đặt lên bàn thờ coi đó như một biến cố vừa trải qua. Chị em tôi có cảm giác như mẹ cất nỗi buồn vào ký ức, và hình bóng bố giờ đã tan vào đâu đó trên cái bàn thờ cũng đã bớt khói hương. 

Mẹ trở lại với cuộc sống thường nhật, với gương mặt rạng rỡ tươi vui hằng ngày, như bản tính vui vẻ của mẹ. Như chưa từng trải qua những mất mát tột cùng. Tang bố chưa được một trăm ngày, mẹ đã mặc áo sáng màu, tô lên môi chút son, búi cao tóc và trở về với cuộc sống bình thường của mẹ.

Nỗi buồn qua đi quá nhanh trên gương mặt mẹ, khiến cho hàng xóm, người thân trong gia đình nội tộc hễ nhìn thấy mẹ là lại tụm vào xì xào. Mẹ lao vào làm việc, tất tả ngược xuôi với gương mặt vô tư. Mặc cho nội ngoại xúm vào bàn tán, dè bỉu, chê bai. Mặc cho hai chị em tôi co rúm người lại trước những lời độc địa của thiên hạ và ái ngại thay cho mẹ. Gương mặt mẹ không phủ bóng ưu phiền. Mẹ bước ra ngoài đời, sống tiếp cuộc đời mình, vui vẻ bình thản như không.

Mẹ tôi không có thói quen than phiền. Chưa một lần nào chị em tôi thấy mẹ ôm hai chị em tôi vào lòng và run rẩy khóc than cho số phận hẩm hiu của mình kể từ ngày bố mất. Chưa một lần nào mẹ kể về bố, mẹ kể lể về nỗi buồn, sự mất mát, đau thương trong những bữa cơm ba mẹ con đoàn tụ bên nhau.

Việc bố mất coi như lẽ thường của số phận. Mẹ cất hết những kỷ niệm về bố, cất luôn nỗi buồn, cơn đau mà chị em tôi không dám chắc mẹ đã từng đau thực sự chưa, nỗi đau ấy có thực hay là không, mẹ cất nó vào sâu tiệt một ngóc ngách nào đó của ký ức.

Căn nhà mẹ con tôi sau giỗ đầu của bố vẫn rộn rã tiếng cười của mẹ. Bạn bè mẹ xưa, khi bố còn sống ít qua lại với mẹ, giờ qua lại nhiều hơn. Tối tối, khi cơm nước xong, chúng tôi ngồi vào bàn học bài, bạn bè mẹ trai có gái có lại đến quây chõng ngoài sân cắn hạt dưa nói chuyện và cười rổn rảng. Tối tối, sau một ngày làm việc dài và vất vả, mẹ vẫn búi tóc tô son lên môi và tung tăng ra phố đi xem phim ngôn tình với đám bạn thời còn con gái giờ đã độ tuổi "sồn sồn".

Nhưng mẹ không đi lấy chồng, không thấy mẹ "dẫn trai về nhà", không thấy mẹ "mắt la mày lém" như những lời đồn đại của các cô bác bên nội. Mẹ vẫn thản nhiên đi qua mọi đồn đoán nghiệt ngã... vẫn sống và thủy chung với việc ở vậy nuôi con khôn lớn nên người mà không tục huyền. Tuy nhiên, việc mẹ không đi lấy chồng, không dẫn bạn tình về nhà cũng không làm cho hai chị em tôi yêu mẹ hơn, gần gũi mẹ hơn.

Ngày bố còn sống, hai chị em đã gần bố hơn gần mẹ. Giờ mất bố rồi, hai chị em chỉ còn mẹ nhưng tình hình vẫn chẳng cải thiện gì. Mẹ không mấy khi âu yếm chị em tôi, nhưng mẹ làm đủ và tròn phận sự của mẹ là nuôi nấng hai chị em tôi ăn học.

Và cũng chỉ đến khi hai chị em tôi vào đại học, mẹ mới sổ lồng nhiều hơn. Mẹ đi chơi đêm, tham gia câu lạc bộ khiêu vũ, bạn trai có bạn gái có, còn kéo về nhà đàn đúm vui vẻ thâu đêm. Bà nội, các bác nhắc nhở hết lần này đến lượt khác mỗi khi chúng tôi gọi điện về thăm bà hay qua nhà các bác chơi.

Bà nội chỉ nói một câu về mẹ: "Con mẹ mày không đi bước nữa là khôn, ở vậy nuôi con nhưng có đến trăm thằng quen biết. Đừng có tưởng mẹ mày dại". Mẹ không giới thiệu cho chúng tôi nhưng các cô, bác, chú dì kể mẹ công khai đi lại với những người đàn ông mà mẹ yêu. Những mối tình của mẹ bây giờ không còn phải che giấu, cứ thế thoải mái.

Chị em tôi hiểu ra rằng, hóa ra mẹ chưa bao giờ cô đơn kể từ ngày bố mất. Mẹ có bạn tình, mẹ sống hiện đại, chỉ là không để cho các con biết và hàng xóm láng giềng gièm pha. Bây giờ hai đứa đi học xa, mẹ sống không còn phải giữ gìn, giấu giếm...

Hai chị em tôi mới lớn lên, ở cái tuổi thiếu nữ ngây thơ trong sáng, nghe mọi người bàn tán về mẹ, hai chị em tôi cứ thế co rúm người lại vì ngại, vì xấu hổ thay, vì ngượng ngập.... Hai chị em sống khép kín, lầm lũi, ít bạn bè, có người yêu muộn cũng là bởi ngại hoàn cảnh gia đình, ngại chuyện về mẹ. Từ bé đến lớn, thực lòng, tôi luôn có cảm giác xấu hổ về mẹ, xấu hổ khi ai nhắc đến mẹ, và xấu hổ khi có một người mẹ như mẹ.

Khi đã lập gia đình, có con rồi, tôi vẫn không sao xua tan được những cảm giác đó về mẹ. Cảm giác không bao giờ muốn đưa người yêu về ra mắt mẹ và kể về hoàn cảnh gia đình. Cảm giác sợ mọi người trong gia đình chồng bắt gặp mẹ trong bộ dạng váy ngắn, son hồng, giày đỏ vui vẻ đi khiêu vũ, đi xem hát với bạn trai còn trẻ hơn mẹ cả chục tuổi.

Cảm giác đó đeo đẳng đến nỗi Tết đến, tôi không muốn cho bố mẹ chồng sang nhà chơi, và cũng không muốn mẹ tôi sang chúc tết gia đình bên nhà bố mẹ chồng tôi là vì ngại...

Điều vô cùng kỳ lạ nữa, khi mẹ tôi lên chức bà ngoại rồi, nhưng bà không hề có ý thức với tuổi tác. Bà vẫn diện váy ngắn, đi giày đỏ, tô son hồng như thiếu nữ mỗi khi đi khiêu vũ. Trong khi chị em tôi rất ít khi mặc váy ngắn, đi giày đỏ hay tô son rực như mẹ. Chị em tôi giản dị, ăn mặc nền nã, nói đúng hơn là dị ứng với các loại màu rực rỡ bao nhiêu thì mẹ ngược lại bấy nhiêu. Mẹ vẫn uốn tóc highlight màu vàng. Tôi ngại ngùng và xấu hổ với nhà chồng, với chồng tôi đến nỗi có lần bà đến thăm cháu, gặp ông bà nội tôi cũng đang ở đó.

Ông nội nhìn móng tay móng chân đỏ chót, đầu highlight vàng của mẹ với ánh mắt lạ lẫm dò xét. Mẹ mặc kệ, vẫn lao vào hôn hít các cháu, cười nói rổn rảng rồi lại vội vã đi đến sàn tập thể thao. Mẹ vẫn đi chơi thể thao đều các môn tennis, cầu lông, yoga và tối tối tham gia câu lạc bộ khiêu vũ.

Vẫn nghễu nghện hẹn hò đèo nhau đi du lịch cuối tuần với đám bạn bè, trong đó nghe nói có bạn trai kém hàng chục tuổi của mẹ. Mà có phải mẹ hò hẹn ít đâu, lên chức bà ngoại rồi nhưng vẫn thay người tình như thay áo. Quen người này được mấy tháng một buổi sáng đẹp trời gọi cho bạn gái bảo tao "goodbye" rồi vì không thấy vui nữa. Sau mỗi một lần "không thấy vui nữa" của mẹ lại thấy một người mới cặp kè.

Đã có lần trong một ngày giỗ bố, tôi khóc và nói thầm trong tan nát với vong linh của bố: "Bố ơi, sao không phải là mẹ mà là bố. Ước gì người ở lại với chúng con là bố có phải tốt hơn không".

Cả hai chị em tôi rất ít khi đưa con về thăm bà ngoại. Chúng tôi sợ những cảm nhận lệch chuẩn của các bé về bà ngoại... Chúng tôi sợ các cháu bị vẻ bên ngoài và tính cách của bà ảnh hưởng... Thành ra mẹ con bà cháu cứ thế ngày càng xa nhau hơn.

Chị em tôi chưa từng yêu mẹ, điều đó có phải là có lỗi với mẹ không. Tôi không biết, nhưng tình cảm là thứ khó nói, khó có lí lẽ. Chị em tôi luôn ít chia sẻ về mẹ ở chốn đông người như trên facebook, hay thỉnh thoảng trong các cuộc tụ họp của bạn bè.

Mỗi lần nghe bạn nói "Khiếp hôm qua, nhìn thấy mẹ mày tưng bừng trên facebook, kute dã man" là tôi lại ngượng chín mặt. Mẹ thì thế mà con gái thì FB lúc nào cũng vắng vẻ im lìm. Chị em tôi khác mẹ nhiều quá, có phải vậy không nên tôi chẳng thể tìm được tiếng nói chung với mẹ.

Huyền My (Hà Nội)

Lời Ban biên tập

Chị Huyền My thân mến! Đọc câu chuyện tâm sự của chị, tôi lại nhớ đến bài thơ "Bà Ngoại" của nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch bài thơ của Nga. Xin được chép ra tặng chị:

Bà ngoại vội ra nơi hò hẹn/ Chuyện lạ kỳ và nực cười ghê/ Bà ngoại vội ra nơi hò hẹn/ Có người đợi bà cạnh rạp xi nê.

Cô cháu gái sụt sùi ấm ức/ Chàng rể lặng yên cau mặt cau mày/ Bà ngoại vội ra nơi hò hẹn/ Chuyện trên đời có một không hai/ Rời khỏi nhà, dáng bà bối rối/ Ngỡ như đang phạm tội tày đình/ Tự lâu lắm phải lỡ làng góa bụa/ Bà đã quen vì con cháu hy sinh/ Khi trẻ, bà gắng nuôi con khôn lớn/ Con lấy chồng, bà trông cháu cho con/ Và bất ngờ lần đầu tiên bà khiến/ Cả gia đình sửng sốt ngạc nhiên.

Cô con gái lần đầu tiên phải xắn/ Tay áo lên vào bếp làm cơm/ Bà ngoại đã ra nơi hò hẹn/ Là bà rồi, còn thế khổ tôi không.

Bà ngoại đã ra nơi hò hẹn/ Nên lòng bà thấy thẹn dẫu bà vui/ Bà ngoại đã ra nơi hò hẹn/ Có gì đâu, bà mới bốn mươi thôi!

Chị Huyền My! Chép tặng chị bài thơ trên để nói với chị một điều rằng, có lẽ chị em chị đã khắt khe với mẹ của mình rồi. Lẽ ra chị phải cảm ơn mẹ vì mẹ chị đã rất mạnh mẽ sau cú sốc về tinh thần, mất người chồng là mất đi chỗ dựa vững chãi của mình. Làm sao chị biết được mẹ chị đã không khóc thầm lặng lẽ một mình vì bà không muốn cho ai nhận thấy nỗi đau của bà.  Lẽ ra chị phải cảm ơn mẹ chị vì đã rất yêu đời, lạc quan để sống tiếp, để mà có đủ sức lực gánh vác trọng trách vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi hai chị em chị lớn khôn. Bây giờ hai chị em chị đã có gia đình riêng, có cuộc sống riêng, không lẽ chị muốn mẹ chị chết già ở nhà nhìn lên bàn thờ chồng mà khóc thương cho số phận.

Ở cuộc sống hiện đại hôm nay, lẽ ra chị phải có cái nhìn thoáng hơn về đối nhân xử thế. Mẹ chị có quyền được sống cuộc sống của riêng bà ấy, có quyền yêu màu son hồng, đi giày màu đỏ và có quyền bước lên sàn khiêu vũ với một người bạn khác giới chứ. Chị không nên ích kỷ và áp đặt cả sở thích thời trang của mẹ. Chị không thấy Bà Hillary Clinton khi ra tranh cử tổng thống ở tuổi 70, bà diện cả những bộ vest đỏ rực, hoặc vàng rực và tô son đỏ chói đấy thôi. Những lúc ấy trông bà thật đẹp. Mẹ chị là một người phụ nữ mạnh mẽ. Mẹ chị đã hy sinh cả cuộc đời mình, ở vậy nuôi các chị khôn lớn, giờ các chị có gia đình riêng, cũng nên để mẹ tìm những niềm vui cho bản thân mình. Mẹ chị không làm gì sai cả để chị em chị phải xấu hổ, tổn thương.

Chị hãy suy nghĩ lại và nếu chưa từng yêu mẹ thì hãy bắt đầu lại từ đầu. Tôi lại thấy mẹ chị đáng được các con yêu thương và trân trọng khi bà sống lạc quan và không than thở số phận. Bà không bắt ai gánh hộ bà cái gánh nặng buồn phiền đau khổ của bà, kể cả các con của bà. 

Ai cũng có nhu cầu tình cảm, mẹ chị góa bụa từ lúc 28 tuổi, các chị nên tôn trọng tình cảm riêng tư của mẹ, ủng hộ mẹ để cho bà được quyền sống vui vẻ, và bà được yêu thương thì mới là người con có hiếu chị Huyền My à.  Kính chúc chị sức khỏe và có một niềm vui sống mãnh liệt như mẹ chị.


ANTG CT số 192
.
.
.