Độc đáo bút pháp của hoàng đế triều Nguyễn trên Châu bản

Thứ Bảy, 30/04/2016, 13:07
Đến với triển lãm "Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn”, người xem sẽ được 'tận thấy' bút pháp ngư phê độc đáo, nét chữ đa dạng, được đóng dấu bởi hệ thống ấn triện của các vị vua triều Nguyễn.

Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2016), ngày Quốc tế Lao động (1/5) và lễ hội Festival Huế 2016, Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm chủ đề “Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn”.

Khu vực Dực lang, Trường lang, Tử Cấm Thành, Đại Nội Huế thường được Trung tâm BTDT Cố đô Huế tổ chức các cuộc triển lãm liên quan đến triều Nguyễn.

Triển lãm trưng bày 100 phiên bản tiêu biểu được chọn từ 773 tập Châu bản gốc (khoảng 85.000 văn bản trên 400.000 trang tài liệu), gồm nhiều loại hình văn bản như chiếu, chỉ, dụ, dụ, chế, sắc do hoàng đế ban hành.

Biểu là văn bản của các triều thần, quan lại và thần dân dùng để tạ ơn và tạ lỗi với các vị hoàng đế. Đây là bản biểu các trực tỉnh chúc mừng nhân ngày lễ Vạn Thọ, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).

Đặc biệt, qua các phiên bản châu bản, người xem có thể chiêm ngưỡng bút pháp ngư phê độc đáo, nét chữ đa dạng, được đóng dấu bởi hệ thống ấn triện của các vị vua triều Nguyễn trên các tấu, phiến, phúc, biểu, truyền thị, trát do triều thần hoặc quan lại ở trung ương, địa phương ban hành.

Bản khai của Phủ Tôn nhân trình chọn ngày khai ấn, ngày 11/1 năm Minh Mạng thứ 22 (1841).

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều Nguyễn, bao gồm tấu sớ, phụng thượng dụ, chiếu chỉ đích thân hoàng đế ngự lãm hoặc ngự phê. 

Bản phiến lục của Bộ lại xin dấu của ấn “Sắc mệnh chi bảo” đóng vào các đạo ban chiếu văn, năm Minh Mạng thứ 14 (1833).

Với những giá trị độc đáo ấy, năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Trong thời gian tại vị, hoàng đế Thiệu Trị đã để lại nhiều bút phê trên châu bản với các hình thức như châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ...


Anh Khoa
.
.
.