Xót xa đốt tiền thật vay tiền ảo đền Bà Chúa Kho

Thứ Tư, 17/02/2016, 20:01
Ngày 9 tháng Giêng, đã thành thông lệ, nhiều người ùn ùn kéo đến vay tiền, vàng của Bà Chúa Kho tại làng Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, TP Bắc Ninh. Những câu chuyện bi hài xung quanh quan niệm vay tiền đầu năm và cả thực trạng sử dụng vàng mã vô tội vạ để lại nhiều suy ngẫm.
     

Ngay ở dọc đường Ngô Gia Tự, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh cho đến dọc đường vào đền Bà Chúa Kho, chỗ nào cũng thấy người ta bày bán la liệt đồ vàng mã. Người mua bán tấp nập.

Vàng mã tràn ngập ở Đền Bà Chúa Kho.
 

Một ngày, người đi lễ lên tới con số hàng nghìn, thậm chí ngày đông có cả vạn người, chỉ tính 1/10 người đi lễ có dâng lễ vàng mã cúng, vay tiền thì số tiền thật chuyển thành tiền giả cũng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tại đền Bà Chúa Kho có hai lò hóa vàng, mỗi lò 3 cửa, đồ mã cháy ngùn ngụt suốt cả ngày. Biển cảnh báo: “Hạn chế hóa vàng mã” ở bên cạnh lò hóa vàng như để trang trí mà thôi. Đó chỉ là một lượng mã rất nhỏ mà người dân cúng lễ, vì theo quan niệm, người ta mang vàng mã đó về nhà hoặc “nhập kho” của đền để phát cho người đi lễ, cuối năm mới hóa.

Mâm 5 nghìn cây vàng.

Một lượng vàng mã khổng lồ theo chân người đi lễ về nhà. Thực tế đã có quy định về việc sử dụng vàng mã và xử phạt việc đốt vàng mã không đúng quy định. Nhưng, quy định đó không có hiệu quả đối với thực trạng đang diễn ra ở đây.

Nhiều năm nay, tình trạng Ban quản lý đền Bà Chúa Kho cùng chính quyền địa phương đã có nỗ lực dẹp bỏ tình trạng cúng thuê, khấn thuê. Tuy nhiên cho đến đầu năm nay, tình trạng đó vẫn diễn ra ở hầu hết các khu vực của đền.

Lò hóa vàng ngùn ngụt cả ngày.

Mặc dù nhà đền có các biển báo “không nhờ khấn thuê, lễ mướn”, nhưng những lời mời mọc: “Em để chị xin hộ”, “đưa chị làm lễ cho”… vẫn cứ làm phiền du khách.

Anh Trần Thanh Tâm ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội nói: “Tôi đi du xuân và theo tín ngưỡng thì cũng muốn xin Bà lộc rơi lộc vãi để mong một năm có kinh tế khá giả hơn. Cầu xin thì phải thành tâm và tự mình khấn, lễ chứ đâu cần người khác kêu hộ. Tôi nghĩ không nên nhờ người khấn thuê”.

Đến bao giờ thực trạng đốt vàng mã và chuyện thương mại hóa theo tín ngưỡng dân gian ở đền Bà Chúa Kho mới giảm đi? Câu chuyện có vẻ vẫn nan giải.

Đền Bà chúa Kho ở thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, TP Bắc Ninh có từ thời Lý, thờ bà Linh Từ Quốc Chế, nhân dân quen gọi là Bà chúa Kho. Bà là người có tài coi sóc triều chính, hoà hợp nhân tâm, gia tăng điền sản, phát triển nông trang, khi đến vùng này, bà có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, tích trữ lương thực.
Mùa xuân năm 1077, đại quân Tống kéo sang cướp nước ta, chiến tuyến sông Như Nguyệt được dựng lên để cản bước quân thù do Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy, vùng này trở thành kho hậu cần quan trọng nhất cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm, chiến thuyền cho quân đội nhà Lý chống Tống thắng lợi. Bà là người chỉ huy trực tiếp việc hậu cần được vua Lý trọng thưởng.
Sau khi bà mất, nhà vua hạ chiếu phong thần. Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ bốn mùa hương hoa cúng lễ. Năm 1989, Đền Bà chúa kho làm di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Dân gian cho rằng bà quản lý kho hậu cần nên nhiều người đến thực hiện nghi lễ tâm linh, vay mượn tiền đầu năm, trả Bà cuối năm.
Việt Hà
.
.
.