Xem lễ rước “vua sống” ở Hà Nội

Thứ Ba, 07/02/2017, 20:51
Đám rước kiệu dài đến hàng cây số, đi trong tiếng nhạc của phường bát âm, tiếng chiêng trống vang dội và tiếng hò reo của dân làng. Đó là khung cảnh lễ rước vua, chúa giả “độc nhất vô nhị” diễn ra vào sáng 7 – 2 (tức 11 - 1 âm lịch) ở đền Sái, làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội.

Hàng năm, vào đầu xuân năm mới, dân làng Thụy Lôi lại tổ chức lễ rước “vua sống” để tưởng nhớ sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp thành. Nhưng tiếng gà gáy núp ở núi Thất Diệu Sơn (núi Sái, làng Thụy Lôi) làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành.

Nhờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt ma gà trắng nên vua Thục mới xây xong thành.

Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái của Thất Diệu Sơn. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả. Tục rước vua, chúa giả bắt nguồn từ đó.

Bên cạnh rước vua và chúa, hội đền Sái còn rước 4 vị quan đại thần tượng trưng gồm quan Tán Lý, quan Thị vệ, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ cùng thê thiếp, con cháu của họ.

Khác với nghi thức rước vua truyền thống, vài năm trở lại đây, hội đền Sái rước vua, chúa bằng người thật.

Đoàn người rước “vua” dài đến cả cây số đang tiến vào đền Thượng.
Ngay từ sớm, hội đền Sái đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách thập phương.
Diện mạo của vua, chúa cùng 4 vị quan đại thần trong hội lễ năm Đinh Dậu.
Người được đóng vai vua An Dương Vương năm nay là cụ Nguyễn Văn Quý, 71 tuổi. Đây là một trong số ít bậc cao niên trong làng được tuyển chọn kỹ lưỡng, tuổi ngoài 70, gia đình văn hóa, con cháu đề hề, đầy đủ nội ngoại.
Người đóng vai chúa là cụ Lê Quang Toản, 69 tuổi. “Phải kiên trì qua làm quan rồi mới được lên làm vua, chúa, tôi và dòng họ rất tự hào khi được gửi gắm vai chúa năm nay”, cụ Toản chia sẻ.

Dù đã được buộc chặt nhưng chúa nhiều khi cũng bị chếnh choáng, nghiêng ngả khi chốc chốc trai đinh trong họ lại quay kiệu, lắc lư rồi tung hê nghe thật khí thế và vui nhộn.

Cụ chúa nhiều khi bị chếnh choáng bởi những màn quay kiệu đầy khí thế của trai đinh trong họ.
Dẫu một tay chúa nắm chặt tay vịn, nhưng tay kia vẫn liên tục hua thanh gươm để khuấy động khí thế.
Không chỉ người lớn, những em nhỏ trong làng cũng được hóa anh lính hòa vào dòng người rước kiệu.
Ngay từ sáng sớm, lực lượng công an đã có mặt để đảm bảo an ninh trật tự và phân luồng giao thông.
Dân làng và nhiều cựu chiến binh không quên ghi lại những khoảng khắc đầy tự hào trong hội lễ đền Sái.

Không chỉ là dịp để con cháu nhớ về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn to lớn của các vị vua, chúa ngàn đời, hội đền Sái còn là nét đẹp văn hóa dịp đầu xuân, là dịp để con cháu trong dòng họ quây quần, hướng về một năm mới nghĩa tình và trọn vẹn.

Mai Chi
.
.
.