Vở diễn “Gặp lại người đã chết” được trao giải B về học tập và làm theo Bác Hồ

Thứ Bảy, 16/05/2020, 08:50

Đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/(19/5/1890-19/5/2020), vở diễn “Gặp lại người đã chết” của Nhà hát Công an Nhân dân (CAND) được trao giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đây cũng là 1 trong 2 tác phẩm sân khấu được trao giải B (không có giải A) của Ban Tuyên  giáo Trung ương trong đợt này.



Tự hào và vỡ òa hạnh phúc là cảm xúc chung của các lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ, công nhân viên của Nhà hát CAND trong đêm trao giải 13/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND xúc động cho biết, mấy ngày gần lễ trao giải, các thành viên của đơn vị đều hồi hộp. 

Vở diễn “Gặp lại người đã chết” còn vinh dự được Ban tổ chức chọn mời diễn trích đoạn trong đêm trao giải, qua đó, nhiều người xem có dịp thưởng thức, đồng cảm hơn với hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ. Để có giải B nói trên và nhiều giải thưởng khác, sự yêu mến của khán giả xem vở diễn suốt 2 năm qua, các nghệ sĩ của đơn vị đã luôn nỗ lực không ngừng.

Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền cùng các đại diện tập thể, cá nhân đạt giải B tại lễ trao giải tối ngày 13/5

Chuyện kịch “Gặp lại người đã chết” kể về cuộc sống, chiến đấu trong lòng địch của các cán bộ chiến sĩ điệp báo lực lượng Công an thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì nhiệm vụ, Bảo Yến (nghệ sĩ Hồng Lê thủ vai), Trần Đức (nghệ sĩ Việt Tùng) chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh tình yêu. Bảo Yến về làm vợ của đại úy Dũng (Quốc Thắng thủ vai). Dũng là một sĩ quan Ngụy, từng lờ mờ nghi ngờ người vợ trẻ là người của cộng sản cài vào hoạt động trong nội thành. Khi sự việc bị bại lộ cũng là lúc Dũng bị trùm mật thám khét tiếng Ba Tẩu (NSƯT Hồng Tuấn) ép ra chiến trường “hứng đạn”. Dũng bỏ trốn. Bảo Yến trao con cho đồng đội, nhắn gửi tìm lại cha ruột – chiến sĩ điệp báo Trần Đức, còn chị ở lại đối mặt với kẻ thù…

Kết thúc chiến tranh đã lâu, ở khu nghĩa trang liệt sĩ, một người cựu binh già vẫn ngày đêm chăm lo cho những ngôi mộ gió. Ông chính là chiến sĩ điệp báo Trần Đức năm nào. Những ngôi mộ gió được ông xây và coi như những ngôi nhà để các đồng đội đã mất tích năm nào, trong đó có người yêu xinh đẹp Bảo Yến.

Nghệ sĩ Nhà hát CAND diễn trích đoạn "Gặp lại người đã chết" tối 13/5

Thực hiện di nguyện của Bảo Yến và đoán định các đồng đội của mình đã hy sinh,  bác sĩ Trang, nữ đồng đội được Bảo Yến gửi lại con năm xưa đưa con trai của Trần Đức, Bảo Yến tìm kiếm ở các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Một ngày, họ tìm đến đúng nghĩa trang nơi ông Trần Đức đang trông coi, đọc thấy đúng tên tuổi của Bảo Yến và những người đồng đội của bà ghi trên các tấm bia của những ngôi mộ gió. Hai cha con ông Trần Đức tìm lại được nhau sau nhiều chục năm thất lạc…

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay triển khai xây dựng tác phẩm, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền kể rằng, chuyện kịch là những câu chuyện có thật của các chiến sĩ điệp báo Công an trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được kể trong bút ký “Trở về” của Đại tá Phạm Văn Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND. Chị đọc tập bút ký này trong một lần cùng các cán bộ chiến sĩ đi lưu diễn, xa nhà. Xúc động trước những câu chuyện có khi đẫm máu và nước mắt của những chiến sĩ điệp báo năm nào, nữ nghệ sĩ lập tức đề xuất lên cấp trên cho đưa lên sân khấu. Ý tưởng này được Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác  đảng và công tác chính trị rất ủng hộ. Tập bút ký “Trở về” được chuyển cho nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương chuyển thể thành kịch bản sân khấu.

Sau này, chính nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cũng chia sẻ với NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền rằng, ít có kịch bản nào khiến anh phải trăn trở nhiều như kịch bản “Gặp lại người đã chết”. Cốt truyện trong tập bút ký “Trở về” rất xúc động, hấp dẫn nhưng nhiều chi tiết chỉ có người trong lực lượng Công an, hiểu về Công an mới rành rẽ. Vì vậy, có thời điểm, giữa 3h sáng, NSND Nguyễn Công Bẩy (khi đó còn là NSƯT) bị chuông điện thoại của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương dựng dậy để… trao đổi về những chi tiết mà ông còn băn khoăn. 

Khi kịch bản được thông qua, lịch ra mắt vở diễn đã đến gần, Nhà hát lại chưa có sân khấu biểu diễn riêng nên phải tranh thủ chia nhau tập ở trụ sở đơn vị. Gần ngày tổng duyệt, các nghệ sĩ mới tập trung lên sân khấu được thuê – Rạp Công nhân để chạy thử. Dù tài năng như NSND Lê Hùng làm đạo diễn nhưng ngày tổng duyệt, các đại biểu, lãnh đạo xem vở diễn vẫn ngồi lại phân tích, góp ý kiến đến tận nửa đêm.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện, vở diễn được chọn tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, được trao giải Bạc. Diễn viên Hồng Lê, Hồng Tuấn đoạt huy chương Vàng. Việt Tùng, Quốc Thắng, Mỹ Duyên đạt huy chương Bạc. Trong cuộc “trà dư tửu hậu” với báo chí sau Liên hoan, biên kịch Lê Quý Hiền, một trong số những người “cầm cân nảy mực” tại Hội diễn cứ tấm tắc rằng anh không ngờ bản dự thi với bản dựng đầu lại khác xa nhau quá và các nghệ sĩ của Nhà hát CAND lại diễn xuất sắc như thế. 

NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền cũng tâm sự, chị không ngờ câu chuyện của cuốn hồi ký lại được đạo diễn NSND Lê Hùng chuyển tải thành công ngoài mong đợi. Cuộc sống chiến đấu khốc liệt mà hào hùng của các chiến sĩ điệp báo Công an năm xưa trong lòng địch, bối cảnh sông nước miền Nam được chuyển tải sống động như thể chính các nghệ sĩ đang trải qua những tháng ngày ấy. 

Sau này, “Gặp lại người đã chết” là một trong những vở diễn của Nhà hát được nhiều đơn vị trên cả nước mời diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ nhiều nhất. Những chia sẻ của lãnh đạo các đơn vị, những giọt nước mắt xúc động, tràng pháo tay cổ vũ của người xem trong mỗi suất diễn là hạnh phúc vô bờ đối với người nghệ sĩ. Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương lần này với đơn vị, các nghệ sĩ không chỉ là hạnh phúc mà còn là niềm tự hào, là động lực để tiếp tục cống hiến sáng tạo nghệ thuật, có nhiều tác phẩm hay hơn nữa.


Hoa Nguyễn
.
.
.