Vĩnh biệt Đạo diễn Châu Huế

Thứ Bảy, 05/03/2016, 19:15
Nghe tin đạo diễn Châu Huế, là một trong bốn người đầu tiên của Điện ảnh CAND đột ngột từ trần tối 3-3 tại nhà riêng ở quần Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, tôi tìm đến đạo diễn Anh Sinh, người rất thân với đạo diễn Châu Huế để hiểu thêm về những đóng góp của ông đối với điện ảnh CAND từ buổi đầu thành lập.

Đạo diễn Anh Sinh kể: ông và Châu Huế  học lớp điện ảnh khóa 3 (còn gọi là khóa chống Mỹ cứu nước). Tốt nghiệp năm 1967, thì năm 1968 cả hai ông cùng về Bộ Công an. Bấy giờ Bộ Công an rất muốn thành lập bộ phận điện ảnh, nhưng thiếu cán bộ.

Trước đó mới chỉ có hai ông Lê Tri Kỷ và Doãn Quế (Doãn Quế tốt nghiệp khóa 1 trường điện ảnh). Khi Anh Sinh và Châu Huế về, cả thảy có 4 người, đây là kíp điện ảnh đầu tiên của Công an nhân dân.

Khi bước vào hoạt động, thiếu đủ thứ, từ chất dán phim, đến bàn dựng đều không có. Sở dĩ mọi người vẫn hăng hái làm việc, là vì bấy giờ Châu Huế có bố là ông Châu Tường là phó giám đốc xưởng phim nhà nước, nên mọi khâu kỹ thuật có thể đi nhờ.

Bộ phim đầu tiên của Điện ảnh CAND là phim tài liệu “Chuyện chúng tôi” do Lê Tri Kỷ viết kịch bản, Doãn Quế đạo diễn, Châu Huế quay phim… nói về cuộc sống chiến đấu ở Trại giam số 1. Sau khi bộ phim hoàn thành, trại đã giúp đóng cho 2 bàn dựng phim thủ công quay bằng tay.

Trong thời gian Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Điện ảnh Công an nhân dân tăng cường đi quay tư liệu để ghi lại hình ảnh sinh động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta. Nhiều người chưa quên hình ảnh Châu Huế vác máy quay đứng trên tháp nước cao ở thị xã Phủ Lý quay cảnh máy bay Mỹ bắn phá đoàn tầu của ta và sự đáp trả của các lực lượng phòng không từ mặt đất.

Rồi Châu Huế và Anh Sinh nằm phục nhiều giờ trên những điểm cao của Thành Vinh để quay cảnh quân và dân ta đánh trả máy bay địch, khi chúng oanh tạc nhà máy điện Vinh. Rồi Châu Huế và Doãn Quế vào làm phim về các cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, lúc đó chưa xảy ra sự kiện bi thảm khiến 10 cô gái hy sinh.

Sau hòa bình lập lại, Châu Huế không làm quay phim nữa, mà làm đạo diễn. Các phim “Bài học nhớ đời” cảnh báo về sự lơ là mất cảnh giác sau chiến tranh của một số người trong ánh hào quang chiến thắng; phim “ Tội và Tình” kịch bản của Lê Tri Kỷ, là những bộ phim đầu tiên của đạo diễn Châu Huế.

Sau giải phóng mấy năm, Châu Huế chuyển ra ngoài tiếp tục công việc làm phim. Trong hàng chục bộ phim do ông làm đạo diễn sau này, bộ phim “Người con gái sông Dinh” nói về chiến công của một nữ điệp báo đã đoạt giải Cánh diều của Hội Điện ảnh.

Người yêu điện ảnh vẫn không quên những bộ phim như “Cô gái hát rong”; “Chuyện tình bên dòng kênh xáng”; “Những nẻo đường phù sa” (cùng đạo diễn Trần Ngọc Phong); “Ám ảnh xanh”… Đối với mảng đề tài về an ninh trật tự, ông vẫn rất tâm huyết.

Những ngày này ông đang dốc sức làm phim “Giữa hai bờ thiện- ác” nói về tướng cướp Bạch Hải Đường, tiếc thay phim chưa kịp hoàn thành, ông đã vĩnh biệt chúng ta. Trong tâm khảm của những người làm Điện ảnh CAND, nghĩ về Châu Huế là trân trọng một con người đã phấn đấu hết  mình, vươn lên làm tròn sứ mệnh của một người đạo diễn.

Hà Văn Thể
.
.
.