Việt Nam sẽ có Bách khoa toàn thư đồ sộ nhất với 70 chuyên ngành

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:52
Ngày 26-2, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học về “Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần thống nhất để có thể hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ này.


Việc biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) tổng hợp tri thức khoa học nói chung đã trở nên phổ biến và được cập nhật thường xuyên từ rất sớm, nhất là ở những nước phát triển. Ở Nga, Trung Quốc hay Âu – Mỹ, hầu như tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đều đã được soạn thành BKTT. Có đến hàng trăm bộ BKTT khác nhau, bên cạnh những bộ BKTT về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, công nghệ…

Đông đảo các nhà khoa học đã tham dự hội thảo biên soạn BKTT Việt Nam.

Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chính vì vậy, BKTT sẽ là một công cụ hữu ích. Trên thực tế ở Việt Nam, các công trình Bách khoa thư chưa có nhiều. Về Bách khoa thư địa phương mới chỉ có một vài quyển, Bách khoa thư chuyên đề hay lĩnh vực mới chỉ loáng thoáng một số ít như: Huyết học, dưỡng sinh…

Gần đây, Bộ Quốc phòng cho xuất bản BKTT quân sự Việt Nam; Bộ Công an cũng đang biên soạn một bộ cho ngành mình. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, ngân hàng BKTT hiện có ở Việt Nam còn quá nghèo nàn và thiếu thốn, cần thiết nhất phải xây dựng một đề án thống nhất, có cơ sở để hình thành một bộ BKTT Việt Nam chuẩn mực và chính xác.

Bộ BKTT Việt Nam sẽ biên soạn là loại hình tổng hợp, cỡ lớn, phản ánh những thành tựu, những tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam, từ khoảng hơn 70 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ… gồm 37 tập, có thể in và xuất bản trực tuyến.

Phát biểu tại hội thảo, GT.TS Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo, Chủ nhiệm Đề án cho biết: “Chúng ta cần phải thống nhất tư tưởng, trí tuệ, tri thức, văn hóa của con người Việt Nam. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập quốc tế cũng phải kế thừa tri thức của nhân loại.

Có mặt trong buổi hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học có chung một quan điểm là làm sao để có thể xây dựng một bộ BKTT Việt Nam chung và thống nhất, tránh những xung đột, tranh luận về sau là điều rất quan trọng.

GS. TSKH Vũ Quang Côn (đại diện các nhà khoa học thực hiện đề tài Công nghệ sinh học) cho hay: “Hiện nay, công nghệ sinh học là một trong 4 vấn đề chính quan trọng nhất của nhân loại, nó liên quan đến đời sống, sức khỏe của chính người dân. Vì lẽ đó, sinh học mang tính đặc thù riêng, phức tạp hơn rất nhiều. Liên Xô và Mỹ đã để lại những tác phẩm rất quan trọng. Tuy nhiên ở Việt Nam, BKTT còn chưa có hoặc rất ít, nhìn chung là ở mức rất thấp kém. Công nghệ sinh học rất rộng, nó liên quan tới phần lớn các ngành khoa học khác nên cần phải căn cứ vào nhiều vấn đề vào khả năng và đặc thù của từng ngành để xây dựng, chứ không thể riêng cá nhân ai có thể tự làm nên một quyển BKTT được”.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (đại diện các nhà khoa học thực hiện đề tài Vật lý, Thiên văn học) cũng cho biết: “Ngành vật lý, hầu như thâm nhập vào nhiều ngành khác, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên phân biệt rõ trong đó đâu là của Vật lý và đâu là của Vật lý với các ngành khác. Phải có tư liệu để tham khảo, đi đến hạng mục chung của toàn nhân loại, chính vì thế mà phải tiếp thu từ thế giới, để áp dụng thêm vào quyển BKTT của Việt Nam. Thuận lợi lớn nhất của nhóm chúng tôi là có cả một cộng đồng Vật Lý của Việt Nam ủng hộ nhiệt tình, có nhiều đồng chí đã nhiều tuổi, đã về hưu nhưng vẫn đồng ý tham gia hưởng ứng, tiêu biểu là ở Viện Vật lý và Hội Vật lý Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng về điều đó. BKTT là một sự liên kết và quan hệ chặt chẽ với nhau, chứ không riêng gì Vật lý nói riêng, do đó, chúng tôi rất cần có sự giúp đỡ và trao đổi với các ngành khác, để hoàn thiện hơn quyển BKTT về Vật lý của Việt Nam”.

Cảnh Vũ
.
.
.