Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX:

Văn trẻ, những thành tựu và hạn chế

Thứ Tư, 28/09/2016, 16:52
120 đại biểu đã về dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khai mạc vào ngày 28-9. Đây là dịp để tổng kết, đánh giá (5 năm một lần) và tìm hướng phát triển cho văn học trẻ; chuẩn bị và bồi dưỡng đội ngũ kế cận cho văn học Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo hội nghị những người viết văn trẻ hôm nay không phải đơn giản là chuẩn bị nguồn bổ sung, kế cận cho văn học, mà thực chất là góp phần chuẩn bị bồi dưỡng, xây dựng một đội quân văn hoá đủ sức chuẩn bị cho nhân dân ta bước vào ngôi nhà của xã hội công nghiệp”.

Toàn cảnh hội nghị đại biểu viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX:

Báo cáo, đánh giá khái quát về tình hình và lực lượng văn học trẻ từ 2010 đến nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam – Trưởng Ban Nhà văn Trẻ cho biết: “Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội. Hầu như văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, văn trẻ tham gia soi rọi, khám phá các vấn đề, các lĩnh vực xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những lí giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục. Những nhà văn trẻ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định: “Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đồng hành sát sao hơn nữa cùng các nhà văn, sẽ cố gắng có những hoạt động sôi nổi hơn, đều đặn, thiết thực hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ sáng tạo trẻ. Ban Nhà văn Trẻ sẽ tiếp tục chú trọng việc phát hiện và khuyến khích, động viên kịp thời những tài năng văn chương, những cây viết mới, đồng thời tư vấn, đề xuất tích cực với Hội Nhà văn về những kế hoạch cũng như những quyền lợi cần thiết của thế hệ trẻ”.


Đại biểu, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim (Báo CAND, Giải thưởng thơ, tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2004): “Dịp để lưu giữ những khoảnh khắc bên cạnh bạn bè”

 
“Đây là lần thứ 4 tôi được tham dự hội nghị viết văn trẻ. Những lần hội nghị luôn mang lại cho tôi nhiều dấu ấn nhiều kỷ niệm và tôi được lưu giữ những khoảnh khắc bên cạnh bạn bè.
 Năm nay, tôi có gặp lại một số bạn bè những lần tham dự trước, họ chủ yếu ở các tỉnh trở về Hà Nội với một niềm hứng khởi và đam mê văn chương rất lớn.
Năm nay, vì nhiều lý do nên Hội nghị không có những chuyến dã ngoại vui và “náo loạn” như những năm trước nhưng tôi tin rằng, Hội nghị Viết văn trẻ sẽ để lại nhiều dấu ấn cho những người viết trong quãng đường viết văn mà cả đời họ đam mê theo đuổi”.

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên (Giải 4 Giải truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội giai đoạn 2013-2014): “Văn chương là một cuộc sống khác của tôi”


 
“Tôi luôn nghĩ văn chương là một cuộc sống khác của mình, là nơi để bày tỏ cảm xúc, và tìm được tiếng nói đồng cảm. Những tác giả, những bạn văn trên mọi miền tổ quốc, có thể đã đọc của nhau, đã có lúc đồng cảm rồi nhưng chưa một lần gặp mặt.
Hội nghị viết văn trẻ chính là cầu nối, là điểm hẹn để đưa các nhà văn trẻ đến gần nhau hơn, gặp gỡ, kết bạn và hơn thế nữa để chia sẻ những kinh nghiệm viết lách, những điều tâm huyết của bản thân mình”.

Đại biểu, tác giả Du Nguyên (Báo CAND): “Văn học trẻ bị yếm thế và lọt thỏm”

“Văn học trẻ bị yếm thế và lọt thỏm trong không gian văn hóa đương đại chia năm xẻ bảy với nhiều hình thức giải trí và “văn hóa lướt” lên ngôi. Văn học trẻ chưa hấp dẫn, chưa chạm vào được lớp công chúng của mình. Nghĩa là nhà văn vẫn còn quá nhiều điều cần viết, cần làm.

Và tôi hi vọng, tham dự hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 này, tôi và những người viết trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, phục vụ cho nghiệp viết của mình”.
Cảnh Thảo
.
.
.