Trung thu bên dòng sông Hát cùng gần một trăm đội múa sư tử

Thứ Năm, 05/10/2017, 20:25

Nếu ai có dịp về xứ Đoài dự đêm hội trung thu tại xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) thì không thể quên được những ấn tượng khó phai về tết trung thu độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc của bà con nơi đây.

Hát môn là một xã đặc biệt, nhất xã - nhất làng (tức là tên làng trùng với tên xã), xã Hát Môn cũng chính là làng Hát Môn. Hàng năm, xã Hát Môn tổ chức nhiều lễ hội, lớn nhất vẫn là lễ hội đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng) vào ngày 6 tháng 3 âm lịch.

Tuy nhiên, có một lễ hội mà dân làng Hát Môn vẫn thường mong đợi, đó chính là lễ hội “Tết Trung thu”. Được coi là tết bởi đây còn là dịp đoàn viên, con cháu khắp nơi trở về đoàn tụ bên gia đình. Cùng với đó, bà con các khu vực lân cận cũng đến tham dự đêm hội trung thu bên dòng Sông Hát.

Dân làng Hát Môn tề tựu chuẩn bị cho đêm trung thu.

Có nhiều người khách đến và gọi đây là đêm “Hội Lửa” vì đâu đâu cũng đốt đuốc đỏ rực cả đường làng ngõ xóm. Từ lâu, xã Hát Môn đã nổi tiếng với hội múa sư tử vô cùng độc đáo. Không chỉ nhiều nhất về số lượng đầu sư tử được biểu diễn vào đêm trung thu (lên đến gần 100 đội múa sư tử) mà sư tử ở Hát Môn còn độc đáo ở nghệ thuật chế tác và nghệ thuật múa.

Theo ông Phùng Văn Hưng (Đội 10, xã Hát Môn), hoạt động múa sư tử có từ khoảng những năm năm mươi của thế kỷ trước, do một nghệ nhân có tên thường gọi là cụ Thu Lê đã đưa về và truyền thụ cho con cháu. Những năm khó khăn, gần đến hội rằm tháng tám, mọi người phải chuẩn bị tre, “mo tre” (một loại bẹ khô bám trên cây tre), giấy báo, nhựa sung…

Một đội múa sư tử biểu diễn trên đường làng.

Sau đó, các nghệ nhân sẽ sử dụng sơn ta, sơn màu vẽ và trang trí thành đầu sư tử. Ngày nay, do kinh tế phát triển, có xóm mua đầu sư tử trên phố Hàng Mã, song đa số vẫn tự chế tác để đảm bảo tính độc đáo, riêng có. Do vậy, có gần một trăm hội sư tử múa trong đêm rằm trung thu nhưng không đầu sư tử nào giống nhau.

Đêm rằm trung thu ở xã Hát Môn thực sự trở thành “Đêm hội hòa âm và ánh sáng”. Trong đêm trăng tròn ấy, tiếng trống vang trời, tiếng thanh la, tiếng kèn đồng, tù và,… hòa quện vào hàng vạn chiếc đuốc lửa cháy rực trời. Nét độc đáo thể hiện ở kỹ thuật múa sư tử, màn múa gậy điêu luyện Tôn Ngộ Không, màn phun lửa… đã làm nhiều người mới xem thực sự được trải nghiệm những cảm giác mạnh.

Một nam thanh niên phun lửa đẹp mắt.

Trong đêm đó, thanh niên trai tráng cởi trần để lộ những cơ bắp cuồn cuộn ngậm dầu phun vào những chiếc đuốc đang cháy, tạo thành những đám lửa muôn hình. Có thanh niên điêu luyện còn phun được để lửa bốc cháy thành hình trái tim để thực hiện màn cầu hôn với cô gái mình yêu ngay tại đềm rằm.

Mặc dù có đến gần một trăm đội múa sư tử lớn nhỏ nhưng với một tinh thần thượng võ, đoàn kết, tất cả các đêm hội trung thu qua từng năm không bao giờ để xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau hay gây rối trật tự công cộng, tất cả đều múa theo những hương ước, hương luật.

Các nam thanh niên trổ tài phun lửa.

Đầu tiên, các đội tập trung tại các nhà văn hóa thôn, điếm, xóm để múa màn cảm tạ trời đất, cầu may cầu phúc cho nhân dân, sau đó múa dọc hai bờ Sông Hát và điểm đến cuối cùng là trung tâm UBND xã Hát Môn. Múa sư tử bản chất là lễ hội cầu may, cầu an lành cho nhân dân nên trong động tác bái lạy, ai nấy đều hướng về phía đầu sư tử và thiện tâm nguyện cầu cho sự bình an, hạnh phúc.

Trong màn múa sư tử, đầu tiền là phần bái lạy, người múa sư tử cùng cả đoàn chạy đến trước khán giả thực hiện động tác bái lạy, chào, sau đó chạy lùi, thực hiện đủ 3 lần. Tiếp đó là màn múa gậy, múa đuốc, phun lửa, thi thoảng lại có những hồi trống giục, người cầm đuốc thực hiện động tác “ghè” sau đó nhảy tung người lên để phun dầu,…sư tử con chạy quanh sư tử mẹ và làm động tác quạt cho mẹ, âu yếm, ân cần. Ngoài ra, có nhiều người đeo mặt nạ muôn thú biểu diễn múa xung quanh cổ vũ.

Thanh niên xã Hát Môn náo nức trong đêm rằm trung thu.

Tất cả chỉ diễn ra một đêm duy nhất vào đúng ngày rằm trung thu (15-8 âm lịch), đến ngày hôm sau, tất cả những người nghệ sĩ đường làng, những chàng trai cơ bắp lại bắt tay vào công việc của mình, người đi công tác tại các cơ quan nhà nước, người đi học, những người con ở quê thì lại tiếp tục lao động, sản xuất với những nghề truyền thống như: trạm khắc, mộc, xây,…

Dù ai đi đâu về đâu, thì đêm trăng tròn tháng 8 (âm lịch) hàng năm, họ cũng gắng tề tựu về lại quê hương Hát Môn yêu dấu. Bên dòng sông Hát lịch sử, người dân Hát Môn sẽ cùng nhau tổ chức đêm trung thu độc đáo cho riêng mình, góp phần lưu giữ một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mà trong đời sống đương đại hiện nay, không phải nơi đâu cũng còn có thể gìn giữ được. 
Nguyễn Minh Hiển
.
.
.