Trưng bày, tọa đàm về báo chí Việt Nam 1946-1954

Thứ Ba, 20/04/2021, 17:47
Chiều 20/4, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1976: Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”. Đông đảo các nhà  báo nhiều thế hệ đã tham dự sự kiện.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà Trần Kim Hoa khẳng định: Báo chí chiến khu là sự độc đáo tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận về sự ra đời và đóng góp của những hoạt động báo chí tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng.

Nhiều nhà báo lão thành tham quan triển lãm

 Trưng bày chuyên đề và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1976: Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc” được nghiên cứu và khai thác, tái dựng với tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử gắn liền với một số hoạt động và sự kiện báo chí tiêu biểu. Đây là những hoạt động và sự kiện gắn liền với Thủ đô Hà Nội năm 1946 đầy bão tố, thù trong giặc ngoài, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh 75 năm trước và cuộc kháng chiến “9 năm  làm một Điện Biên”. Ở đó, báo chí cách mạng thực sự đã có một bước trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc... 

Tư liệu được trưng bày tại triển lãm

Với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6/1/1946) và Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), báo chí Việt Nam đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền và đấu tranh cách mạng, góp phần đem đến thành công của hai sự kiện trên. 

Tham gia tọa đàm có đông đảo đại biểu là các nhà báo nhiều thế hệ

Những bài viết, bài phóng sự, bài phỏng vấn và những hình ảnh đăng trên Quốc Hội cho chúng ta được chứng kiến và hình dung rõ nét hơn không khí sôi nổi, tự hào của đất nước trong thời điểm này. Quốc Hội là tờ báo chỉ xuất bản duy nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên, cập  nhật những tin tức, hình ảnh sinh động về Quốc hội Khóa I… Kháng chiến cứu quốc bùng nổ, tấm ảnh đã đi vào lịch sử của nhà báo Nguyễn Bá Khoản tiếp tục “kể” với chúng ta sự kiện Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc ra sao…

Triển lãm và tọa đàm cũng giúp công chúng tìm hiểu rõ hơn về Việt Bắc - cái nôi của báo chí Cách mạng. Từ 1947, Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi quy tụ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. 

Tại đây, nhiều cơ quan báo chí lớn từ Hà Nội đã di chuyển trụ sở lên, một số cơ quan báo chí lớn và nhiều báo chí khác chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Hội Nhà báo Việt Nam ra đời. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất được thành lập. Có thể kể những cái tên rất lớn, rất ấn tượng trong làng báo Việt Nam, đã xuất bản số đầu tiên ngay giữa chiến khu và đến với rộng rãi công chúng thời kỳ này như Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an mới…

Ban tổ chức cảm ơn các nhà báo lão thành tham gia tọa đàm 

Dịp này, nhiều tư liệu ảnh quý lần đầu tiên được trưng bày. Đó là hình ảnh, tác phẩm, hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt có bản gốc bức ảnh quý về Người, kèm bút tích chữ ký. Bức ảnh do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn chụp năm 1950, NSƯT Phạm Việt Tùng hiến tặng năm 2015. 

Lần đầu tiên, Bảo tàng công bố những bức hình chụp 71 năm trước của hai nhà báo của Việt Nam lần đầu tham dự Hội nghị OIJ năm 1950, thời điểm Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập tổ chức nhà báo quốc tế OIJ.  Những hình ảnh này do nhà báo Kaarle Nordenstreng, nguyên Chủ tịch OIJ từ năm 1976  - 1990 kỳ công khai thác từ Cơ quan lưu trữ Quốc gia Phần Lan tặng cho Bảo tàng…

Tại tọa đàm, nhiều nhà báo lão thành là nhân chứng lịch sử của báo chí kháng chiến, như các nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Hà Đăng, Đặng Minh Phương, Thái Duy… đã chia sẻ nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm làm báo một thời.


Hoa Nguyễn
.
.
.